Tổng hợp thị trường cà phê tuần 24 (12/06 – 17/06/2017)

Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn trái chiều

Biểu đồ Robusta London T7 tuần 24 (12/06 – 17/06/2017)

Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 19 USD, lên ở mức 2.109 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 20 USD, lên ở mức 2.125 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo vẫn ổn định khoảng cách.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục đảo chiều. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2,25 cent, xuống 123,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,1 cent, xuống 125,95 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 300 đồng, lên dao động ở mức 45.000 – 45.500 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, lên ở mức 2.069 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi co lại 30 – 40 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 107 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 1.900 đồng/kg, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 3 cent/lb.

Thị trường cà phê thế giới trở nên sôi động hơn khi không diễn ra cảnh hai sàn giao dịch cà phê níu kéo nhau như thường thấy. Sàn Robusta London đã có một tuần tăng mạnh tới 5,34% trong khi sàn Arabica New York lại đánh rơi 2,37% để giảm xuống mức thấp 13 tháng.

Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Cà phê Brasil (Cecafé) thông báo xuất khẩu cà phê nhân tháng Năm giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 2,21 triệu bao. Tuy nhiên họ cũng cho biết báo cáo chỉ chú trọng xuất khẩu cà phê Arabica, trong khi việc xuất khẩu cà phê Conilon Robusta đã giảm tới 71,2% chỉ đạt 19.600 bao. Và như vậy có thể thấy về xuất khẩu cà phê Arabica trong tháng hầu như thay đổi không đáng kể.

Cooxupé, hợp tác xã cà phê lớn nhất của Brasil, vừa báo cáo HTX dự kiến đã thu hoạch 11,4% sản lượng cà phê của các thành viên trong năm nay, cao hơn một chút so với 9,9% cùng thời điểm năm trước. Đồng thời họ cũng báo cáo chất lượng cà phê Arabica năm nay nói chung tương đối tốt, với những quả thu hoạch muộn thường có kích cỡ và chất lượng tốt hơn, do sự chăm bón hợp lý của nông dân thành viên. Mặc dù HTX hiện đang lo lắng do giá cả tham chiếu trên thị trường New York hiện nay đang yếu dần, gây thiệt hại đáng kể trong việc bán cà phê vụ mới.

Trong khi đó, dữ liệu báo cáo của Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê tháng Năm chỉ đạt 122.163 tấn (tương đương 2,04 triệu bao, bao 60kg), giảm 9,4% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu niên vụ cà phê 2016/2017 đạt tổng cộng 1,1 triệu tấn (xấp xỉ 18,15 triệu bao). Dự kiến lượng cà phê còn trong nước khoảng 7 triệu bao, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu 4 tháng cuối vụ chỉ khoảng 1,75 triệu bao mỗi tháng và xuất khẩu cho 2 tháng gối vụ hiện chưa có.

Hàng Robusta Indonnesia  vụ mới tuy đã ra thị trường nhưng hiện chỉ đáp ứng nhỏ giọt cho nhà xuất khẩu với giá chênh lệch 40 – 50 USD/tấn cho Lampung loại 4, 80 hạt lỗi.

Cuối tuần ghi nhận giao dịch hàng thực quanh các kho nhỏ ở mức 46.000 đồng/kg.

Báo cáo mới nhất của USDA điều chỉnh có phần có lợi cho cà phê Robusta nhưng tổng thể đã không gay sốc cho thị trường khi tăng thu toàn cầu thêm 2,5 triệu bao lên 159,1 triệu bao và tăng xuất thêm 2 triệu bao lên 110,7 triệu bao. Nhưng rõ ràng tiêu thụ nội địa ở các nước sản xuất vẫn tăng trưởng đều và hầu hết các nước sản xuất đang chú trọng nâng cao xuất khẩu cà phê GTGT hơn là xuất thô như những năm trước đây.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84