Tin buồn

Hai “đại gia” kinh doanh cà phê bị vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng

Giới kinh doanh cà phê ở Đồng Nai cùng nhiều ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai và người trồng cà phê ở Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ… đến bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng và như đang “ngồi trên lửa” khi hay tin 2 “đại gia” kinh doanh cà phê nổi tiếng là Công ty cổ phần Xanh cà phê (xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh) và DNTN Phát Đạt (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) bị vỡ nợ và đang chìm trong nợ nần với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

vo-no-o-dong-nai
Trụ sở của 2 “đại gia”: Công ty cổ phần Xanh cà phê (Long Khánh) và DNTN Phát Đạt (Xuân Lộc) hiện tại luôn cửa đóng, then cài.

Khi phát đạt nợ “dắt dây”

Cách nay khoảng 2 tháng, nhiều người dân đã kéo đến đập phá kho hàng của DNTN Phát Đạt để lấy cà phê trong khi ông Lê Thao – giám đốc doanh nghiệp cùng gia đình đang vắng nhà. Cơ quan Công an huyện Xuân Lộc đã phải can thiệp để tránh gây náo loạn. Hầu hết những người tham gia phá kho đều có gởi cà phê cho Phát Đạt bán nhưng nghe tin doanh nghiệp vỡ nợ nên vội vã đi “thu” cà phê về! Sự kiện này đã “báo hiệu” về tình hình kinh doanh “không thuận buồm xuôi gió” của DNTN Phát Đạt. Sau đó, ông Lê Thao, giám đốc doanh nghiệp, đã chính thức thông báo tình trạng vỡ nợ của mình.

Cho đến hôm nay, từ các công ty chuyên XNK nông sản ở trong và ngoài tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tới các đại lý mua bán cà phê và người trồng cà phê đều ngỡ ngàng, không kịp trở tay trong quan hệ làm ăn với Phát Đạt. Vì DNTN này là một “tên tuổi” lớn trong giới kinh doanh cà phê ở Đồng Nai, đã hoạt động 15 năm nay và cũng là doanh nghiệp nộp thuế lớn hàng đầu ở huyện Xuân Lộc, hàng năm lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Theo lời giải thích của giám đốc Lê Thao, Phát Đạt kinh doanh dưới hình thức nhận ký gửi cà phê từ các hộ dân và các DN kinh doanh nông sản rồi tiến hành giao dịch với các DN lớn ở thị trường nước ngoài (theo hợp đồng tương lai tại Luân Đôn). Do giá cà phê liên tục giảm trong vòng 2 – 3 năm nay đã đẩy Phát Đạt vào tình trạng làm ăn thua lỗ và phải đối mặt với các khoản nợ lên đến hơn 140 tỷ đồng.

Hiện tại, khá nhiều DN và các hộ dân có mối quan hệ làm ăn với DNTN Phát Đạt đã phát đơn kiện hoặc đến trình báo cơ quan điều tra về các khoản nợ của ông Lê Thao. Trong đó, có nhiều người đã trở thành chủ nợ bất đắc dĩ của Phát Đạt với hàng tỷ đồng, như: bà N.T.L (xã Xuân Trường) hơn 5 tỷ đồng; bà C.T (xã Bảo Hòa) hơn 3 tỷ đồng; bà T.T.L (xã Bảo Hòa) gần 1 tỷ đồng; ông N (Gia Kiệm, Thống Nhất) hơn 6 tỷ đồng… Điều đáng nói, trong số những người dân bị “vướng” các khoản nợ với DNTN Phát Đạt, có những đại lý nhận ký gửi hoặc thu gom cà phê của nông dân với số lượng nhỏ, dẫn đến tình trạng “nợ dây chuyền”.

Thông tin từ ông Lê Thao cung cấp cho biết, tổng các khoản nợ hiện tại của Phát Đạt hơn 143 tỷ đồng. Cụ thể, tiền nợ các ngân hàng là 50,8 tỷ đồng; nợ các công ty khoảng 49,1 tỷ đồng; nợ người dân 11,3 tỷ; nợ vay họ hàng khoảng 8,2 tỷ; nợ cung ứng nông sản và ký gửi kho khoảng 24 tỷ đồng. Ông Thao cũng cho rằng tài sản hiện có của DNTN Phát Đạt bao gồm nhà xưởng, hàng hóa… vào khoảng hơn 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một ngân hàng chủ nợ của DNTN Phát Đạt thì tổng tài sản của Phát Đạt chỉ khoảng dưới 50 tỷ đồng, do đó khả năng trả nợ của DN này hiện rất “mịt mù”.

