Tin buồn

Tan tành giấc mơ cà phê Catimor

Đang làm chủ HTX Nông-Thương-Tín ăn nên làm ra, đùng một cái ông xung phong đi làm chủ nhiệm HTX trồng và chưng cất dầu sả. Vỡ mộng cây sả, ông lênh đênh theo những bè lâm sản trên hồ Thác Bà kiếm kế sinh nhai, rất may là cây cà phê Catimor đến. Ngỡ rằng cây cà phê sẽ là cái phao cứu ông thoát khỏi sóng gió vùng hồ, nhưng khốn thay một lần nữa ông lại vỡ mộng…


Ông Vi kể lại chuyện trồng sả và cà phê Catimor trong ngôi nhà nhìn thấy sao trời

Ông Hoàng Tương Lai, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Xuân Lai, huyện Yên Bình (Yên Bái) dẫn tôi tới nhà ông Trương Ngọc Vi ở thôn Làng Chang. Nhà ông Vi là ngôi nhà lá tềnh toàng thấp lè tè nằm ngay cạnh hồ Thác Bà, mùa này nước hồ cạn nhe, thành ra ngôi nhà của ông nom rất chênh vênh, ngỡ tưởng chỉ cần một cơn gió mạnh đủ hất toàn bộ ngôi nhà lá ọp ẹp xuống hồ. Tôi không thể tin nổi đó là ngôi nhà của một người đã hai lần làm chủ nhiệm HTX một thời lừng danh ở Yên Bái, từng làm nóng nhiều hội nghị về sự làm ăn táo bạo của ông.

Bà Nông Thị Xuân, vợ ông Vi năm nay 68 tuổi chắc vừa đi làm về, nên chiếc quần “âm phủ” xoăn như lò xo ống thấp ống cao, bà nhai trầu bỏm bẻm, thấy khách lạ bà vội nhấc chiếc cánh cửa bằng cả tấm liếp: Mời các bác vào nhà. Ây dà, ông Vi nhà tôi đi đâu ấy, mùa này có việc gì đâu chắc đi loăng quăng đâu đó lát nữa là về thôi… Nhà ông Vi thưng bằng vách nứa, lâu ngày bị mối mọt khiến cho các vách xập xệ, hở hếch hở hoách, ngồi trong nhà cứ ngỡ như ngồi giữa trời, sáng choang. Chúng tôi vừa ra tới đầu ngõ thì gặp ông Vi ở đâu đó về, ông hồn nhiên mời chúng tôi quay lại nhà.

Giọng ông Vi vẫn rất sôi nổi, ông kể lại chuyện cái thời làm chủ nhiệm HTX của mình: Hồi ấy HTX Nông-Thương-Tín Mỹ Gia làm ăn như diều gặp gió, một mô hình HTX mới hoạt động có hiệu quả ở khu vực nông thôn miền núi, ông nhiều lần được mời lên báo cáo điển hình về đổi mới cách làm ăn có hiệu quả. Năm 1992 phong trào trồng sả chưng cất dầu phát động khắp huyện Yên Bình, khu kinh tế mới Hồng Bàng cách thị trấn Yên Bình chưa đến chục cây số được hình thành từ những khóm sả sực nức hương thơm với rất nhiều sự dẫn dụ về tương lai đủ màu sắc. Để khu kinh tế Hồng Bàng trở thành một mô hình Nông- Công nghiệp tiêu biểu, tất nhiên phải cần tới một người tài ba và năng động như chủ nhiệm Trương Ngọc Vi. Việc chọn một người có năng lực như ông Vi ở Yên Bình hồi ấy là rất hiếm. Vì thế, người ta phải đưa ra Thường vụ Huyện uỷ để thảo luận, rồi vận động, thuyết phục ông Vi đảm trách công việc cực kỳ gian khó nhưng cũng đầy vinh quang. Cuối cùng ông Vi nhận lời, thế là ông “bốc” luôn cả gia đình từ Mỹ Gia sang Hồng Bàng.

