Nghị quyết về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới.

Đây là toàn văn của “Nghị quyết về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới” của Tỉnh Ủy Đak Lak. Y5cafe xin được đăng tải lên đây để bà con tham khảo.

Đak Lak: Nghị quyết về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới.

Đắc Lắk có 311 ngàn ha đất đỏ bazan, điều kiện sinh thái khá thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhất là cà phê, cao su, ca cao,… Cà phê là loại cây công nghiệp phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh ta, sau ngày giải phóng ( 1975) toàn tỉnh chỉ có 3.700 ha, đến nay có 178.196 ha. Cà phê là một trong những loại cây cho sản phẩm xuất khẩu lớn của tỉnh.. Các sản phẩm cà phê đã đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh có vị thế cao về ngành sản xuất này trong cả nước. Đồng thời, nó cũng có liên quan chặt chẽ trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái và vấn đề phát triển bền vững.

Tuy đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nhưng ngành cà phê ĐắkLắk đang đứng trước những thách thức to lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự tăng nhanh không theo quy hoạch về diện tích dẫn đến rừng bị tàn phá, đất bị thoái hoá; năng suất, sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh doanh mang lại còn ở mức thấp. Mặc khác, môi trường sinh thái trong vùng trồng cà phê và chế biến cà phê ngày càng bị ô nhiễm và mất tính ổn định, bền vững, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống nhân dân.

Để phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới, sản xuất cà phê đúng theo vùng qui hoạch sản xuất nguyên liệu, tạo ra sản phẩm hàng hoá ổn định về năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng ổn định và bền vững, đất không bị xói mòn, rửa trôi mà ngay càng màu mỡ, cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt. Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết về phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 như sau:

I- TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ TRONG THỜI GIAN QUA

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước đang phát triển và chiếm tỷ lệ khá lớn trong cán cân thương mại thế giới. Tuy nhiên, thu nhập và lợi nhuận lại tập trung ở một số nhà đầu cơ, chế biến và tiêu thụ trên thế giới. Phần lớn các nước trồng cà phê là những nước chậm phát triển hoặc đang phát triển.
Ở Việt Nam, cà phê được trồng từ năm 1857, sau năm 1930 có khoảng 5.900 ha, năm 1975 có khoảng 20.000 ha. Sau năm 1986, thời điểm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, cây cà phê phát triển mạnh, nhất là cà phê vối (Robusta) ở Tây Nguyên, đến nay cả nước có khoảng 500.000 ha, sản lượng khoảng trên 850.000 tấn, giá trị xuất khẩu trên 1,8 tỷ USD.

Đối với Đắk Lắk, cây cà phê là loại cây công nghiệp phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh ta từ sau ngày thống nhất đất nước, năm 1975 có trên 3.700 ha cà phê, năm 1985 có 15 ngàn ha trong thời gian này Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 02 về ” củng cố và phát triển ngành cà phê của tỉnh, đưa cà phê trong tỉnh định hình vào năm 1990 với diện tích 50.000 ha đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”, năm 1990 diện tích cà phê đã tăng lên 76 ngàn ha, đến nay, toàn tỉnh có 178.196 ha (trong đó có 172.047 ha cà phê kinh doanh) với sản lượng bình quân hằng năm đạt 430 ngàn tấn cà phê nhân xô; cà phê qua chế biến rang xay trên 15 ngàn tấn và trên 1.000 tấn cà phê hoà tan.

Cùng với việc tăng nhanh về diện tích, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh như: chọn giống, bón phân, tưới nước, tạo tán…. đã làm năng suất và sản lượng cà phê tăng mạnh. Những năm trước 1990, năng suất bình quân 1 ha cà phê kinh doanh chỉ đạt 8-9 tạ nhân, đến năm 1994 năng suất bình quân đạt 18,5 tạ/ha, hiện nay bình quân đạt 25-28 tạ/ha; cá biệt ở một số vùng sản xuất đã cho năng suất bình quân đạt 35-40 tạ/ha, vườn cà phê một số hộ gia đình đạt trên 50 tạ/ha.

