Chính sách thu mua tạm trữ khiến giá cà phê tăng

Chiều 29/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng đã chủ trì cuộc họp báo cáo về tình hình triển khai thực hiện mua tạm trữ càphê niên vụ 2009-2010.

> Cà phê tăng giá nhờ thông tin tạm trữ từ Việt Nam

san-luong-ca-phe
Chương trình tạm trữ đã mua được hơn 55,000 tấn cà phê

Đại diện các doanh nghiệp càphê đều khẳng định việc thực hiện hỗ trợ thu mua tạm trữ càphê niên vụ 2009-2010 theo quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự mang lại hiệu quả, chính sách thu mua tạm trữ càphê đã giúp cho nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

Theo báo cáo của Cục Chế biến thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc thu mua tạm trữ càphê theo quyết định của Chính phủ đã có tác động tích cực đối với thị trường và người nông dân.

Việc thu mua tạm trữ càphê đã giúp nông dân tiêu thụ được càphê với giá cao, ổn định sản xuất, đồng thời tạo áp lực trên thị trường để nâng giá càphê robusta, tăng kim ngạch xuất khẩu cho càphê Việt Nam cũng như giúp ngành càphê Việt Nam phát huy được thế mạnh của mình và phát triển bền vững. Đến nay, các công ty sản xuất, kinh doanh càphê đã thu mua tạm trữ được hơn 55.000 tấn càphê với giá bình quân từ 25.000-26.000 đồng/kg, tổng giá trị trên 1.400 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp trên, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định Trung ương hoan nghênh địa phương và các doanh nghiệp thực hiện thu mua tạm trữ càphê để nâng cao được giá trị của càphê. Việc hỗ trợ vốn thu mua càphê vẫn còn gặp những khó khăn vướng mắc, đề nghị các bộ, ngành liên quan cần phối hợp để xử lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ.

Ông Đỗ Văn Nam, Tổng Giám đốc Vinacafe Việt Nam cho biết chính sách thu mua tạm trữ càphê niên vụ 2009-2010 bước đầu đã đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế tạm trữ cần thường xuyên và dài hạn kể cả trong khi giá càphê cao. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, thu mua càphê trong nước đều không có tiềm lực tài chính vì vậy cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng dài hạn.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa cho biết tính đến thời điểm hiện nay, công ty mới giải ngân được khoảng 366 tỷ đồng, thu mua tạm trữ được trên 15.000 tấn với giá trung bình 26.400 đồng/kg. Nguồn vốn vay thu mua tạm trữ thủ tục còn rườm rà kéo theo việc doanh nghiệp triển khai chậm. Vì vậy, cần phân bổ cho nhiều ngân hàng thực hiện hỗ trợ vốn cho thu mua tạm trữ…

Tại cuộc họp, Cục Chế biến thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối đề xuất về lâu dài, cần có chính sách chủ động hơn cho ngành càphê, cải thiện năng lực tài chính cho doanh nghiệp thông qua cơ chế vay vốn từ ngân hàng, tổ chức lại ngành hàng càphê từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu… để nâng cao năng lực cho ngành càphê Việt Nam.

Nguồn: VN+

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lang thang

    Chính sách đưa ra từ lúc giá 22-33ngàn mà doanh nghiệp mua tạm trữ giá trung bình là 26400đ/kg. Vậy rõ ràng là chờ thị trường lên rồi mới mua. Cái này không gọi là thực hiện chính sách mà là chiếm dụng vốn của nhà nước, cũng gọi là vốn của dân để kinh doanh…than ôi.

  2. Huy BMT

    Khiếp, “tát nước theo mưa” ác nhỉ, thị trường thế giới không lên thì có mà tăng. Theo cái quyết định 48/QĐ-TTg không biết năm nay có được hỗ trợ thật không? ngân hàng, tổ chức tín dụng nào cho vay nhỉ? Nhà em có trồng 5ha, không biết được vay theo cái QĐ này không, được vay bao nhiêu?

