Thu mua tạm trữ cà phê gặp khó

Để “cứu” người trồng càphê, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng cho các doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất 6%/năm thu mua tạm trữ 200.000 tấn càphê từ ngày 15/4 đến ngày 5/7.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai, các doanh nghiệp mới thu mua chưa được 10% khối lượng được giao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp thiếu vốn hay nói đúng hơn là không thể vay được vốn từ ngân hàng.

“Khát” vốn

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex (TP. Hồ Chí Minh) bức xúc: “Mặc dù đã có công văn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc cho doanh nghiệp càphê vay vốn với lãi suất thấp nhưng khi chúng tôi tìm đến đều bị các ngân hàng thương mại từ chối. Nguyên nhân là do thời gian qua một số doanh nghiệp, thương lái kinh doanh càphê nhỏ lẻ bị vỡ nợ nên các nhà cho vay vốn đều nhìn chúng tôi như những “kẻ lừa đảo”. Doanh nghiệp làm ăn đứng đắn cũng bị xem thường và bị mất niềm tin.

Vì thế, khi doanh nghiệp vay vốn đã bị ngân hàng gây khó bằng cách đưa ra hàng loạt thủ tục. Cụ thể, doanh nghiệp thu mua tạm trữ muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất phải có bảng kê về lượng càphê để tại kho ở đâu, có xác nhận của Sở Nông nghiệp và PTNT, của UBND tỉnh. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ sau khi doanh nghiệp đề nghị cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh xuống kiểm tra kho để xác nhận thì lại nhận được câu trả lời không thừa người đến từng kho cân đong càphê.

Mặt khác, các doanh nghiệp thu mua càphê cho nông dân ở Tây Nguyên nhưng phải vận chuyển về lưu tại kho ở Bình Dương để chủ động xuất khẩu. Khi yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cử người đến xác nhận thì họ cho rằng, tỉnh không có nông dân trồng càphê nên không có trách nhiệm phải quan tâm đến việc thu mua tạm trữ”.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Càphê Việt Nam (Vinacafe) than, nói là vay vốn được hỗ trợ lãi suất 6% nhưng muốn được việc, các doanh nghiệp đều phải vay theo lãi suất thỏa thuận, có khi lên tới 15-18%/năm. Như vậy, sau khi trừ 6% được hỗ trợ, các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi 8-12%/năm. Với mức lãi suất này, nếu tạm trữ 3-6 tháng thì riêng chi phí trả lãi đã khiến giá thành càphê tăng cao. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất còn việc kinh doanh thì các doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu.

Bởi vậy khi mua hàng xong, doanh nghiệp thường phải nhanh chóng bán, không dám để lâu trong kho. Hỗ trợ lãi suất, nông dân được lợi nhiều hay ít chưa biết nhưng đối tượng được hưởng lợi đầu tiên chính là các ngân hàng, vì số tiền hỗ trợ 6% thực ra các ngân hàng được nhận.

Ngoài nguyên nhân thiếu vốn, theo nhận định của các chuyên gia, việc thu mua tạm trữ còn bị hạn chế do giá càphê trên thị trường tăng cao. Mức giá mua trung bình mà các doanh nghiệp đưa ra khoảng 23.000 đồng/kg nhưng trên thị trường lại lên tới 24.000 đồng/kg…

Nông dân được vay vốn tối đa 70% giá trị càphê?

Xuất phát từ những khó khăn trên, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho rằng, thu mua tạm trữ càphê bây giờ là quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Thời gian tới, các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội phải đề xuất với Chính phủ cho chủ động mua tạm trữ ngay từ đầu vụ thu hoạch, khoảng tháng 11-12 hàng năm.

Bên cạnh đó, nếu phương án cho các doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất không đem lại hiệu quả lớn thì nên kiến nghị Nhà nước chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Theo đó, những hộ nông dân, chủ trang trại có diện tích và sản lượng lớn, đảm bảo điều kiện kho chứa sẽ được ngân hàng cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng sản phẩm càphê, mức vay tối đa bằng 70% giá trị càphê tại thời điểm vay. Ngoài ra, Nhà nước nên trợ giá cho nông dân thông qua các đại diện hợp pháp như hợp tác xã, tổ hợp tác, hội nông dân nhằm đảm bảo nông dân sản xuất có lãi 30%.

Để ngành càphê phát triển bền vững, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng cục Chế biến thương mại nông – lâm – thủy sản và nghề muối kiến nghị, Nhà nước cần nhanh chóng cho thành lập Ban điều phối quốc gia càphê Việt Nam; tăng cường công tác thông tin về cung – cầu từng năm của thị trường càphê thế giới; thành lập quỹ bảo hiểm càphê xuất khẩu…

Để ngành càphê phát triển bền vững, Nhà nước cần nhanh chóng cho thành lập Ban điều phối quốc gia càphê Việt Nam; tăng cường công tác thông tin về cung – cầu từng năm của thị trường càphê thế giới; thành lập quỹ bảo hiểm càphê xuất khẩu…

(Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng cục Chế biến thương mại nông – lâm – thủy sản và nghề muối)

Theo-KTNT

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. VƯƠMGHỒNGTÂN

    KHÔNG BIẾT NÓI GÌ HƠN
    HÃY VỀ TRỰC TIẾP VỚI NGƯỜI NÔNG DÂN MÀ HỎI .TA SẼ THẤY GÌ
    KHÔNG NÊN VẼ BÓNG XEM VOI HAY NGHE BÁO CÁO .THỰC TẾ VẪN LÀ THỰC TẾ DÙ TA MUỐN BƯNG BÍT THẾ NÀO .CON TA SẼ BIẾT HOẶC CHÁU TA SẼ BIẾT
    CÁM ƠN

  2. coffee VN

    “Nông dân được vay vốn tối đa 70% giá trị càphê?

    Xuất phát từ những khó khăn trên, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho rằng, thu mua tạm trữ càphê bây giờ là quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Thời gian tới, các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội phải đề xuất với Chính phủ cho chủ động mua tạm trữ ngay từ đầu vụ thu hoạch, khoảng tháng 11-12 hàng năm.”

    Hiện tại Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột cho bà con nông dân và doanh nghiệp vay đến 70% giá trị cà phê gửi tại kho Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột. Nếu các ngân hàng cho bà con vay hoặc doanh nghiệp vay có thể giải ngân qua Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột. Vừa hỗ trợ đuợc bà con, doanh nghiệp về mặt lãi suất vừa kiểm soát được hàng và giúp Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột phát triển hơn. Một mũi tên trúng hai đích. Mong các bác lưu tâm…

  3. votuongvybmt

    Tôi được biết là tại Trung Tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) có nhận cà phê gửi vào và TechcomBank cho vay đến 70% . Tại sao các bác không đem cà phê vào BCEC để gửi và vay nhỉ .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83