Tin buồn

Tạm trữ cà phê phải hướng đến người sản xuất cà phê

Năm 2010 này giới cà phê (bao gồm doanh nghiệp và người sản xuất) luôn quan tâm đến một chủ trương lớn của Chính phủ, đó là “ Tạm trữ cà phê “.

Tạm trữ cà phê phải hướng đến người sản xuất cà phê
Tạm trữ cà phê phải hướng đến người sản xuất cà phê

Việc tạm trữ cà phê là nhằm mục đích hạn chế lượng bán ra trong lúc giá cá phê thị trường thế giới giảm mạnh. Ở đây không phân tích nguyên nhân giá giảm mà chỉ đặt vấn đề của mục đích tạm trữ. Tạm trữ có thể hiểu theo một nghĩa là nhất thời Nhà nước tạm ứng vốn cùng với các khoản ưu đãi cho doanh nghiệp có đủ điều kiện gom cà phê vào kho dự trữ để chờ giá. Mục đích nhằm hạn chế bán ra gây thiếu lượng cung trên thị trường làm cho các quỹ đầu cơ, các kho dự trữ … lâm vào trạng thái bị động. Từ đó buộc họ phải nâng giá mua để bù vào các khoản trống kế hoạch.

Như vậy, với mục đích tạm trữ chúng ta cùng xác định rằng giá cà phê là do bên ngoài chi phối ( có thể nói giá cà phê bị giới kinh doanh cà phê thế giới thao túng ); và tự khẳng định Việt Nam có khả năng điều tiết được thị trường cà phê robusta toàn cầu. Thực tế vừa diễn ra, xét về ý nghĩa thị trường thì giải pháp tạm trữ là tương đối thành công, đã chứng minh đước ý nghĩa của mục đích tạm trữ, tuy ban đầu vẫn còn nhiều việc nhiêu khê gây chậm tiến độ.

Tuy nhiên, nếu ta cứ mãi bơm vốn và tạo các ưu thế cho doanh nghiệp mà bỏ rơi người sản xuất thì chẳng khác gì “mua dinh dưỡng để bơm vào sữa tạo ra dòng sữa đủ chất mà không lo chăm con bò”, ắt có ngày nào đó con bò sẽ chết và lúc đó nếu có muốn bơm dinh dưỡng thì cũng không còn sữa để bơm. Nhìn lại thời kỳ năm 2000, khi mà các doanh nghiệp chạy xin quota để được vay vốn tạm trữ cà phê, nhưng càng giữ hàng thì giá càng rớt mạnh. Với áp lực lãi vay hằng ngày doanh nghiệp đã chóng mặt không thể chờ đợi thêm nên buộc phải tháo kho bán trả nợ. Vậy nên chăng cứ bơm mãi vốn cho doanh nghiệp XK cà phê mua tạm trữ?

Không khác gì cà phê, tình trạng lúa gạo đồng bằng Tây Nam bộ cũng đã trải qua những giai đoạn gian truân, bà con nông dân đã từng phá ruộng để đào ao nuôi cá, trồng cây ăn trái… chỉ vì giá lúa lệ thuộc vào thương lái và các nhà xuất khẩu gạo.  Lúa vụ trước chưa bán được thì lúa vụ sau nối tiếp vào làm cho nông không còn chổ chứa và không còn khả năng dự trữ nên đành phải bán. Giá bán có khi còn thấp hơn giá thành sản xuất! Nhưng kể từ khi Chính phủ có chủ trương và chỉ đạo kiên quyết, các doanh nghiệp phải mua lúa với giá bảo đảm có lợi cho người nông dân ( 30%), chủ động kho và cơ sở chế biến để dự trữ, giữ ổn định giá mua … thành ra con bò đã được chăm sóc tốt, sản lượng cùng với chất lượng sữa được tăng lên, không phải đi lo bơm dinh dưỡng nữa .

Xin đừng hiểu hình ảnh minh họa theo một chiều hướng khác mà hãy nghĩ rằng người nông dân Việt Nam là không thể và chưa bao giờ tự mình quyết định được giá trị sức lao động của chính mình. Do đó cần có sự can thiệp tích cực của nhà nước.

