10 bất cập trong xuất khẩu

Ngay cả những năm xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục chứ đừng nói đến khi sụt giảm như năm 2009 và quý I/2010, đều ẩn chứa nhiều điều bất cập. Song người ta thường đổ tại khách quan, nhất là từ khi tóm được “kẻ tội đồ” tên là “Khủng hoảng toàn cầu” với nhận định muôn thuở là “Không bền vững”.

Vậy những bất cập đó là những gì ?

1 . Đội hình tản mát

Gạo Việt Nam từ ngày ra quân đã có tiếng, với số lượng hiện tại xuất khẩu mỗi năm bốn, năm triệu tấn, TOP 3 thế giới, nhưng đến nay đội ngũ tác chiến vẫn tản mát. Trong số 205 doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ có 11 tên tuổi lớn chiếm 69% thị phần, 82 doanh nghiệp xuất khẩu dưới 1 nghìn tấn/ năm, 41 doanh nghiệp giao khoảng 200 tấn, số còn lại xuất khẩu được rất ít, thậm trí cả năm chỉ được 1 tấn. Nhiều doanh nghiệp nên xảy ra tình trạng tranh giành khách, dìm giá mua, phá giá bán… nên biết đâu trong sự thua thiệt có cả phần ta tự phá giá nhau.

Đoạn trên nếu thay chữ “lúa gạo” bằng tên các mặt hàng khác đều đúng.

2. Chủ yếu xuất nguyên liệu thô

Những nguồn trời cho như dầu thô, than đá, cát sỏi, vật liệu xây dựng, san lấp… ngỡ vô tận nay đã có dấu hiệu cạn kiệt, vậy mà hàng năm vẫn cứ đặt chỉ tiêu tăng trưởng. Nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sản xuất lớn như luyện kim, hoá chất, sản xuất giấy, phân bón, thép…đặc biệt là điện ngày càng cao. Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn 2006-2015 (có xét đến năm 2015) chỉ riêng cấp cho các dự án điện đến năm 2013 sẽ thiếu khoảng 9,2 triệu tấn và đến năm 2015 sẽ thiếu khoảng 25,51 triệu tấn. Việc nhập khẩu than trong những năm tới là nhãn tiền.

Xuất khẩu thô thu ít tiền mà hệ lụy lớn. Than xuất lậu ăn theo hàng triệu tấn qua mặt cơ quan chức năng, nhuộm đen sóng nước Hạ Long. Hút cát sỏi làm thay đổi dòng chảy, sạt lở chỗ này, sói mòn đoạn kia.

3 . Nan giải các rào cản

Kể từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên đối với gạo vào năm 1994 do Colombia khởi sự, đến nay Việt Nam đã vướng phải 39 vụ, đứng thứ 7 trong số 100 nước bị kiện nhiều nhất thế giới. Như vậy, sau khi gia nhập WTO, những vụ kiện áp dụng các biện pháp thương mại không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, với 3 nét nổi bật:

(1) Mỹ và EU – chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường – kiện nhiều nhất

(2) Có đến 9 mặt hàng, trong đó đặc biệt là các ba sa, tôm sú, giày mũ da… tăng trưởng xuất khẩu nhanh vào các thị trường đó bị kiện nhiều nhất.

(3) Kiện chống bán phá giá là chính, song nay lại phải đối mặt với kiện về chống trợ cấp đối với mặt hàng túi nhựa xách tay vào thị trường Mỹ.

Biết rằng ta còn đang trong quá trình chuyển đổi, nên các nước khởi kiện cứ xoáy vào tiêu chí “nền kinh tế thị trường” làm cứ liệu và còn chỉ định nước thứ ba (là nước đã có nền kinh tế thị trường) làm đối chứng, mà theo cam kết với WTO phải đến 2018 ta mới hoàn thiện trở thành nền kinh tế thị trường. nên ta thua đến 70% tổng số vụ kiện chống bán phá giá. Ngay vụ giầy mũ da, dù đã vận động hành lang, đấu tranh ngoại giao, nhưng rồi cuối năm 2009 Liên minh Châu Âu (EU) đã gia hạn thêm 15 tháng đối với thuế Chống bán phá giá mặt hàng này (!). Cùng là nạn nhân, nhưng Trung Quốc chỉ sau một ngày đã “phản pháo” đối với ốc vít làm bằng thép carbon của EU. Còn ta mới chỉ bằng Tuyên bố.

