Cà phê: Ai dám ép giá xuống?

Tin siêu bão Haiyan đổ bộ vào khu vực miền Trung Việt Nam đã kéo giá cà phê hai ngày cuối tuần lên lại. Thu hoạch cà phê chậm thêm phen nữa. Giao dịch cà phê chưa mấy rộn ràng.

Tin bão nâng giá cà phê

Sau giá cà phê rớt xuống mức 28.000-28.500 đồng/kg ở những ngày giữa tuần, sáng nay thứ Bảy 9-11, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên lên lại mức 29.000-29.500 đồng, tương đương với cuối tuần trước, khi có tin siêu bão Haiyan sẽ đổ bộ vào miền Trung nước ta.

Thu hoạch đã bắt đầu nhưng sẽ phải ngưng lại và còn tùy thuộc vào thời tiết: liệu có áp thấp nhiệt đới đem mưa nhiều về sau cơn bão hay không.

Thị trường lắng đọng chờ bão. Giao dịch trên thị trường nội địa vẫn chưa khởi sắc do nông dân chê giá thấp. Vả lại, nhiều nơi đang lo chống bão và thu hái chưa xong nên cũng không mặn mà với mua bán.

Giá xuất khẩu được chào quanh mức cộng từ 20-50 đô la/tấn FOB (giao hàng tại cảng đi) nhưng khách mua chỉ muốn trả quanh mức ngang giá niêm yết sàn kỳ hạn với lượng mua hạn chế.

“Dù chào giá cao hơn Liffe NYSE, mức ấy vẫn chưa chốt được vì chỉ quanh mức 1.500 đô la/tấn là cùng, chưa đảm bảo được vốn”, một nhà xuất khẩu tại tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Hai ngày cuối tuần giá robusta Liffe NYSE tăng lại sau khi chạm mức 1.450 đô la/tấn. Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua thứ Sáu 8-11, sàn kỳ hạn cơ sở tháng 1-2014, nay là tháng giao dịch chính, tăng 16 đô la, chốt mức 1.476 đô la/tấn so với ngày hôm trước nhưng cả tuần lại giảm 13 đô la (xin xem biểu đồ).

Tại sàn Ice New York, giá arabica cũng yếu, suốt tuần giảm 1,5 cts/lb (chừng 33 đô la/tấn) chỉ còn 107,10 cts/lb. Đồng real Brazil (BRL) yếu với 2,31 BRL ăn 1 đô la Mỹ, đã kích thích bán ra.

Cà phê chất lượng cao: chưa bán

Theo bản tin hàng ngày của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) ra hôm qua thứ Sáu 8-11, xuất khẩu trong tháng 10-2013 của Brazil và Colombia đều “đạt con số kỷ lục của năm và cao hơn cùng kỳ năm trước”.

Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafé) cho biết xuất khẩu tháng 10 Brazil đạt 3,096 triệu bao (60 kg/bao), tăng 6% so với 2,919 triệu bao cách đây một năm. Trong đó, arabica đạt 2,71 triệu bao tăng 7,5%, robusta đạt 88.000 bao tăng 46%, cà phê hòa tan giảm 12% đạt tương đương 290.000 bao, rang xay đạt tương đương 3.820 bao, tăng 24%. Như vậy lũy kế xuất khẩu 12 tháng của nước này tăng 9,8% so với cùng kỳ 2012, đạt 31,414 triệu bao.

Cùng thời gian này, Colombia xuất khẩu đạt 833.000 bao, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay đạt 7,58 triệu bao, tăng 34%, Liên đoàn Cà phê Colombia cho biết. Colombia là nước chuyên xuất khẩu cà phê arabica loại chế biến ướt cực ngon, dự báo năm này sẽ xuất khẩu chừng 9,5 triệu bao. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước rằng sản lượng Colombia niên vụ này dễ dàng đạt 10,5 triệu bao và năm tiếp theo lượng xuất khẩu có thể tăng thêm chừng 1 triệu bao là khả năng khá hiện thực.

Nhờ Brazil và Colombia tăng sản lượng và xuất khẩu, nỗi lo thiếu cà phê chế biến ướt trên thị trường thế giới giảm sau khi nạn nấm hại lá cây cà phê arabica tại nhiều nước Trung Mỹ gây tổn thất ước chừng 2-3 triệu bao.

