Tổng hợp thị trường cà phê tuần từ 10 đến 15/10/2011

Sức ép nguồn cung cà phê từ Việt Nam trước thềm vụ thu hoạch đã khiến giá cà phê robusta tại London có phiên giao dịch giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua.

Đầu tuần, giá cà phê tăng trưởng trái chiều. Tại thị trường London, giá cà phê robusta tiếp nối đà giảm điểm của tuần trước, trong đó có phiên ngày thứ Ba 11/10 giảm xuống mức sâu nhất trong vòng 10 tháng qua. Kỳ hạn giao tháng 11 xuống đứng ở 1.890 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1 xuống ở 1.913 USD/tấn. Mức giá xuống sâu này đã khiến hoạt động bán chặn lỗ diễn ra tương đối mạnh làm cho tình hình trên thị trường London tỏ ra căng thẳng.

Giá cà phê robusta nhân xô trong nước cũng lui về ở 41.900-42.000 đồng/kg, bằng mức giá của ngày 18/02  năm nay.

Tại thị trường New York có phiên đầu tuần tăng trưởng nhẹ, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1,65 cent lên đứng ở 226 cent/lb. Nhưng qua hôm sau có phiên đảo chiều làm giá cà phê arabica mất 2,6 cent của kỳ hạn tháng 12 để xuống ở 223,4 cent/lb.

Các nhà lãnh đạo những nước lớn của Châu Âu vừa cam kết sẽ đưa ra những biện pháp tích cực để giải quyết khủng hoảng nợ công của các nước trong khu vực Eurozone. Đồng thời, Slôvakia, quốc gia cuối cùng của khối Liên minh, cũng đã thông qua việc mở rộng quỹ cứu trợ châu Âu.

Tin từ cơ quan khí tượng thuỷ văn tư nhân Somar ở Brazil cho biết, cây cà phê đang bung hoa thuận lợi. Nhưng sản lượng vụ tới của nước này vẫn không thể lạc quan do thời tiết khô hạn kéo dài đã phá huỷ một số diện tích cà phê trước khi có đợt mưa giúp cho cây ra hoa gần đây.

Thông tin mưa bão liên tục xảy ra tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta nhiều nhất thế giới, cũng khiến thị trường quan ngại tuy rằng cung cà phê hiện nay chưa phải là nhu cầu thúc bách của các nhà rang xay.

Những nhà nông giàu kinh nghiệm của Việt Nam cho biết, cây cà phê ở những vùng đất nhiều sỏi đá có tầng canh tác mỏng thường cho thu hoạch sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng so với những vùng đất thịt có tầng canh tác dày.  Nhưng với ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina hiện nay, vụ thu hoạch tiếp tục bị trì hoãn chứ không thể diễn ra đại trà vào tháng 10 như nhiều dự báo của trong và ngoài nước.

Vì thế, việc chuẩn bị lò sấy cà phê quả tươi là sự lựa chọn hợp lý cho những nông hộ có diện tích và sản lượng robusta nhiều khi mà hiện nay chưa thấy có dấu hiệu giảm bớt mưa bão. Đồng thời, các nông hộ trồng cà phê arabica ở vùng cao cũng lên tiếng phàn nàn mưa bão kéo dài khiến họ rất thất công và tốn kém thêm nhiều chi phí trong việc thu hái và chế biến. Được biết ở một số vùng, nông dân đã bắt đầu thu hái arabica sớm hơn vào khoảng từ nửa sau tháng 8 trở đi.

Giữa tuần, giá cà phê trên cả 2 thị trường cùng nhau có những phiên hồi phục liên tiếp kéo dài cho đến hết tuần.

Cuối tuần, giá cà phê robusta ở thị trường London tăng tổng cộng 118 USD, chiếm 6,24 %, lên mức 2.008 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 11 và tăng 118 USD, chiếm 6,17 %, lên mức 2.031 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 1 ; gía cà phê arabica tại thị trường New York tăng tổng cộng 16,15 cent, chiếm 7,23 %, lên ở 239,55 cent/lb cho kỳ hạn giao tháng 12.

Giá cà phê robusta trong nước tại các tỉnh Tây nguyên cũng tăng tổng cộng 1.700 đồng để lên lại mức 43.600-43.700 đồng/kg nhân xô, cao hơn giá cuối tuần trước 300 đồng.

Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ ở 2.110 USD/tấn, FOB-HCM, vẫn giữ mức cộng 100 USD so với giá London tháng 11.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tý Anh

    Theo như tôi thấy giá cà phê thật không công bằng giữa nhà nông dân và nhà doanh nghiệp vì lợi nhuận luôn dành cho nhà doanh nghiệp là tỷ lệ tất lớn còn dành cho nông dân thật là ít ỏi.
    Tôi xin đơn cử con số cụ thể :
    -Giá Luân Đôn ngày 5/10 là 2.008 usd và ngày 15/10 cũng là 2.008 usd.
    -Giá VN ngày 5/10 là 44.500 đ/kg và ngày 15/10 là 43.400 đ/kg, mất 1.100 đ/kg.
    Ai có thể giải thích vì sao bị mất nhiều như vậy? Xin cám ơn.

