Nước mắt công nhân cà phê – Bài 2: Tư duy cũ lỗi thời

Chỉ còn nắm chưa tới 15% diện tích cà phê trên khu vực, nhưng hầu hết công ty cà phê thuộc sở hữu nhà nước đều bộc lộ rõ nhiều bất cập về quản lý, đầu tư lãng phí, thua kém hẳn so với lối sản xuất năng động, triệt để tiết kiệm của nông dân.

Xem thêm: >> Vấn đề giao khoán ở Cty cà phê Đăk Đoa

Không ít cán bộ đảng viên thấy rõ điều này đã mạnh mẽ đề nghị đổi mới cơ chế.

Đảng viên đi đầu

Những lá đơn phản ánh nhiều sai phạm của các Cty Cà phê (CP) được ông Phạm Văn Chúc ghi chép, tính toán rất cẩn thận. Đây là hồ sơ đòi quyền lợi cho công nhân đầu tiên mà chúng tôi nhận được từ nguyên lãnh đạo một Cty CP.

Ông Chúc 65 xuân, 33 tuổi Đảng, hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 3A thị trấn Đắk Hà huyện Đắk Hà (Kon Tum). Về hưu sau 19 năm phó giám đốc, 3 năm quyền giám đốc Cty CP Đắk Hà, ông không ngần ngại tận dụng khối kinh nghiệm, kiến thức của một người “sống lâu trong chăn” để tranh đấu, chỉ vì “lương tâm của một đảng viên”.

Bằng nhiều tài liệu, ông Chúc vạch rõ: Các Cty CP đã áp dụng sai Nghị định 22 về lương tối thiểu, làm trái Nghị định 135 và Thông tư 102 về cách giao khoán cả đối với CP và ruộng lúa, thu quá mức khấu hao giá trị vườn cây, vẽ thêm nhiều khoản “quản lý phí”, thu quá tỉ lệ đóng các loại bảo hiểm, mà vẫn được lãnh đạo Tổng Cty CP VN đồng tình.

Năm 2004, Cty CP Đắk Hà thí điểm bán 50 ha CP bắt đầu già cỗi theo chỉ đạo của Tổng Cty CP VN, với giá 45.000đồng/cây CP trồng từ 20 năm trước, mật độ bình quân 1.300 cây CP/ ha, ưu tiên giảm 20% nếu người mua đang là công nhân nhận khoán trên diện tích đó, công nhân nào muốn mua mà chưa đủ tiền thì Cty vay giúp trả chậm 3 năm qua ngân hàng. Nhiều công nhân phấn khởi mua liền.

Tới nay, cả 50 ha CP đó đều được thâm canh tốt nên năng suất bình quân vẫn đạt từ 3,5- 4 tấn/ha, không ai cần vay vốn để tái canh như hàng vạn ha CP quốc doanh khác- Ông Chúc kể- Tiếc rằng chủ trương đúng này sau đó lại ngưng.

Ông Trần Minh Thụy, doanh nhân Sao đỏ đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk- đương kim giám đốc kiêm Bí thư hơn 20 năm của Cty CP Phước An- Đơn vị thuộc hàng anh Cả trong khối doanh nghiệp CP quốc doanh cả nước, chia sẻ: Đắk Lắk đang chủ trương cổ phần hóa (CPH) vườn cây các Cty CP thuộc tỉnh. Với nghề nông, lợi nhuận làm ra chủ yếu từ sức người, nên vườn cây hết khấu hao mà CPH là chuyện… khó! Phương án nhà nước sở hữu 51%, nhà đầu tư 49%, mời chẳng ai ngó! Cá nhân tôi thấy phương án bán vườn cây cho người lao động được quyền sở hữu là cách làm tốt nhất!

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Tôi cho rằng không nên duy trì mô hình Cty CP quốc doanh làm gì nữa. Nông dân đã tự làm tốt hơn rồi. Bộ phận trung gian nên chuyển qua làm các dịch vụ kỹ thuật, chế biến, lưu thông, xuất khẩu. Quản lý kém hơn dân thì ôm làm gì? Có mạnh dạn cởi bỏ những trói buộc vô lý thì nước mới mạnh, dân mới giàu được!

