Bán phân giả lại bắt vạ người mua

Sau bốn năm ký hợp đồng mua bán phân trả chậm, hàng chục hộ dân xã Ia Tôr (huyện Chư Prông, Gia Lai) lao đao vì phân kém chất lượng, còn người đại diện mua phân cho nông dân bị vạ lây.

phan-bon-gia
Người dân mua phân trả chậm bức xúc về chất lượng phân.

Bảo lãnh mua

Đầu năm 2007, để hỗ trợ nông dân thiếu vốn sản xuất, một số doanh nghiệp đến chào mời Hội Nông dân (HND) xã bảo lãnh cho dân mua phân bón trả chậm. Nghe bùi tai, Ban chấp hành HND xã Ia Tôr tổ chức họp mở rộng 16 thôn làng, nhất trí về việc mua phân hữu cơ bán trả chậm cho người dân.

Ngày 11-4-2007, ông Nguyễn Viết Hảo – Chủ tịch HND đại diện cho Hội ký hợp đồng với ông Trần Văn Tới trú tại thôn 3, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông mua phân hữu cơ trả chậm nhãn hiệu “Địa cầu xanh” do Cty TNHH XD – TM & SX Nam Thành (sau đây gọi tắt là Cty Nam Thành), Ninh Thuận sản xuất. Tổng số phân giao nhận 154,5 tấn x 1,3 triệu đồng/tấn, trả trước 300 nghìn đồng/tấn, phần còn lại đến cuối vụ sẽ trả đủ.

[/trichdan]Ông Rơ Mah Min, Chủ tịch UBND xã Ia Tôr cho biết: Việc ông Hảo ký kết hợp đồng mua phân hỗ trợ cho dân phục vụ sản xuất đã được tập thể HND thông qua và được Đảng ủy xã đồng ý. Nên bắt ông Hảo trả nợ thay là không hợp lý. Ở đây, Cty Nam Thành cần có trách nhiệm với dân, vì chất lượng phân bón có vấn đề.[/trichdan]Một thời gian sau khi bón phân, hơn 150 hộ nông dân trên địa bàn nghi ngờ chất lượng phân đã bón cho vườn cà phê. Ông Huỳnh Minh Ý, thôn 1, Ia Tôr kể: “Để theo kịp tiến độ của mùa vụ, 5 tấn phân “Địa cầu xanh” tôi mua về đã bón hết.

Sau khi bón phân, cây cà phê bị chững lại, cành không phát triển và có dấu hiệu vàng lá. Suốt cả một mùa nhưng phân vẫn không tan. Mỗi năm, bình quân 2ha cà phê gia đình tôi thu vào khoảng 8 – 10 tấn nhân nhưng năm đó chỉ thu được trên dưới 3 tấn”.

Ông Trương Quang Học cùng thôn 1 nói: “Những nơi bón phân “Địa cầu xanh” cây không mọc nổi. Mất tiền mua 3 tấn phân đã đành, cây cà phê sau khi bón không hiệu quả gây ảnh hưởng xấu. Năm 2007, hộ dân nào cũng bị thiệt hại”.

Anh Phạm Ngọc Pháp, người mua 1 tấn phân trên để bón cho vườn cà phê nhưng chưa dùng, thấy lạ, sau 4 năm để sau vườn không che chắn, mặc cho mưa gió, bao đã rách nát nhưng phân vẫn còn nguyên.

Ông Nguyễn Viết Hảo cho biết: Sau khi nhận được nhiều ý kiến phản ánh về phân kém chất lượng, HND họp dân để giải quyết. Tại cuộc họp, ông Trần Văn Tới không giải thích được về chất lượng phân mà dân đã mua. Dân đề nghị trả 50% do phân kém chất lượng và yêu cầu ông Tới báo cho Cty Nam Thành đến điều tra, giải quyết nhưng không thấy Cty thực hiện.

Người dân địa phương cho biết, sau khi dân phản ánh, Công an huyện Chư Prông đã kiểm tra, yêu cầu ai còn phân thì trả lại cho đại lý để nhận lại tiền, nhưng chẳng ai còn phân nguyên bao.

Cá nhân bị vạ

Sau 4 năm làm người đại diện mua phân bán trả chậm cho nông dân thiếu vốn sản xuất, không ngày nào ông Nguyễn Viết Hảo được yên thân. Cuối năm 2007, do bệnh tình, ông Hảo xin được nghỉ hưu sớm để chữa bệnh, nhưng trách nhiệm trên vai không vơi cho đến hôm nay. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc 1 ha cà phê nuôi bốn đứa con ăn học, ông còn phải bỏ thời gian đi vận động các hộ dân mua phân trả chậm trả tiền.

