‘Cà phê tặc’ hoành hành ở Tây Nguyên

Cứ đến mùa thu hoạch, Tây Nguyên lại đối diện với nạn trộm, cướp trắng trợn, khiến người trồng đành “bóp bụng”, tuốt cà phê non, xanh…

Hàng loạt vườn cà phê bị cắt cành đến trơ thân, cà phê ở sân bị xúc trộm, còn kho trữ cũng bị cướp trống lốc…

Sáng ra thăm vườn, anh Trần Thanh Phong (thôn 3, xã Gia Lâm, Lâm Hà, Lâm Đồng) như hóa đá khi chứng kiến vườn cà phê của mình bị “hạ sát”. Hàng loạt cây trĩu hạt hôm trước giờ chỉ còn mỗi… thân.

“Dân trồng cà phê chỉ có… chết”

Dẫn chúng tôi đi xem những cây cà phê bị “đạo tặc” cắt trụi cành để mang đi nơi khác tuốt hạt, anh Phong thảng thốt: “Trộm thế này là phá hoại! Hàng loạt cây cà phê thuộc loại đạt nhất vụ mùa năm nay bị trộm điểm mặt, rồi dùng kéo cắt trụi cành sai hạt (cấp 1), biến 7 sào cà phê trở nên nham nhở. Cật lực chăm sóc, giờ thất thu quá”.

Chung cảnh ngộ, các vườn cà phê của ông Vũ Văn Đa, Phạm Văn Cường… ở Gia Lâm, Lâm Hà cũng bị “cà phê tặc” tấn công trơ thân. Ngồi cạnh đống cành cà phê bị tuốt sạch hạt do những kẻ trộm cắp bỏ lại dưới gốc cây xoài, ông Cường than thở: “Bọn trộm cướp cứ lộng hành theo kiểu này thì dân trồng cà phê chúng tôi chỉ có… chết”.

“Cà phê tặc” cũng tấn công các vườn cà phê ở Di Linh, Bảo Lâm, TP. Bảo Lộc… (Lâm Đồng). Một chủ cà phê ở Di Linh cho biết, có vườn bị bọn trộm hạ luôn cả cây để tiện lôi đến nơi vắng vẽ tuốt hạt. Song, táo tợn nhất phải kể đến là vụ vét sạch kho cà phê của nhà anh Trần Văn Lộc (thôn 9, Bảo Ninh, Di Linh).

Tờ mờ sáng một chiếc xe chở hàng đỗ trước nhà anh Lộc. Vài thanh niên trên xe nhảy xuống, vào sân và vác từng bao cà phê chất lên xe. Chúng tôi thấy nhưng cứ nghĩ anh Lộc bán cà phê nên chẳng để ý”, một người dân ở thôn 9 kể. “Đó là 20 bao cà phê (50kg/bao) tôi vừa chuyển ở vườn về chưa kịp phơi”, anh Lộc vừa nói vừa chỉ hàng rào bằng lưới B40 bị bọn “cướp” cắt.

Xem thêm: Mang cả xe công nông chở cà phê hái trộm

Nạn trộm cắp cà phê
Ông Trần Thanh Phong xót xa bên cây cà phê bị kẻ trộm cắt trụi cành

Quay quắt giữ vườn

Một chủ vườn cà phê ở Đức Trọng, cho biết: “Tôi chưa thấy một tên trộm cà phê nào bị xử lý nghiêm khắc sau khi bị bắt. Có lần, tôi bắt được bọn chúng giải lên xã thì xã lại thả ra sau khi nhắc nhở, giáo dục”. Ông chủ vườn này cũng chia sẻ quan điểm rằng, năm nay, để giữ vườn cà phê, anh đã sắm một cọng xích. Nếu bắt được cà phê tặc, anh sẽ xích vào gốc cà phê cho đến khi người nhà đến đền bù mới thả.

Để chống trộm, một số chủ vườn ở Lâm Đồng lại dùng biện pháp “nghi binh”. Họ cho treo những tấm bảng nơi hàng rào vườn ví như: “Chó dữ, không được vào vườn”, “Vườn có bẫy sập, cấm vào”, “Vườn có gài điện, không được vào” hay dựng chòi rồi làm những con bù nhìn, chong đèn suốt đêm… “Vườn cà phê rộng mênh mông lấy người đâu mà đi giữ suốt ngày đêm. Đây chỉ là những biện pháp tình thế, hù dọa bọn trộm cướp chứ hiệu quả chẳng là bao”, ông Cường tâm sự.

Giới chủ vườn cà phê hiện nay chuyền tai nhau một “phương pháp” trộm cà phê khá “tinh vi”. Đó là kẻ trộm khoét hai cái lổ trên một bao bố để luồn hai tay vào, rồi buộc một phần miệng bao vào cổ. Gặp cành cà phê nào sai hạt, bọn trộm kê miệng bao sát vào cành mà tuốt. Cách này sẽ không gây tiếng động, gọn gàng thay vì như trước đây phải trải bạt dưới gốc cà phê mà tuốt hạt hoặc cắt, bẻ cành.