Tinh dầu sả hồi ấy rất có giá, một lít dầu sả trị giá bằng mấy tạ lúa. Cây sả như loài cỏ, không kén đất dù đó là đất đồi cao chót vót, không cần mương máng thuỷ lợi, thuốc trừ sâu…, trồng một lần là thu hoạch quanh năm, mùa mưa mỗi tháng hai lần cắt, mùa khô thưa hơn. Lá sả đưa vào chưng cất trong những chiếc thùng mấy trăm lít, dầu sả trong veo được dùng trong công nghiệp hoá chất và chế biến tân dược. Cây sả được tuyên truyền với những giá trị kinh tế rất cao, mỗi ha trồng sả thu mấy chục triệu đồng gấp nhiều lần trồng cây nguyên liệu giấy. Một cơn sốt trồng sả khiến nhiều cánh rừng bị đốn hạ, diện tích sả mỗi ngày tăng theo cấp số cộng rồi số nhân. Khu kinh tế Hồng Bàng với diện tích vài chục ha được thổi lên 113 ha, ông Vi nhận diện tích đó như nhận ngôi nhà trống rỗng mà ông đâu ngờ tới.

Chỉ sau mấy tháng khu kinh tế Hồng Bàng tan vỡ vì vỡ nợ, thảm cảnh của một ông chủ nhiệm HTX khi đó thật là bi đát, cũng vì lòng tự trọng mà ông không muốn trở lại Mỹ Gia, ông đưa gia đình về thị trấn Yên Bình dựng một ngôi nhà nhỏ bên cảng Hương Lý, ngày ngày cha con ông ra hồ khai thác lâm sản, rồi mua bán đắp đổi qua ngày. Cuộc đời thật trớ trêu, người ta đi buôn bán lâm sản thì xây nhà cao cửa rộng, còn ông chỉ sau mấy chuyến là bị bắt, lâm sản bị tịch thu lại một lần nữa vỡ nợ, ông thôi không ra hồ nữa mà trở lên bờ làm ăn. Sống ở thị trấn không có đất, lên bờ thì làm ăn cái nỗi gì, đang lúc túng quẫn thì cây cà phê Catimor ở Yên Bái choán ngôi. Ngỡ tưởng đó là chiếc phao cứu sinh cho cuộc đời ông mà ông vừa bám lấy đã nhấn ông chìm nghỉm giữa lòng hồ Thác Bà xanh ngằn ngặt.

Ông Hoàng Tương Lai bảo: Năm 1995 khi đó tôi đang là Chủ tịch xã Xuân Lai, thấy hoàn cảnh của ông Vi bi đát quá, vốn trước đây cùng là chủ nhiệm HTX nông nghiệp nên tôi bảo ông: Ông không về Mỹ Gia thì ông về Xuân Lai, hai xã chẳng cách nhau là mấy, về Xuân Lai tôi dành đất cho ông làm nhà và trồng cà phê Catimor. Đất hồi ấy không hiếm như bây giờ, ngoài đảo hồ Thác Bà đồi hoang còn nhiều chưa có người nhận. Ông Vi một lần nữa “bốc” cả nhà lên thuyền chuyển về đây. Xã dành cho gia đình ông hơn 2 ha nằm trong qui hoạch trồng cà phê Catimor. Ông Vi nhận ngay, thế là gia đình ông ngày đêm phát cây làm đất nhận phân bón cây giống về trồng cà phê. Ông còn được bầu làm tổ trưởng cho mấy hộ trồng cà phê ở thôn Làng Chang, niềm tin hy vọng được thắp sáng trong ông…