Để cho nước mạnh, dân giàu

Thực tế chứng minh khi tận thấy vườn cà phê xen tiêu cực kỳ sai trái sau nhà ông Hoàng Văn Đồng, công nhân đội 2 Cty CP Cư Pul.

Ông Đồng chứng minh bằng khu vườn sai quả của mình.
Ông Đồng chứng minh bằng khu vườn sai quả của mình.

Khu vườn rộng 8.000m2 này ông Đồng đã tích góp nhiều năm để mua làm sở hữu riêng. Với trình độ thâm canh chi li của ông, năm ngoái trừ xong mọi chi phí, 8 sào vườn lãi ròng 200 triệu đồng, năm nay dù giá cà phê đang rớt đậm, ông vẫn dự tính lãi không dưới 300 triệu đồng. Vậy mà với 1 ha CP nhận khoán của Cty, thì năm nào trừ xong chi phí lẫn sản lượng nộp, ông chẳng còn tí gì đem về. Ông tính: Trên 8 sào này tôi trồng được đến 700 trụ tiêu và 800 cây cà phê. Mỗi vụ, 1 trụ tiêu bình quân cho 5 ký hạt khô, 1 cây cà phê cho khoảng 4 ký CP nhân. Vậy mà tôi trồng tiêu xen vào lô CP khoán, Cty lại chặt, vừa phí của vừa quá xem thường người lao động!

Khoảng nửa triệu người lao động trên Tây Nguyên đang gắn bó đời mình với cây CP dưới 3 loại hình sở hữu: Chủ vườn rẫy tư nhân, công nhân thuộc các Cty do tỉnh quản, hoặc công nhân thuộc các chi nhánh do Tổng Cty CP Việt Nam quản lý. Trong đó, cá nhân sở hữu tới hơn 85% tổng diện tích CP được toàn quyền quyết định cho mảnh đất của mình sinh ra lợi nhuận cao nhất, không phải còng lưng nuôi bộ máy trung gian.

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, chỉ riêng Lâm Đồng- tỉnh thu ngân sách và thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất- là địa phương từ lâu không còn tồn tại mô hình sản xuất CP quốc doanh nào. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo 2 Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở NN&PTNT Lâm Đồng xác nhận: Toàn bộ diện tích cà phê của tỉnh đều thuộc sở hữu cá nhân, tha hồ dân làm giàu, sản lượng hàng hóa rất dồi dào, nhà nước khỏi ôm đồm lo lắng!

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, rõ ràng hiệu quả hoạt động của nông lâm trường ai cũng thấy vẫn kém hiệu quả! Tại Hội nghị triển khai công tác sản xuất kinh doanh năm 2013, nhiều đại biểu ngạc nhiên khi nghe lãnh đạo Tổng Cty CP VN báo cáo đang lỗ luỹ kế tại Tổng Cty mẹ 382,5 tỷ đồng (chưa kể nhiều nghìn tỷ nợ xấu mà các chi nhánh bên dưới đang ôm) nhưng vẫn kiến nghị được vay 1.969 tỷ đồng để tái canh 11.000 ha cà phê; Xin cấp bổ sung vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng; Xin xóa nợ ODA 61 tỷ đồng; Xin xử lý nợ AFD 211 tỷ đồng; Xin tạo cơ chế vay khoảng 4.500 tỷ đồng để mua trữ CP xuất khẩu 100.000 tấn/năm v.v… Chỉ phát canh thu tô mà chuốc nợ vào túi ngân sách nặng như thế, lại ngáng trở quyền lao động sáng tạo của cả vạn con người, liệu mô hình quốc doanh lỗi thời này có nên tiếp tục tồn tại?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Thiên Nga

    Tôi là tác giả bài báo. Mời các bạn xem tiếp kỳ II và tiếp tục cho ý kiến phản hồi , đặc biệt các ý kiến cung cấp thêm thông tin xác thực từ các bạn liên kết, nhận khoán ở các Cty CP để hỗ trợ cho tác giả bài viết. Xin chân thành cảm ơn.