Dân cà phê ai cũng hiểu rằng chu kỳ quay vòng vốn của người trồng cà phê là 12 tháng/vòng. Chi phí cho trồng chăm sóc, thu hái, bảo vệ, chế biến… là rất cao, cộng thêm sự lệ thuộc vào thời tiết là rất lớn như: hạn hán, lũ, sương muối, dịch hại… cũng như chịu sự tác động trực tiếp của các yếu tố mang tính toàn cầu như sự biến động của giá vàng, dầu mỏ, cao su, tỷ giá đồng USD vói tiền đồng Việt nam…  Trên 70% nông dân trồng cà phê mới vượt được ra khỏi ngưỡng nghèo (thu nhập bình quân trên 400.000 đ/người/tháng). Nhu cầu vốn đầu tư hàng năm phục vụ cho cây cà phê rất cao nên người nông dân phải đi vay. Khi đến mùa thu hái thì mọi khoản nợ vay đều dồn về, áp lực trả nợ tăng cao buộc người nông dân phải đồng loạt bán ra dù cho giá cả thế nào. Tại thời điểm này làm sao nhà nước cung ứng kịp đủ vốn cho doanh nghiệp mua hết để tạm trữ, buộc các doanh nghiệp XK cũng phải bán ra với số lượng lớn để tạo vốn cho nguồn mua. Ý nghĩa của việc tạm trữ tại thời điểm này vì thế không có tác dụng.

Người nông dân, kể cả các doanh nghiệp và các nhà quản lý luôn mong rằng Chính phủ phải có một chủ trương cụ thể, một chiến lược bền vững mà trước hết là phải tạo vốn ưu đãi cho nông dân vay từ tháng 06 năm trước và thanh toán nợ vào tháng 03 năm sau, tạo vốn cho doanh nghiệp dự trữ phải từ tháng 11 năm trước đến tháng 05 năm sau thì mới mong chúng ta chủ động trong việc điều tiết lượng cung ra thị trường, bởi chúng ta đã ngăn chặn ngay từ gốc việc người nông dân phải bán non để đầu tư trong thời kỳ chăm sóc và bán mạnh trong thời kỳ thu hoạch để trả nợ.

Nói rằng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người nông dân được vay vốn ưu đãi không có nghĩa là yêu cầu nhà nước phải bao cấp toàn bộ vốn đầu tư, mà chỉ cần tạo ra một hiệu ứng tích cực khích lệ nông dân tự lực là chính. Bởi vì từ trước đến nay người nông dân cứ loay hoay với bài toán về nguồn vốn. Giải quyết được một phần của bài toán này cho nông dân thì chính sách tạm trữ cà phê của chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cơ bản, vừa giúp nông dân bớt khó, giá trị sức lao động của nông dân được tăng thêm và nhà nước cũng có lợi hơn.

Cùng làm thử một bài tính : Nếu giao cho doanh nghiệp tạm trữ 500.000 tấn cà phê nhân, theo giá thị trường hiện nay tạm tính 30.000 đ/kg, thì nhà nước phải cung ứng (thông qua ngân hàng) là 15.000 tỷ đồng. Nhưng nếu hỗ trợ cho nông dân vay vốn với mức 25 triệu/ha/năm thì nhà nước chỉ cung ứng 13.400 tỷ đồng (cả nước hiện có khoản 536.000 ha với sản lượng bình quân 1.035.000 tấn cà phê nhân quy chuẩn). Và yêu cầu người nông dân chỉ giữ lại 01 tấn cà phê nhân/ha thì cả nước sẽ có lượng cà phê tạm trữ ngay tại gốc là trên 500.000 tấn. Mặt khác, chúng ta còn có một hiệu quả lớn hơn mục tiêu giữ giá nhiều lần, đó là an sinh xã hội. Bởi cứ tính bình quân 5 khẩu (2 lao động chính và 3 khẩu ăn theo) sống ổn định trên 1 ha cà phê là nhà nước đã hỗ trợ cho 2.680.000 người dân sống một cách bền vững bằng nghề trồng cà phê ,