Ông Trương Ngọc Vi rít liền mấy điếu thuốc phả khói mù mịt: Hồi ấy ai cũng tin cây cà phê Catimor sẽ làm đổi đời bao kiếp nghèo như tôi. Bởi Chương trình cà phê chè Catimor của tỉnh Yên Bái được phát động từ năm 1993. Cứ theo cách nói của lãnh đạo và báo chí tỉnh Yên Bái lúc bấy giờ, thì người trồng cà phê Catimor sắp giàu đến nơi rồi, nhiều triệu phú, tỷ phú chân đất nông dân mắt toét như chúng tôi chả mấy lúc xây nhà hai ba tầng. Đứng ở đâu, ngồi chỗ nào người ta cũng bàn tới cây cà phê Catimor, vừa mở mắt ra nghe đài nói về cây cà phê. Cây cà phê được nói suốt ngày trong các hội nghị và trong các mâm cơm gia đình. Rồi cán bộ Công ty cà phê Yên Bái đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật, dạy cách “làm giàu”. Tôi trồng 2 ha, tính sơ sơ mỗi năm thu trung bình 50-70 triệu/ha, gấp cả chục lần so với trồng keo, bồ đề…

Ông Hoàng Tương Lai cười lục khục trong cổ: Gia đình tôi khi đó khó khăn lắm, vợ bị bệnh suy tim, con còn nhỏ chẳng làm ăn gì được. Nhưng là bí thư, không trồng cà phê nói dân không nghe. Tỉnh chỉ đạo: Đây là loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, cán bộ đảng viên phải gương mẫu làm trước để người dân học tập làm theo. Gia đình tôi cũng trồng 0,5 ha. Còn những cán bộ khác trồng 2-3 ha. Xã Xuân Lai là một xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà còn trồng được 60 ha là điều không thể tưởng tượng nổi.

Người trồng cà phê Catimo có thể nói là “rất sướng”, bởi trồng thứ cây “làm giàu” được ngân sách tỉnh phủ đỉnh lãi suất nếu vay vốn ngân hàng, Cty cà phê đưa giống, phân bón và các loại vật tư khác tới tận nơi, người dân các xã cứ tới các điểm đã thông báo để nhận cây giống và vật tư, cán bộ xã ký nợ thay, khi nào được thu hoạch Cty Cà phê sẽ trích một phần tiền bán sản phẩm để trả cho đơn vị cung cấp vật tư. Hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, chỉ sau mấy năm cây cà phê Catimor chính thức về… mo. Hàng ngàn ha cà phê mặc dù được người dân bỏ công chăm sóc, chả hiểu vì sao lại không ra quả, cây nào ra được quả thì lại lưa thưa, chín không đều y như giống cà phê… đực. Ông Vi lắc đầu chua chát: Tới mùa thu hoạch mới đầu Cty cà phê cử người xuống cân tại xã, vì lượng cà phê ít, họ bảo chở lên Cẩm Nhân, giá cà phê bán không đủ thuê người hái và vận chuyển, đành để rụng đầy gốc… người dân dù xót xa nhưng đành lòng chặt làm củi, ký nợ với ngân hàng.

Năm 2004 Chương trình cà phê Catimor của Yên Bái đổ vỡ tan tành, diện tích cây cà phê Catimo chỉ còn 357 ha, đến nay thì chẳng ai muốn nhắc tới cây cà phê Catimor cho nhọc lòng. Ông Vi im lặng nhìn ra ngoài hồ Thác Bà chang chang nắng, cuộc đời của ông hai lần ước mơ thì cả hai lần tan vỡ: Cây sả thơm và cây cà phê Catimor…

Theo Nông Nghiệp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nhin khong duoc

    Các nhà khoa học ở đâu? Viện Nghiên cứu Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên? Phân viện Nghiên cứu Nông Lâm Nghiệp phía Bắc?…tất cả đã làm gì, để người ta trồng cafe Arabica tràn lan khắp đất nước mà không ai lên tiếng.
    Không lẽ bác Sủng nghĩ hưu rồi thì không còn ai có trách nhiệm về cây cafe nữa? Khoa học không bằng duy ý chí à!
    Hay là đã đến giai đoạn “im lặng là vàng”, cứ có dự án triển khai là có tiền!
    Mồ hôi. nước mắt, tiền bạc của nhân dân, của Nhà Nước biến thành tro bụi hàng ngàn tỷ!
    Đừng tưởng không ai nói là xong! Lịch sử sẽ ghi nhận! Rồi con cháu sẽ nói :
    “Trăm năm bia đá thì mòn.
    ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!”

