Giá cà phê đã hết nguy?

Theo đà cuối tuần trước, giá cà phê nội địa và sàn cà phê Robusta kỳ hạn tiếp tục tăng. Liệu có bền vững? Đâu là nguy cơ giảm lại?

Giá cà phê tăng nhờ yếu tố bên ngoài

Áp thấp nhiệt đới đem mưa lớn về và xả lũ của các đập thủy điện nằm dọc các tỉnh miền Trung đã gây lụt lội nghiêm trọng, giá tuần trước đang ở các mức thấp nguy hiểm, bấy giờ mới chịu “ngoi” lên lại. Phản ứng tăng mạnh của sàn kỳ hạn cà phê robusta đối với đợt “đại hồng thủy” này rất rõ nét, tuy vẫn chưa có thống kê chính thức nào đưa ra con số chính xác thiệt hại về diện tích và sản lượng cà phê do trận lũ lụt tai hại ấy gây nên ở các tỉnh Tây Nguyên.

Bắc cầu từ cuối tuần trước, sàn kỳ hạn robusta suốt tuần tăng đều với một cú nhảy mạnh bất ngờ ngay vào ngày đầu tuần, thứ Hai 18-11 khi đóng cửa tăng 55 đô la/tấn trong một ngày giao dịch.

bieu do gia ca phe theo tuan 23-11-2013
Biểu đồ: Giá đóng cửa kỳ hạn robusta 3 tuần đầu tháng 11-2013

Thật vậy, giá cà phê đã có một cú lội ngược dòng đẹp mắt từ mức dưới 1.450 đô la/tấn vào ngày 14-11 để tăng lên trên 1.623 đô la/tấn trong phiên giao dịch vào ngày hôm qua, thứ Sáu 22-11-2013. Đáng tiếc, ngay giữa ngày giao dịch, giá kỳ hạn London thúc thủ, quay đầu giảm nhanh.

Đóng cửa ngày cuối tuần, sàn robusta Liffe NYSE chốt mức 1.576 đô la/tấn cơ sở tháng giao dịch chính, giảm 23 đô la so với hôm trước nhưng cả tuần tăng 65 đô la.

Trong khi đó, giới đầu cơ “hàng giấy” dự đoán giá sàn Ice arabica sẽ xuống dưới mức “tâm lý” 100 cts/lb dù cách nay mươi ngày đã có lúc sàn này đã về cận mức “báo động đỏ” ấy. May mà mấy ngày qua, giá arabica đã không xuống mạnh như dự đoán, tạo điều kiện vững thêm cho giá robusta. Giá sàn Ice arabica hôm qua đóng cửa mức 107,50 cts/lb, giảm 3,90 cts so với hôm trước và suốt tuần giảm 1,60 cts/lb hay 35 đô la/tấn.

Tuy ngày cuối tuần giá giảm, nhìn chung thị trường nội địa khá nhộn nhịp nhờ đợt tăng tuần này. Giá cà phê nhân xô trao đổi trong vài ngày gần đây có khi đạt mức 32.000 – 32.300 đồng, tăng thêm 1.000-1.300 đồng so với tuần trước, nhưng tăng trên 4.000 đồng so với mức thấp nhất trong niên vụ mới này. Sáng nay, thứ Bảy 23-11, giá nội địa theo giá sàn kỳ hạn chỉ còn 31.500 đồng/kg, tăng 500 đồng so với tuần trước.

Giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ đang được chào cộng từ 10-20 đô la/tấn, không mấy thay đổi trong những tuần gần đây. Lượng bán ra vẫn không đủ mạnh nên xuất khẩu chưa được nhiều. Một số nhà phân tích dự kiến lượng xuất khẩu trong tháng 11-2013 chỉ chừng 70-80.000 tấn, so với ước báo của Tổng cục Hải quan là 61.100 tấn trong tháng 10-2013.

Thử lý giải vì sao giá cà phê tăng?

Động cơ giá tăng đợt này không chỉ nhờ thông tin bão lũ. Thị trường phản ứng trước tin các cơ quan tham mưu đã trình chính phủ cho thực hiện kế hoạch tạm trữ cà phê. Lượng và thời gian tạm trữ chưa được công bố rộng rãi, song nhiều người ước cà phê được giữ lại chừng từ 200-300 ngàn tấn trong thời gian từ 6-12 tháng.

