Tin buồn

Các công ty con của Vinacafe: Phát canh thu tô?

Sau chuyến tiếp xúc cử tri ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo thanh tra một số Cty con của TCty Cà phê VN (Vinacafe) đóng tại huyện Cư Kuin, Đắc Lắc.

Tuy nhiên, vấn đề không phải các “nông trường quốc doanh” này có thực hiện đúng Nghị định 135/2005 về giao khoán đất nông nghiệp hay không, mà họ chỉ có thể chọn một trong hai con đường: Hoặc là giải tán, hoặc chèn ép người lao động theo kiểu phát canh thu tô để tiếp tục tồn tại.

Xem thêm:

giao khoan ca phe
Mỗi hạt cà phê thu được, người lao động gánh hàng chục khoản thu vô lý.

“Hỏa mù” phương án khoán

Đây không phải lần đầu lãnh đạo Bộ NNPTNT được nghe người dân Tây Nguyên tố khổ vì các Cty con của TCty cà phê Việt Nam, trước đó nhiều cử tri ở tỉnh Kon Tum cũng đã lên tiếng đề nghị giải tán các Cty này, giao đất lại cho người dân làm ăn. Không phải chỉ riêng Cty cà phê Ea K’Tur – huyện Cư Kuin, Đắc Lắc – mà bộ trưởng vừa đến, thực chất cả 25 Cty con của Vinacafe tại Tây Nguyên đều phát canh thu tô từ nhiều năm nay. Họ không đầu tư gì mà vẫn hưởng lợi từ mồ hôi, nước mắt của hàng vạn công nhân, nông dân nhận khoán vườn cây, đất trống.

Đầu tiên là phương án giao khoán vườn cây (cơ sở để ký hợp đồng) do các Cty con đưa ra, được Cty mẹ phê duyệt. Đó là một ma trận số liệu, với định mức kinh tế kỹ thuật rối rắm đến mức chuyên gia kinh tế cũng không hiểu gì, nhưng tựu trung đều có lợi cho bên giao khoán.

Theo đó các Cty khấu hao tài sản quá mức, kể cả các tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Định mức giao khoán “trên trời” bởi thứ nhất là một diện tích lớn cà phê già cỗi, cho dù không nộp khoán đồng nào cũng chưa chắc có ăn, nhưng các Cty vẫn muốn thu.

Thứ hai là người lao động phải trả giá cho những sai lầm trong quá khứ của ngành cà phê. Có thể thấy điều này qua hàng nghìn hécta cà phê tại 3 công ty 715A, 715B, 715C tại huyện M’Đrắc, tỉnh Đắc Lắc – do các đơn vị quân đội trồng, sau chuyển giao cho Vinacafe quản lý. Nơi này chỉ cách bờ biển Khánh Hòa 30km theo đường chim bay, đất đai, khí hậu không khác đồng bằng.

Bỏ vốn mới được… làm thuê

Tiếp xúc cử tri tại huyện Cư Kuin (Đắc Lắc), Bộ trưởng Cao Đức Phát nói ông chưa từng nghe chuyện các Cty cà phê để dân tự trồng, đến lúc thu hoạch thì bắt ký hợp đồng nhận khoán. Về nguyên tắc, điều này là không thể chấp nhận, nhưng vì sao nó vẫn phổ biến? Nghị định 135/2005 chỉ quy định hai hình thức giao đất trống: Hoặc Cty đầu tư 100% vốn, người lao động thực hiện và định kỳ được thanh toán tiền công, hoặc cả hai bên cùng đầu tư. Nhưng từ lâu, hầu hết các Cty con của Vinacafe đều không còn khả năng tài chính để đầu tư, buộc người lao động phải bỏ vốn mới được… làm thuê.

Một thực trạng khác là an ninh ở các địa bàn có Cty con của Vinacafe luôn luôn nóng bỏng. Bởi quá trình giải quyết tranh chấp, lẽ ra khởi kiện ở tòa án thì họ lại hành xử như thời bao cấp. Bảo vệ Cty đến vườn cây, đến tận nhà dân cưỡng bức thu sản. Với việc làm này, các Cty con của Vinacafe đang đổ thêm dầu vào lửa.

Công bằng mà nói, các “nông trường quốc doanh” thuộc Bộ NNPTNT, Vinacafe đã có đóng góp rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Tây Nguyên, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Nhưng vai trò tích cực đó chỉ phát huy trong thời bao cấp, phù hợp với cơ chế quản lý cũ, khi họ được Nhà nước rót tiền để thực hiện không chỉ nhiệm vụ kinh tế. Bước vào thời kỳ đổi mới, họ được chuyển thành Cty, rồi Cty TNHH một thành viên nhưng về bản chất vẫn là anh “nông trường quốc doanh”. Không chỉ làm ăn bết bát, chèn ép người lao động mà với quan hệ sản xuất lỗi thời, các “nông trường quốc doanh” đang kìm hãm sự phát triển của nhiều vùng đất badan màu mỡ ở Tây Nguyên. Đó là sự thật mà Bộ NNPTNT cần thẳng thắn nhìn nhận.