  2. văn khê

    Câu nói đầu môi thời bao cấp:
    Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.
    Vậy chúng ta phải bày ra cho chúng làm nhiều để ta hưởng nhiều chứ!

  3. Thấy không thấu

    Trồng cà phê phải xem kỹ các yếu tố chứ không thể trồng ào ạt và tràn lan một cách không có cơ sở như vậy được.
    Thật là tốn không biết bao nhiêu là của!
    Sau này để tui ra đó phát triển lại cà phê catimo này – loại này được trồng ở Tây Bắc cho ra loại cà phê rất thơm ngon hơn ở Colombia – rất có giá trị, bà con ngoài đó ráng chờ thêm một năm nữa thôi.
    Tui sẽ đưa kỹ thuật, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông nghiệp tiên tiến để đẩy mạnh đời sống của bà con.
    Ước mong bà con trồng cà phê có một cuộc sống hạnh phúc.
    Thân chào bà con.

  4. Nhin khong duoc

    Sao có bác lại nói không có cơ sở. Cơ sở ở đây là Tổng Công ty Cà Phê VN, là Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp, là các Sở Nông nghiệp của địa phương và trên cùng là Bộ NN&PTNT. Nếu không có từng ấy cơ sở thì làm sao Chính phủ phê duyệt và đổ ra hàng nghìn tỷ đồng và cả sự tham gia của hàng vạn hộ nông dân, mất hàng mấy năm trời công lênh, tiền của đổ ra sông ra biển. Xót lắm !

  5. Thinh không Còi

    Thân gửi : Anh Nguyễn Thịnh Y5cafe;

    Chắc Vị nào đó “mới tăm” được ở báo Nông Nghiệp nào mới đến vùng cà phê Yên Bái ( Thấy cảnh cụ Vi) tội nghiệp quá và đúng là tội nghiệp vì cụ là người dễ nghe, ham làm giầu ( Mà không ngờ hậu quả ), Tan cửa, nát nhà;
    Tôi chỉ đưa thêm một số hình ảnh để bà con Y5 Cafe thêm thông tin:( Nhưng đừng ” Nhịn không đựoc”; ” Thấy không Thấu”.. và có thể phải ” Vỡ Mật” ấy nhé;
    Ở đây Tôi chỉ muốn Anh Thịnh, và cộng đồng Y5 cafe đừng để những thông tin được cập nhật cứ ngày lại ngày trôi đi, không có cơ quan, ngành…hay cấp cao hơn… đi sâu tìm hiểu ….Xin hỏi có cơ quan báo chí, hay cấp cao hơn… thăm hỏi Anh chưa?
    Ví dụ Bài: Chọn nhằm doanh nghiệp dự trữ cà phê, hay nhiều chuyên đề đựoc bà con cà phê tham gia xong rồi cũng “Im Lìm”; Thú thực Tôi cũng có lúc nghĩ biết mà không nói thì không đựoc, nói mà không đâu vào đâu, không ai quan tâm thì cũng sự phí…
    Nói lại bài “Tan tành giấc mơ Catimo”, Tôi thấy một cụ Vi, một Yên Bái còn ít quá; bà con cafê dự án Catimo hẳn chưa quên: 4000 ha tại Thanh Hoá :(Tan tành chỉ còn đúng 01 cây); Sơn la ( Một số đã giầu lên, nhiều vườn Sương muối); cà phê Điện Biên, cà phê Nghệ An…( Tất cả là dự án Phát triển cà phê chè Catimo); Càng nghĩ càng đau lòng ( Tiền Chính phủ vay, tiền tỉnh đầu tư, tiền doanh nghiệp vay, tiền và công sức nông dân nghe lời chính quyền động viên bỏ ra và cuối cùng khi giá cà phê chè 40.000 – 50.000 đồng/ kg, lượng cà phê chè XK tính thêm Vài ngàn tấn…;
    Bài học Catimo chắc còn đắt giá lắm ( và bà con có biết Kinh tế NN Việt Nam để bà con thất bát đễ đất nứoc chậm phát triển, để nông dân vẫn nghèo đều đều, đựoc đánh giá, tổng kết và đưa ra các kết luận, nguyên nhân chính đáng là gì không:
    1, Do thời tiết, do đất đai, do kinh nghiệm còn thiếu, do thiếu vốn đầu tư, do không được quan tâm chỉ đạo… nhưng thiếu một nguyên nhân : ” Tất cả đề sợ liên luỵ đến bản thân và … không ai dám nói thật:
    Xin gửi Anh và Cộng đồng Y5 cafe sẽ có tiếng nói, có người có trách nhiệm kiểm chứng , trả lời cho bà con;