Ông Hảo cho biết: “Tôi đã gom trả cho ông Tới được 3/4 số tiền nợ (hơn 152 triệu đồng/tổng số hơn 200 triệu đồng). Như thế là hết sức rồi, nhiều hộ còn lại không chịu trả, vì họ nói phân kém chất lượng”. Tuy vậy, tháng 2-2010, ông Trần Văn Tới vẫn khởi kiện ông Hảo ra toà vì nợ quá hạn, vi phạm hợp đồng. Ngày 9-2-2010, TAND huyện Chư Prông xử buộc ông Hảo phải thanh toán hết số tiền gốc và lãi cho ông Tới trên 52 triệu đồng.

Cho rằng tòa xử oan, bởi trước khi đứng ra bảo lãnh, HND đã xin ý kiến Đảng ủy xã và được sự đồng ý, ông Hảo kháng cáo. Tuy nhiên, TAND tỉnh Gia Lai xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Hiện tại ông Hảo đã nhận được thông báo cưỡng chế nhà, đất từ Chi cục thi hành án Gia Lai.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. DVN

    Tòa xử thế là đúng luật rồi ! .
    Hội nông dân là tổ chức xã hội ,không có chức năng làm kinh tế .Bởi vậy HND không được ký hợp đồng kinh tế .
    Ông Hảo ký hợp đồng mua phân đương nhiên 1 mình ông ta phải chịu thanh tóan cho công ty.Còn phân bón của công ty Nam thành là thật hay giả phải xem khái niệm thế nào là phân giả (nghị định 100,nghị định 15 của chính phủ …).
    Trước khi viết báo ,nhà báo nên tìm hiểu luật pháp để biết thế nào là phân bón giả ,thế nào là phân bón kém chất lượng ,tư cách pháp nhân trong luật hợp đồng kinh tế ,Điều lệ hội nông dân…

    1. lam quen

      Cho hỏi bác DVN có gì với công ty Nam Thành không?
      “Ông Rơ Mah Min, Chủ tịch UBND xã Ia Tôr cho biết: Việc ông Hảo ký kết hợp đồng mua phân hỗ trợ cho dân phục vụ sản xuất đã được tập thể HND thông qua và được Đảng ủy xã đồng ý. Nên bắt ông Hảo trả nợ thay là không hợp lý. Ở đây, Cty Nam Thành cần có trách nhiệm với dân, vì chất lượng phân bón có vấn đề”. Nói như ông này là chuẩn rồi. Nông dân không thể vì bảo vệ lợi ích của mình mà nói “đúng luật rồi” để mình ông Hảo hi sinh. Nông dân phải biết đồng lòng.

      1. noi ngang

        Bạn không thấy cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều xử thống nhất bản án à. Ở đây không còn là chuyện đồng lòng nữa. Hình như quan niệm và hiểu biết của bạn về pháp luật còn chưa ổn đấy.
        Bạn có văn bản nào của cơ quan chức năng kết luận về phân bón có vấn đề thì bạn cứ việc lấy làm căn cứ để khởi kiện Nam Thành.
        Còn Nam Thành cũng có quyền kiện ông Hảo vì ký hđ với ông Hảo chứ không ký với Đảng ủy, UBND hay ký với hội ND bạn ạ. (lí do thì DVN đã giải thích)
        -Bạn không thấy CA huyện đã vào cuộc và xử lý bằng cách thu hồi phân trả lại để lấy tiền lui cho dân. Điều rất tiếc là phân đã bón hết ra vườn rồi thì chịu thôi. Nếu tranh chấp nữa thì cứ kiện ra tòa!
        -Hội ND làm sao lại có chức năng giải quyết, chỉ có chức năng hòa giải, trung gian.
        -Ông Tới làm sao giải thích được khi ông chỉ là người trung gian, môi giới chứ không phải là đơn vị sản xuất ra phân bón này.
        -Để đẩy việc đến cơ sự này là do yếu kém của chính quyền cơ sở mà cụ thể là UBND Xã. Khi có vấn đề thì báo cáo ngay lên Huyện xin giúp đỡ, hướng dẫn…chứ nông dân đâu có rành rẽ gì !
        -Chỗ này thì noi ngang tôi không thể nói ngang được bạn ạ.