    1. Lưu Hùng Lạc

      – Theo cảm nhận của Anh (Chị) cho thấy 1 nghịch lý, nghịch lý này đã tồn tại ở VN rất lâu (đặc biệt là ở thị trường mặt hàng nông sản):
      + Giá thu mua của các DN Việt Nam không tuân theo quy luật của thị trường chung.
      + Bà con nông dân rất khó dự đoán giá của mặt hàng nông sản.
      + Phải chăng có “bàn tay nối dài” để thao túng thị trường mặt hàng nông sản?
      Rất khó có thể để đưa ra một nhận định ở đây khi bà con nông dân mình còn phụ thuộc quá nhiều vào các đại lý thu mua, họ bị phụ thuộc chủ yếu là do họ không chủ động được nguồn vốn để đầu tư hàng năm, khó tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ từ các NHTM nên họ phải chịu quá nhiều thiệt thòi: mua phân bón, thuốc BVTV với giá cao, chịu lãi suất cao, bị mua ép giá ….
      Bà con nông dân canh tác chủ yếu mang tính tự phát, chưa có quy trình kỹ thuật nhất định nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu ra.
      Các đại lý không hề có 1 tiêu chuẩn chung khi tiến hành thu mua các mặt hàng nông sản của bà con nông dân nên chuyện vàng thau lẫn lộn, giá cả như một ma trận là chuyện bình thường.

  2. Nam còi

    Do DN cà phê bấy lâu nay thắt lưng buộc bụng vì bà con, nay bà con vào mùa có của ăn của để thì cho DN hưởng tí xíu.
    Còn nếu không … thì bà con vác cà phê qua London mà bán.
    Có gì khó đâu.

    1. Bù Na

      @Nam còi nói cũng mắc cười đó. Ở đời khi có ăn thì cũng nên để mỗi người hưởng một tí. Nếu mình giành lấy phần nhiều thì tất nhiên người khác sẽ bị ít lại. Sống làm sao cho hài hòa mới là đáng sống và mới tồn tại lâu dài chứ bạn.

  3. phamvanloi2608

    “Mỗi người hưởng 1 xíu” cũng đúng thôi ! Các doanh nghiệp thu mua cũng chịu nhiều sức ép, đó là Vốn thu mua. Vì vậy Nhà nước có chính sách tín dụng cho DN nhưng như thế vẫn chưa đủ. DN cứ ôm xô hết các hợp đồng đã ký trước và bán với cái giá bèo thì ko nên. (Bán ồ ạt) ko tạm trữ đc.
    NN cần có chính sách tín dụng cho dân trồng cà thì sẽ rất hay.
    Chỉ cần trụ dược qua tết là bà con khỏe ah. Chứ cứ để người ta bắt bài (cần tiền tiêu tết) giá hạ liên tục (bị ép giá), rồi lại tăng ngút trời.
    Bà con biết (đầu cơ) nhưng chả có cách nào đành bán rẻ.

  4. Ly Trung

    Chịu vậy thôi mấy anh ơi, giá Arabica Lào bây giờ chỉ có 7800vnđ/kg tươi vậy thì doanh nghiệp có lãi bao nhiêu? Ai biết chỉ dùm, làm nông dân khổ quá!

  5. Tình vina

    Lý Trung a! Tuỳ thuộc vào chất lượng xuất khẩu bao nhiêu nữa. Nhưng đưa về Việt Nam thì tiền thuế, vận chuyển, luật Hải quan …. thì cũng đã nhiều rồi.
    Như Cty Đào Hương Lào xuất trực tiếp cho Nhật luôn thì được lãi cao, vì không chịu chi phí, thuế nhập khẩu như đưa về Việt đó !
    Nhưng hình như mình nghe là 10.000vnđ/kg quả tươi mà.

  6. Ngoc Hien

    Điệp khúc và vũ điệu cà phê Việt Nam cứ đến mùa thu hoạch là ảnh hưởng đến giá. VN có nguồn cung dồi dào là ảnh hưởng đến giá thế giới, với nước sản xuất cà phê xếp nhất nhì. Nhà nước mình biết được lợi thế nhưng không cách nào điều tiết… được giá, để bà con nông dân hưởng lợi bằng chính sức lao động của mình.
    Tôi đồng tình với chính sách xuất khẩu cà phê hiện nay được cơ quan chức năng cho phép, có như vậy mới quản lí mặt hàng nông sản chiến lược này, Chính phủ cũng đã có chính sách tạm trữ cà phê để điều tiết giá, nhưng cũng chưa thấy hữu hiệu cho lắm vì còn nhiều phụ thuộc vào tín dụng, uy tín DN, kho dự trữ…
    Qua diễn đàn này, mong các cơ quan hữu quan, cao nhất là Bộ NN&PTNT có những đề xuất để khỏi thiệt thòi lợi ích người nông dân (giá thấp lo bán đi để trả nợ nần… và tái đầu tư lại, khi gía lên thì ngồi ngáp thở dài… còn đâu nữa mà bán, thật tội cho nông dân). Nên tạo thế đứng của ngành cà phê VN trên thị trường thế giới, có như vậy mới tạo tâm lý nông dân được niềm phấn khởi trong lao động sản xuất ra nhiều của cải cho xã hội, làm giàu cho bản thân, gia đình và làm giàu cho đất nước.

  7. Ni Na PHú Mỹ

    Giá cả báo trên mạng chênh lệch so với báo giá mà chúng tôi bán ra khác một trời một vực ! Làm thế nào bây giờ đây nhỉ để sự chênh lệch không còn nhiều cho bà con bớt khổ.
    Làm cả năm trời trông được hạt cà phê thì lúc thu hoạch lại thấp thỏm giá cả.
    Mong năm nay giá cả hợp lý cho bà con !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82