Cà phê Việt Nam được mời tham gia sàn New York

Sở giao dịch hàng hoá New York (NYBOT) muốn các nhà kinh doanh cà phê robusta của Việt Nam tham gia giao dịch cà phê kỳ hạn tại sàn New York sau khi sàn này tổ chức giao dịch cà phê robusta hơn một tuần qua, bên cạnh giao dịch cà phê arabica lâu nay .

Đây là nội dung chính của hội thảo “Hợp đồng mới robusta của Sở giao dịch New York” do Công ty cổ phần Môi giới thương mại Châu Á (Asia Trade Brokerage JS Co- ATB) phối hợp với ICE Futures U.S, đại diện cho NYBOT, tổ chức vào sáng 13-10 tại TPHCM.

Ông Joseph J O’Neill, chuyên gia của ICE, cho biết sở dĩ sàn giao dịch New York muốn mời gọi các nhà kinh doanh cà phê robusta của Việt Nam tham gia giao dịch tại thị trường này là do Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới.

Ông Joseph J O'Neill, chuyên gia của sàn giao dịch New York đang giới thiệu cách thức giao dịch cà phê Robusta với các doanh nghiệp Việt Nam
Ông Joseph J O’Neill, chuyên gia của sàn giao dịch New York đang giới thiệu cách thức giao dịch cà phê Robusta với các doanh nghiệp Việt Nam

Cách thức phòng chống rủi ro

Một doanh nghiệp ký hợp đồng bán 500 tấn cà phê robusta với mức giá 900 đô la Mỹ/tấn giao trong tháng 12-2007 nhưng sợ rằng giá sẽ biến động theo chiều hướng tăng gây bất lợi cho mình, doanh nghiệp quyết định đặt mua trên sàn giao dịch quốc tế nào đó 500 tấn robusta với cùng mức giá 900 đô la Mỹ/tấn tại thời điểm chốt giá bán cà phê thật. Đến thời điểm giao hàng giá tăng lên 950 đô la Mỹ/tấn thì nếu không chốt giá trước đó, doanh nghiệp sẽ bị lỗ 450 đô la Mỹ mỗi tấn, nhưng do giao dịch kỳ hạn nên doanh nghiệp lời 50 đô la Mỹ mỗi tấn. Và như vậy dù giá lên, doanh nghiệp vẫn không bị lỗ.“Số liệu năm ngoái mà chúng tôi có được cho thấy sản lượng cà phê robusta của Việt Nam lớn nhất thế giới và lớn gấp đôi sản lượng của nước lớn thứ nhì là Brazil. Nếu nhìn vào con số thống kê của các tổ chức quốc tế thì sản lượng cà phê robusta của Việt Nam chỉ ít hơn một chút so với phần robusta còn lại của thế giới”, ông nói.

Ông cũng chứng minh rằng việc giao dịch cà phê robusta với sàn New York sẽ mang tới cho các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam nhiều lợi ích. Do các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam là các nhà kinh doanh cà phê thật, nên tham gia giao dịch trên sàn New York bằng hợp đồng quyền chọn có thể phòng chống rủi ro về giá xuất khẩu.

Mỗi hợp đồng cà phê robusta giao dịch ở sàn này có khối lượng 37.500 pounds, tức 17,025 tấn, cao hơn gấp ba lần so với giao dịch tại sàn giao dịch LIFFE (London International Financial Futures and Options Exchange) của London. Hiện nay khối lượng từng hợp đồng của LIFFE là 5 tấn cà phê robusta. Mức phí giao dịch của sàn New York là 18,75 đô la Mỹ mỗi hợp đồng, tức 0,908 đô la Mỹ mỗi tấn, thấp hơn so với mức phí giao dịch với LIFFE ít nhất mỗi đô la Mỹ một tấn.

Ngoài ra, lợi thế của sàn New York là giờ mở cửa giao dịch bắt đầu từ 12 giờ trưa theo giờ Việt Nam kéo dài tới chiều tối, nên thuận lợi cho giao dịch trong giờ hành chính ở Việt Nam. Còn LIFFE mà lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam tham gia giao dịch có giờ mở cửa từ 16 giờ chiều Việt Nam và kết thúc vào nửa đêm. Việc thức đêm để giao dịch là một bất lợi đối các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam.

Từ tháng 12-2004, Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công Thương) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) làm nhà môi giới giao dịch cà phê giữa các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam với sàn giao dịch LIFFE. Tới nay, cả nước có ít nhất 50 doanh nghiệp tham gia giao dịch trên thị trường LIFFE để phòng chống rủi ro về giá cho xuất khẩu cà phê thật và có tới ba nhà môi giới làm cầu nối là Techcombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty ATB, công ty có sự góp vốn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch, trong đó có các quy định về giao dịch với các sàn giao dịch nước ngoài, làm cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp tham gia.

Theo ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt nam, hiện khối lượng cà phê mà các doanh nghiệp trong nước tham gia giao dịch kỳ hạn với LIFFE bằng một nửa sản lượng cà phê thật xuất khẩu của Việt Nam. Một số doanh nghiệp tham gia giao dịch bị thua lỗ nhưng đa số doanh nghiệp nhờ có giao dịch với LIFFE đã phòng chống được rủi ro cho xuất khẩu cà phê trước các biến động của thị trường cà phê thế giới.

Ngoài LIFFE, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam còn được sàn giao dịch Chicago của Mỹ mời gọi và hiện đến lượt sàn giao dịch New York mới mở giao dịch cà phê robusta từ đầu tháng 10 năm nay. Giao dịch cà phê ở các thị trường kỳ hạn có nhiều nét tương đồng với giao dịch chứng khoán nhưng tính rủi ro cao hơn do không có quy định về biên độ dao động giá.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 975.000 tấn với kim ngạch 1,4 tỉ đô la Mỹ, trở thành năm có kim ngạch cao nhất kể từ khi Việt Nam tham gia xuất khẩu cà phê.

>> Người trồng cà phê được hưởng lợi từ LIFFE

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81