    1. Nam Ngu

      Bài viết của bạn rất hay và đúng thực tế. Việc gì dân làm tốt thì nên để dân làm, cố giữ là phản ánh lợi ích nhóm của một số người có lợi ích trên mồ hôi nông dân mà thôi.

    2. Ngô Phú Hiển

      Chào Hoàng Thiên Nga
      Năm 1982-1983 trong đợt tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi của Phòng giáo dục huyện Krong Ana tôi thuộc môn Toán, có biết một Hoàng Thiên Nga thuộc môn Văn. Từ đó đến nay chưa có dịp gặp lại, không biết có phải bạn đó không?

      1. Nông dân 1/2

        Thấy 2 anh chị tình cờ nhận ra nhau qua diễn đàn Y5 sau 30 năm thật là ly kỳ, thú vị. Tôi đọc mà cũng thấy vui sướng, cảm ơn diễn đàn Y5 và chúc 2 anh chị vui vẻ.

    3. le van son

      muốn cung cấp thêm thông tin xác thực liên kết, nhận khoán ở Cty CP để hỗ trợ cho tác giả bài viết thì làm sao đây tác giả ?

    4. Nguyễn Như Trung

      Bài viết của bạn không phải là Công ty cà phê Đắk Hà mà công ty đó đóng chân trên địa bàn huyện Đắk Hà

  2. Dak ha

    Tôi thấy đất nước cứ nghèo mãi thôi nếu cứ tồn tại các loại DN nhà nước kiểu này. Nhà nước giao đất họ ngồi thu sp mà nộp thuế thì kg

  3. Trongnho

    Chẳng qua vào làm công nhân cho các côg ty cà phê để hưởg chế độ về hưu khi tuổi về gìa thôi, chứ nói đến cuộc sốg hằg ngày thì gặp nhiều khó khăn. Nói đến cà phê dù là đi côg nhân, hay các hợp tác xã cà phê sạch người lao độg cũg bị thiệt thòi hết, ban đầu thì cho đủ thứ để thu hút dân vào thôi. Đã nói là làm kinh tế, liên quan đến tiền bạc, thì khôg có côg ty hoặc HTX CÀ PÊ SẠCH nào mà họ đem quyền lợị tới cho người lao động cả, mà do sức của người lao động bỏ ra, chẳg qua chỉ có một nhóm người mà họ cho làm cán bộ hưởg lợi thôi, ta thường thấy nhửg người phe nhóm cục bộ thôi (có đôi bài báo tâng bốc họ mà khôg biết được họ có làm tốt như họ nói khôg)

  4. Trongnho

    Chuyện qua rồi, giờ mới nói thì muộn qúa rồi. Mấy ôg hồi xưa làm cán bộ bây giờ về hưu, hạ cánh an toàn rồi, giờ mà tố giác … cũng tham ô, hối lộ, do khôg cùng bè cánh với nhau. Bây giờ thời hiện đại rồi ông ơi, hồi còn ở nt 701 cũg tham ô với bớt xớt gạo, tiền của côg nhân chẳg ra gì… bây giờ về hưu rồi… hồi đó mà ông tố cáo như trog bai báo như bây giơ thì côg nhân chúg tôi có khổ như bây giờ đâu.. Ở 701 rồi qua Đak Uy 3… chúg tôi còn lạ lùg gì mấy ôg cán bộ 701 nữa (tác giả bài báo về Dakha cũng nên đi sâu về dưới người dân lao đông là biết liền, sự thật bao giờ cũg tồn tại mà)

  5. lê công thủ

    Bài viết khá sâu về thực trạng ngành cafe, phóng viên cũng nên về Đăk hà thông tin nhiều lắm. Có rất nhiều cái bất cập mà người dân thấp cổ bé họng chẵng nói nên lời. Nhà nước nên thay đổi mạnh mẽ thì “nhóm lợi ích” trong ngành cafe may ra mới bị xóa sổ. Thật tội nghiệp cho những bà con từ miền trung gặp nhiều rủi ro về thiên tai chuyển lên Tây nguyên làm công nhân cho đến khi qua đời vẫn còn để lại cho con bản “di chúc” gánh nợ. Chính những lúc này chúng ta phải thực hiện chỉ thị 03 của BCT về Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

  6. Trường Tùng

    Theo tôi bài viết có đoạn cần kiểm chứng lại “Ông tính: Trên 8 sào này tôi trồng được đến 700 trụ tiêu và 800 cây cà phê. Mỗi vụ, 1 trụ tiêu bình quân cho 5 ký hạt khô, 1 cây cà phê cho khoảng 4 ký CP nhân”. Không hợp lý.

