Tin buồn

Chảy máu USD: nguy cơ đe dọa ngành cà phê

Ông Phạm Vỹ Bền, người có nhiều kinh nghiệm kinh doanh nông sản, trong đó có lúa gạo, cà phê… vừa cho DĐDN biết một nguy cơ đang đe dọa hạt cà phê nước ta: Chảy máu USD !


Chuỗi giá trị nông sản XK của VN có nhiều công đoạn với nhiều thành phần tham gia
khiến tổ chức và kiểm soát khó khăn

Ông Bền cho hay, theo tập quán sản xuất và mua bán của các trang trại hoặc HTX nông nghiệp vùng Nam Mỹ, người ta biết chắc giá thành và sản lượng làm ra. Khi bán ra (bán kỳ hạn), họ cầm chắc thu về tới 70% giá trị sản phẩm hàng hóa; phần còn lại họ tiếp tục thu hồi theo phương thức trừ lùi. Còn ở VN, trình độ canh tác và quản lý sản xuất chưa thể vận hành theo kiểu đó. Trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông sản tham gia XK của VN lại có nhiều công đoạn với nhiều thành phần tham gia khiến cho việc tổ chức và kiểm soát là những vấn đề rất khó khăn.

Rủi ro khiến các DN cà phê nước ta “mất đứt” 250 tỷ VND trong năm 2009 là một ví dụ. Chỉ riêng sàn giao dịch cà phê London, với số lượng 50.000 tấn của VN đưa vào giao dịch thông qua Lệnh Stop Loss Order (Lệnh bán tự động) đã tổn thất 10.000 tấn, tương đương 250 tỷ VND. Lệnh Stop Loss là mệnh lệnh cho phép bán tự động khi giá của loại hàng hóa mà nhà đầu tư đang nắm giữ bị rớt xuống một mốc nhất định (với cà phê VN năm 2009 mức Stop Loss khoảng 20-30%, tức bán 100 tấn chỉ thu tiền được 70-80 tấn). Rơi vào tình trạng này là do các nhà môi giới – thành phần không thể thiếu ở các sàn giao dịch – khuynh đảo. Người bán cá phê nói với nhà môi giới rằng họ muốn có một lệnh Stop Loss ở một mức giá nhất định đối với loại hàng hóa họ đang nắm giữ. Khi hàng hóa xuống đến mức giá đó, lệnh Stop Loss ngay lập tức có hiệu lực. Nó sẽ được khớp lệnh, tức là người chủ lô cà phê ngay lập tức bán được lô hàng của mình, ở mức giá thị trường tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, hạt cà phê VN thường bị “đè” giá, và thực tế đã xảy ra hồi tháng 6/2009 được giới XK cà phê gọi là “tháng 6 đen tối”. Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (VICOFA) Lương Văn Tự thì cà phê VN có diễn biến như sau: Ngày 13/6/2009, cà phê tại sàn London có giá 1.525 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 7/2009) và 1.530 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 9/2009). Nhưng đến ngày 26/6/2009, cà phê tại sàn London có giá 1.288 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 7/09) và 1.313 USD/tấn (kỳ hạn giao tháng 9/2009). Giá XK cà phê nước ta đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, đến ngày 26/6/2009 giá bán chỉ còn 1.195 USD/tấn FOB.

Năm 2010, VN có tới 60.000 tấn cà phê tham gia giao dịch ở sàn London, mức độ rủi ro, theo một số nhà XK có kinh nghiệm “sẽ còn cao hơn tổn thất năm ngoái”. Bởi số lượng cà phê có kỳ hạn giao tháng 1/2010 bị mất giá nên giãn qua tháng 3, rồi lại tiếp tục lùi đến tháng 5/2010. Bên cạnh đó có thêm đội quân mua – bán “cà phê giấy”, họ có thể là một quỹ đầu tư, hoặc nhà đầu tư cá nhân và số này chỉ thuần túy tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường kỳ hạn, giống như kiếm tiền ở bất cứ nơi nào khác. Đội quân này hoạt động linh hoạt, chỉ cần có đủ tiền mua 10 tấn cà phê thật, nhưng nhờ ngân hàng, họ có thể mua được 100 tấn với số tiền ký quỹ vừa phải cỡ 10% – đây chính là “cà phê giấy”. Khi giá cả biến động (lên hoặc xuống cỡ 20%), thì nhà đầu tư cà phê giấy yêu cầu ngân hàng thanh toán, tức lấy USD “bù” vào cho họ bằng ngoại tệ có sẵn của nhà băng, sau đó thu lại bằng chuyển đổi VND sang USD ở trong nước. Vì giao dịch thường là “thua” nên người mua – bán cà phê giấy chính là nguyên nhân làm “vỡ động mạch USD” của VN. Đây là nguy cơ chảy máu USD có thật đã và đang diễn ra. Bởi mỗi khi thực hiện khớp lệnh mua/bán, ngân hàng chỉ thu 4 USD/Loss dịch vụ cho cả 2 chiều (mua/bán) nhưng số ngoại tệ “bù” vào cho khách hàng lại quá lớn, hàng triệu USD, cứ theo khớp lệnh mà “chảy” ra nước ngoài.