Tin trên đáng làm cho những đơn vị chế biến ướt robusta của ta phải lo lắng. Trước đây, khi arabica chế biến ướt còn ít và giá còn rất cao, các nước tiêu thụ đã mua mạnh robusta chế biến ướt, là loại được chế biến công phu có chất lượng dịu và ngon nhất từ các công ty cà phê chuyên nghiệp, xuất thân là các nông trường làm ăn bài bản. Khi arabica quá cao và giá chưa cạnh tranh, robusta chế biến ướt có khi bán được với mức cộng 500-600 đô la/tấn trên giá niêm yết sàn kỳ hạn.

Song, đến nay, nhiều đơn vị có loại cà phê này vẫn chưa “mở hàng” vì một mặt nhu cầu mua đang yếu, mặt khác giá niêm yết trên sàn kỳ hạn đang xuống quá thấp, nên chào “cộng cao quá thì khách không mua, cộng thấp quá thì công ty không lời, đành phải chờ thời cơ vậy”, ông Phạm Văn Phổ, trưởng đại diện văn phòng Công ty Cà phê MTV Eapok, tỉnh Daklak tại Tp. HCM cho biết.

Người trồng cà phê đang chịu áp lực lớn

Tuy hàng bán ra chưa mạnh, nhiều nông dân đã tỏ ra “ăn không ngon ngồi không yên” khi thấy giá cà phê xuống từng ngày. “Sáng nay lại nghe cung vượt cầu trên VTV1 nữa, không biết giá sẽ về đâu. Còn nông dân thì cứ bán ra đều đều chắc nó lại rớt tiếp… Giá cà phê trước mắt và tương lai vẫn chưa có gì sáng sủa…”, một người có tên Lê Sơn Hải bộc bạch trên diễn đàn của trang thông tin thị trường “giacaphe.com” vào ngày 7-11.

“Chúng tôi sẽ bán ra lượng vừa đủ, gia đình cần tiền tiêu dùng bao nhiêu sẽ bán ra bấy nhiêu chứ không bán một lần vì bán ở giá này thì lỗ chết”.

__Ông Trần Hữu Toản, Di Linh

Trong cuộc họp tổng kết niên vụ do Hiệp hội Cà phê Ca cao tổ chức ngày 1-11-2013 tại Tp. HCM, một quan chức hiệp hội ước rằng sản lượng cà phê niên vụ tới của Việt Nam giảm 15%, song những nơi khác đều đưa ra tỉ lệ ngược lại, tăng từ 10-15%, thậm chí có dự báo nêu rõ ước báo sản lượng bằng các con số cụ thể 29-30 triệu bao, là mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Chưa nói dự báo đúng hay sai, tâm lý đang đè nặng lên những người trồng cà phê. Vì mới cách nay 8-9 tháng, giá đang còn 43.000-45.000 đồng/kg thì nay chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg. “Mấy mức 28-30 ngàn đồng/kg, nông dân cầm chắc lỗ”, ông Phổ quả quyết.

Tuy nhiên, ít người tin rằng giá cà phê sẽ quay về bằng giá “cà pháo”. Họ lý luận rằng ngoài việc “mặt bằng giá nhiều hàng hóa khác tăng, xăng dầu, phân bón, gạo cơm, vật dụng thường nhật tăng, công lao động và thu hái cũng đang ở mức trung bình chừng 150.000 đồng/ngày công, tăng gấp 3 lần so với vài năm trước đây”, ông Trần Hữu Toản, một nông dân tại Di Linh cho biết. Cho nên, “chúng tôi sẽ bán ra lượng vừa đủ, gia đình cần tiền tiêu dùng bao nhiêu, sẽ bán ra bấy nhiêu chứ không bán một lần vì bán ở giá này thì lỗ chết”, ông Toản nói.

Thật vậy, vài năm trở lại đây, thị trường cà phê đã chứng kiến một bộ phận nông dân không còn lo sợ đến nỗi phải bán ra cấp tập bằng bất cứ mức nào như các năm trước, vì kinh tế gia đình nay khá hơn nhờ được giá cà phê mấy mùa qua. Họ sẽ bán ra chỉ khi nào rất cần. Nếu được như vậy, thì nỗi lo “giá cà phê bằng cà pháo” sẽ giảm bớt đi nhiều.