    1. Hoàng Thiên Nga

      Mật độ trồng trên vườn của ông Đồng là rất dày ! Theo nhận xét của Viện trưởng Viện KHNLN Tây Nguyên là không ổn lắm về lâu dài. Nhưng hiện tại các số liệu đó đều xác thực.

      Các bạn có thể cung cấp thông tin cho tác giả qua email : [email protected]

      Cảm ơn các bạn đã quan tâm và hưởng ứng. Tất cả các đấu tranh này cũng chỉ vì vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, đúng như mục tiêu Nghị quyết của Đảng đấy thôi !

    2. MUF

      Trồng giống tôi đó, không dày lắm đâu, sau khi cà phê không ra gì, ở mỗi ngã tư tôi trồng một trụ tiêu, phải cắt xén cà phê gọn lại, không cho cành cà phê xòa vào tiêu. Năng suất cà phê cỡ 2kg, tiêu cỡ 3kg thôi, nhưng như vậy cũng rất VIP rồi. Tôi thì quên cả chăm cà phê, tiêu và chỉ tiêu !

  7. minh

    Mô hình không hợp lý nên thay đổi. Để lâu làm khổ người lao động, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Hiệp hội cà phê Vicofa hãy đi đầu lên tiếng với chính phủ.

  8. nguyen dan thuy

    Nói như tác giả bài báo thì quá đúng, nhưng nếu nhà nước bán thẳng vườn cà phê cho công nhân thì tốt thật nhưng hỏi bạn còn dội ngũ hàng ngàn người ăn lương gián tiếp ai sẽ nuôi họ đây?

  9. phuceadar

    Xin hỏi bà con công nhân như vầy: Nếu giao đất lại cho bà con thì lấy gì để nuôi cán bộ , lảnh đạo đây? Bấy lâu nay nhà nước đào tạo tụi tui làm cán bộ để lãnh đạo bà con công nhân. Bây giờ không còn công nhân nữa thì tụi tôi lãnh đạo ai đây ?!

  10. Dậy

    Bà con cứ yên tâm chính phủ đang tái cơ cấu DN nhà nước mà. DN nào làm ăn hiệu quả thì tồn tại thôi chứ đâu còn thời bao cấp, đất nước hội nhập WTO và chuẩn bị gia nhập PPT rồi mà …

  11. trung

    Ở Nghê An cũg vây cái công ty 1 thành viên làm ăn bầy hầy quá người dân đang rất khổ. Tôi mong các nhà chức năng nhìn vào xem điển hình ở Tây Hiếu…

  12. Lê Tài

    Tôi nghĩ việc bán vườn cây cho người lao động là một cách giải thoát cho người lao động rất hay. Ví dụ như lấy trong bản thân gia đình tôi đây thôi, gia đình tôi có một rẫy cà phê nằm ngoài trước quốc lộ 27. Tuy nhiên do đất là đất của nhà nước nên không thể sử dụng được tài nguyên sẵn có đó là đầu tư vào kinh doanh, đó phải chăng cũng là một sự giải thoát cho người nông dân. Ngoài ra người nông dân có thể vận dụng sự sáng tạo của họ trong việc xen canh, thâm canh để cải thiện cuộc sống. Đó là một bài toán rất là hay. Tôi cảm thấy theo TS Nguyễn Ngọc Báu nói rất hay: “Bộ phận trung gian nên chuyển qua làm các dịch vụ kỹ thuật, chế biến, lưu thông, xuất khẩu. Quản lý kém hơn dân thì ôm làm gì? Có mạnh dạn cởi bỏ những trói buộc vô lý thì nước mới mạnh, dân mới giàu được!”. Hi vọng rằng những sự góp ý này đến được bộ trưởng nông nghiệp và PTNN để có thể có được sự cải thiện đáng kể cho nhà nước. Thực sự đây là một bài toán hay.

