Cà phê “đắng” từ nhà ra chợ

Giá cà phê trong nước tăng cao một cách bất thường, cao hơn cả giá cà phê trên thị trường thế giới. Giá tăng nhưng nhà nông lại không có cà phê để bán và để tuột mất cơ hội ngàn vàng.

Trong khi đó, nhà doanh nghiệp xuất khẩu thì lo lắng, bởi lẽ không thể mua đắt, bán rẻ. Lẽ nào một nước sản xuất cà phê đứng thứ 2 thế giới lại phải nhập khẩu cà phê?

Giá tăng bất thường không nằm ngoài quy luật

Hết hạn hán, cà phê Tây Nguyên trở lại màu xanh bạt ngàn. Thế nhưng nguồn lực trong dân hao tổn. Lượng cà phê cạn kiệt vì mất mùa, vì cuối vụ, vì phải bán sớm để trang trải nợ nần. Quan trọng hơn là nhu cầu tăng cho nên giá cả liên tục tăng.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, giữa tháng 5 giá cà phê nhân robusta loại 1 mua vào ở thị trường Đắc Lắc, thủ phủ cà phê Tây Nguyên, đạt mức 16.200đồng/kg, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và tăng khoảng 30% so với giá đầu năm (9.800 đồng/kg).

Lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng giá cà phê 1999-2000, giá cà phê vượt ngưỡng 1.500đồng/kg. Với giá này sau khi qua rang, giá cà phê sẽ lên khoảng 20.000đồng/kg, tức khoảng 1.200 USD/tấn.

Ông Vân Thành Huy giải thích về hiện tượng giá cà phê tăng không bình thường: ” Theo dõi rất sát giá cà phê ở thị trường London. Cuối tuần qua giá cà phê đã đạt 1.204 USD/tấn, cao nhất kể từ 10-1-2000 đến nay. Thị trường London giao dịch chủ yếu cà phê robusta.

VN là nhà sản xuất số 1, chiếm phần lớn sản lượng cà phê robusta của thế giới. Thông tin VN hạn hán mất mùa, mưa lớn kéo dài ở Brazil làm dấy lên lo ngại giảm sản lượng lớn cà phê trong vụ tới, đã tác động mạnh đến thị trường, làm cho giá tăng”.

Giá tăng nhưng tiền không vào túi nhà nông

Vicofa dự báo, sản lượng cà phê niên vụ 2004-2005 chỉ đạt gần 750.000 tấn, nhưng các hãng nhập khẩu nước ngoài lại dự đoán trên 900.000 tấn. Vì vậy, đầu vụ họ mua cầm chừng, tìm cách hạ giá thấp. Đến nay VN mới xuất khẩu được khoảng 600.000 tấn thì nguồn trong dân đã cạn kiệt.

Ông Huy dự đoán, hiện chỉ còn khoảng gần 100.000 tấn. Các doanh nghiệp, thời gian qua không một đơn vị nào dám “đánh bạc” với may rủi là đi vay ngân hàng mua cà phê tích trữ, chờ giá tăng lên bán kiếm lời.

Ông Ngô Tấn Giác, Giám đốc Công ty Cà phê Tư nhân Thu Hà nhìn nhận thị trường ở một góc độ khác. Ông cho rằng: “Giá cà phê hiện nay đang bị thả nổi và nằm trong sự chi phối của các đại lý thu mua, tình trạng đầu cơ nâng giá đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến”.

Một doanh nghiêp xuất khẩu nói rõ thực trạng: “Giá cà phê bán ra nước ngoài đang rẻ hơn giá mua trong nước. Nói cách khác, giá mua cao hơn giá bán. Nếu cứ cái đà găm giữ hàng và tăng giá bán như hiện nay thì chúng tôi phải tính đến chuyện nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu không có sự điều tiết từ nhà nước thì các doanh nghiệp phải tự cứu mình”.

Đợt tăng giá cà phê lần này tuy không bình thường, nhưng vẫn không nằm ngoài quy luật của hàng hoá nông sản VN: mất mùa được giá và ngược lại được mùa mất giá. Chừng nào “bài ca” này còn lặp lại thì nhà nông còn khốn đốn.

Trên đất Tây Nguyên có khoảng 40 doanh nghiệp chuyên doanh cà phê. Đắc Lắc là tỉnh có diện tích cà phê nhiều nhất nước, khoảng 160.000 ha. Hạn hán đã làm cho trên 30.000 ha cà phê mất trắng, thiệt hại ước tính 55 triệu USD. Ở Đắc Lắc cũng như Gia Lai, Kon Tum, mất mùa cà phê các doanh nghiệp điêu đứng một thì người trồng cà phê điêu đứng mười.

Người được lợi nhiều nhất khi giá cà phê tăng cao là các đại lý thu mua. Phần lớn các đại lý là của tư nhân, lấy lợi nhuận làm mục đích hoạt động hàng đầu. Ngoài chuyện găm hàng, làm giá, thao túng thị trường, họ còn tìm mọi cách móc túi đối với người trồng cà phê một cách không thương tiếc.

Theo bà con nông dân ở các huyện trồng nhiều cà phê như Krông Buk, Ea Hleo… các đại lý bao giờ cũng treo biển mua cà phê theo giá thị trường, nhưng thực tế còn lâu nông dân mới bán được giá đó.

Họ móc ngoặc, liên kết với nhau, ép giá nhà nông bằng moi cách, như hạ chất lượng, tăng độ ẩm, cân sai. Thời buổi giá tăng bất thường nên một ngày các đại lý cũng có thể treo biển thay đổi giá mấy lần. Cao nhất là vào lúc hoàng hôn, cuối ngày, khi mà người dân không còn đi bán cà phê nữa.

Theo cách gọi của dân “Phố núi” thì đây là thủ đoạn “nhử mồi” của đại lý để “vời” nông dân đưa cà phê đến bán hôm sau.

Mất mùa, được giá nhưng tiền không vào túi nhà nông. Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN lấy làm nuối tiếc: “Chúng tôi đã bỏ lỡ một cơ hội tăng giá có thể đem lại món lợi khá lớn cho người nông dân và doanh nghiệp”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84