>> Biện pháp hạn chế nạn ăn cắp cà phê vào vụ thu hoạch

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyen Ngọc Thuần

    Xin chào,
    Thật là bức xúc trước tình cảnh này của người trồng cà phê. Sự trộm cắp này diễn ra ở Việt nam đã gần như ” truyền thống”. Nó dẫn tới các chủ vườn phải hái non, chất lượng cà phê thấp không bán được giá cao. Tôi cũng là một người yêu cây cà phê Việt nam, cũng cùng mọi người trồng cà phê trăn trở điều này & hỏi rất nhiều người giải pháp tiến hành chống trộm thì 01 người bạn tôi ở Mỹ cho 01 ý kiến theo tôi là tương đối khả thi. Các bạn thử áp dụng xem nhé.
    Khi chúng ta bắt đầu thiết lập khu vườn trồng cà phê thì chúng ta gieo hạt gòn làm hàng rào. Sau 03 năm khi cà phê bắt đầu có thể thu hoạch thì cây gòn đã cao hơn 1m các cây gòn ở gần nhau sẽ dính liền thân với thân tạo thành hàng rào tự nhiên, thân gòn trơn & có gai nên kẻ trộm rất khó vượt qua hàng rào gòn & sẽ bị gai đâm, mủ rất độc gây đau nhức. Mủ gòn, bông gòn có thể bán được nữa.
    Đó là ý kiến rất hay, các bạn làm thử nhé.
    Ngọc Thuần

  2. hoàng long

    Cách của bạn Thuần rất hay, tôi không nhớ rõ có một loại cây, giống như mắc cở nhưng gai và thân lớn hơn nhiều, có thể sống vài chục năm, thân to giống như cây mây và có gai rất dài cong nhọn sắc, nếu trồng quang vườn cà phê thì tạo ra một hàng rào rất khó vượt qua, chúng ta có thể trồng vòng quang vườn, chỉ chừa một ngõ ra duy nhất là cổng để ra vô vườn thôi. Khi đến mùa chúng ta bố trí chông ở lối ra vô đó sẽ hạn chế rất nhiều bọn đạo tặc, các chủ vườn liên kết bảo nhau cùng trồng loại cây đó, sẽ tạo ra một ấp chiến lược rất hiệu quả.

  3. Nguyễn Vịnh

    Đọc ý kiến của bạn hoàng long làm tôi liên tưởng ngay đến cây mai dương. Nếu đúng như vậy thì rất nguy hiểm vì Bộ NN&PTNT đã có Thông tư cấm phổ biến, rất nhiều tỉnh thành khắp nước đã có Chỉ thị tìm biện pháp khống chế, ngăn chặn sự lây lan và tổ chức ra quân rầm rộ để tiêu diệt, cho thấy mức độ nghiêm trọng đối với môi trường của loại cây này.
    Cây mai dương có tên khoa học là Mimosapigra, nguồn gốc từ Trung Mỹ, được tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế -IUCN- xếp vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất, khó tiêu diệt. Cây có tốc độ lây lan rất nhanh, mỗi năm lấn chiếm hàng ngàn ha đất nông nghiệp khắp nước ta, cạnh tranh mạnh mẽ và hủy diệt hệ thực vật, không loài cây nào có thể cùng sống, làm cho đất đai nhanh chóng bạc màu. Cây sinh trưởng mau lẹ, ra hoa quanh năm, sau 6 tháng tuổi đã cho hoa kết trái, một cây sản sinh 9.000 hạt, đẻ nhánh dày đặt ở gốc, gai nhọn tua tủa đầy thân, thường mọc ở vùng đất ẩm ướt. Đặc biệt hạt mai dương giữ sức nảy mầm lâu đến 23 năm. Cây còn chứa một loại axit có thể gây độc với người, các loài gia súc, động vật… khi bị gai cào xước….
    Rất mong là không phải loại cây mà bạn nói ở trên.

  4. hoàng long

    Không phải cây mai dương đâu bác ơi, vì cây mai dương mọc rất nhiều ở chỗ đập Đa Nhim nên tôi biết rõ mà. Còn cây này là cây thân gỗ cao mọc nhiều ở rừng chỗ tôi ở rất lâu rồi cây thuộc họ đậu, chứ cây mai dương thì tôi biết mà làm sao dám trồng. Lúc đó không phải chống đạo tặc cà phê, mà lại đi chống mai dương tặc, một lúc phải chống cả 2 loại tặc, lại thêm giá cả leo thang là lạm pháp tặc chắc chết luôn. he he he

  5. Nguyen Van Nguyen

    Xin chào tất cả độc giả!
    Tôi cũng ở Tây Nguyên, tôi biết tệ nạn trộm cắp nói chung và tệ nạn trộm cắp cà phê nói riêng đang hành hoành dữ dội. Theo tôi nghĩ luật pháp phải nghiêm trị những kẻ trộm cắp để không còn hiện tượng hái cà phê non để bán ra thị trường thế giới với giá thấp nữa. Đặc biệt tại Tây Nguyên không những “cà phê tặc” mà còn rất nhiều tặc khác nữa như “gà tặc”, “bò tặc”, “cẩu (chó) tặc” đang hành hoành dữ dội. Tôi mong các nhà nước và các cấp chính quyền và cơ quan chức năng (công an) vào cuộc áp dụng có mức trừng phạt thích đáng những loại tặc trên để người dân yên tâm làm ăn.

  6. khoiphong07

    Trước tiên ta thử tìm hiểu xem pháp luật sẽ xử lý thế nào những kẻ vừa trộm cắp vừa phá hoại. Với phương tiện bây giờ thì việc gắn máy quay phim bắt đám người này không khó so với việc phải cải tạo lại vườn cà phê khi bị phá hoại.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82