Mặt khác, người tiêu thụ và các hãng rang xay cũng đã có kinh nghiệm khi đưa cà phê về bằng giá cà pháo trong những năm 2000-2001. Bấy giờ, chỉ chừng 4.000-4.500 đồng/kg. Giá thấp, nguy cơ vườn bị bỏ bê không chăm sóc, thậm chí nhiều nước sản xuất chặt bỏ cà phê, gây nên thiếu hụt lớn và sẽ đẩy giá lên cao.

Nông dân nhiều nước sản xuất đang kêu gọi “cứu giá” vì giá cà phê đang giảm xuống dưới giá thành. Liệu lời họ có được lắng nghe hay thị trường sẽ phải đau đầu vì thiếu hụt cà phê trong vài năm tới?

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Các nhà ĐẦU CƠ QUỐC TẾ đang làm giá xuống để ĐẦU CƠ TRỤC LỢI!
    Nông dân ta nên cảnh giác và theo dõi sát để đưa ra quyết định đúng!

  2. Nông Cà

    Khẩn, để lo liệu bố trí thu hoạch cà phê!
    Theo Dự báo của Khí tượng Nhật Bản:
    Đang hình thành áp thấp mới hôm qua 9/11/2013, có thể thành cơn bão số 15:
    – Vị trí: 135 kinh độ đông, 3 vĩ độ bắc.
    – Di chuyển theo hướng tây 20km/giờ
    – tốc độ gió 70 – 100 km/giờ.
    Nếu di chuyển song với dường đi của bảo 14, thì cơn bão này sẽ vào Tây nguyên và Nam bộ.
    bà con nên theo dõi sát tình hình để lo liệu thu hoạch và phơi phóng cà phê!

  3. lê khánh

    Các nhà đầu cơ quốc tế tại sao họ lại nắm được thóp chúng ta, bởi vì sao? Đơn giản là vì các DN cafe VN làm ăn tốt quá mà… hám lợi, chỉ thấy được lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái hậu sau này, quản lí kém cỏi, DN thì mọc như nấm sau mưa để bây giờ thì nhau giải thể. Bây giờ chỉ chúng ta mới cứu được bản thân mình, mạnh mẽ lên các bác, với cái giá cafe như thế này nếu bán ra chẳng khác gì đem bán đi ý chí của con người VN cả. Đừng vì vài ba con sâu mà để nó làm hỏng đi nồi canh, hỏng đi nền cafe của nước nhà…

  4. Trường

    Năm nay đầu mùa giá cà hạ nên gọi công hái dễ thật, năm ngoái chừng này gọi công hái khó khăn và phải chiều chuộng đến nơi đến chốn nếu không họ làm ngày trước, chiều về đòi tiền ngày sau biến tuốt. Tôi khuyên bà con không nên bỏ bê vườn cà, hiện giờ cà hạ giá nên các đại gia trồng cà phê sợ lỗ không giám đầu tư mạnh, dẫn đến vụ mùa năm sau sản lượng sẽ giảm. Ở chỗ tôi hiện nay số cán bộ làm cà phê rất nhiều, họ đầu tư dữ lắm, phá giá công liên tục, mình thuê 150 họ thuê 170. Nhưng tôi hỏi năm tới thế nào thì ai cũng nói đầu tư cầm chừng chờ thời cơ thôi. Bà con mình biết rồi sản lượng VN giảm suất thì điều gì xẩy ra thì ai cũng biết.

  5. vanhofas

    Những ngày cuối tuần rồi, một số đại lí ở Krong Pak – DakLak đã bắt đầu mua hàng với giá cao hơn giá thị trường. Trong khi những tuần trước đó (lúc giá đang hạ), thì luôn mua giá thấp hơn giá thị trường. Cái này rõ ràng ko phải là đại lí tự động nâng giá để gom hàng, mà chắc chắn là tác động nào đó từ các DN XNK.
    Bà con nào có thông tin tương tự thì chia sẻ thêm nha.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82