Cơ chế tạm trữ chưa được tiết lộ song đây sẽ là một thử thách lớn cho chương trình này. Trong khi tại các sàn kỳ hạn, đứng trước tin được mùa ở cả bốn “ông lớn” là Brazil, Việt Nam, Indonesia và Colombia, sản lượng cả hai loại arabica và robusta đều tăng mạnh, giới đầu cơ trên hai sàn kỳ hạn đang đầu cơ giá xuống.

Tại Brazil và Colombia, chính phủ hai nước này đã và đang ra tay hỗ trợ ngành cà phê vì giá bán đã xuống dưới giá thành sản xuất. Brazil đã quyết định sách giãn nợ cho nông dân trong khi Colombia bù chênh lệch giữa giá bán so với giá thành.

Trên sàn kỳ hạn arabica, mấy ngày nay, đầu cơ đang có khuynh hướng mua bù những hợp đồng trước đây đã bán khống. Tính đến hết ngày 19-11, ngày báo cáo thường kỳ gần nhất, đầu cơ còn giữ 22.936 lô bán khống các hợp đồng gồm kỳ hạn và quyền chọn, sau khi đã mua để giảm bớt trên 5.000 hợp đồng so với nửa tháng trước đó. Mua mới và mua bù để thoát vị thế bán khống thường giúp giá tăng, ngược lại, bán sẽ làm giá giảm.

Nguy cơ giá giảm vẫn chực chờ

Mặt khác, tin đồn cho rằng trong phiên họp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuối tháng vừa qua, FED có thể sẽ thu hẹp chương trình kích cầu trong thời gian tới “nếu có bằng chứng kinh tế Mỹ phục hồi”. Tuy chỉ là yếu tố “bên ngoài”, nhưng lại rất quan trọng vì nhiều lần trước đây, khi có tin đồn này, các thị trường tài chính đều giảm. Khi lượng tiền của chương trình kích cầu này bị thu hẹp lại, các quỹ đầu cơ sẽ giảm đặt cược. Để kích thích tăng tưởng, FED đã bơm mỗi tháng chừng 85 tỉ đô la mua lại trái phiếu vào nền kinh tế Mỹ.

FED và nhiều nước châu Âu cũng đang tìm cách khống chế lượng giao hàng của từng người tham gia các sàn kỳ hạn nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn giá cả tại một số thị trường trong thời gian qua như thị trường ngoại hối, sàn kỳ hạn vàng, dầu thô, ca cao, cà phê…Yếu tố này sẽ làm giảm tính thanh khoản của các sàn kỳ hạn, lượng tiền vào ra sẽ ít đi, giao dịch bớt nhộn nhịp.

Chính phủ Brazil chấp nhận giãn nợ cho nông dân mà không có bất kỳ biện pháp nào để giảm sức bán hay giảm sản lượng để cân đối cung-cầu của thị trường khi cung đang mạnh, đó có thể cũng là yếu tố làm thị trường sụp ngày hôm qua.

Tồn kho cà phê Mỹ giảm

Báo cáo định kỳ hàng tháng của Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) ước tính tính đến hết tháng 10-2013, tồn kho cà phê hạt trong tầm quản lý của GCA tại Bắc Mỹ còn 5.190.417 bao (60 kg x bao), giảm 256.388 bao so với một tháng trước đó, nhưng lại tăng 248.975 bao so với cùng kỳ năm trước. Lượng tồn kho này không bao gồm cà phê đang được trung chuyển còn nằm trong công-ten-nơ và lượng hàng nằm tại các cơ sở rang xay, chế biến thành phẩm rải rác tại các xưởng kho tư nhân tại Mỹ và Canada. Hai nước này ước tiêu thụ chừng 476 ngàn bao/tuần và lượng tồn kho không tính gộp ấy tương đương 1 triệu bao.

Như vậy, tổng lượng tồn kho cà phê tại đó có thể sử dụng trong vòng 13 tuần. Nhìn vào lượng tồn kho hàng thực này, các nhà kinh doanh chuyên nghiệp hiểu rằng thị trường nhập khẩu Bắc Mỹ sẽ giữ nhịp hoạt động bình thường, không vội mua vào. Vì trước mắt, từ các nước xuất khẩu như Brazil, Colombia, Mexico, vùng Trung Mỹ và Việt Nam, lượng hàng còn phong phú.

