Tin buồn

Nông dân sẽ lên sàn bán cà phê

“Sàn giao dịch cà phê đầu tiên trong cả nước của tỉnh Đăk Lăk sẽ chính thức khai trương vào ngày 12/12/2008, trong thời gian diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần 2”- Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Lữ Ngọc Cư cho biết.

Sàn giao dịch cà phê BMT

Theo ông Cư, đây là Sàn giao dịch nông sản thí điểm đầu tiên của Việt Nam có quy mô lớn, giúp cho doanh nghiệp (DN) và người trồng cà phê tiếp cận với phương thức mua bán cà phê tiên tiến, phù hợp với xu hướng kinh doanh hiện nay trên thương trường quốc tế.

Ông Nguyễn Tuấn Hà – Giám đốc Sàn giao dịch cà phê Daklak cho biết, sàn giao dịch bao gồm hai sàn, một dành cho các doanh nghiệp (DN) đặt lệnh mua và dự kiến sẽ có khoảng 100 DN kinh doanh cà phê tham gia; một dành cho nông dân đặt lệnh bán.

Ngoài ra, còn có một kho với sức chứa 30.000 tấn cà phê nhân dành cho nông dân ký gửi sản phẩm trước khi giao dịch trên sàn. Ông Hà cũng cho biết, cà phê sẽ được các cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng trước khi nhập kho. Sau khi ký gửi, chủ hàng (nông dân) sẽ được cấp  chứng thư, có giá trị như một điều kiện cần khi tham gia giao dịch trên sàn.

Chủ hàng cũng có thể sử dụng chứng thư để giao dịch vay vốn ngân hàng. “Sàn giao dịch cà phê sẽ đem lại những lợi ích cho cả người nông dân lẫn các DN nhờ tính minh bạch và công khai của nó”- Ông Hà nói.

Ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2008 ước đạt 2 tỷ USD và năm nay cũng là năm cà phê xuất khẩu có giá bình quân cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, tình trạng “sụt sùi” về giá cả vẫn luôn là vấn đề lo ngại nhất của nông dân. Có thời điểm, giá cà phê rơi xuống “đáy” và ở mức 300 USD/tấn, bằng nửa giá thành. Ông Nam cho rằng, người trồng cà phê hiện vẫn chưa thoát khỏi phong trào: đổ xô trồng khi được giá và thi nhau chặt bỏ khi cà phê mất giá.

Trong thực tế người nông dân đã từng phải trả giá rất đắt cho phong trào này. Khi giá cà phê xuống đến 300 USD/tấn, người nông dân đồng loạt chặt cà phê để trồng cây khác, nhưng sau đó giá cà phê phục hồi thì lại không còn cà phê để bán.

Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau nên biện pháp mua trữ cà phê của các DN không đem lại hiệu quả đáng kể và không đủ sức giúp cho nông dân giữ cây cà phê.

Vì vậy, theo ông Nam, bình ổn giá cà phê là mục tiêu quan trọng đang được đặt ra và cách tốt nhất hiện nay để bình ổn giá là khống chế diện tích trồng cà phê cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo đó, tổng diện tích trồng cà phê của các địa phương khống chế ở mức 500.000 ha, tương đương sản lượng 1 triệu tấn cà phê nhân/năm. Trong đó, riêng tại Đăk Lăk- địa phương được xem là thủ phủ của cây cà phê hiện có diện tích hơn 178.000ha, sản lượng mỗi năm bình quân đạt trên 400.000 tấn cà phê nhân. Mỗi năm tỉnh này đem về trên 500 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu cà phê.

Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần 2 diễn ra từ ngày 10-14/12/2008, với sự tham gia của 150 DN trong và ngoài nước trưng bày các sản phẩm cà phê và sản phẩm phụ trợ cho cây cà phê cũng như các sản phẩm được chế biến từ hương liệu cà phê. Lễ hội còn có sự tham gia của các đoàn khách quốc tế và 27 nhà nhập khẩu cà phê đến từ nhiều nước trên thế giới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77