Chúng ta không đánh giá thấp tính tích cực của các doanh nghiệp, nơi diễn ra các quyết định mang tính thành bại của cà phê Việt Nam; nhưng chỉ yêu cầu nhà nước cần chia sẻ các yếu tố mang tính lợi ích hài hòa giữa người nông dân sản xuất cà phê với các doanh nghiệp xuất khẩu và lợi ích quốc gia. Việc cần làm ngay là phải nhìn thấy người nông dân là cái gốc của vấn đề. Nếu họ không mặn mà với cây cà phê nữa thì thử hỏi trên bản đồ cà phê thế giới liệu có còn tên Cà phê Việt Nam ? Do vậy cần có một phương án thực thi là phải bảo đảm vốn nhà nước không bị mất và chính sách hỗ trợ phải thực sự đến với nông dân, với người làm ra hạt cà phê. Chỉ xin đừng đánh trống bỏ dùi và cũng đừng thả gà ra rồi mới đuổi bắt.

Lê@ (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tranduong_76

    Cám ơn tác giả Lê@. Một bài viết rất hay và sâu sát với thực tiễn chiến lược. Tôi làm cà phê đã 18 năm rồi. Nay nguồn vốn tự có để trữ như tác giả viết là có thừa. Nhưng tôi lại rất thiếu thông tin dự báo thời điểm giá “Vàng” một cách chính thống từ bộ Công thương, bộ Nông nghiệp, hay Hiệp hội cà phê VN. Giá tác giả thêm ý này nữa thì thật trọn vẹn. Dẫu sao cũng rất cám ơn tác giả. Bài viết rất có giá trị.

  2. dinhnhuong

    Bài viết rất hay. Phân tích thấu đáo và kiến nghị chí lý. Không biết có ông quan nào đọc bài này và bỗng “ngộ” ra chăng? Cảm ơn tác giả Lê@.

  3. Hồ Điệp

    Hoan hô Lê@! sáng suốt, sáng suốt! Không phải ai cũng biết tính và biết nói như Lê@. Lúc dầu sôi lửa bỏng nà mà có ý tưởng này thật đáng vinh danh.
    Nhưng làm thế nào để bài báo này đến tận tay tận mắt những đầy tớ của nhân dân đây. Anh Thịnh có cách gì không nhỉ???
    Tôi cũng có ý thế này(chỉ nói theo anh Lê@ thôi), giả sử trong số 536.000 ha cafe đó có 1/2 số có nhu cầu vay vốn (vì chưa muốn bán cafe), vậy nếu ai muốn vay vốn ưu đãi lãi suất (như NN đã ưu đãi DN) thì thế chấp vào các kho được chỉ định, tối đa mỗi ha cho vay thế chấp 2 tấn. Vậy là nhà nước, NH cũng yên tâm ko lo việc thu hồi vốn. Mà nông dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Còn như chỉ cho DN vay ưu đãi thì nông dân phải chờ cho DN mua vào, giá lên …họ có chờ được đến lúc đó ko
    Bằng chi ngay đầu vụ triển khai cho nông dân vay trực tiếp luôn có lẽ nhanh hơn đấy.
    Tôi sẽ đi vận động, tuyên truyền, lập hồ sơ…phí 10.000/tấn.

  4. cuba

    Trước mắt thấy vậy thôi, nhiều ý tích cực. Nhưng các bác ạ, trữ thì cũng phải bán dù lâu hay mau, với nông dân nín nhiều nhất cũng không quá 10 – 11 tháng !!!
    Các bác có đưa ra tình huống sau 1 năm giá ” vũ như cẫn”. Như vậy nông dân phải trả lãi 1 năm và hao hụt, mất mát do để ở nhà… là mất đơn mất kép không?
    Vài ý thiển cận !