    1. Cao Trần

      bạn Huy BMT không hiểu ý của tác giả rồi,

      điều họ muốn nói là “chính sách tạm trữ đã tác động đến thị trường thế giớ và “ép” giá cà phê phải tăng”

      dù sao đi nữa do ai, do cái gì mà tăng là mừng rồi

  3. anhoviet

    Tôi theo dõi giá cà phê hàng ngày từ khi mới thu hoạch cho đến khi có thông tin ”mua tạm trữ” và kéo dài đến khi mõi quá chịu không nỗi đành bán giá 24400đòng/kg.Một tuần sau giá bắt đầu tăng,cả nhà tiếc quá còn tôi không còn thích thú với diễn đàn nữa.Hôm nay quay lại nghe người ta khen nhờ chính sách tạm trữ nên ca phê tăng giá.Đành rằng dù do nguyên nhân gì mà giá tăng được là tốt rồi,nhưng xin đừng ảo tưởng, dân ta dù có dốt cũng biết được không phải nhờ cái chủ trương ấy đâu.Xin mọi người nhìn giá cà phê Ẩrabica để kiểm chứng nhận định này của tôi.Lời thật dễ mất lòng ,mong các vị đừng nói hùa theo làm cho họ tưởng mình là Thánh,chỉ hại dân thôi.

    1. Nguyễn Thịnh

      Kính anh Vô Ưu,

      Y5cafe rất cám ơn những ý kiến của anh, tuy nhiên nếu anh sử dụng từ ngữ lịch sự hơn một chút nữa thì tốt biết bao.

      Chúc anh sức khỏe.

  4. Laba Cafe

    Tôi hoàn toàn nhất trí với anhoviet và bạn langthang, với giá này có thể thấy họ mua chủ yếu là trong tháng 6. Theo nghĩa can thiệp cung-cầu thì anh phải mua vào rồi, động thái mua làm giảm “cung”, khi đó cầu nhiều hơn cung làm giá tăng lên. Đằng này anh mua giá 26400 có nghĩa là giá đã lên rồi anh mới mua. Bác nào từng kinh doanh trên các sàn tài chính đều hiểu đây là “mua lướt sóng” kiếm lời chứ không phải mua để can thiệp cung cầu.
    Đồng ý là họ can thiệp thì thời gian đầu (tháng 4,5) giá có thể chưa lên cao được nhưng giá mua vào trung bình phải ở mức trên dưới 24 ngàn thì mới có thể tạm tin chính sách này đã ‘trực tiếp’ can thiệp được cung-cầu.

    Nói đi thì cũng nói lại, chủ yếu nó tác động ‘gián tiếp’ về tâm lý: Các nhà đầu cơ (chứ ko phải các doanh nghiệp trên) nghe tin này thì đổ xô mua và ghim hàng chờ giá lên, nông dân cũng giảm bán (giảm cung); các nhà rang xay nghe tin này lo sợ thời gian tới giá sẽ tăng nên tranh thủ mua trữ hàng (tăng cầu)==>giá tăng

    Nhìn trên bình diện làm kinh tế thì chưa ổn lắm. Nông dân không đủ kiên nhẫn, tài chính để chờ phải bán dần từ giá 24-25; doanh nghiệp trong nước thì mua không được bao nhiêu mà giá lại cao. Nhưng xét theo ‘chỉ tiêu kế hoạch’ nhà nước thì có thể dõng dạc mà tuyên bố “Nhờ chính sách này đã kéo giá từ mức 22 ngàn lên 27 ngàn, có lúc lên trên dưới 30 ngàn” thì cũng không có gì là sai.

    Cho nên nếu kết luận là nhờ ‘các doanh nghiệp’ thu mua nên giá tăng là sai hoàn toàn, nhưng nói nhờ chính sách này tác động làm giá tăng thì có thể chấp nhận được. Kết luận đúng nhất phải là “Chính sách này là tốt, nhưng công tác quản lý, triển khai thực hiện là chưa tốt”.