Mời bà con đón đọc chuyên đề: >> Vấn đề giao khoán ở Công ty cà phê Đak Đoa

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hung

    Đề nghị Bộ NN phải xem xét thực trạng này, đã từ lâu người dân phải gánh nuôi không các ông Nông trường cà phê(nay là công ty) không làm việc gì hết chỉ thu sản -> phơi -> bán mà vẫn cứ lỗ. Người dân còng lưng ra nộp sản, nuôi một bộ máy chỉ để uống nước trà/8 giờ lao động (Như Cty V-T, C P…)

    1. Hải Lý

      Đó cũng là mong muốn của biết bao người dân. Quanh năm làm rẫy làm nương mà năm nào cũng phải nộp rất nhiều sản, cho dù mất mùa cũng phải nộp. Còn những người trên công ty thì chỉ biết lấy đi mồ hôi nước mắt của họ.

  2. dinhnhi

    Những cánh đồng cà phê già cỗi bị vắt cạn kiệt từ nhiều chục năm nay cuả nông trường. Nay có trả lại cho nông dân thì cũng là gánh nặng cho họ … nhưng vẫn hơn là bị phát canh thu tô nhỉ .

  3. Trúc Lam

    Đó là một sự thật hơn cả thật. Nền kinh tế quan lưu bao cấp là mẹ đẻ ra các nông trường cà phê nói riêng, làm ăn yếu kém “quản lý quân quản”. Nhưng dù sao cũng để lại hình hài của kinh tế nhà nước, mặc dù nó có dị tật, nhưng có còn hơn không. Điều đáng nói là từ khi chuyển đổi sang mô hình “hoạch toán kinh doanh có lãi”, thì cái kiểu quản lý quái gở không hiểu từ đâu ra. Kinh tế Nhà nước XHCN mà quản lý theo kiểu “phát canh thu tô”, và kiểu “điền trang thái ấp” mà vẫn tồn tại hàng chục năm. Ở các Nông trường các Công Ty cà phê hầu như quyền dân chủ bị triệt tiêu. Mời đại diện Nhà nước tiếp tục đến huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum lắng nghe ý kiến của các công nhân đang trồng cà phê và cả những công nhân vì cà phê mà thất nghiệp.

  4. cafe dilinh

    Ở Di Linh, Lâm Đồng cũng có công ty cà phê phát canh thu tô. Đề nghị Bộ Nông nghiệp thanh kiểm tra các công ty này và giao lại đất cho nông dân chúng tôi, chứ để cho một nhóm người ngồi mát ăn bát vàng, ăn trên mồ hôi nước mắt của nông dân chúng tôi. Các ông các cấp bộ hãy thương dân và vì dân chúng tôi mà quan tâm đến chúng tôi.

  5. Vu duy Anh

    Những Cty cà phê ở Đăk Hà có những ha cà phê già cỗi chỉ thu được 6 tấn cà phê mà phải nộp sản 5 tấn rồi không biết còn 1 tấn nữa có đủ tiền phân ,tưới công hái và lấy gì đẻ ăn nhỉ? mà giám đóc vẫn được ca ngợi hoành tráng vì hoàn thành tốt nghĩa vụ với nhà nước. Ngiệt ngã thật. Nếu về Đắk Hà đi từng gia đình tìm hiểu thì có những gia đình làm công nhân mình chẳng biết đặt họ vào hộ gì vì nghèo cũng không đúng, vì nếu bán hết tài sán thì cũng vẫn còn nợ số tiền cũng ngang với hộ giầu của những hộ làm cà phê rẫy.

  6. nguyen thi thuy hang

    Nông dân Di Linh cũng chung cảnh ngộ rồi. Ở huyện Di Linh của tôi ít lắm cỡ mấy trăm hecta thôi à. Chắc kêu trời ơi cứu con !

  7. nguyễn lên

    Anh Phát thân mến! anh làm bộ trưởng bộ nông nghiệp & ptnt mà
    Người dân phản ánh đó là thực trạng hiện nay ở Đăk Lăk, mong Bộ có trách nhiệm bỏ chút ít thời gian vàng ngọc đi kiểm tra rừng tự nhiên của huyện krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk, ở xã Vụ bổn thử hiện nay có còn cây gỗ nào to phi từ 10 đến 20 cm không toàn là cây bụi ở những nơi sỏi đá mới còn lại, tôi cho rằng hiện nay rừng, cà phê mà nhà nước giao cho các nông, lâm trường quản lý thì đến nay căn bản các vị “siêu lâm, nông tặc” đã giải quyết xong những cánh rừng bạc ngàn trước đây đã trở thành khu dân cư, cây tự nhiên đang sinh trưởng, phát triển ngon lành thì nay trở thành khu rừng trồng cây tạp, cà phê thì già cổi năng suất kém không có kế hoạch cải tạo vườn càphe mà cứ ngồi nghĩ ra những khoản thu có lợi cho cán bộ là được, không lẽ dân phản ánh thực tế như vậy mấy bác không nghe thấy? ngồi trên cũng đồng lòng với những việc làm của lãnh đạo cấp dưới nếu như vậy dân chúng tôi không cần phải nói nửa, mà ngồi chơi xơi nước hàng ngày để nhà nước lo cứu đói cho khỏe, chứ nai lưng ra làm mà không có hiệu quả thì làm gì cho mệt .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85