Tin buồn

Cà phê Arabica liệu đã hết thời?

Giá cà phê Arabica đang có chuỗi ngày “thê thảm” nhất kể từ năm 1980 khi đang bước vào tháng giảm thứ 7 liên tiếp.

Kể từ đầu năm tới nay, giá cà phê Arabica đã giảm xấp xỉ 31% giá trị và hiện chỉ còn quanh mức 155 cent/lb (1 lb = 0,454 kg), tức khoảng 3.400 USD/tấn – mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 10/2010. Giá mặt hàng này cũng đã trải qua chuỗi 6 tháng giảm liên tiếp và đang bước vào tháng giảm thứ 7 – chuỗi thời gian giảm lâu nhất trong vòng 32 năm trở lại đây.

Mức giảm từ ngày 1/1 đến 8/6/2012 cũng đã gấp gần 4 lần so với mức giảm 8% của cả năm 2011. Năm 2010, giá cà phê Arabica tăng 77% – một trong những năm tăng ấn tượng nhất trong lịch sử.

Giá cà phê robusta mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản lượng và xuất khẩu, trong khi đó lại đi lên liên tục, với mức tăng 14% kể từ đầu năm. Hiện mỗi tấn cà phê robusta có giá 2.063 USD và cách đây ít ngày đã lên sát 2.200 USD – cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Giá cà phê Arabica thông thường đắt hơn cà phê robusta khoảng hơn 2 lần, nhưng giờ đây khoảng cách này chỉ còn chưa đến 1,7 lần – mức hẹp kỷ lục.

Giá cà phê Arabica giảm trong thời gian qua chủ yếu do đồng USD mạnh làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro trong khi kỳ vọng nguồn cung sẽ tăng mạnh từ Braxin và Colombia – hai nước sản xuất cà phê Arabica nhiều nhất thế giới.

Braxin dù vừa trải qua vụ mùa trong chu kỳ cho sản lượng thấp (chu kỳ hai năm một lần) nhưng nguồn cung vẫn cao hơn nhiều so với các chu kỳ sản lượng thấp khác. Giờ đây, nước này lại chuẩn bị bước sang vụ mới với sản lượng dự kiến lên tới 52 đến 55 triệu bao (1 bao = 60kg) – cao nhất từ trước tới nay. Colombia dự kiến năm 2012 sẽ đạt sản lượng cao nhất trong 5 năm trở lại đây với khoảng 9 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi và chương trình thay mới cây cà phê đã cho thu hoạch.

Biểu đồ giá cà phê Arabica
Biểu đồ giá cà phê Arabica từ đầu năm 2012 đến nay

Cà phê robusta được lợi khi mà cà phê Arabica đắt đỏ đã khiến các nhà rang xay chuyển sang mua loại nguyên liệu sử dụng chủ yếu trong chế biến cà phê hòa tan này nhiều hơn nhằm tiết kiệm chi phí. Giá còn được lợi bởi nguồn cung từ Việt Nam ra thị trường hạn chế khi người nông dân giờ đây đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chọn thời điểm bán hàng. Hoạt động đầu cơ đẩy giá lên mạnh trong thời gian qua cũng là lý do quan trọng.

Biểu đồ giá cà phê Robusta từ đầu năm 2012 đến nay
Biểu đồ giá cà phê Robusta từ đầu năm 2012 đến nay

Nhiều ý kiến cho rằng, sự biến động của giá hai loại cà phê chủ chốt trong thời gian qua đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho ngôi vương của cà phê Arabica, trong khi bắt đầu đưa cà phê robusta tìm về đúng vị thế của nó.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, cà phê robusta đang đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn bởi khoảng cách với cà phê Arabica quá hẹp sẽ thúc đẩy hoạt động đầu cơ chênh lệch giá và đầu cơ giá xuống. Giá cà phê Arabica rẻ nhất 2 năm cũng sẽ khiến nhà rang xay trở lại với cà phê có hương vị đặc biệt này.

Thêm nữa, vai trò của Việt Nam trong việc chi phối thị trường đang giảm sút khi nguồn hàng của vụ 2011/12 không còn bao nhiêu (khoảng 15% của vụ mùa) và mãi đến cuối tháng 11 mới thu hoạch vụ mới, trong khi Indonesia và Braxin (hai nước có tổng sản lượng cà phê robusta tương đương sản lượng của Việt Nam) đã đưa hàng của vụ 2012/13 ra thị trường. Và thực tế cũng đã chứng minh, từ khi Indonesia thu hoạch vụ mới (đầu tháng 5) tới nay, giá cà phê của nước này đã giảm đáng kể, từ mức cộng 200 USD/tấn so với giá giao tháng 7 trên sàn Liffe, xuống còn trừ lùi 5 – 10 USD, trong khi giá cà phê robusta trên sàn này đã mất 7,7% chỉ trong chưa đầy 2 tuần trở lại đây.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. VNS_BOOKBOOK

    Khi xảy ra tình trạng cách biệt giá giữa cà A và R nêu trên thì tôi thấy đáng lo hơn đáng mừng. Người trồng cà phê chỉ mong giá cà R tăng, còn mức chênh lệch có cao như năm ngoái (lên đến 4.000 USD) thì cũng được. Chứ tình trạng cứ giảm liên tục thế này e là không ổn.

  2. nongdancun

    Giá cà A gấp đôi cà R là hợp lý nhất. Cà A xuống quá thấp, mức tỷ lệ chênh lệch giữa hai loại cà co lại, không nhiều thì ít cũng gây áp lực lên cà R. Thêm nữa, sản lượng thế giới niên vụ 2012-2013 dự kiến cao kỷ lục, kinh tế thế giới -nhất là châu Âu- suy thoái, chưa có dấu hiệu gì sáng sủa. E rằng giá cà R của Việt Nam vụ tới khó có triển vọng lên cao hơn lúc nầy. Chỉ mong cho đừng xuống dưới 40k là mừng lắm lắm.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82