Một nhà đầu tư làm việc ở Cty cổ phần chuyên kinh doanh cà phê – còn bổ sung thêm: Sàn giao dịch cà phê có trước sàn giao dịch vàng nhưng vì lãi ở sàn cà phê ít hấp dẫn hơn nên khi sàn vàng nở rộ, không ít người làm ăn ở sàn cà phê “nhảy” sang sàn vàng. Cách thức giao dịch trên sàn cơ bản giống nhau và người tham gia không phải ai cũng có nguồn hàng thật trong tay. Nhà đầu tư này cũng nhắc đến “tháng 6 máu lửa” của năm 2009 vì chỉ trong vòng 2 tuần giữa tháng 6, cà phê VN mất gần 240 USD (tương đương 4,3 triệu đồng) cho mỗi tấn hàng…

Ông Bền khẳng định: “Thương nhân và nhà môi giới nước ngoài thường dùng Lệnh Stop Loss Order (Lệnh bán tự động) để tìm cách “đè” giá cà phê VN xuống sâu, tạo áp lực buộc người bán VN phải chấp nhận vị thế “kèo dưới”, thua thiệt. Muốn biết lực lượng mua – bán “cà phê giấy” đông đúc cỡ nào thì hãy hỏi TechcomBank, VietcomBank và BIDV sẽ rõ”. Do vậy, ông cho rằng, nếu ba ngân hàng vừa kể còn tiếp tục làm dịch vụ này thì hãy dứt khoát dẹp bỏ để tránh chảy máu USD của đất nước và thiệt hại nặng cho các DN XK cà phê thật.

Huy Bình (Tạp chí DĐDN)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Thịnh

    Tác giả bài viết nên tham khảo thêm hình thức và cách hoạt động của cái gọi là “cà phê giấy”.
    Rất nhiều thông tin trong bài viết mang tính phỏng đoán và hơi phiến diện.

  2. tuongvy

    Hình như tác giả bài trên không hiểu gì nghiệp vụ cà phê nhỉ . Chắc Bác này toàn dùng đòn bẩy quá sức để đánh bạc . Bác chỉ nhìn phiến diện một chiều không nhìn thấy mặt tích cực của nó . Bác nên xin tài liệu về mà đọc rồi viết bài lại cho đúng nha .
    Thân chào !

  3. Nguyễn Ngọc Lan

    Tôi hay nghe cụm từ ” chảy máu chất xám” chứ cụm từ “chảy máu USD” nghe khó hiểu quá. Các vị làm chiến lược ở đâu? cứ để nước đổ rồi hốt kiểu này thì nông dân chảy máu. Tôi được biết có nhiều hội thảo, nhiều dự án nâng cao chất lượng cà phê nhân Việt Nam. Rốt cục chúng ta được gì??

  4. Lâm Anh Huy

    …….Bởi mỗi khi thực hiện khớp lệnh mua/bán, ngân hàng chỉ thu 4 USD/Loss dịch vụ cho cả 2 chiều….. Theo tôi được biết đơn vị giao dịch là LOT (lô) chứ không phải là Loss như bác này nói.

  5. Nguyễn Thịnh

    Chào anh dien,
    Anh có thể nêu ra những vấn đề anh chưa rõ ở trong bài viết trên, Thịnh sẽ cố gắng để giải thich cho anh.

    Anh Huy nói đúng, đơn vị giao dịch là lot = 10 tấn và theo Thịnh biết thì phí giao dịch hiện nay cho 1lot/2 chiều là gần 25$.

  6. hungeadar?

    Tôi thấy bài báo nầy đề cập đến mặt trái của sàn cà phê luân đôn ,mà trong đó có nhiều doanh nghiệp và cá nhân của việt nam bị sập bẫy của giới đầu cơ nước ngoài vì các cá nhân nầy toàn là bán khống và mua khống nên tạo ra sự dư thừa giả tạo mà đa số là thua nhiều hơn thắng . THử hỏi vì sao năm nay cung thiếu mà giá cứ hạ ? là do các nhà rang xay họ mua được một lượng lớn hàng bán khống của việt nam mà chỉ ứng trước 30% tiền vậy thì cần gì qua việt nam mua hành thật !?

  7. dien

    chào anh thịnh ! anh có thể giải thích rõ thêm: chúng ta xuất khẩu cà phê rõ ràng phải thu về đô la chứ . vậy tại sao lại có chuyện (đô chảy ngược) tôi chư hiểu chỗ này! mong nhận được giả đáp của anh !
    thân chào anh!

  8. jon

    dung la an hai va chi biet loi cho minh! chinh nha nuoc phai can thiep va bao ve quyen cho nguoi dan. Hi vong “cac ong” lang nghe va giai quyet

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79