Sự phát triển quá nhanh cà phê ở Đắk Lắk về diện tích, năng suất, sản lượng đã đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và người trồng cà phê, song cũng đặt ra những vấn đề bức xúc cần giải quyết đó là:

Trong giai đoạn năm 1994 – 1999 do lợi nhuận từ trồng cà phê tăng cao, nên diện tích cà phê phát triển một cách ồ ạt, dẫn tới quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ; một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp và không phát triển; đặc biệt là diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ cũng bị giảm đi nhanh chóng do tình trạng người dân lấn chiếm rừng và đất rừng để khai phá trồng cà phê. Rừng bị chặt phá gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, mất cân bằng về đất đai, nguồn nước, vốn rừng và đặc biệt ô nhiễm môi trường trong khu vực sản xuất, chế biến cà phê diễn ra khá phổ biến.

Phần lớn diện tích cà phê do nông dân tự chọn giống để trồng, thời gian gần đây đã bộc lộ nhiều nhược điểm, có xu hướng bị thoái hoá. Trong khi đó, các hoạt động khoa học – công nghệ và công tác khuyến nông chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn sản xuất.

Hệ thống quan hệ sản xuất và công tác quản lý còn bất cập, mô hình liên kết “bốn Nhà” Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp chưa rõ ràng, khả năng liên kết kém, ít linh hoạt trong nhiều khâu, nhiều công đoạn; nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê thua lỗ mất khả năng thanh toán, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh cà phê chưa thật sự ổn định, chưa nắm bắt kịp giá cả thị trường thế giới.

Chất lượng sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột vốn là tốt do có điều kiện sinh thái phù hợp mang lại, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thì ngày nay có phần giảm sút do các doanh nghiệp và các hộ gia đình sản xuất cà phê chưa chú trọng việc chọn giống, trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, công tác quản lý bảo vệ chưa tốt, thu hoạch quả xanh chiếm tỷ lệ cao, phơi, sấy, chế biến, bao bì, bảo quản, chưa đảm bảo theo qui trình kỹ thuật dẫn đến chất lượng cà phê nhân giảm, chưa đáp ứng với yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Trong đó, nguyên nhân quan trọng là nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân về phát triển cà phê theo hướng bền vững, hiệu quả và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái chưa cao. Sự hợp tác liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa được chặt chẽ; chưa quan tâm tổ chức, xây dựng cơ chế kinh doanh làm suy giảm sức cạnh tranh trên thương trường trong qúa trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp uỷ, chính quyền chưa đề ra được phương hướng và những biện pháp cụ thể để chỉ đạo các doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất cà phê theo định hướng, còn để cho thị trường tự điều tiết và người sản xuất phát triển cây cà phê một cách tự phát. Mặt khác, nước ta chưa có kinh nhiều về lĩnh vưc kinh doanh cà phê trên thị trường quốc tế.

II- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP

1- Bối cảnh và thách thức
Sau 10 năm Việt Nam gia nhập AFTA và một năm gia nhập WTO cho thấy sản phẩm cà phê của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng chịu sự tác động sâu sắc của hai mặt tích cực và hạn chế theo quy luật cung – cầu và giá trị; đồng thời, bị tác động lớn bởi một số tổ chức kinh tế thế giới trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất chế biến và kinh doanh mặt hàng cà phê.

Giá cà phê trên thị trường liên tục biến động không theo chu kỳ, thời tiết bất lợi, giá vật tư, xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Mặt khác, giá cà phê thường bị chi phối mạnh bởi các nhà đầu cơ trục lợi, làm cho nhiệm vụ sản xuất và tiêu thụ cà phê của tỉnh vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

2- Quan điểm chỉ đạo và định hướng đến năm 2020

Căn cứ vào chiến lược phát triển cà phê bền vững của ngành cà phê Việt Nam và khả năng thực tế ở địa phương, quan điểm phát triển cà phê bền vững của tỉnh hiện nay là “phải đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo phương hướng ổn định lâu dài; giải quyết hài hoà lợi ích về kinh tế – xã hội, gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững trật tự an toàn xã hội”.

Phát triển cà phê bền vững được thể hiện trong các lĩnh vực như sau: Diện tích sản xuất phù hợp, năng suất cao, chất lượng tốt được người tiêu dùng ưa chuộng, có uy tín trong kinh doanh,thị trường ngày càng mở rộng, thu lợi nhuận cao; góp phần phát triển thành thị, nông thôn, môi trường xã hội lành mạnh, văn minh, giảm nghèo đói, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, sức khoẻ, làm giàu chính đáng và đảm bảo an ninh nông thôn…; quan hệ sản xuất phải được tổ chức với các hình thức phù hợp, tính cộng đồng và tương trợ ngày càng cao, xác định rõ trách nhiệm và lợi ích của “bốn Nhà”: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp; sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất, nước và bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng tốt hơn. Phát triển ngành cà phê bền vững phải nằm trong mối tương quan chung với các ngành và lĩnh vực kinh tế – nền văn hoá – xã hội của tỉnh, của khu vực, của cả nước cũng như trên thế giới.