Xanh cà phê cũng… xanh mặt!

Tương tự, Công ty cổ phần Xanh cà phê cũng là một “đại gia” kinh doanh nông sản tại Long Khánh với các mặt hàng chính là cà phê, điều, tiêu. Doanh thu có năm lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Cũng với hình thức mua gom, nhận ký gửi cà phê từ người dân và các DN xuất nhập khẩu trong nước, sau đó giao dịch mua bán qua thị trường nước ngoài, Xanh cà phê đã thua lỗ liên tục trong nhiều tháng qua khi giá cà phê rớt mạnh. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, hiện tại Xanh cà phê có khoảng 70 – 80 chủ nợ, bao gồm cả người dân lẫn các DN và ngân hàng với số nợ tạm tính lên đến 160 tỷ đồng.

Giám đốc một ngân hàng thương mại ở Đồng Nai – là chủ nợ lớn của Xanh cà phê cho biết, trong tháng 7-2010 ngân hàng này đã đứng ra chủ trì một cuộc họp giữa các chủ nợ với giám đốc Công ty cổ phần Xanh cà phê. Theo đó, các phần tài sản còn lại của Xanh cà phê như: nhà xưởng, máy móc, hàng hóa… sẽ được rao bán hết để trả nợ. Bước đầu đã bán được một kho chứa hàng với trị giá hơn 11 tỷ đồng, trong đó một phần trả cho ngân hàng, phần còn lại chi trả một ít cho người dân. Ngoài ra, từ nguồn tiền huy động của họ hàng, Xanh cà phê cũng đã trả thêm được một số tiền nợ. Hiện tổng nợ của công ty còn trên dưới 100 tỷ đồng. Giám đốc ngân hàng này cho biết thêm, do giám đốc Công ty cổ phần Xanh cà phê rất có thiện chí trả nợ nên hiện các chủ nợ đều “án binh bất động”, chờ giải quyết các phần tài sản còn lại.

Hợp đồng kỳ hạn (Futures Contract) là thỏa thuận được tạo lập trên một sàn giao dịch có tổ chức để mua bán một loại hàng hóa tiêu chuẩn tại một ngày định trước trong tương lai với mức giá được xác định trong thời điểm hiện tại. Hình thức mua bán này được xem như một công cụ hạn chế rủi ro của nhà kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào chiều ngày 30-7, ông T., một người có trách nhiệm ở Công ty cổ phần Xanh cà phê, cho biết: “Có không ít giới kinh doanh cà phê trong nước thực hiện mua bán theo hợp đồng tương lai ở Luân Đôn (Anh) đã bị vỡ nợ. Bởi vào đầu năm 2008 giá cà phê tại thị trường Luân Đôn tăng cao lên tới 2.800 USD/tấn, sau đó thì giá ào ào đổ xuống cho đến ngày 10-3-2010 cà phê Robusta chỉ còn 1.180 – 1.190 USD/tấn. Thời điểm giá cà phê rớt xuống thấp nhất lại đúng vào vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam, chủ yếu là Robusta, nên nhiều doanh nghiệp lao đao, thua lỗ nặng nề, nhiều nhất là ở Tây nguyên. Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để thanh toán cho các chủ nợ, ngoài rao bán các tài sản, nhà cửa của công ty, chúng tôi còn gom góp các tài sản riêng của gia đình và con cái để bán trả nợ “.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống nhà xưởng của Xanh cà phê được đầu tư khá quy mô nên có một số nhà đầu tư đánh tiếng mua lại với giá trị khá cao. Tuy nhiên, khả năng thanh toán hết nợ hay không, còn ở thì… tương lai!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cao Trần

    dn Đồng Nai có vẻ thật thà hơn các doanh nghiệp ở Tây nguyên,

    thấy vỡ nợ mà cứ kể vanh vách tình hình là nợ bao nhiêu, nợ ai, có trả được ko, trong nhà còn tiền còn gạo không.

    trong khi đó doanh nghiệp tây nguyên thì chọn giải pháp là vi vu trước rồi gọi điện về thông báo vỡ nợ sau, chắc do quá quen và có quá nhiều kinh nghiệm :D

  2. Lang thang

    Thiết nghĩ bà con nên cẩn thận với thói quen ký gửi hàng tại đại lý, hoặc nếu có bán nợ (bán vài ngày sau mới lấy tiền) thì nên bán nhiều chổ hoặc nhiều đợt để phân tán rủi ro. Với lối làm mượn vốn từ nông dân thì nông dân luôn là người chịu thiệt thòi nhất.