    Labacafe

  5. Nguyễn Thành Tâm

    Làm chẳng tới đâu, nông dân nghèo chẳng được gì, gặp giá thế giới tăng lại a dua nói vào, đúng là bệnh thành tích, chán thật, bao giờ mới lớn lên được chứ. Hãy kiểm điểm lại mình và tổng kết đánh giá thật khách quan mới có lời giải đúng cho niên vụ cà phê tới.

  6. ttvbmt

    Công nhận mua tạm trữ theo quyết định này cũng có lợi thiệt, nhưng chỉ lợi cho doanh nghiệp. Trên bình diện nhà nước thì người dân hay doanh nghiệp ai có lợi cũng được, chung lại vẫn là lợi. Tuy nhiên, mua tạm trữ được 55 ngàn tấn giờ bán được giá cao, con số quá ít ỏi so với sản lượng gần 1trieu tấn đã bán với giá bèo, cái lợi giống như hạt cát trong đống cát mà cũng đăng bài nêu công trạng. Cứ như đùa.

  7. bilamsao

    Các bạn hay nhỉ? Dù gì chúng ta cũng phải nhắm mắt mà vỗ tay cho chính sách này thôi. Nếu không mùa sau chính phủ không giúp nữa là chúng ta đói à? Ủng hộ chính sách mua tạm trữ. Ủng hộ nhiệt tình luôn! Lần này họ bung tiền ra lướt sóng hay có là gì đi nữa cũng mong năm sau họ bỏ ra nhiều tiền hơn. Ít nhất là tiền vẫn tuôn vào Việt Nam. Cà phê bán với giá cao đảm bảo nông dân có lãi, đủ tiền trang trải cuộc sống.

  8. Anh Hong

    Ha ha, các bạn cứ nghĩ giá tăng là mua tạm trữ đợt vừa rồi là có lợi chăng??? Tôi có một ý kiến là ngành cà phê Việt Nam sắp tiêu rồi, các Công ty cà phê của Việt Nam đều đứng trên tình trạng sắp phá sản tới nơi rồi. Vì sao ư?
    Nếu nhìn vào biểu đồ giá thị trường cà phê trong năm qua, giá cà phê thường giao động ở mức (không xét thời điểm biến động giá mới đây): 22.500 đ/kg đến 26.500 đ/kg . Giá cà phê thu mua tạm trữ là 24.400 đ/kg. Như vậy khi giá tăng qua 27.000 đ/kg, hầu hết các Công ty cà phê đã bán và chốt lời (tại vì các Cty cà phê nghĩ là giá đạt tới đỉnh). Ngòai số cà phê mua tạm trữ đã bán ở mức giá khoảng 27.500 -> 28.000 đ/kg thì khi giá nhích lên một chút nữa thì các Công ty tiếp tục bán tiếp chờ đợi giá giảm để mua lại (Xin lưu ý việc bán trước này được thực hiện cho các hợp đồng giao hàng xa vào thời điểm tháng 11 hoặc 12). Nhưng hỡi ôi, giá tiếp tục tăng lên và các Công ty cà phê nhà ta đều lỗ.
    Nhưng đó chỉ là đợt lỗ thứ nhất thôi, để Tôi đưa ra một giả thiết về thị trường cà phê trong thời gian tới, mong các bạn chỉ giáo thêm xem có đúng không.
    Giá cà phê sẽ tiếp tục tăng lên và tôi nghĩ nó sẽ tăng lên đến giá khoảng 35.000 đ/kg. Nếu giá tăng lên như vậy thì các Công ty cà phê đã bán hàng trước sẽ phải chốt lỗ, có nghĩa là phải mua hàng vào để cân bằng với số lượng đã bán trước. Nhưng thực tế hàng thực không có nếu các Công ty này muốn mua thì chỉ có mua hàng ở trên mạng (hàng ảo) được thôi vì như vậy nếu giá tăng tiếp thì hàng thực sẽ lỗ tuy nhiên hàng ảo lại lời (nếu cân bằng vậy thì Công ty sẽ bị lỗ ít). Nói về tính toán thì đây thực sự là việc chốt lỗ hợp lý nhưng thực tế thị trường thì không phải. Các Anh nghĩ thị trường cà phê tiếp tục sẽ như thế nào? Lên hay Xuống???
    Theo tôi giá sẽ giảm, giảm rất mạnh bởi vì một khi bài toán này xay ra những người nắm giữ thị trường là những nhà đầu cơ sẽ đánh sập thị trường bởi vì khi đó những người mua hàng trên mạng để chốt lỗ sẽ bị Stoploss hết do lượng tiền ký quỹ không đủ. Khi đó hàng thực có lời thì chưa giao hàng được nhưng thị trường hàng ảo thì đã bị lỗ to và sau đó thị trường lại lên giá.
    Điều này có nghĩa là gì? Thị trường hàng thực các Công ty cà phê cũng bị lỗ, thị trường hàng ảo cũng bị lỗ => các Công ty cà phê bị lỗ to. ( Có thể giá lên cao người dân có lời nhưng đừng vội mừng).
    Nếu giả thiết này của Tôi đưa ra là đúng thì hết năm nay các Công ty cà phê sẽ phá sản hết vì bây giờ là đang ở giai đoạn cầm cự rồi. Cú chót của thị trường sẽ làm cho các doanh nghiệp cà phê đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu không thể trụ nổi.
    Ở vụ mùa sắp tới có thể bà con nông dânbán được giá, tuy nhiên khi các doanh nghiệp cà phê đã phá sản, không còn người đối trọng với nước ngoài nữa. khi đó người dân sẽ bị ép giá.
    Vì vậy Tôi không nghĩ là giả thiết của Tôi đưa ra là đúng, xin bà con chỉ giáo
    7604119

