Tin buồn

Tổng quan thị trường cà phê nội địa tuần 52 (hết ngày 31-12-2016 )

Bảng giá cà phê nội địa và các sàn kỳ hạn trong tuần

Ngày Giá nội địa R73 Ice Ldn* A73 Ice N.Y*
23-12 43.600> 2089 136.15
26-12 43.600> 2089 136.15
27-12 43.600< 2089 134.20
28-12 43.500< 2077 133.50
29-12 43.500> 2116 135.45
30-12 44.200> 2138 137.05
Cuối tuần 45.000> +49 +0.90
Giá c. biệt AvR 875 USD/tấn USD=3.25 BRL  

*Giá tháng 3-2017  trên London và New York

Một năm qua nhanh. Giao dịch ngày 30-12 đã khép lại năm kinh doanh cà phê 2016 của hai sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York.

Thị trường tuần cuối năm giá tăng nhưng lượng giao dịch không nhiều  do gặp các ngày lễ tết tại nhiều nước nhập khẩu. Tuy nhiên, giá cà phê nội địa không vì thế mà yếu như cùng thời điểm các năm trước.

Giá cà phê nguyên liệu tại nhiều tỉnh ở Tây nguyên, vùng trọng điểm cà phê của Việt Nam, vẫn quanh mức 44-45 triệu đồng/tấn. Giá đáy của năm này xuất hiện vào cuối tháng 1-2016 ở giai đoạn trước tết Bính Thân, bấy giờ chỉ chừng 30 triệu đồng/tấn. Mức giá cà phê nguyên liệu tại thị trường nội địa hiện nay vẫn còn hấp dẫn dù không bằng đỉnh cao nhất trong năm là 46 triệu đồng/tấn.

rob-2016

Đồ thị hoạt động giá robusta năm 2016 (nguồn FT.com)

Giá kỳ hạn cà phê robusta London, nơi cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu, đã thoát đáy và tăng dần từ quý 1-2016 đến nay. Thật vậy, hướng giá cà phê kỳ hạn và trong nước càng về cuối năm càng cao, mức 42-45 triệu đồng/tấn được nhiều người chấp nhận, nhờ thế lượng xuất khẩu năm nay theo Tổng cục Thống kê đạt chừng 1,79 triệu tấn, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Đây là một ngạc nhiên lớn đối với người kinh doanh hàng thực trên thế giới.

Nếu như cho rằng lượng xuất khẩu nhiều có nghĩa là được mùa, điều đó không sai, nhưng có lẽ không phù hợp với hoàn cảnh năm vừa qua. Thời tiết thất thường như hiện tượng El Nino gay gắt đầu năm, La Nina gây lụt lội cuối năm đã ảnh hưởng nhiều đến sản lượng và giao dịch cà phê của Việt Nam.

Thật ra, trong niên vụ 2014-2015, đứng trước tình hình hạn hán, nhiều doanh nghiệp tưởng giá còn tăng nữa, họ đã rủ nhau trữ hàng và bán cà phê giao kho quá nhiều nhưng không chịu chốt bán mà chỉ ứng tiền để mua hàng bán giao tiếp vào kho. Bán hàng bao nhiêu, họ ứng vốn từ bên mua rồi lại bán vào kho bấy nhiêu. Và…đấy là cơ hội để các quỹ đầu tư tài chính và các tay kinh doanh theo kiểu đầu cơ hàng thực bắt bài, kéo giá trên sàn kỳ hạn xuống, ép người gởi kho bán rẻ “chặn lỗ”. Năm ấy, thị trường không theo điều các doanh nghiệp kỳ vọng, giá xuống thấp, nhiều người ngưng bán do thua lỗ, phải treo hàng lại từ đó tới niên vụ vừa qua 2015-2016 mới bán ra. Niên vụ 2014/2015, Việt Nam chỉ xuất khẩu chừng 1,25 triệu tấn, số còn lại chừng từ 300-400 ngàn tấn dồn vào để bán trong năm 2016. Nhờ vậy, khối lượng cà phê xuất khẩu năm vừa qua tăng mức kỷ lục.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng lượng xuất khẩu tăng cao bao nhiêu, ắt tồn kho đầu kỳ của thị trường nội địa niên vụ 2016-2017 sẽ giảm bấy nhiêu, một chuyên gia ngành hàng nhận định.

Đây sẽ là yếu tố quan trọng ủng hộ giá cho năm 2017, hoặc chí ít là nửa năm đầu khi mà thị trường tin sản lượng cà phê robusta của ba nước sản xuất hàng đầu thế giới giảm, là Việt Nam, Brazil và Indonesia.

“Nhận định như vậy không nhằm mục đích kêu gọi trữ hàng mà để khi thấy giá cao, cân đối được đầu vào đầu ra của thị trường, doanh nghiệp nên tranh thủ bán vì cà phê là một mặt hàng rất dễ bị thay thế,” vị chuyên gia nói.

Giá cà phê kỳ hạn London ngày cuối tuần cũng là cuối tháng cuối quý và cuối năm đóng cửa mức 2138 đô la Mỹ/tấn, so với đỉnh trong năm là 2199 đô la/tấn, giảm 61 đô la nhưng cao hơn đáy đến trên 700 đô la/tấn lập ở quý 1-2016. Giá cà phê nội địa hiện nay cao hơn mức đáy trong năm 2016 từ 14-15 triệu đồng/tấn.

Xin chúc quý bạn một năm mới 2017 hạnh phúc, thịnh vượng và đầy may mắn.

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78