Khủng hoảng hiện nay nguy hơn “Đại suy thoái”

Giới chuyên gia đang tranh luận nhiều về việc liệu cuộc khủng hoảng  tài chính lần này có nghiêm trọng như cuộc “Đại suy thoái” thồi thập niên 30 của thế kỷ trước hay không và câu trả lời được nhiều người đưa ra là xét dưới một số khía cạnh, nó thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Nguy cơ của một cuộc đại suy thoái

Hồi thập niên 30, các khu vực kinh tế quan trọng của thế giới được cách ly, thị trường tài chính quốc tế chưa hội nhập chặt chẽ, vì thế không tạo ra hiệu ứng đôminô. Lần này là khủng hoảng toàn cầu, trong đó không một quốc gia nào tránh khỏi bị tác động.

Đây không phải là khủng hoảng khu vực hay mang tính khu vực như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay cuộc khủng hoảng nợ ở Mỹ Latinh hồi thập niên 80.

Cuộc khủng hoảng lần này cũng không xảy ra trong bối cảnh đối lập giữa hai phe về hệ tư tưởng, như thời Chiến tranh Lạnh, mà trong đó các nước nhỏ có thể được các nước lớn hơn trong phe hỗ trợ.

Mạng phân tích tin Oxford Analytica ngày 4/12 cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay mang những đặc điểm chưa từng có. Nó chủ yếu lan rộng qua con đường tài chính và trong bối cảnh vai trò truyền thống của khu vực tư nhân bị tan vỡ, các chính phủ đã phải can thiệp bằng những biện pháp mạnh mẽ, đồng thời nhu cầu trợ giúp từ các tổ chức đa phương tăng lên.

Chính phủ của các nước phát triển đã phải can thiệp mạnh mẽ do khu vực tư nhân, đặc biệt là tài chính, đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Sự sụp đổ của thị trường tín dụng đã làm cho nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính lớn phải xin trợ giúp, trong khi những ngân hàng còn tiền thì không dám cho vay tiếp. Như vậy vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong các cuộc khủng hoảng trước đã không lặp lại trong cuộc khủng hoảng lần này.

Mỹ, nhất là dưới chính quyền của đảng Cộng hoà, thường không ủng hộ chính phủ can thiệp vào các vấn đề kinh tế khi xảy ra khủng hoảng. Trong quá khứ, chính quyền Reagan đã từng mạnh mẽ phản đối việc mở rộng vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi cuộc khủng hoảng nợ xảy ra hồi 1982-1983. Năm 2003, chính quyền Bush cũng ngăn cản IMF thông qua Cơ chế tái cơ cấu nợ cho các quốc gia có chủ quyền. Lần này Chính phủ Mỹ, do đảng Cộng hoà kiểm soát, đã phải từ bỏ lập trường truyền thống, đề nghị Quốc hội chi những khoản tiền khổng lồ để can thiệp vào thị trường.

Do khu vực kinh tế tư nhân bị tê liệt, vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế lại được nâng cao. Nhiều nước đã phải quay sang IMF để xin trợ giúp. Đến nay IMF đã cam kết cho vay tổng cộng 42 tỷ USD cho Hungary, Ukraine, Ailen và Pakistan, so với 16,9 tỷ USD tổng cho vay của IMF vào thời điểm cuối tháng 10 vừa qua.

_________________
Theo TTXVN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82