  9. Labacafe

    Ồ, một giả thiết rất táo bạo của bạn Anh Hong

    Đoạn mà bạn phân tích về bán ‘hàng thật’ tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Bằng kết quả phân tích kĩ thuật tôi tin là nhiều công ty đã bán hàng thật vào các ngày 14/6-16/6, giá ở Vietnam khoảng 27 ngàn/kg. và chúng ta có cơ sở để tin điều này thông qua lượng giao dịch các ngày này rất lớn. (Cũng xin nói thêm, các công ty công bố giá mua trung bình 25-26 nhưng tôi cho là họ mua được giá thấp hơn nhiều, hiện nay họ đang ‘làm bùa’ với ngân hàng để sang năm có khoản vay tốt, dễ hơn).

    Trong giai đoạn 3 ngày (17,18-21/6) với sự giằng co của thị trường (chưa khẳng định được xu hướng xuống) tôi nghĩ các công ty không mạo hiểm ‘bán khống’ trong giai đoạn này như bạn nói.

    Kết thúc giao dịch ngày 22/6 thì gần như đã xác định được thị trường đổi hướng. Tôi đoán nếu công ty có bán khống thì phải bán sau ngày 28/6. Nhưng sang tháng 7 thì có 2 đợt điều chỉnh vào ngày 7/7 và 21/7 với biên độ giao động trên dưới 100$/tấn, tôi cho rằng với sự biến động này không quá bất ngờ để phải vượt khỏi tầm kiểm soát.

    Trường hợp xấu nhất, chênh lệch từ ngày 28/6 so với hiện nay cũng chỉ trên dưới 100$/ton, tôi nghĩ cũng chưa đến nỗi phải ‘cắt lỗ’.

    Dù sao bài viết của bạn rất hay, bà con nên tham khảo, sang năm đừng gửi caphe nhiều tại các đại lý không đủ tin tưởng.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85