4 . Lỏng lẻo liên kết

Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng có từ 2002, song đến nay lượng nông sản thu mua thông qua ký hợp đồng đạt tỷ lệ thấp. Lúa hàng hoá đạt 6-9% sản lượng, thuỷ sản dưới 10%, sản lượng, cà phê 2-5% diện tích. Tình hình phức tạp không chỉ ở các con số đó, mà thường khi giá chợ đen cao thì hợp đồng thường bị phá, đến khi ế ẩm lại gõ cửa doanh nghiệp, hoặc lọc hàng tốt tuồn ra ngoài, hàng xô bồ mới giao theo hợp đồng. Ngược lại, cũng có doanh nghiệp gây khó với người sản xuất.

5 . Đối mặt với thiếu nguyên liệu

Trong nhiều năm qua đã ra sức khai thác nguyên liệu thải loại từ các quy trình sản xuất có hình khối lớn, đồng thời tìm, chế tạo vật liệu sen ghép, thay thế nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Song ngần ấy nỗ lực chưa đủ khoả lấp nỗi lo thiếu tre, nứa, lá, song mây… làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Các địa phương thường chỉ quy hoạch khu Du lịch sinh thái đâu có dành đất cho vùng nguyên liệu. Một nửa nhu cầu cho ngành Chế biến gỗ phải ngóng vào gỗ nhập khẩu, song nguồn này sẽ cạn vì các nước cũng đã tỉnh ra phải đóng cửa rừng. Bờ biển dài, mặt nước rộng, song mấy năm nay phải nhập khẩu thuỷ sản nguyên liệu. Vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu, song 10 năm nay, ngành Điều luôn canh cánh về thiếu hạt điều. Lượng điều hạt trong nước thu hái mới đáp ứng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà, Indonexia…

Đã như vậy vẫn chưa yên, điệp khúc nay trồng, mai chặt, khiến vấn đến này còn nan giải. Dù lúa hàng hoá không thiếu, nhưng chất lượng không đồng nhất, nên đã có đề xuất quy hoạch ở đồng bằng Sông Cửu Long vùng trồng lúa chừng triệu ha, song ai quy hoạch và bao giờ làm. Quả Thanh Long phải xử lý nhọc nhằn, kiểm định khắt khe mới vào được thị trường Mỹ.

Muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, địa phương phải quy vùng, nhưng đến nay vẫn để từng doanh nghiệp loay hoay.

6 . Phẩm cấp hàng hoá

Lúa đại trà cỡ kích hình khối hạt khác nhau, tỷ lệ loại lép lửng, độ ẩm trước khi xay xát thường cao, tỷ lệ thu hồi thấp, tỷ lệ hạt biến màu, rạn gãy cao. Cao su đứng thứ tư thế giới về sản lượng (sau Malaysia, Thái Lan, Indonesia) nhưng chủng loại thấp chiếm trên dưới 60%. Hạt tiêu tuy có năm đứng đầu thế giới nhưng song phần lớn là hạt tiêu đen, còn hạt tiêu trắng giá cao lại ít. Được trồng trên độ cao nhất định, cà phê Việt Nam có hương vị đậm đà tự nhiên, song để xuất khẩu thì cà phê vối (robuta) chiếm tỷ lệ áp đảo cà phê chè (arabica). Đã như vậy thường hái non, phơi khô phụ thuộc nắng trời, gặp mưa phải làm khô cưỡng bức, nên nghe nói có trường hợp đã cập cảng nước ngoài vẫn bị trả về. Giống chè năng suất thấp, một số cơ sở còn dùng công nghệ chuyên làm chè đen nay chuyển sang làm chè xanh nên chất lượng không cao, rồi cũng giành giật nhau chè nguyên liệu. Có khi giá giao dịch trên sàn chè quốc tế đạt 3,7 USD/ kg, những chè Việt Nam chỉ được trên 1 USD/ kg.

Hiệp hội chế biến thuỷ sản Việt Nam khởi xướng chương trình “Các doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất”. Nhưng rồi “phong trào tạm lắng” rồi “phong trào lại lên”. Các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên bắt được các vụ vận chuyển, mua bán, tiêu thụ tôm tạp chất, không xác định được nguồn gốc.

7 . Hành trình xây dựng thương hiệu.

