Mưa đá liên tục “oanh tạc”, dân trồng cà phê ngồi trên lửa

Liên tiếp những trận mưa lớn kèm theo đá lạnh trút xuống vườn cà phê đang vào thời kỳ đơm trái khiến nông dân sống nhờ vào cà phê không khỏi lo lắng về một vụ mùa “thất bát”.

Khi những nỗi lo lắng về cây cà phê trổ bông sớm gặp phải sương muối và thiếu nước tưới có thể gây ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch các phê vụ mùa 2013vừa qua đi thì nông dân trồng cà phê tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng lại đối mặt với những nỗi lo từ các trận mưa đá dồn dập đổ đến.

mưa đá ở lâm đồng
Mưa đá xuất hiện tại một vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Lâm Đồng gây lo lắng cho nông dân trồng cà phê

Khoảng 16h chiều 29/3, một trận mưa lớn kèm theo những viên đá lạnh bằng đầu ngón tay đã xuất hiện tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Đây được xem là địa bàn trồng cà phê lớn nhất nhì của tỉnh Lâm Đồng. Người dân địa phương cho biết, chiều cùng ngày, sau khi mây đen kéo đến kèm theo giông thì trận mưa lớn bắt đầu trút xuống. Lẫn trong hạt mưa có rất nhiều hạt đá lạnh to bằng đầu ngón tay, bằng hạt ngô rơi xuống, lăn tứ tung dưới sân.

Người dân địa phương cho biết, khi trời đổ mưa được khoảng 3 phút thì thì xuất hiện những tiếng động lớn vang lên từ phía mái tôn. Càng lúc càng nhiều nhìn ra sân thì thấy nhiều viên đá bi lăn phía dưới rồi tan ra. Hiện tượng mưa kèm theo đá này kéo dài vài phút.

Điều đáng nói, đây là trận mưa kèo theo đá thứ 3 xảy ra tại địa bàn này. Trước đó không lâu, hai trận mưa đá khác đã trút xuống đây, cường độ và độ lớn của các viên đá lớn hơn nhiều so với trận mưa đá chiều 29/3. Theo lí giải của những nông dân có kinh nghiệm lâu năm trong việc thâm canh cây cà phê, thời điểm hiện tại cà phê đang vào thời kì kết trái non, khi gặp phải mưa đá từ trên trời rơi xuống tạo nên va đập mạnh khiến các hạt non rụng xuống gốc.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa mà mưa đá còn gây ra nhiều tác hại lâu dài khác. “Nếu mưa đá hạt lớn rơi xuống hoặc mưa đá rơi theo 3 chiều thì sẽ là hiểm họa bởi ngoài việc đánh rụng quả cà phê non nó còn làm gãy cành cà phê, tước các nhánh…muốn phục hồi cây cà phê bị tàn phá kiểu như vậy phải mất vài năm” – Ông Bùi Đức Mạnh (47 tuổi, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng cà phê tại Di Linh) cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quế – Chủ tịch hội Nông dân xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, trận mưa có kèm theo đá mới xảy ra không gây thiệt hại nhiều cho cây cà phê cũng như nhiều loại hoa màu khác. Tuy nhiên, đây là cơn mưa đá thứ 3 xảy ra chỉ trong vài ngày là một hiện tượng thời tiết khác thường. So với những năm trước, mưa đá cũng xảy ra những chỉ 1 đến 2 trận.

“Năm trước trên địa bàn cũng xảy ra mưa đá và gây tổn thất khá nghiêm trọng cho nông dân trồng cà phê tại một số địa bàn của xã. Việc mưa đá xảy ra liên tiếp có thể gây hoang mang, lo lắng cho người dân, bởi hầu hết mọi người nơi đây cả năm chủ yếu sống nhờ vào hạt cà phê. Nếu bị mưa đá làm mất mùa thì rất nhiều người sẽ cơ cực” – Ông Quế chia sẻ.

Mưa đá là một hiện tượng thiên nhiên ít xảy ra nhưng lại có tác động không nhỏ tới sản xuất, có khi trở thành thiên tai nguy hiểm gây thiệt hại đáng kể cho một vùng, một địa phương nào đó. Hiện tại nông dân tại những vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Lâm Đồng đang “mất ăn, mất ngủ” trước nguy cơ một vụ mùa “thất bát” vì mưa đá.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. mạnh hùng

    thật đồng cảm cho những người nông dân đúng là:
    trông trời, trông đất, trông mây
    trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm
    trông cho chân cứng đá mềm
    …cafe lại chẳng lên thêm giá nào.

  2. trumanhoi

    Mình xin chia buồn với các bạn vùng Di Linh. Anh em nhà nông mình trăm thứ để lo…lo hạn hán…lo trộm cắp…lo mất mùa…lo mất gía…thu được hột cà phê thật vất vả!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87