Cà phê Việt Nam: mất giá vì hái non

Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu nhưng chất lượng cà phê VN đang có vấn đề, nguyên nhân là do thói quen thu hoạch theo kiểu tuốt sạch của người trồng cà phê.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng cà phê Tây nguyên” được tổ chức tại Đà Lạt ngày 24-8 nhằm tìm giải pháp khắc phục.

hai-ca-phe
Thói quen thu hoạch cả cà phê còn xanh đã làm giảm chất lượng cà phê VN

“Tuốt sạch”!

Theo Cục Chế biến nông lâm sản (thuộc Bộ NN&PTNT), mặc dù kim ngạch xuất khẩu cà phê ở VN có tăng nhưng chủ yếu nhờ giá cà phê thế giới tăng chứ không phải từ sự gia tăng chất lượng. Theo những người am hiểu ngành cà phê, “thủ phạm” chính là do lối thu hoạch tuốt sạch trái trên cành, hay còn gọi là thu hoạch xanh khi trái trên cành chưa chín hết.

TS Dave A. D’Haeze – Công ty tư vấn cà phê E.D.E Consulting (Đức) – cảnh báo với cách thu hoạch đó sẽ đẩy cà phê VN vào chỗ khó, vì chất lượng là rất quan trọng trong cạnh tranh, nhất là khi VN vào WTO.

“Thế nhưng, người trồng cà phê vẫn… không ngần ngại tuốt sạch một lượt khi thu hoạch cà phê!” – phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao VN, ông Đoàn Triệu Nhạn lo lắng nói.

Ông Nhạn cho rằng lâu nay các địa phương chỉ chăm bẵm phát triển diện tích mà bỏ qua việc hướng dẫn cho nông dân cách thu hái, cũng như qui trình bảo quản sau thu hoạch để làm tăng khả năng cạnh tranh và giá trị của hạt cà phê VN.

Phó giám đốc Công ty giám định hàng nông sản Caphecontrol, ông Lê Anh Tuấn, phân tích thêm: thu hoạch sớm khi trái vẫn còn đang tiếp tục lớn sẽ làm hạt teo lại, da nhăn nheo, kích thước nhỏ, tỉ trọng nhẹ; vỏ lụa dính chặt vào nhân rất khó đánh bóng sạch; hạt nhân bị màu tối, thậm chí đen.

Sau khi rang, những hạt cà phê non thường có màu vàng và có mùi khó chịu… Tất cả các yếu tố đó làm giảm chất lượng của hạt cà phê, trở thành “lỗi” để nhà nhập khẩu cà phê bắt bẻ, và bị coi là “tạp chất”…

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, thu hoạch xanh sẽ làm giảm 20-30% sản lượng, tính ra mỗi năm đã làm thiệt hại đến 100.000 tấn cà phê.

Giải pháp: phải hái chín

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, rất khó khắc phục được tình trạng thu hoạch xanh vì đã thành thói quen đã có từ hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, còn một lý do khác nữa mà người trồng cà phê phải thu hoạch sớm vì lo sợ nạn… hái trộm cà phê diễn ra khá phổ biến ở các vườn cà phê khi đến mùa thu hoạch.

TS Dave A.D’Haeze nói rằng ông lấy làm tiếc khi VN là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu loại nông sản này chỉ đứng thứ năm thế giới. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần thông tin cho biết có đến 88% số lượng cà phê bị loại thải trên thị trường xuất khẩu thế giới thời gian qua thuộc về VN, phần còn lại của thế giới chỉ 12%…
Bên cạnh đó, người trồng cà phê còn “tuốt sạch” vì cho rằng thu hoạch nhiều lần sẽ mất thêm chi phí. Do vậy, ông Nhạn đề nghị, để nâng cao chất lượng cà phê VN lên, ngành… công an phải vào cuộc, đó là phải đảm bảo an ninh cho các vườn cà phê.

TS Dave A. D’Haeze nêu kinh nghiệm ở nhiều nước khác là “nông dân cần phải thành lập thành từng nhóm hộ, câu lạc bộ để cùng quản lý, bảo vệ, tổ chức thu hoạch, cũng như trao đổi thông tin về cà phê…”.

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, không thể để kéo dài tình trạng này. “Phải vận động nông dân chỉ hái chín vì hái chín có lợi hơn nhiều”, ông Tần nói. Bộ NN&PTNT còn đề xuất các đoàn thể cũng nên tham gia vận động nông dân thay đổi tập quán thu hái cà phê nhưng trách nhiệm chính vẫn là chính quyền địa phương.

Ông Đoàn Triệu Nhạn thì cho rằng các doanh nghiệp phải ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá mua phù hợp để kích thích nông dân “hái chín”, đó là biện pháp kinh tế để nâng chất cà phê VN…

Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn băn khoăn khó có thể cải thiện được tình hình trong thời gian gần vì cả nước có đến 600.000 hộ dân trồng cà phê, với khoảng trên 1 triệu nông dân trồng cà phê và việc thu hoạch xanh đã trở thành thói quen. Biết khó nhưng vẫn phải làm vì nếu không vị trí của cà phê VN sẽ bị đe dọa.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81