Định hướng: Sản xuất cà phê phải theo tiêu chí của thương hiệu ” Cà phê Buôn Ma Thuột”, ổn định về năng suất, sản lượng, chất lượng; phát triển cà phê phải gắn chặt với phát triển kinh tế văn hoá – xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường.

Qui hoạch và giảm diện tích cà phê của tỉnh đến năm 2015 ổn định khoảng 140.000 ha đến 150.000 ha trong vùng sinh thái thuận lợi, để thâm canh tăng năng suất bình quân một ha đạt 30 tạ trở lên, đưa sản lượng đạt 400.000 tấn trở lên, cải tạo, trồng mới số diện tích cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh nằm trong vùng qui hoạch; kiên quyết chuyển đổi thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dốc trên 150 , sản xuất kém hiệu quả; phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ cà phê tinh chế đạt 15 – 20% sản lượng, đưa giá cà phê xuất khẩu cùng loại tương đương với các nứoc trên thế giới; duy trì tăng trưởng GDP của ngành cà phê từ 5-6% mỗi năm.

3- Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

– Về nâng cao nhận thức: Phát triển cà phê bền vững là gắn chặt các lợi ích về kinh tế – xã hội và môi trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới có ý nghĩa quyết định đối với ngành cà phê nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung. Do đó, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đảm bảo đúng qui trình, đúng tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập. Phát triển cà phê phải đảm bảo bền vững về môi trường sinh thái, không vì lợi ích trước mắt mà sau đó phải tốn kém nhiều công sức, tiền của để khắc phục hậu quả xấu về môi trường sinh thái.

– Về qui hoạch: Rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh cà phê theo 3 cấp: tỉnh, huyện và xã. Công tác quy hoạch phải có căn cứ khoa học, có tầm nhìn xa, chú trọng việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên: đất, nước và môi trường sinh thái ổn định bền vững; đồng thời, qui hoạch đầu tư nhà máy, thiết bị chế biến và hệ thống bảo quản sản phẩm…; các khu dịch vụ, du lịch, khu văn hoá….UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan qui hoạch tổng thể vùng sản xuất cà phê chuyên canh, trên cơ sở đó UBND các huyện quy hoạch chi tiết để quản lý điều hành.

– Về thâm canh vườn cây: Tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp áp dụng các qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn cà phê bền vững đến với người dân; trong đó, lấy công tác khuyến nông, khuyến công, xây dựng mô hình, để từ đó nhân ra diện rộng. Thực hiện cải tạo vườn cây, tuyển chọn giống phù hợp với điều kiện sinh thái, cho năng xuất cao, chất lượng tốt; chú trọng việc tạo giống vô tính để hạn chế thoái hoá giống. Hình thành những trung tâm giống và dịch vụ kỹ thuật cao để cung cấp đầy đủ giống tốt và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cho người trồng cà phê.

Khuyến khích người dân sản xuất, kinh doanh cà phê đảm bảo tính bền vững. Kiên quyết xử lý đối với người sản xuất, kinh doanh cà phê vi phạm Luật bảo vệ môi trường; đối với những đơn vị, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng cây che bóng để bảo vệ đất, chống bạc màu, xói lở… Việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất cà phê phải tiết kiệm và có hiệu quả.

Khuyến khích người dân sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây lâu năm để tăng thêm thu nhập; các loại cây có tác dụng che bóng, đồng thời cho sản phẩm có giá trị kinh tế, không ảnh hưởng đến năng suất cà phê, cải thiện môi trường và giảm được áp lực nước tưới về mùa khô; giảm thiểu những rủi ro do biến động của thời tiết, sâu bệnh, giá cả và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Một số cây trồng xen có thể là cây quế, sầu riêng…

– Về thu hái: Khuyến khích người làm cà phê thu hái quả chín 90% trở lên, giảm thiểu quả xanh, có cơ chế chính sách tài chính về giá cả phù hợp đối với việc thu mua cà phê qủa chín, chất lượng tốt để kịp thời động viên người sản xuất thực hiện đúng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