  6. DVN

    Đọc bài viết trên tôi thấy lo cho những người trồng cao su ở Tây Bắc và các tỉnh Miền trung .DVN chỉ biết nhiều về cây cà phê còn cây cao su thì không có nhiều kinh nghiệm .Theo những gì DVN biết được thì cây cao su không ưa lạnh,không ưa độ cao ,không ưa gió ,không ưa ngập úng ,không ưa hạn hán và tất nhiên cũng không ưa sương muối .Với những tiêu chuẩn trên thì cây cao su chỉ phù hợp với Miền đông Nam bộ thôi .Thực tế đã chứng minh rất nhiều ,tôi chỉ nêu ra 1 vài ví dụ .
    1/Người Pháp đã trồng cao su cả ở Đaklak và Miền đông .Cao su Đaklak cây to và cao hơn ở Miền đông nhờ đất tốt hơn nhưng lại ít mủ hơn vì lạnh và Sương muối .Thử hỏi Đaklak và Tây bắc nơi nào lạnh hơn ,nơi nào nhiều sương muối hơn .
    2/Cách đây vài chục năm Trung Quốc đã có 1 chiến lược trồng đại trà cao su trên đảo Hải Nam ,sau hơn chục năm trời chỉ 1 trận bão gẫy sạch không còn cây nào .Thử hỏi Miền trung nước ta có bão không nhỉ ?.Sau thất bại này Trung Quốc chuyển cao su về trồng ở Quảng Tây,Vân Nam ,Kết cục cao su không có mủ .Tây Bắc nước ta rất gần 2 tỉnh này .Sau thất bại cay đắng Trung quốc đã chuyển sang trồng ở Campuchia ,miền hạ Lào ,và miền nam Mianmar ,đó là những địa chỉ đúng .
    -Liệu Việt nam có đi theo vết xe đổ của Trung quốc hay không ?,liệu cây cao su ở Tây Bắc và miền trung có cùng số phận với Catimo như bài viết trên hay không ?.
    Câu hỏi này dành cho mọi người .

  7. bilamsao

    Tôi đồng tình với ý kiến của bạn Thấy Không Thấu. Tôi cũng tin tưởng là Tây Bắc chắc chăn trồng được loại cà phê đó. Tôi cũng tin rằng mấy cái bộ kia chỉ biết nói miệng mà chưa bao giờ có ai cầm cái cuốc, cái xẻng ra làm cỏ cho cây cà phê, đào hố, cắt cành cho nó. Nên không thành công là đúng thôi. Cà phê catimo rất dễ trồng, dễ sống nếu biết chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ là bà con ta cứ nghĩ đơn giản như trồng ngô, trồng lúa nên thất bại thôi.