      2. Nhin khong duoc

        Việc làm của CA huyện là đủ để kết luận phân kém chất lượng và Nam Thành phải có trách nhiệm với nông dân địa phương về mùa màng thất bát, vì có kém nên Nam Thành phải thu hồi và trả lại tiền. Hình như trong vụ này nông dân không có luật sư bảo vệ quyền lợi hoặc trong khi xét xử quan tòa cũng chưa thấu đáo. Hoặc có dấu hiệu…?
        Cái lý thuộc về kẻ có quyền và có tiền.
        Cuối cùng là những người thấp cổ bé họng phải chịu thôi.

      3. lam quen

        Tôi chỉ nói ở cái tình thôi, nông dân không thể xem không có chuyện gì khi nhà ông Hảo bị niêm phong. Chuyện này đã được họp dân 16 thôn, có nghĩa dân đã đồng lòng trước khi làm, vậy cớ sao để ông Hảo chịu một mình. Nhìn một góc độ nào đó thì ông Hảo là người năng nổ nhiệt huyết và nông thôn Việt nam có phát triển hay không thì cần phải có những người dám đứng mũi chịu sào như ông Hảo đây (khi mà HND ko có tư cách pháp nhân). Tôi tin sau vụ này sẽ ko còn HND tại xã Ia Tor và cũng sẽ không ai dám (có thể nói là dại) mà đứng ra giúp nông dân nữa. Thực ra họ cũng là người bị hại.
        Tôi nghĩ vấn đề này báo chí và công luận cần lên tiếng để bảo vệ người chính trực, thứ hai nữa là những công ty làm ăn gian dối phải chịu trách nhiệm. Tôi thấy chuyện này có thừa bằng chứng để kháng án

      4. lam quen

        Tôi xin nói thêm, bằng chứng chính và quan trọng nhất chính là tiếng nói đồng lòng của nông dân xã Ia Tor tại phiên toà. (Tôi tưởng tượng cái cảnh thật oái ăm khi mà tại phiên toà nông dân xem ông Hảo như tội đồ). Tôi nghĩ nếu có thua về lý, thì cái tình người vẫn nên phải còn. Đồng lòng là ở chổ đó

      5. toancafe

        Án tại hồ sơ, không tại tình cảm.
        Chỉ có mấy ông là thông minh, còn cả huyện Chư Prông là hơi bị kém hết !

      6. Laba Cafe

        Bác toancafe nói chí phải. Bởi cái tình người nó vụ lợi nên cái hồ sơ nó lỏng lẻo dẫn đến cái công lý nó lầm lạc. Bà con đã vô tình đẩy người bạn, người hàng xóm, ân nhân của mình vào bước đường cùng. Bà con nghĩ việc giơ tay ủng hộ đề xướng của HND chỉ là một cái vẫy tay thôi sao.
        Chưa có gì là quá muộn

  2. dien

    thật khổ cho ông hảo và bà con nông dân ! trong việc này tôi thấy cách xử lí của chính quyền và
    công an huyện ch prông chưa thật xâu xát .theo tôi nghĩ khi có phản ánh của nông dân mà công ty nam thành không thực hiện trách nhiệm của mình thì chính quyền phải cùng với công an tiến hành ngay những biện pháp nghiệp vụ cơ bản để làm cơ sở cho việc xử lí sau này.
    bà con mình có ai hiểu biết xin hiến kế giúp ông hảo tránh cảnh mất nhà !

  3. kim oanh

    Lỗi chủ yếu do bà con nông dân, vì chày cối mua phân không chịu trả tiền nên ông Hảo mất nhà là đúng rồi, vì theo luật thì có mua có trả còn nếu là phân giả kém chất lượng thì đó là rủi ro rút kinh nghiệm lần sau. giống như mình mua bán một mặt hàng nào đó nếu có bị lừa thì đó là xui cho mình thôi. Sống trên đời này con người phải luôn đấu tranh và tồn tại tới lúc lìa khỏi cõi đời vì xã hội luôn có những con người làm ăn bất chính muốn lừa gạt người khác để kiếm lợi cho mình. Nhưng chúng ta phải sống sao cho thật công bằng có mua có trả, có ăn có chịu, không nên để người khác chịu thay cho mình.