Với gạo chỉ có thể là thương hiệu “gạo trắng Việt Nam”, không thể gắn cho một loại gạo cụ thể. Có đến hàng trăm cơ sở sản xuất thủ công cùng làm một chủng loại hàng, nên đành xây dựng “thương hiệu tập thể”, “thương hiệu ngành nghề” theo từng dòng sản phẩm. Trong số 53 thành việc của Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), chỉ có 15 doanh nghiệp đăng ký đăng ký thương hiệu sản phẩm. Hậu quả là 90% lượng hoa quả xuất khẩu phải ẩn dưới nhãn hiệu nước ngoài. Thương hiệu chè được đăng ký bảo hộ ở 77 nền kinh tế, song mới 20 doanh nghiệp đăng ký sản xuất chè theo tiêu chuẩn “Chè Việt Nam”. 20 doanh nghiệp này ban đầu còn hào hứng sau thấy các cơ sở chưa đăng ký cứ làm ào ào cũng xuất khẩu trót lọt, thành nản trí.

8 . Chủ yếu là xuất khẩu gia công và công nghệ phụ trợ kém phát triển, rơi vào những ngành hàng có kim ngạch lớn như may mặc, giầy da, điện tử, phần mềm, đồ gỗ.

Phương thức được nước ngoài “gia công bao tiêu sản phẩm” ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu, cụm chi tiết, phụ tùng, mẫu hàng…, chỉ thích hợp thời kỳ mới mở cửa. Nay đã qua hơn hai chục năm mà vẫn “đắm đuối” với phương thức này thì chỉ là kính chuyển phần lớn lợi nhuận trong chuỗi lợi nhuận tạo ra từ sản xuất đến xuất khẩu cho nước ngoài còn thu nhập của doanh nghiệp và nhất là công thợ quá “bèo”. Để thoát khỏi tình trạng này, với ngành dệt may từ mấy năm nay đã đề xuất lập “Chợ nguyên liệu”, sẽ mời cả nhà cung cấp nước ngoài vào, tạo ra thế cạnh tranh. Song ai lập và bao giờ có chợ (?).

9 . Đã công khai các thủ tục hành chính và mỗi thủ tục được giản hoá. Song doanh nghiệp vẫn bị trần ai, tốn kém tiền bạc, thời gian bởi đã có “luật bất thành văn”, bất cứ ai cũng phải chấp thuận khi qua cửa khẩu, luỵ đến bến bãi hoặc bon bon trên đường. Nộp nhanh cho được việc, kêu ai và bằng cớ đâu, chỉ thêm rách việc, rồi… trút giận vào tất giá thành. Cơ chế thì rành mạch, nhưng doanh nghiệp vẫn nơm nớp trước các mệnh lệnh hành chính như thể phanh gấp.

10. Nếu điểm mặt đội ngũ các cơ quan, chuyên gia, phương tiện kỹ thuật, tiền bạc bỏ ra để có được các kết quả nghiên cứu, ý kiến tư vấn dự báo thị trường của ta thì thấy “đông – vui” đến mức nào. Song hầu như chỉ là lời phán của Gia Cát Dự, hôm qua, hôm nay và ngày mai đều đúng. Khi nào cũng diễn biến khó lường, chưa tương xứng với tiềm năng, thuận lợi đan xen khó khăn. Đáng ra điều mà người sản xuất, doanh nghiệp mỏi mắt trông chờ tư vấn là trồng cây gì, nuôi con nào, bán cho ai, ở đâu, giá cả ra sao, thời điểm nào mua vào thì tốt, bán ra ắt hời.. , thì chính họ bị hỏi ngược lại, bị trách cứ là ỷ lại, trông chờ, không biết nắm bắt tình hình, thiếu năng động. Mới thấm câu nói nổi tiếng một thời “phải tự cứu mình, trước khi trời cứu”, như là tiên tri.

Tổng hệ quả, nên dù là một nước xuất khẩu gạo, hạt tiêu, điều, cà phê đứng thứ hạng cao trên thị trường thế giới, nhưng vì hàng của ta thuộc phân kỳ giá trị thấp, thứ bậc xuất khẩu về mặt trị giá luôn thấp hơn thứ bậc xuất khẩu theo số lượng, thường lấn bấn với thị trường thế giới, chưa bao giờ khuynh đảo được nó.

Xuất khẩu vốn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, nay trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rộng, hội nhập càng sâu, yếu tố rủi ro cao, tính bất định lớn. Năm thị trường thế giới nóng, kim ngạch tăng thì hỷ hả, năm thị trường thế giới trầm lắng, kim ngạch thất bát lại tìm đủ lý do khách quan, khác nào như: “Mất mùa đổ tại thiên tai; được mùa lại nhận thiên tài của ta”.

Nếu cứ xuất khẩu kiểu này sẽ đi đến đâu chưa biết, nhưng chỉ riêng xuất khẩu gạo đã thấy buồn. Năm 2009 xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục là 6 triệu tấn song chỉ thu về 2,662 tỷ USD, trong khi năm 2008 xuất khẩu 4,742 triệu tấn thu được 2,894 tỷ USD. Giá mà một phần nhỏ trong số gạo đó được mang đến cho đồng bào ta ở vùng xa , rẻo cao mà chưa “tiếp cận” với cơm, sẽ hay biết mấy.

