Tin buồn

Tổng hợp thị trường cà phê tuần 44 (30/10 – 04/11/2017)

Giá cà phê sụt giảm trên cả hai sàn khi Brasil, nhà sản xuất cà phê Arabica hàng đầu thế giới và Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới vẫn có các thông tin cơ bản hỗ trợ.

Biểu đồ Robusta London T1/2018 tuần 44 (30/10 – 04/11/2017)

Chốt phiên cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm 12 USD, xuống 1.904 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2018 giảm 14 USD, còn 1.856 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo nới rộng thêm khoảng cách.

Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm 2,45 cent, xuống 123,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm 2,35 cent, còn 127,5 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 300 – 400 đồng/kg, xuống dao động ở mức 40.200 – 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, xuống ở mức 1.766 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi vẫn ở mức 80 – 90 USD theo giá kỳ hạn tháng 1/2018 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2018 giảm 88 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 1.900 đồng/kg, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 2,65 cent/lb.

Bước vào đầu tuần, thị trường đón nhận báo cáo Thương mại tháng 9 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Theo báo cáo này, xuất khầu cà phê toàn cầu trong tháng 9 giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên xuất khẩu toàn niên vụ 2016/2017 vẫn tăng 4,8% so với niên vụ trước đó. Tiếp đến là báo cáo xuất khẩu cà phê Arabica tháng 10 của Brasil và một số nước khu vực Trung Mỹ đều sụt giảm. Trong khi tồn kho tại ICE – New York và các thị trường tiêu thụ chính như Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật vẫn ở mức cao. Tuy điều này cho thấy lượng cà phê Arabica trong ngắn và trung hạn có thể là không thiếu, nhưng không phải tồn kho tại chỗ của nhà rang xay mà là trong kho hàng của nhà kinh doanh chưa bán.

 Thị trường cà phê Robusta có phần khác biệt. Brasil không xuất Conilon Robusta mà dành cho ngành công nghiệp thị trường nội địa. Việt Nam đã lộ rõ vụ năm ngoái mất mùa nên tồn kho gối vụ hầu như cạn kiệt. Indonesia cũng ưu tiên dành cho tiêu thụ nội địa, nhà nông chỉ bán với mức giá cộng so với giá London, buộc các nhà công nghiệp và các nhà xuất khẩu phải cạnh tranh mới có hàng, dẫn tới xuất khẩu tháng 10 giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi Hiệp hội Nông nghiệp Karnataka (KPA) Ấn Độ cho biết sản lượng Robusta của họ năm nay thấp hơn nên họ sẽ chờ giá cà phê toàn cầu tăng trở lại trước khi bán. Cơ quan Phát triển thị trường Cà phê và Trà Êthiopia cũng cho biết họ đã khởi đầu năm tài chính mới một cách chậm chạp và bày tỏ quan ngại có thể không đạt mục tiêu tương tự như năm trước.

Nhìn chung, Brasil hiện đã có mưa tốt hỗ trợ cho vụ mới nhưng tổn thất do khô hạn vừa qua ở mức độ nào phải cần có thêm thời gian để đánh giá. Khả năng mưa kéo dài ở Việt Nam có thể trước mắt không gây tổn thất đáng kể nhưng chắc chắn sẽ kéo dài thêm thời gian mới có hàng vụ mới đưa ra thị trường.

Đó là những điều hỗ trợ tích cực cho cả hai thị trường trong ngắn và trung hạn. Cho nên trong tuần vừa qua giá cà phê sụt giảm trên cả hai sàn kỳ hạn là do hiệu chỉnh của vị thế đầu cơ trước các tin tức của các thị trường tài chính vĩ mô tác động hơn là do giá cả của tự bản thân các thị trường cà phê. Và do đó, dự kiến giá sẽ sớm hồi phục trên cả hai thị trường cà phê kỳ hạn.

*Thứ Hai, ngày 06/11, Sàn giao dịch Arabica – New York sẽ bắt đầu đóng cửa theo giờ mùa đông, vào lúc 01g30’sáng theo giờ Việt Nam.

Anh Văn (giacaphe.com)

 

 

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

72