  4. van hai

    Ai cũng hô hào hãy vì nông dân mà “dám nghĩ dám làm” và đã có người làm, như ông Hảo đó. Sự việc như thế mà Đảng uỷ, UBND đứng ngoaì cuộc không phản ứng gì thì ai còn dám làm cán bộ của dân nữa (là cán bộ dân cử dân bầu); Còn bà con vì cho rằng ông Hảo có “nhấm nháp” gì đó nên phó mặc cho ông này lãnh đủ. Toà thì làm theo luật, ai sai phải chịu chứ biết làm sao!

  5. Hoang Dung

    Hội ND ở xã Ia Tôr cũng giống như HND ở tỉnh Đồng Nai trong vụ Vedan, nếu không có HND Vũng Tàu, TPHCM thì chẳng bao giờ đòi được vài trăm tỷ vậy đâu.
    Vụ phân bón giả này, trên pháp lý thì ông Hảo phải chịu, nhưng công ty Nam Thành không có đạo đức kinh doanh. Chỉ có vài chục triệu thôi vậy mà họ vẫn đòi bằng được, thấm vào đâu so với lợi nhuận từ phân bón kém chất lượng mà họ làm ra. Không biết hiện nay công ty Nam Thành còn sản xuất phân bón nữa không? nếu còn thì chúng ta hãy đồng lòng tẩy chay loại phân bón này đi. Tôi nhắc vụ Vedan là vì mọi người biết đồng lòng kiện, các đại lý siêu thị, người dân đồng lòng tẩy chay loại bột ngọt này. Nếu cty Nam Thành không biết điều thì sản phẩm của họ sẽ bị tẩy chay. CHÚNG TA HÃY TẨY CHAY SẢN PHẨM PHÂN BÓN “ĐỊA CẦU XANH” bà con ơi!!!

  6. trung dung

    Tôi chưa bao giờ nhìn thấy loại phân bón Địa Cầu Xanh này, qua vụ này có cho thêm tiền tôi cũng không bao giờ mua loại phân bón này.
    Để bảo vệ quyền lợi của mình, nông dân chúng ta hãy đồng lòng tẩy chay loại phân bón giả này, trên thị trường còn rất nhiều loại phân bón chất lượng cao, đừng dại gì mà mua loại phân bón ĐCX nữa nhá.
    Qua vụ trên chúng ta đã vạch mặt thêm một côngty mất đạo đức kinh doanh, học thêm một bài học xương máu khi là người đứng mũi chịu sào. Đúng ra khi bán phân cho nông dân ông Hảo cũng phải ký hợp đồng với nông dân, sau này không trả tiền thì có cái mà kiện. Trên pháp lý là vậy đó, không có tình đâu. Chuyện phân bón giả là vụ án khác, không thể “giả” mà không trả tiền.
    Bây giờ đi điều tra lại chất lượng phân bón đó là việc làm vô cùng khó khăn. Để cứu ông Hảo không bị mất nhà thì nông dân chúng ta hãy đồng lòng tẩy chay loại phân bón này. Chẳng nhẽ chỉ vài chục triệu mà cty Nam Thành phải đóng cửa nhà máy. Chúng ta hãy làm như vụ Vedan chẳng hạn, các siêu thị, cửa hàng, người dân không mua bột ngọt Vedan nữa khi đó họ phải chịu đền bù thôi.

    1. van hai

      Ôi,phân giả, phân kém chất lượng nhan nhãn trên thị trường từ bao năm nay, bà con nông dân ta bị bọn này lừa thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Ở chổ tôi,hãng phân Bình Nguyên ở Bình Dương cách đây mấy năm cũng làm như xã Ya Tor, nhưng Huyện Đak Đoa can thiệp kịp thời nên dân không bị mất thêm tiền, còn đại diện Hội nông dân Huyện thì được dịp rút kinh nghiệm. Vụ này bà con chỉ mất 30% tiền mua phân (giả ) mà đến nay vẫn còn ấm ức đấy các vị à. Mời các vị lãnh đạo Xã Ya Tor, Huyện Chư Prông hãy đến các xã Nam Yang, Tân Bình của huyện Đak Đoa mà tìm hiểu và học cách bảo vệ nhân dân, bảo vệ cán bộ chứ bảo thủ như các ông thì dân còn khổ dài dài !