  3. Hồ Điệp

    Bà con nông dân ở Daklak khóc vì mất của cách đây ba tháng, giờ đến lượt bà con Đồng Nai. Tôi có một ví von thế này: Việc bà con mình gửi cà phê chờ chốt giá cho các DN cà phê chẳng khác gì “mua pháo nhờ người ta đốt vậy”, Tôi thấy buồn thương cho thân phận cây cà phê và người trồng cây cà phê đó, tôi nghĩ mãi chưa ra có cách gì cho bà con mình đỡ khổ. Việc tự giữ hạt cà phê ở nhà dù biết là an toàn nhưng chưa phải là giải pháp phù hợp với tất cả mọi người. Gửi cho bà con bạn bè thân quen cũng chưa chắc, gửi cho thiên hạ thì …ôi thôi. Hay là…Hồ Điệp tôi xưa nay vốn lương thiện, thật thà, bà con có tin tôi thì để tôi giữ hộ cho.Hì hì.
    Nói cho giải khuây chớ bà con mình khổ quá, làm được hạt cà phê thất thoát đủ đường:
    1, Khi làm đất thì mua phải phân bò độn đất sét, vôi pha cát, phân lân trộn bùn.
    2, Khi mua giống bị người làm giống lừa bán giống rởm.
    3, Mua dầu tưới bị tính thêm tiền lập quỹ quản lý đường bộ.
    4, Mua phân bón gặp phải phân giả, phân ko đạt tiêu chuẩn chất lượng.
    5, Trái lớn lên bị ăn trộm hái trái, chặt cả cành .
    6, Mùa thu hoạch thuê người hái bị làm dối hưởng công cao.
    7, Có hạt cà phê đem bán bị người mua cân điêu, làm mẫu chất lượng gian rồi thì ép giá.
    8, Chưa muốn bán đem gửi cho ai đó đến lúc cần bán lại có nguy cơ mất trắng
    ………
    Người ta cứ nghĩ cần cù chăm chỉ sẽ được hạnh phúc ấm no, nhưng tôi thấy như tình cảnh bà con nông dân mình (ko riêng gì người làm cà phê) thì CHƯA CHẮC.

  4. TRẦN HOÀNG

    Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước chủ yếu là bán cà phê qua các nước.Tức là mua của nông dân rồi đem bán trê thị trường, vậy hôm nay mua, tháng sau bán mà giá thấp thì lỗ. Còn hình thức ký gửi cà phê của nông dân thì chỉ bán khi nông dân cắt giá, nêu thấy lỗ thì đừng mua, trả cà phê lại cho nông dân thế thì sao người ký gửi cà phê bị mất tiền được. Như vậy doanh nghiệp nhận ký gửi như lại thực hiện kiểu khác Có hai vấn đề sau:
    1. Nhận ký gửi lúc năm 2008( như bài viết giá 2.800USD/tấn). Nếu doanh nghiệp lở bán lúc đó, bây giờ nông dân ra chốt giá (đến ngày 10-3-2010 cà phê Robusta chỉ còn 1.180 – 1.190 USD/tấn) thế thì doanh nghiệp còn lời hơn 1.600usd/tấn. Vậy doanh nghiệp lỡ bán năm 2008 thì họ có lãi đối với người ký gửi chứ không phải lỗ. Vậy với phương thức ký gửi nếu giá xuống thì MỘT LÀ doanh nghiệp có lãi, HAI LÀ nếu chưa bán thì cà phê lưu ở kho. Nghiệp vụ này không làm doanh nghiệp lỗ.
    2. Vậy các DN này lỗ do dâu?
    A). Mua của nông dân, lưu ở kho mà không chịu bán( mua lúc 2008) đến nay thì bán sẻ lỗ, nếu chưa bán thì còn nguyên cà phê trong kho tức chưa bán thì chưa kết luận lỗ hày lời. Thường thì DN Việt Nam mua là bán ngay sau đó không lâu, trong kho họ tồn không nhiều. Nếu mua rồi bán liền sau đó vài tháng thì không lỗ nhiều như vậy.
    B) Khả năng lớn nhất để làm cho họ lỗ nặng đó là kinh doanh cà phê trên mạng. Tức là năm 2008 lúc giá cao các ND này đã mua vào rất nhiều, mua ngay và mua kỳ hạn trả trước. Và đến nay (3/2010) đã đến kỳ hạn thì họ bị lỗ nặng.
    Như thế họ lỗ là do mua trên mạng, đầu tư trên mạng là chủ yếu chứ không phải ký gửi họ lỗ. Vậy các DN kinh doanh lớn, kinh doanh qua mạng internet bà con nên cẩn thận. nên ký gửi ở các DN chỉ mua cà phên trong nước rồi bán ra nước ngoài hoặc chia cà phê mình gửi thành nhiều nơ khác nhau để phân tán rủi ro.