Nguyễn Duy Nghĩa, Nguyên phó chánh Văn phòng Bộ Thương mại

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tran Quang

    Lâu lắm rồi mới gặp được một bài viết hay, sắc sảo của ông Nguyễn Duy Nghĩa. Bài viết này phản ánh hiện thực bức tranh toàn cảnh của xuất khẩu Việt Nam thời kỳ mở cửa. Các nhà hoạch định chính sách phải bám vào thị trường để mà đưa ra các quan điểm của mình, không nên chủ quan chạy theo thành tích, số lượng… để làm người dân càng thêm khổ.
    Hiện nay lượng vốn cần để hổ trợ, kích thích các thành phần kinh tế đang nằm rất nhiều ở các sở, ban, ngành… không biết làm sao để mà đến được với người dân. Tôi được biết có 1 dự án của Ngân hàng thế giới hổ trợ cho cạnh tranh nông nghiệp cách nay khoảng 2 năm nằm tại Sở NNPTNT của 1 tỉnh, đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào, trong khi người dân phải đi vay từng đồng của tư thương với lãi suất rất cao để chi phí sản xuất, và khi thu hoạch sẽ bị tư thương ép giá… .
    Đọc bài của ông Nghĩa tôi cảm thấy mọi phát biểu, tuyên bố… của các vị lãnh đạo các ban ngành, lãnh đạo các địa phương trong thời gian qua trở nên vô bổ, không trung thực và có tính chất đối phó là chính.

  2. vương hồng tân

    Đọc xong bài viết của anh nghĩa ,tôi chạnh lòng cho người nông dân chân chấc, thương cho những người bỏ ruộng vườn xứ sở hoà nhập vào kiềp công nhân nhà máy mong có cuộc sống đổi đời ……………….
    và rằng thành phố mỗi ngày mỗi to ra, nhà mổi lúc mỗi cao lên ,thì đời sống của công nhân và nông dân càng thu hẹp lại và thấp dân đi ,con đường mỗi lúc mỗi vươn dài thì thu nhập công nhân và nông dân càng ngắn lại ,đây là thực tế mà ai cũng biết
    không phải không có chủ trương và tầm nhìn mà là ta thiếu cái TÂM cái ĐỨC , tôi có biết một câu hát hay “ai cũng chọn việc nhẹ nhàn ,gian khô sẽ thuộc về ai ” và tôi thấy cuộc cách mạng thành công vinh quang hôm nay cũng từ chiếc áo ka ky và đôi dép lốp . cám ơn và đội ơn hằng triệu đôi dép lốp cùng chiếc áo kaky trong trường kỳ kháng chiến , lịch sử muôn đời ghi nhờ

  3. Nguyên Trung Hieu

    Tôi rất đồng tình về các ý kiến của anh Nghĩa, tôi cũng xin mạn phép chia sẻ vài ý nhỏ:
    1. Về tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo: Đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp, ban, ngành,…Hằng năm chúng ta xuất khẩu khoảng 5-6 triệu tấn gạo, đứng thứ hai trên thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng giá trị theo từng loại cụ thể vẫn thấp hơn so với gạo Thailand. Có thể, một phần là do chất lượng gạo của ta không bằng gạo Thailand, theo tôi được biết việc chất lượng gạo ta không bằng gạo Thái là do các nguyên nhân sau: Thứ nhất là việc chúng chưa qui hoạch vùng trồng nguyên liệu rõ ràng, hàng hóa không đồng nhất, thứ hai là việc thu mua chế biến của các nhà máy cũng chưa theo một qui trình chuẩn mực, chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt ( khi tình hình xuất khẩu lắng đọng thì o ép hàng sáo, ép giá, yêu cầu chất lượng cao,…Khi tình hình xuất khẩu sôi động thì gom mua tất tần tật, không kể chất lượng có đạt yêu cầu không? chủ yếu thu được nhiều lượng nhằm cạnh tranh với các cơ sở khác, đôi khi còn mua vượt công suất sản xuất nhà máy,…)
    2. Về xuất khẩu hàng thô: anh Nghĩa đã cảnh báo quá đầy đủ về các tác hại của việc ồ ạt khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô, đây không còn là vấn đề bàn cải nữa mà phải hành động, các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này cần phải có cái TÂM chớ đừng quá chạy theo thành tích, không khéo ” Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81