  8. bilamsao

    Hôm 25/7 mới đi mua vài kí cà phê arabica tươi về làm rang uống. Thấy giá cà phê chè tại Gia Lai thương buôn chỉ mua bằng giá cà phê robusta thì nông dân nào còn mặn mà với nó chứ. Đất Gia Lai rất hợp với cây cà phê này. Nhưng tiêu thụ không được. Đành chặt bỏ vì chăm sóc tốn kém hơn cà phê robusta nhiều. Nhìn toàn Gia Lai chỉ sót lại vài vườn cà phê chè nhỏ thôi. Thất vọng. Giờ chỉ mong khủng hoảng giá, chặt, chuyển sang cà phê chè là ok nhất, năng suất trên hecta cao hơn. Giá cao hơn nếu được mua bán đúng giá trên sàn (không bị thương buôn ép giá). Mặc dù chăm sóc vất vả hơn nhưng thực tế đã chứng minh là trồng tốt tại Gia Lai (hiện tại đã thấy cây cà phê này phát triển tuyệt vời tại Gia Lai). Chất lượng cà phê chè thì khỏi phải bàn, ít cafeine hơn cà phê vối, lượng axit có lợi nhiều hơn. Uống cà phê chè cho cảm giác đằm, nhẹ, thư thái, ít gây tác dụng phụ như cà phê vối. Vậy là ok rùi.

  9. bilamsao

    Nếu tính theo giá hôm nay là 3.687usd/tấn. Nếu một ha cà phê chè chỉ cần cho 3tan/ha là chúng ta có hơn 10.000usd rùi. Lợi nhuận tốt hơn cà phê vối. Mà khi chúng ta đồng loạt trồng cà phê chè, cùng loại, cùng giá giữa chúng ta với Brazil sẽ tốt hơn. Không còn xảy ra tình trạng chê chất lượng cà phê của nước ta so với nước khác nữa.
    Vẫn mong bà con lưu tâm trồng và canh tác cây cà phê này khi có ý định trồng cho mình một vườn cà phê mới. Mong doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá đúng như những gì diễn biến trên thị trường. Không ép giá bà con. Có như thế chúng ta mới phát triển được cây cà phê này.

  10. dangthanh

    Bạn nào muốn trồng Catimor thì nên tìm đến cao nguyên Bolaven,Lào.
    Độ cao trung bình 1200 .masl ,lượng mưa trung bình.năm 3900-4200mm.
    Không cần đầu tư hệ thống tưới cũng được.Đất đai còn rất nhiều,đã có vài doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở đây rồi,đầu tư nhỏ vẫn được.

    1. DVN

      Bác Dangthanh chỉ đường cho anh em theo sang Bolaven với ,ở ta chán lắm rồi .Cụ thể đất bên đó giá cả thế nào ,thủ tục mua bán có nhiêu khê không ,thời tiết đất đai có tốt không ? Giới thiệu rõ để bà con ta cùng sang lập xóm kiều bào làm cà phê.
      Xin cảm ơn!

  11. Nguyễn Vịnh

    Theo mình biết cao nguyên Bolaven ở Lào có điều kiện thiên nhiên rất tốt để trồng cà phê Arabica có chất lượng hơn hẳn Catimor, tương đương với chất lượng Colombia. Cao nguyên này hầu như trời mưa quanh năm. Ở VN không có vùng nào sánh được.
    Không biết đến nay hệ thống giao thông lên trên đó phát triển đến đâu rồi. Mà dân cư trên đó rất thưa thớt, đáp ứng tốt cho việc di dân. Còn lại thuộc về mặt pháp lí cần tìm hiểu kỹ. Bạn nào có chí lập nghiệp, làm đồn điền cà phê thì tìm hiểu thêm.

  12. Dang thanh

    Gởi bạn DVN, muốn biết thêm chi tiết vui lòng bạn gọi 008562099982288. Mình gởi mail trả lời những thắc mắc cho bạn nhưng không hiểu sao lại không gởi được, thông cảm nhé!

  13. Dang Thanh

    Gởi bạn DVN.
    Boloven nằm trong tỉnh Champasack ,thủ phủ của Nam Lào.
    Bạn có thể đi bằng đường bộ qua các cửa khẩu của Hà Tĩnh, Quảng Trị hay Kom Tum… hoặc bay tuyến Saigon-Pakse (Pakse cach Boloven 50km).
    Đất đẹp ở đây từ 7-10 triệu kíp/ha (1kip = 2,7vnd), hoặc 3-4 triệu là đất ở xa, không gần đường và nguồn nước.
    Nếu thuê đất của chính phủ là 10usd/ha/năm. Nhưng phải lập dự án và Công ty. Thủ tục nay mất khoảng 1 tháng và chi phí hết 5-7 ngàn usd.
    Đất đai tương đối tốt, giá cà phê rất thỏa đáng nên đầu tư. Hiện nay giá qủa tươi catimor là 4.400kip/kg. Mong bạn và mọi người quan tâm!