  5. Hồ Điệp

    DN kinh doanh lỗ cũng có, mà tham lam thì nhiều hơn. Mà cái sự lỗ lớn cũng do lòng tham mà ra.
    Thử hỏi có tài cán gì lắm mà DN cà phê lớn nhỏ gì cũng xe này nhà kia, con cái du học, tiền tỷ gửi ngân hàng. Một phần là họ chiếm dụng của người khác, mùa thu hoạch người ta tự nguyện ùn ùn đem cà phê đến gửi lấy về tấm phiếu (chẳng có giá trị mấy lúc tranh chấp sau này), tội tình gì ko bán vài mươi tấn cho vợ cho con xài chơi, rồi thì số gửi đó phải đem quay vòng chứ để tồn kho lấy đâu ra mà chi phí hao hụt lưu kho bảo quản, rủi là khi bán thì giá thấp sau đó lại lên, giá lên ko có gì bù vào, 1.2.3 năm lỗ chưa sao còn lấy của người sau trả nợ người trước(như kiểu huy động vốn lãi suất cao ấy mà), người mua bán giỏi (hoặc là gặp may) còn gỡ gạc, bù đắp lại chứ người kém thì mất dần lúc đó chỉ còn cái mạng của họ thôi, nhà cửa xe cộ vợ con đứng tên đâu đó ko ai hay.
    Kinh doanh thua lỗ cũng ba bảy đường, ai mua bán lại ko có lúc được lúc mất. Nhưng cái sự mua bán cà phê nó có nhiều cái hay lắm. Mua trước bán sau, mua sau bán trước chẳng qua là may rủi. Tôi chỉ nói đến việc người ta sử dụng cái nguồn gửi kho như thế nào để có hiệu quả. Giả dụ như anh ta dùng nó để làm chân hàng mua bán giao ngay thì nó sinh lợi rất nhiều: anh ta ký bán với giá giao hàng ngay (dĩ nhiên là giá cao hơn giao chậm) vì anh ta đã có sẵn hàng gửi kho, đồng thời anh ta ký mua ứng tiền trước cho đại lý (giá sẽ thấp hơn giao ngay). Như vậy trong việc bán anh ta luôn được xếp vào nhóm bán hàng giao ngay được tin cậy nguồn hàng chắc chắn vì thế sẽ được chính sách ưu đãi về giá, về thanh toán đồng thời trong việc mua anh ta cũng là người sẵn sàng cho ứng tiền do đó khách hàng chấp nhận bán thấp giá hơn so với người chậm tiền. Và như vậy anh ta luôn đảm bảo chi trả cho người gửi, Tôi ko kinh doanh cà phê nhưng theo suy nghĩ của tôi nếu làm theo lối này có thể các DN sẽ có lợi nhuận nhưng ít rủi ro hơn. Tuy nhiên lợi ích có thể người ta ko ham.

  6. Nông Văn Dân

    Thường người ta buôn bán lời ăn lỗ chịu nhưng các ông doanh nghiệp bây giờ lời thì ăn lỗ thì ” xù ” chỉ vì pháp luật Việt Nam không quan tâm đến quyền lợi của người dân, xử lý không nghiêm những kẻ ” xù ” nợ của dân, nên ông doanh nghiệp này ” xù” chẳng thấy pháp luật làm gì, thì ông khác cũng học theo ” dại gì mình không xù “. cuối cùng người dân chịu tất. Hỡi các bác nhà nông đừng bao giờ tin đại lý mà ký gửi, để cho những kẻ lừa đảo ăn mồ hôi nước mắt của chúng ta.