      1. cuba

        ” thiên chức” của nông dân đâu được ôm đồm ! việc của người khác, nông dân chỉ vay để đầu tư, còn chuyện khác thì tùy khả năng, nếu tài giỏi nắm bắt thị trường nữa thì mình nghĩ không nên đi rẫy nữa , hì…

  5. Nông dân

    Bác Hồ điệp ơi, Nông dân mùa nào thì tới khi thu hoạch đã phải cấn trừ cho các nhà cung ứng rôi, còn đâu mà đi vay ngân hàng để tái đầu tư nữa chứ, lấy gì để thế chấp. Mấy ông ngân hàng bây giờ làm ăn chắc cú rồi chứ ko có phải là vay 10tr cho người làm hồ sơ mấy đồng là ok. Chẳng qua chính phủ cho tạm trữ là nhằm giảm lượng hàng bán đi không cần thiết khi giá cả đang xuống qua thấp gây thiệt hại cho chúng ta. Cầu mong đề án tạm trữ thực thi sớm để cho Nông dân chúng ta có lợi, chứ đừng cứ ỳ à ỳ ạch rồi khi bắt đầu thực hiện thì cà chẳng còn, tạm trữ lúc đó cũng vô nghĩa.

  6. Hồ Điệp

    Các bác hay nhỉ! Nắng ko ưa mưa ko chịu thì làm sao? Có phải lúc cafe lên đa phần nông dân đều bảo nếu tôi có tiền thì tôi đã ko bán sớm và tại sao NN ko có cách gì? Không cho vay thì bảo ko có tiền, ko được quan tâm, cho vay thì bảo nếu tôi vay và giữ cafe lại giá xuống thì tôi lỗ ai chịu? Có phương thuốc nào cho căn bệnh trầm kha này. Chủ trương chính sách nào đưa ra cũng phải trên cơ sở cái chung , cái tổng thể chứ làm sao mà đáp ứng cho từng cá thể được. Việc đề xuất trực tiếp hỗ trợ lãi cho nông dân vay cũng thế thôi. Tôi có nói Ai có nhu cầu, có khả năng thì hỗ trợ cho ng ta vay. Có người có thể giữ lại cà phê nhưng ko cần vay, có người muốn vay nhưng ko còn cafe để thế chấp… Nếu vì ko có vốn mà bán hết cafe sớm thì bảo tại ko có tiền đầu tư nên tôi phải bán, giờ nếu có chính sách hỗ trợ cho vay lỡ sau này giá cà xuống lại bảo vì cho vay nên tôi bị mất tiền thiệt đơn thiệt kép. Nghĩa là cách gì ta cũng kêu ca, trách cứ và đổ lỗi cho người khác, còn ta thì ko có trách nhiệm gì với quyết định của mình cả.
    Thôi thì như Lê Nguyên nói muốn vay hay mượn, cất giữ hay bán gì …mặc kệ. Bó tay!!!

    1. cuba

      Có bao giờ nhà nước cho nông dân vay có hổ trợ lãi suất mà nông dân từ chối chưa mà bác nói vậy? Ý tôi là không nên hỗ trợ nông dân trữ cà fe thôi! và không nên bắt họ trữ cho dù lãi suất thấp! Những người rủng rẻng, không bắt họ cũng trữ ! Còn vay để trữ không phải là việc của nhà nông!

  7. Kinh Vu

    Bài viết hay lắm anh Lê@ à. Cách của bạn đang nêu ra chính là sự điều tiết dòng chảy cà phê vào thị trường bằng chính sách áp dụng và tác động lên từ gốc, góp phần đưa nông dân làm chủ được thời điểm bán. Một khi mà nông dân đã làm chủ được thời điểm bán thì sự khuynh đảo thị trường trên thị trường ảo cũng bị khống chế đi rất nhiều. Lúc đó bản tin thị trường thế giới hàng ngày ngoài những tin đưa về những tác động thường thấy lên giá cả, còn phải lưu ý thêm một yếu tố khác là quyết định và thái độ của người nông dân tại thời điểm đó.
    Ý kiến của bạn Cuba cũng là một yếu tố cần được xét đến, tuy nhiên một khi mà dòng chảy xuất khẩu được điều tiết tốt bởi chính người nông dân (bởi họ là người hiểu chính xác giá thành sản xuất) thì chắc chắn là tốt hơn tình hình hiện nay rất nhiều, tốt hơn nhiều nếu chúng ta cứ ngồi đấy mà không làm gì cả hoặc tệ hơn là đang làm sai. Thật ra thị trường mới chính là người quyết định tiếng nói cuối cùng cho nên khó có một giải pháp nào là tối ưu 100%.
    Mình đang viết bài giống như ý của bạn mà bạn đã nói quá đúng như thế rồi, không còn gì để nói thêm cả, với cách hiện nay thì đúng là người ta đang bơm vitamin vào sữa bò.