    1. Nguyễn Vịnh

      Hoan nghênh bạn DVN có ý tưởng đúng đắn. Theo mình biết có cả ngàn hộ dân VN trồng cà phê ở đó rồi, theo 2 hình thức làm cá thể và làm liên kết. Giá cả như bạn Đặng Thanh cho biết là khá thoáng, dễ đầu tư. Có thể là cơ hội tốt. Bà con nào cần có sự hỗ trợ làm liên kết thì mình sẽ giới thiệu cho vài địa chỉ nhưng cần trao đổi trước. Hay DVN xin mở cty rồi gọi cổ phần (để gắn kết trách nhiệm, thể hiện sự đồng tâm hiệp lực…).
      Giá Catimor 4.400kip/kg = 11.880vnđ/kg quả tươi là hợp lý, tốt rồi.
      Chúc thành công!

    2. DVN

      Rất cảm ơn bạn Dang Thanh ,nhận được phản hồi của bạn mà tôi mừng quá. Thế nào tôi cũng sắp xếp đi thăm quan 1 chuyến. Tôi có tìm hiểu nước Lào qua báo đài, thấy chính sách của họ rất thông thoáng, kinh tế tăng trưởng nhanh hơn VN, đồng Kip liên tục lên giá so với USD, Lào là nước xuất siêu ..vv.. Cứ đà này chỉ vài năm nữa Lào sẽ giàu hơn VN. Tôi sẽ điện thọai cho bạn, mà sao số dài thế ? Một lần nữa chân thành cảm ơn bạn, chúc thành công !

  14. Dang Thanh

    Mình đang nhận làm giống catimor cho 1 người Hàn quốc dự định trồng 200ha, năm 2011 sẽ trồng trước 50ha, mình thấy tiếc cho bà con Việt nam mình quá, ở đây điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi quá mà vẫn chưa được khai thác đúng mức.
    Mình đã trồng 51ha rồi,phát triển rất tốt (18 tháng tuổi, cây cao khoảng 1,1m và có 15-20 cặp cành). Bạn nào toàn tâm toàn ý muốn đầu tư trồng catimor tại Lào thì mau sang đây.
    Số 00856 là mã số quốc gia của Lào 2099982288 là số đt di động mạng Unitel của Vietel đầu tư. Mong các bạn sẽ có dịp thăm quan Lào.

    1. DVN

      Tôi đang nóng lòng muốn sang thăm quan 1 chuyến nhưng đang nhiều việc quá .Gía đất nông nghiệp dưới tôi (Đồng Nai) bèo nhất cũng 700tr-800tr mới có thể trồng được cà phê ,bên đó vậy là quá rẻ .

      1. Nguyễn Vịnh

        Cố gắng sắp xếp để đi DVN. Cơ hội không đến nhiều lần đâu!!!

  15. Dang Thanh-Lao

    Anh DVN ở Đồng Nai chắc sẽ biết Công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) cũng có dự án bên này, đã trồng khoảng 300ha catimor. Anh có thể liên hệ để biết thêm.

  16. Dang Thanh-Lao

    Mình còn quên một tuyến xe khách đi từ Sài gòn, ngang qua Campuchia rồi đến Pakse (Nam Lào) trong ngày, thời gian đi khoảng 8 tiếng. Bạn có thể liên lạc số:091 8181797 gặp anh Vũ – xe đi Lào, giá trọn gói cho 1 người là 800.000 vnđ (ăn uống và chi phí qua 4 cửa khẩu).

  17. vibrationsensor

    chào anh Nguyễn Vịnh
    anh có nói về vấn đề lập công ty để làm dự án cafe bên Lào
    nếu anh ở TPHCM, anh có thể cho em xin số dt để liên lạc
    cám ơn anh và cộng đồng Y5cafe

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88