  7. Dan Buon

    Mặt hàng cà phê là một trong những sản phẩm bị chi phối bởi các nhà đầu cơ quốc tế, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam với trình độ còn non kém, vốn ít nên rất dễ bị các nhà đầu cơ bắt bài.

    Thiết nghĩ nhà nước cần có những giải pháp để tránh những thiệt hại cho các DN và những hộ nông dân! Các giải pháp tạm trữ của chính phủ để quá trể khi hàng loạt các doanh nghiệp đã lâm vào tình cảnh dỡ khóc dỡ cười.

    Thử hỏi còn lại mấy doanh nghiệp kinh doanh cà phê có hiệu quả? những anh này phá sản là đúng rồi, tôi cho họ và các hộ nông dân

  8. Nông Văn Dân

    Chỉ khổ các hộ nông dân thôi còn doanh nghiệp kinh doanh mất gì mà tội, lời họ ăn lỗ thì họ “xù” .

  9. doanh nhiep

    noi chung la ho da bi tham von tu nhieu nam truoc.cung mot phan la do ca phe giay,ca phe ao do ma.no hot het tien cua doanh nhiep.no nhu danh bai do thoi.va cho toi nay ho kg gong noi nua nen bi pha san.kg ai lai muon nhu vay.nhung tinh canh bat buoc.biet sao bay gio.nhung khong biet la khi gan pha san ho co giau giem hay kg thoi/cung toi cho nguoi nong dan.chang biet gi.cu thay ho lam an co uy tin va chac chan.nen moi ky goi.cuoi cung moi vo le ra.gio thi that tai hai.con nha nuoc thi lai chua nghiem khac voi nung nguoi nhu vay.nhung sau nay se kg con co ke ho voi nhung nguoi do./vi luat phap minh ngay cang cai thien hon roi…..

  10. alphone

    Kinh doanh va lam giau bang nghe buon ban ca fe khong don gian chut nao.Doi hoi phai co hoc thuc, kinh nghiem .Nhung nguoi nhanh giau chang wa la giau ao thoi chu thuc chat ko nhanh giau nhu the .BE no la dung thoi chua giau da doi lam chu chi tay 5 ngon .Huy dong von bang cac hinh thuc mua cao ban thap ,nhap hang vao kho qua de khong do do tru tap chat ,do la hinh thuc loi cuon nguoi dan ham loi nhuan ,nguoi dan thay loi nhuan nhao vo nen chiu hau qua . Cung chi vi long tham loi nhuan truoc mat nen mat canh giac bi giut no ba con nen canh giac..

  11. q dong

    Nhà nước cần xử lý nghiêm trọng trường hợp lừa đảo nông dân, kể cả tử hình. Vì người nông dân rất vất vả mới làm được ít sản phẩm mà lại bị lừa đảo. Vì người nông dân làm được sản phẩm đã khó mà lại còn bị lừa, người nông dân cần phải được bảo vệ, gửi đên các chức năng suy sét.

  12. nokia

    Người dân mình nhiều người vẫn biết những đại lý, doanh nghiệp kinh doanh ko lành mạnh nhưng vẫn bán cà phê vì thường những chỗ này nào là mua giá cao, mua dễ, vay tiền lãi suất cao, người dân chỉ biết có lợi nhuận trước mắt là khen nên đã bị mắc bẫy những kẻ lừa đảo. Có những đại lý mua đúng giá ;cân đong đo đếm đàng hòang thì chê là ép giá. Chính vì vậy nên bọn lừa đảo mới có đất sống, đến lúc bọn nó vơ vét đầy túi hoặc bể nợ thì người dân mới tá hỏa, không dám kêu ca lên tiếng sợ người khác cười. Ở đời là vậy,tham hay ngu, dại mất khôn.Tôi có lời khuyên người dân làm ra hạt cà phê đã vất vả thì đi bán đúng giá trị đích thực của nó. Phải chọn mặt gửi vàng, tiền trao cháo múc. Chỉ có người bán lầm chứ người mua ko bao giờ lầm đâu. Mua cao thành rẻ, mua để ăn gian, vay cao ko trả…