– Về chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm: Các phương pháp chế biến ướt, chế biến khô và nửa ướt nửa khô đều có thể sử dụng, nhưng tuỳ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị và người trồng cà phê mà vận dụng cho hiệu quả để giảm giá thành. Nghiên cứu khắc phục các yếu kém về trình độ công nghệ thiết bị chế biến và mức độ ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghiệp chế biến cần được coi là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Có chính sách thu hút đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến cà phê nhân, cà phê tinh chế; chế tạo thiết bị tiên tiến chế biến cà phề để cung ứng máy móc, thiết bị chuyên dùng cần thiết đáp ứng yêu cầu cho ngành cà phê. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sân phơi, kho chứa sản phẩm đối với những nơi trồng cà phê tập trung đảm bảo việc bảo quản cà phê đạt chất lượng cao.

Củng cố, mở rộng thị trường, bạn hàng, nâng cao giá trị mua – bán với đối tác lâu dài, đồng thời có chiến lược cụ thể tiếp cận thị trường mới như Trung Quốc, Nga, Nhật bản …Có chính sách đầu tư thoả đáng để tổ chức quản lý, phát triển, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cũng như Trung tâm giao dịch mua bán cà phê Buôn Ma Thuột hoạt động hiệu quả.

– Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm: Tăng cường công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cà phê để người sản xuất tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm; bên cạnh việc áp dụng tiêu chuẩn cà phê trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chiến lược rõ ràng trong việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng thế giới, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

– Đầu tư kết cấu hạ tầng: Phát triển nông thôn theo hướng bền vững hài hoà giữa nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phải huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hôị – môi trường trong nông thôn, xây dựng nông thôn văn minh, sạch đẹp, trong đó ưu tiên đầu tư thuỷ lợi, giao thông, điện, nước sạch,… Trong thời gian đến kêu gọi các thành phần kinh tế bằng các hình thức thích hợp để huy động mọi nguồn vốn xây dựng các nhà bảo tàng cà phê với những nội dung, hình thức, quy mô phong phú, đa dạng, hấp dẫn trên địa bàn Buôn Ma Thuột.

– Cơ chế chính sách: Xây dựng các chính sách về vốn, tài chính, thuế, đất đai, kỹ thuật, tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị tiên tiến, hiện đại; khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến cà phê tinh chế, cà phê hoà tan, các sản phẩm sau cà phê, ưu tiên cho các doanh nghiệp đã có thương hiệu cà phê. Xây dựng các kho ngoại quan tại tỉnh để doanh nghiệp trong tỉnh thuận lợi trong xuất khẩu:

– Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước: Tổ chức rà soát các văn bản Quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến ngành cà phê, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản không phù hợp, ban hành các văn bản mới phù hợp với xu thế phát triển cà phê bền vững. Nghiên cứu thành lập các tổ chức chỉ đạo điều hành phát triển cà phê bền vững như: Hiệp hội, tư vấn khoa học kỹ thuật, dịch vụ thông tin thị trường, quảng bá thương hiệu… Tổ chức sản xuất kinh doanh cà phê trong tỉnh thành một ngành kinh tế mũi nhọn với một tổ chức quản lý- kinh doanh thích hợp, đáp ứng các mối quan hệ và các mối liên hệ của một ngành sản xuất- kinh tế và kỹ thuật, gắn việc xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, thành phố, đảm bảo điều hoà được các lợi ích của nhà nước và nhân dân, của Trung ương và địa phương, của ngành và lãnh thổ…Tổ chức tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong nhân dân, trong các tổ chức và cá nhân có ý thức bảo vệ, giữ gìn vườn cây cà phê, tăng cường phối hợp các lực lượng có liên quan để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ các sản phẩm cà phê, nhất là trong thời điểm thu hoạch để bảo đảm chất lượng vườn cây và sản phẩm cà phê.

III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các cấp uỷ Đảng có trách nhiệm tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thành viên Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đồng thời xây dựng chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện nghị quyết có hiệu quả.

Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho cây cà phê như một số cây trồng khác để địa phương áp dụng thực hiện có hiệu quả. Đồng thời xây dựng đề án trình HĐND tỉnh thông qua làm cơ sở để triển khai Nghị quyết này đạt hiệu quả.

Giao cho các Ban xây dựng Đảng Tỉnh uỷ và Văn phòng Tỉnh uỷ theo chức năng nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này, hàng năm báo cáo Tỉnh uỷ biết, chỉ đạo./.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81