    1. cuba

      mình suy ngẫm 3 ngày nay về thuật ngữ: bơm vitamin vào sữa, theo mình là tích cực, không xấu tí nào!! sợ không làm nổi thôi, nông dân có sữa để bán, sửa tốt giá cao, nông dân thu lợi nhiều hơn, tất cả các công đoạn của nông dân đều muốn : sửa nhiều , giá cao, tác động bất cứ khâu nào có thể…
      vậy chỉ sợ không có vitamin , không có sửa để bơm thôi,
      cuối cùng nông dân có thu nhập cao nông dân sẽ trở lại việc đầu tiên : chăm sóc con bò… và bơm vitamim…

  8. Nguyên xuân Hoàng

    Cho nông dân vay thì họ trả nợ hết, còn nếu tạm trữ nhà nước chủ động thì tốt hơn.
    Còn như mấy bác nói đúng đấy, giá lên thì chăng sao, giá xuống họ trách nhà nước.

  9. lê minh khang

    Dường như các bác đã mổ xẻ rất sâu về chuyên đề tạm trữ cafe rồi, nhưng tôi thấy người trồng cafe muốn được bớt lo thi phải có sự ra tay của 4 nhà (…) nhưng trong các cuộc hội nghị, hội thảo thì nhà ngân hàng lại ít tham gia không hiểu lí do vì sao?
    Tôi ví dụ nếu như giá trị vườn của người trồng cafe được thuế chấp cao hơn 30% thôi thì người trồng cafe sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn do đó chính sách tạm trữ của chính phủ sẽ không gây go như bây giờ.
    Mong cả nhà cùng góp ý.

  10. Nguyên xuân Hoàng

    liêu giácà phê xuông thâp nhà nươc có mua cao đươc cho dân không còn lên hay xuông ai mà biêt đươc

  11. hung_bmt

    Đã bao nhiêu bài toán, bao nhiêu phân tích nhưng cuối cùng vấn đề vẫn không được giải quyết.
    Nếu có chiến lược tốt thì hãy nhanh ra tay cưú dân chứ sắp hết cà phê để ngồi mà tính rồi

  12. Nhất

    Về thuật ngữ “Bơm vitamin vào sữa”, tôi không biết vì sao ban CUBA lại mất nhiều thời gian suy nghĩ như vậy. Theo tôi thấy anh Kinh Vu là một tác giả của rất nhiều bài viết hay và sát thực về thị trường cà phê trên diễn đàn của anh Thịnh còi và lần này anh đã một lần nữa ám chỉ cách mà Nhà nước ta đang làm (mua tạm trữ cà phê thông qua các doanh nghiệp) đối với việc tác động lên giá cả mặt hàng cà phê của nông dân thật tài tình và chính xác (theo ý kiến chủ quan của tôi) khi anh sử dụng thuật ngữ “bơm vitamin vào sữa”. Nghĩa là người mập vẫn cứ mập (doanh nghiệp), mà người gầy vẫn cứ gầy (nông dân). Vì thực tế chính sách đó có đến được tay người nông dân trồng và chăm sóc cà phê đâu.
    Chúc bà con một mùa vụ thắng lợi. Tôi thì năm nay giảm 30% sản lượng rồi, hơn nữa ở Đak Lak giờ này vẫn còn mưa.

  13. trandanh

    cà phê mây ngày nay đang tăng rất mạnh không biết thời gian tới sẽ còn tăng không.theo các bác như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85