  13. MrQuick

    Về bài báo trên tôi nghĩ cần có sự điều tra chính xác của công An kinh tế để làm rõ nguyên nhân phá sản, vỡ nợ của 2 doanh nghiệp trên. Về lý do ông GĐ Lê Thao đưa ra là do giao dịch theo hợp đồng tương lai (Futures contract – FT) tôi thấy không thuyết phục cho lắm. Vì nếu xét ra nếu cty Phát Đạt ở vị trí người bán trong FT, giá càng giảm thì Phát Đạt càng có lợi. Ví dụ: Phát Đạt ký 1 FT với 1 nguời mua Nhật tại sàn giao dịch London bán 100.000 tấn cafe, giao vào tháng 8/2011 với giá 39.000VNĐ/kg. Đến 8/2011 giá cafe chỉ có 29.000VNĐ/kg. Như vậy lúc này Phát Đạt chỉ việc thu mua 100.000 tấn cafe với giá 29.000 để thực hiện giao dịch, lãi 10.000VNĐ/kg. Trường hợp cũng đúng tương tự nếu là hợp đồng kỳ hạn tuy lãi có thể sẽ khác nhưng cơ bản Phát Đạt vẫn lãi nếu đứng trên phương diện người bán và giá cafe tại lúc ký hợp đồng > giá thời điểm thực hiện giao hàng. Vậy không hiểu Phát Đạt đứng ở vị trí người bán hay đã chuyển sang thành người mua! Vài lời nhận xét nếu bà con và các bạn có hứng chúng ta cùng bàn thêm :)

  14. Mr Slow

    Về vấn đề thua lỗ của Phát Đạt, theo tôi nghĩ do Phát Đạt đã nhận định sai thị trường tương lai. Ông ta cho rằng giá cà phê sẽ tăng nên khi ký hợp đồng với người mua nước ngoài đã không fix giá ngay với người mua như Mr Quick đã giả định, thay vào đó đã tiến hành giao hàng thật mua với giá cao, đến thời điểm fix giá theo quy định của hợp đồng, giá thế giới xuống thấp dẫn tới giá bán thực tế thấp hơn giá mua đầu vào. Do giá liên tục hạ, Phát đạt đã rơi vào vòng luẩn quẩn…phải tuyên bố phá sản. Thế thôi…

  15. ep gia

    Không biết bà con nơi khác thế nào chứ nơi tôi ở (đak mil- đak nông) doanh nghiệp ép giá bà con quá. Giá họ mua lúc nào cũng thấp hơn giá nhà mạng công bố nhiều lắm . Ví dụ giá mạng công bố 36 thì họ mua khoảng 35,3 . Chưa hết, từ lúc bàn cà đến lúc lấy được tiền là cả một vấn đề . Cà mà lên thì còn nhanh nhanh, còn cà xuống thì ngồi đó mà chờ khi đó chỉ ngồi cầu cho đại lý đó đừng bể nợ. Thấy mà thương bà con.

  16. Chu Thị Liễu

    Nông dân làm ra hạt cà phê rất cực các đại lý buôn cà phê cứ tiêu tiền như nước rồi tuyên bố vỡ nợ, có thể họ cất tiền ở nơi khác rồi tuyên bố như vậy chăng. Trong dịp lễ này gần nơi tôi ở cũng có một doanh nghiệp cà phê đang bỏ trốn nghe nói vỡ nợ trên 40 tỷ đồng.

      1. Cafe chim

        Tin mà ko cụ thể thì tin vịt chứ còn gì?
        Mong các bạn phản ánh cần cụ thể, nơi chốn rõ ràng hơn cho bà con cùng biết.

  17. Kim Yến

    Ko phải tin vịt đâu Cafe chim ơi. Hai vợ chồng doanh nghiệp đó đi trốn nợ, bị công an Dak Nông bắt cách đây mấy ngày, chắc cũng cất ở đâu đó một số tiền lớn rồi….

  18. Nông dân@

    Kẻ mua, người bán luôn luôn là đối thủ của nhau. Gian tham là thuộc tính con người, có cơ hội là thực hiện liền. Mua bán nội địa và xuất khẩu tốt nhất là tiền trao cháo múc. Bà con chưa bán thì đào hầm, khóa trái cà phê, tiêu , điều… lâu nay tôi vẫn làm như vậy, chắc ăn, chẳng tin anh nào.

  19. Ktamthôn6

    Bà con ơi, kêu nhà nước hỗ trợ vốn mà xây kho để cất chờ khi giá lên thì bán, còn mà gửi cho đại lý thì có khác nào giao trứng cho ác .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83