Sàn giao dịch hàng hóa: Không nên đánh giá vội vàng

Nhiều phương tiện thông tin cho rằng các sàn giao dịch hàng hóa VN “rầm rộ khai trương, èo uột phát triển rồi lặng lẽ biến mất”. Tuy vậy, ông Nguyễn Tuấn Hà – GĐ sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) lại khẳng định viễn cảnh của các sàn giao dịch rất tốt.


Sàn giao dịch cà phê BMT

– Thưa ông, cách đây một năm, sàn giao dịch cà phê ra đời và được kỳ vọng rất nhiều. Nhưng thực tế hoạt động của sàn giao dịch này không được như mong đợi ?

Trước hết, tôi xin nói rõ lại đây là chương trình thí diểm xây dựng chợ đầu mối của ba vùng nguyên liệu tập trung. Đó là: Chợ lạc của Nghệ An, Chợ gạo của Cần Thơ và Chợ cà phê của Đắk Lắk theo chương trình của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Khởi xướng cho Chợ cà phê Buôn Ma Thuột do Hiệp hội cà phê ca cao VN đề xuất và được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng tình. Sau đó theo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk nâng cấp lên là sàn giao dịch cà phê.

Để thực hiện chương trình này UBND tỉnh Đắk Lắk đã mời tư vấn lập đề án hoạt động. Đề án được phê duyệt với mục đích chính là hướng đến: tạo sân chơi bình đẳng qua hệ thống đấu giá công khai (đặc biệt đối với người sản xuất), Hơn nữa, chúng tôi cũng mong muốn tạo một thị trường tập trung, để từ đó là nơi công bố giá giao dịch làm điều kiện tham chiếu giá mua bán. Đặc biệt, chúng tôi cũng kỳ vọng tạo được thói quen giao dịch qua sàn theo thông lệ thế giới cho nông dân và DN.

Phương thức giao dịch: giao ngay và giao sau (bước đi theo thông lệ thế giới đã hình thành). Theo tư vấn của các chuyên gia vì thị trường mới tạo lập, khung pháp lý chưa đồng bộ, cán bộ chưa đào tạo… vì vậy nên hình thành trước mắt phương thức giao ngay (giao ngay là phương thức giao hàng có thật và sau một thời gian ngắn theo quy định) . Vì vậy phải nói đúng rằng ngày khai trương 2008 chỉ là bước đầu (một thị trường ở giai đoạn sơ khai) cho một phương thức giao dịch, đó là giao ngay.

Theo chương trình hỗ trợ của cơ quan phát triển Pháp tài trợ cho dự án này trong ba năm do chuyên gia nước ngoài cố vấn kỹ thuật, xây dựng chiến lược phát triển sàn giao dịch cà phê thì như vậy sẽ có sự chuẩn bị để tạo ra các phương thức giao dịch khác, phù hợp thông lệ thế giới (mức độ cao hơn phương thức giao dịch giao ngay).

Dưới góc độ của “người trong cuộc” theo tôi nguyên nhân khiến thị trường giao ngay chưa sôi động là do: Mới tạo lập thị trường nên các quy định ràng buộc rất cao, tránh rủi ro vỡ thị trường như người bán phải có hàng, người mua phải ký quỹ 100 %. Đây cũng là điểm hạn chế lớn nhất vì quy định ràng buộc cao nên đa số người mua, người bán đều cảm thấy phức tạp. Giao dịch tập trung qua sàn (khác với thị trường truyền thống) nên người mua và người bán thấy… không quen. Hơn nữa, sự phối hợp của các đơn vị cùng tổ chức thị trường này chưa cao, chưa chuyên nghiệp (hiện chỉ có TechcomBank thanh toán, Caphe control kiểm định chất lượng, Cty quản lý chuyển giao sản phẩm, Cty môi giới hàng hóa cùng tham gia). Cán bộ quản lý sàn giao dịch chua được đào tạo bài bản. Chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho chương trình thí điểm chưa đồng bộ…

– Vậy ông có thể cho biết sắp tới Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục triển khai như thế nào ?

Như nói ở trên: một năm chỉ là bước đầu tạo lập thị trường, tạo lập thói quen giao dịch qua sàn giao dịch hàng hóa, tuyên truyền, đào tạo, hoàn thiện thị trường mới tạo lập chỗ nào còn chưa tốt cùng nhau khắc phục.

Năm 2010 chúng tôi cùng các đơn vị phối hợp và cố vấn chiến lược sẽ chuẩn bị cho ra đời các phương thức (sản phẩm) giao dịch tiếp theo như: hợp đồng giao dịch kỳ hạn sẽ tạo cho các đối tượng giao dịch có thêm các tiện ích trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê. Đối với sàn phẩm “hợp đồng giao dịch kỳ hạn” chúng tôi kỳ vọng là một bước tiến mới của Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, dự kiến trong quý I/2010 sản phẩm này sẽ được niêm yết. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, phát triển thành viên, đặc biệt là thành viên môi giới.

– Từ chuyện sàn giao dịch cà phê, quan điểm của ông về cơ chế quản lý các sàn giao dịch hàng hóa hiện nay tại VN ?

Là một trong số anh em tham gia từ đầu dự án sàn giao dịch cà phê, từ đây tôi thấy rằng:

Việc hình thành các sàn giao dịch hàng hóa tại VN (như sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột) là không trái với quy luật phát triển thương mại trên thế giới (hầu hết các nước phát triển, có vùng sản xuất hàng hóa lớn đều có sàn giao dịch hàng hóa: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil… và Luật Thương mại VN sửa đổi 2005 đã có hẳn Chương “Sở giao dịch hàng hóa” để khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, vì là mô hình mới ở VN nên việc tổ chức thị trường theo tôi không nên vội vàng, kiên trì và cần có bước đi thích hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thường xuyên rà soát các văn bản chính sách cho phù hợp, tránh rủi ro cho các bên giao dịch.

Theo tôi, Nhà nước nên làm thí điểm, rút kinh nghiệm, bổ sung chính sách cho hoàn thiện và phải có một cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách quản lý các sàn giao dịch hàng hóa (như UBCK nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán: hiện VN chỉ có hai sở giao dịch CK: HN và TP HCM). Kinh nghiệm, như ở Trung Quốc mới đầu rất nhiều sàn giao dịch hàng hóa, nhũng nay đã được gom lai ba đến bốn sàn giao dịch. Trung Quốc, Ấn Độ có hẳn cơ quan quản lý các sàn giao dịch hàng hóa.

Ngoài ra, Nhà nước cũng nên có chính sách tuyên truyền, hỗ trợ vì sự phát triển của sàn giao dịch hàng hóa, trước đây Bộ Thương mại có chương trình phát triển thương mại có nói đến phải phát triển sàn giao dịch hàng hóa tại VN, nhưng cần phải cụ thể hóa như chương trình phát triển chợ. Đặc biệt, theo kinh nghiệm thực tế hoạt động hơn một năm qua, tôi cho rằng phải tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ cho người thực hiện quản lý sàn giao dịch hàng hóa bởi hiện chưa có cơ quan nào đào tạo…

>> Trị bệnh “vỡ nợ” cà phê: Liều thuốc đang nằm trong tay BCEC?

Theo DĐDN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81