  7. Nông dân nghèo

    Chuyện phân giả, phân kém chất lượng đã tràn lan mấy năm nay, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ngành chức năng rồi. Bà con ta cứ nói mãi mà sự chuyển biến vẫn chưa hiệu quả mấy. Tốt nhất là ta học hỏi lẫn nhau để biết sử dụng nhãn hiệu nào.
    Tôi đơn cử về vụ 30/07, PGĐ Cty Bình Điền ra hầu Tòa Bình Phước về tội sản xuất phân kém chất lượng. Chắc chắn đây không phải là chủ trương của Cty mà là của cá nhân PGĐ lợi dụng thương hiệu và uy tín của Cty để câu kết với tư thương bên ngoài tuôn hàng dổm, nên có thể xem Cty là nạn nhân,và chắc còn nhiều nơi (như bạn đưa tin ở ĐakNông) mà chưa bị phanh phui, chỉ mặt.
    Bình Điền gần 10 năm xây dựng thương hiệu Đầu Trâu, bà con trồng cà phê ở Tây Nguyên rất tín nhiệm, chỉ vì 1 cá nhân trong ban giám đốc mà làm niềm tin của bà con bị hụt hẫng. Nếu không, danh hiệu SAO VÀNG ĐẤT VIỆT 2010 của Chi nhánh Đầu Trâu Bình Điền-Lâm Đồng trọn vẹn biết bao.
    Nếu biết ứng xử một cách có văn hóa thì Công ty phân bón Bình Điền nên đưa ra lời xin lỗi bà con nông dân cả nước.
    Còn việc tẩy chay những thương hiệu có dấu hiệu làm hàng giả, hàng kém? Không đợi hô hào, bà con ta cũng cần phải thực hiện, âu đó là biện pháp duy nhất của nhà nông.

  8. ynhi-kpa

    cong ty Nam thành khởi kiện là đúng và Tòa án xử cũng đúng theo luật dân sự.À mà tại sao biết phân bón giả sử dụng đã qua 3 vụ có thiệt hại về vườn cây,năng suất sản lượng mà người trung gian,người sử dụng vẫn không có ý kiến khiếu nại!!! Vẫn chấp nhận trả ,chấp nhận nợ chờ đến khi đem nhau ra tòa mới cãi và truy tìm nguồn gốc.Nếu vẫn còn chứng cứ,còn bao phân nguyên vẹn hoạc có đủ bằng chứng về chất lượng phân bón,thiệt hại thì ông Hảo (nguyên đơn) kết hợp với các hộ sử dụng khởi kiện công ty Nam thành đền bù thiệt hại sau khi sử dụng phân kém chất lượng (không đúng theo đăng kí ghi trên nhãn mác) nếu không có nhân chứng vật chứng đáng tin cậy thì cứ trả tiền rút kinh nghiệm là yên.

  9. HàoMai

    Ôi,phân giả, phân kém chất lượng nhan nhãn trên thị trường từ bao năm nay, bà con nông dân ta bị bọn này lừa thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Ở chổ tôi,hãng phân tây nguyên cũng về tại Lộc thành Bảo Lâm tôi tiếp thị cũng giống như ở xã Ia Tôr (huyện Chư Prông, Gia Lai) nhưng chỉ khác là chúng tôi phải trả trước 50% và ai ký với cty thì tôi không rõ .Cái giồng nhau là ở chổ phân bón sau 2 tháng vẫn còn nguyên và không tan,không có màu xanh cho cà phê và chè mà vàng lá ….Trước tình hình đó tôi yêu cầu bên cty xuống và xác minh cụ thể .Lúc đó tôi đã chủ động đặt máy ghi âm lại cả 2 cuộc nói chuyện và chất vấn .Do trên thực tế bên cty tây nguyên không lý giải được vì sao mà cây trồng ko có màu xanh .Lúc đó tôi vẫn còn 1bao chưa bón nên họ mới chịu thua .Vì mình đòi đưa cho họ vài kg về để kiểm định chất lượng .Nói chung là họ ko dám đòi tiền của tui nữa
    Theo tôi việc thứ nhất ta cần làm là : CHÚNG TA HÃY TẨY CHAY SẢN PHẨM PHÂN BÓN “ĐỊA CẦU XANH” bà con ơi!!!
    ………………..thứ hai.:Bà con xã Ia Tôr phải đồng lòng cùng nhau giúp ông Hảo đòi sự công bằng .Vì Công an huyện Chư Prông đã kiểm tra,xác minh là phân kém chất lượng để trả lại cho lại cho đại lý để nhận lại tiền,chứng tỏ rằng phân đó không có chất lượng
    Theo tôi đó là bằng chứng cụ thể mà cơ quan pháp luật đã công nhận .Vậy bà con hãy cùng nhau giúp ông Hảo trong lúc này

Tin đã đăng

Tin mới nhất

94