  13. vũ kim quy

    Các công ty thuộc địa bàn Đắc Lắc cho thấy hình thức lãnh đạo công ty sử dụng khoán theo 135 nhưng không rõ ràng, mập mờ mục đích cuối cùng là phát canh thu tô càng nhiều càng tốt. Tại những công ty này nỗi khổ người dân gấp nhiều hơn thế họ thu sản phẩn không theo hợp đồng đã ký, mà theo kiểu báo nợ của Giám đốc, cà phê hết chu kỳ kinh doanh vẫn báo khấu hao lần 2, đúng là có một không hai trên đất nước này. Còn nữa dân nhập cà phê vào kho cho Giám đốc chỉ bán và thu tiền mà lỗ gần 50 tỷ, vay ngân hàng để tiêu xài 60 tỷ. Ôi trời khủng khiếp quá, còn sản xuất không cần biết, và nhiều thú khủng khiếp nữa. Nhà nước phải ra tay dẹp “Địa chủ kiểu mới” thôi. Cây ca cao còn khổ nữa CT chỉ đầu tư giống và ít phân năm đầu rồi bỏ luôn, khi vào kinh doanh định lượng 3 tấn nhân/ha để thu tỷ lệ…

  14. ngohuong

    Tiến sỹ Lê Ngoc Báu Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nói lên tất cả, ngàn ngàn… bà con mong muốn nhà nươc hãy sớm thực hiện nguyện vọng chính đáng là xóa công ty nhà nước từ trên xuống địa phương, giao cho dân làm lợi cho đất nước. Còn để ngày nào nhà nước còn phải bao cấp cho khối cán bộ ăn theo, ăn mát đất nước nghèo đi … cho con cháu trả nợ ư?

  15. vo diem vuong

    Tôi thấy tác giả nên đến thăm công nhân công ty cà phê Thắng Lợi, một địa chủ của thế hệ mới, công nhân khổ cực trăm đường. Chính phủ có chủ trương đa cây, đa con để nâng cao thu nhập cho nhân dân nhưng ở đây chỉ độc canh một loại cây công nhân trông xen tiêu trong lô cà phê thì bị cán bộ công ty phá, mất mùa hay không công ty không cần biết mỗi năm đóng đủ bình quân 700kg CP nhân/1 ha cho công ty là được

  16. nongdanthamkho

    Xin chào nhà báo Hoàng Thiên Nga :
    Chung tôi là những người nông dân có nhận canh tác cà fe với Đại học Tây nguyên. Sau này đại học chuyển lại cho Công ty SXKD tổng hợp Krông Ana do ông Nguyễn Trọng Kiện làm giám đốc, chúng tôi thấy khuất tất mấy việc như sau mà không biết kêu ai. Mong sao nhà báo Hoàng Thiên Nga thâm nhập và làm sáng tỏ giúp nông dân chúng tôi với :
    Năm 1997, 1998 chung tôi hợp đồng canh tác nộp SP cho Đại học Tây nguyên là 20kg cà nhân xô / sào, trong đó 18kg là phí liên kết, 02kg là thuế nông nghiệp. Một thời gian sau Đại hoc Tây nguyên chuyện nhượng lại cho Công ty SXKD tổng hợp Krông Ana. Trong thời điểm nay nhà nước đã có chủ trương giảm bỏ thu thuế nông nghiệp cho dân, vậy mà Công ty vẫn thu 20kg cho đến năm 2012 và 2013. Có một số người thắc mắc thì công ty bày ra trò đổi sổ mới với các điều khoản không có lợi cho dân với chiêu bài ai đổi sổ mới thì được giảm 02kg/sào nhưng thục chất là 02kg này là thuế nông nghiệp đáng ra người dân đã được hưởng cách đây cả 10 năm rồi. Có 1 số ít người có hiểu biết họ không chấp nhận ký đổi sổ

    Phản hồi mâu thuẫn, không rõ ràng, nên không được hiển thị. BQT

Tin đã đăng

Tin mới nhất

92