Tóm lại, với mức giá hiện tại, sản lượng cà phê thế giới trong vài ba năm tới đây cần phải giảm rõ rệt để giá mới có thể có điều kiện tăng bền vững nếu xét về cung-cầu. Tuy nhiên, do đầu tư lớn, không dễ gì nông dân các nước chặt cây cà phê để trồng thứ khác. Xem ra thị trường cà phê phía trước vẫn chưa hết gian nan.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hữu-Krông năng

    Theo quan điểm về PTKT của tôi thì cà phê Robusta kỳ hạn tăng lên trong tuần qua chỉ là điều chỉnh tạm thời, sau cú rớt giá mạnh từ 1750 xuống còn 1435, giá đang “test” lại mốc 1600 và có vẻ như không thể vựot qua mốc này. Sóng chính đang là sóng giảm, khả năng tuần sau giá sẽ tạo gap giảm giá ( nếu điều này xảy ra thì giá cà phê sẽ tiếp tục giảm).

    1. Văn Chinh

      Ở bài viết trước bạn có nói nếu giá lên được 1.600 thì sẽ tiến tới vùng giá 1.740 => 1.780. Bạn nghĩ gì về điều này?

      1. Hữu-Krông năng

        Mình nói là lên 1600, và phá được ngưỡng cản này nha Bạn (vì theo mình đây là mức cản tâm lý quan trọng)

  2. MUF

    “Theo quan điểm về PTKT của tôi thì cà phê Robusta kỳ hạn tăng lên trong tuần qua chỉ là điều chỉnh tạm thời, sau cú rớt giá mạnh từ 1750 xuống còn 1435, giá đang “test” lại mốc 1600 và có vẻ như không thể vựot qua mốc này. Sóng chính đang là sóng giảm,” nhưng khả năng tăng giá trở lại không phải là không có, nếu vượt được mốc 1600 thì sẽ tăng đến 1800 – 2000, …, v.v và v.v, (nói chung PTKT thì nói sao cũng được), anh nào hên thì trúng thôi, muốn biết chính xác hẹn bà con vào thứ sáu tuần sau! chúc bà con may mắn, sức khỏe, trúng mùa trúng giá!

  3. KB HAI DI LINH

    Qua hai bài phân tích Kỹ thuật trên một người nhận định thời gian tới hướng giảm và một người nhận định thời gian tới hướng tăng. Như vậy sẽ có một người nhận định đúng.
    Nhưng mà ai đúng để tôi theo và mọi người cùng theo ?

  4. phuhoang

    Ván này không chẵn thì lẻ!. Không lên thì xuống! không thể 6 ngày 1 giá. Theo tôi thì lên nhưng dưới 100 USD/ tuần.

  5. Chư Sê

    Người nông dân suốt đời phải trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa , trông nắng, trông ngày, trông đêm…

  6. vanhofas

    Đa số Cà trái trong dân đã thu hoạch gần hết, giờ chỉ còn Cà ở các HTX, Nông Trường.
    Như vậy thì nhu cầu tiền mặt trong giai đoạn này sẽ tạm lắng. Vậy thì cứ theo PTKT giảm đi, rồi 2-3 tuần nữa tăng cũng được, lúc đó trùng với giai đoạn chuẩn bị Tết của bà con.
    Mong 1 cái Tết ấm áp hơn vậy.

  7. Đakkan

    dân trồng cà phê ở Ngọc Hồi-Kon Tum được trời thương chiều qua 24/11 cho một trận mưa lớn bất ngờ, nhiều nhà bị trôi cà phê đang dở khóc dở cười rồi.

  8. Y - Hnuaêban

    Giá Cafe đã hết nguy ? XIN THƯA LÀ…CHƯA NHÉ. Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi , rất có khả năng tất cả các gói QE đều bị cắt hoặc giảm tối đa thì giá Cafe sẽ thế nào đây ?
    Hiện nay rất nhiều bà con đi vay tiền Bank về chi tiêu nhằm giữ lại cafe, cũng là một giải pháp nhưng vấn đề là liệu có hy vọng khả thi gì không thì… khó nói trước diều gì. Tạm đưa vào công thức 50/50.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

92