Công cụ hạn chế rủi ro cho cà phê

Giá giá cà phê tăng nhưng giá phân bón, xăng dầu, nhân công cũng tăng, việc sản xuất và kinh doanh cà phê vẫn gặp khó khăn. Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cho rằng, cà phê cần tham gia vào thị trường giao dịch thế giới để tận dụng công cụ hạn chế rủi ro khi giá cả lên xuống thất thường.

Ông Vân Thanh Huy, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam

– Thưa ông, tham gia thị trường giao dịch cà phê thế giới có lợi ích như thế nào?

Cà phê là mặt hàng rất nhạy cảm với giá cả. Giá có lúc 900 USD/tấn, sau đó lại tăng lên 1.200-1.500 USD/tấn. Năm 1994 lên gần 4.000 USD/tấn. Năm 2001-2002 giá cà phê rớt thảm hại, còn 500 USD/tấn, có lúc chỉ còn 380-420 USD/tấn FOB. Thời điểm này giá mới nhích lên 600-650 USD/tấn.

Hiện cà phê VN chỉ bán theo cách là hàng có thật (Physical), trong khi thế giới có hẳn thị trường giao dịch cà phê kỳ hạn (Coffee Futures market). Trong đó có những công cụ để hạn chế rủi ro với quyền giao dịch, quyền chọn mua, quyền chọn bán. Tôi muốn nhấn mạnh tới quyền chọn bán và mua. Tức là khi thấy giá lên cao đạt giá lý tưởng nhưng chưa tới vụ cà phê thì ta có thể bán trước và để tới vụ thu hoạch thì giao hàng.

Thực tế, nếu kéo dài tình trạng này rất bất lợi cho các nhà xuất khẩu cà phê, từ đó kéo theo sự bất lợi cho người sản xuất cà phê.

– Ông đánh giá thế nào về khả năng tham gia thị trường giao dịch cà phê thế giới của Việt Nam?

Chúng tôi tha thiết mong muốn cà phê VN sớm tham gia vào thị trường giao dịch cà phê thế giới, bởi nó gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà xuất khẩu. Nhìn chung, mặt hàng cà phê Việt Nam đã và đang hội nhập, ta không thể bỏ lỡ cơ hội. Do đó, Nhà nước cần hình thành môi trường pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế. Về năng lực, nếu kiến thức có hạn thì ta cần quan tâm tới công tác đào tạo, mở rộng kiến thức.

– Nhiều ý kiến cho rằng, tham gia vào thị trường giao dịch thì chất lượng cà phê phải tốt. Chất lượng cà phê của VN ra sao?

Quan tâm tới chất lượng cà phê xuất khẩu không đơn thuần chỉ có người nông dân, hay nhà xuất khẩu mà phải có nhà khoa học, công nghệ, các ngành có liên quan tới khâu thu hái, chế biến, xuất khẩu đều phải vào cuộc. Chúng ta cứ hô hào làm hàng chất lượng cao, nhưng làm sao có thể thực hiện được khi người nông dân không có tiền để làm sân phơi, không đủ vốn để đầu tư cho công cụ chế biến sản phẩm sau thu hoạch; làm sao kêu gọi người nông dân phải hái cà phê chín, trên 90-95% càng tốt, trong khi vấn đề bảo vệ chống mất cắp như thế nào thì không đề cập.

Cũng về chất lượng cà phê xuất khẩu, chúng ta thường nói phải theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tạp chất cà phê xuất khẩu của ta thường ở mức 1%. Tôi đã họp hội nghị khách hàng (kể cả khách hàng là người mua cũng như người bán) và biết rằng nếu như tạp chất cà phê xuất khẩu là 1% thì một container cà phê xuất đi châu Âu với 330 bao, sẽ có 3 bao tạp chất. Với 900.000 tấn cà phê xuất khẩu trong năm 2003-2004 thì lượng tạp chất rất nhiều (9.000 tấn tạp chất). Cuối cùng, chúng ta chở tạp chất đi tốn phí vận chuyển lại bị phê bình cà phê Việt Nam tạp chất nhiều, chất lượng kém.

– Vậy VN có làm được cà phê chất lượng tốt hay không?

Tôi khẳng định là được. Công nghệ chế biến của ta có thể làm giảm đi tỷ lệ tạp chất 0,5-0,3%. Giảm được tạp chất trong cà phê có nghĩa rằng giảm được cước vận tải vô ích từ VN sang châu Âu. Thực tế, người mua luôn sẵn sàng mua hàng với chất lượng cao, người bán cũng sẵn sàng đáp ứng. Như vậy, cà phê Việt Nam đi vào thị trường hàng chất lượng cao không có vấn đề gì khó. Hiện chúng ta cũng đã làm rồi nhưng số lượng chưa lớn. Giá chênh lệch hàng chất lượng cao so với hàng thông thường 50-70 USD/tấn. Giá trị cà phê R2 và R1 không đen, không tạp gia tăng so với với R2 là 40-50 USD/tấn, R1 đánh bóng tạp chất 0,1% là 100-120 USD/tấn.

– Để nâng cao chất lượng cà phê cũng như tham gia vào thị trường giao dịch thế giới đạt hiệu quả, yếu tố nào là cần thiết trong giai đoạn này?

Theo tôi, trước hết, phải tạo điều kiện cho người nông dân làm cà phê có sân phơi loại bằng xi măng ngay sau thu hoạch để họ làm đúng quy trình kỹ thuật. Nếu không có sân phơi thì phải có mấy sấy, nhất là nông dân ở những vùng sâu, vùng xa mới làm cà phê. Việc hỗ trợ không phải là cho không, mà ta có cơ chế để bà con được vay tiền với lãi suất ưu đãi và trả chậm. Tiếp đến là công nghệ chế biến cà phê chất lượng cao xuất khẩu.

>> Thách thức khi áp dụng tiêu chuẩn mới cho cà phê xuất khẩu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84