Công cụ tài chính bảo vệ DN tránh rủi ro

Việt Nam có đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc này đặt ra nhu cầu cần thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường tài chính để bảo vệ các DN khi tham gia cạnh tranh trong một thị trường liên tục biến động về tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hoá.

Hợp đồng tương lai, một lối ra

Giao dịch bằng hợp đồng tương lai lần đầu tiên trên thị trường Việt Nam được khởi động mới đây, giữa Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Đắk Lắk) đã mang lại những hiệu quả thấy rõ trong việc kinh doanh cà phê. Nhiều giao dịch trực tiếp giữa Inexim Đắk Lắk tại thị trường kỳ hạn London, thông qua nhà môi giới Techcombank, đã đem lại lợi ích không chỉ cho DN xuất khẩu mà còn cho cả người trồng cà phê.

Ông Vân Thành Huy – Giám đốc Inexim Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam – cho biết, đây là phương thức giao dịch theo thông lệ quốc tế rất phổ biến ở nhiều nước. Việc các DN Việt Nam bắt đầu tham gia giao dịch hợp đồng kỳ hạn sẽ rất quan trọng trong bảo vệ, phòng chống rủi ro khi giá cà-phê biến động mạnh.

Thị trường kỳ hạn là thị trường mua bán hàng hoá được giao và thanh toán ở một ngày nhất định trong tương lai nhưng theo giá thoả thuận hiện tại. Chẳng hạn, khi tham gia giao dịch tại thị trường kỳ hạn cà phê Lodon, DN sẽ thực hiện việc mua – bán cà phê bằng hợp đồng tương lai (futures). Giá cà phê được “chốt” ngay tại thời điểm đặt lệnh (là thời điểm mà giá cà phê trên thị trường quốc tế  được DN “ưng ý” nhất), còn hàng thì giao sau với thời điểm do hai bên thỏa thuận. Điều quan trọng là, tại thời điểm giao cà phê, giá lên hay xuống thì vẫn giao theo giá đã được “chốt” lệnh từ trước.

Trước đây, khi chưa trực tiếp giao dịch tại thị trường kỳ hạn Lon don, DN xuất khẩu cà phê phải chịu rất nhiều thua thiệt. Thông thường, chênh lệch giữa giá chào bán cà phê Việt Nam với giá giao dịch trên thị trường kỳ hạn London khá lớn, luôn ở mức trên 100USD/tấn. Ví dụ như, trong khi hồi đầu tháng 9 năm ngoái, giá cà phê chào bán trung bình của các công ty Việt Nam là 540-550USD/tấn (khách mua cũng chỉ trả 520USD/tấn), thì giá giao dịch trên thị trường London giao tháng 11/2004 là 660USD/tấn; chưa kể nhiều thời điểm, mức giá còn lên đến trên 700USD/tấn.

Nay thì, nhờ giao dịch trực tiếp trên thị trường kỳ hạn London, DN không còn bị thua thiệt về chênh lệch giá như đã nói trên, thay vào đó DN chỉ phải chịu một khoản phí không đáng kể cho nhà môi giới (Techcombank). Khoản phí này là 10 USD/tấn cho mỗi giao dịch dưới 200 lot (lot là đơn vị tính cho mỗi hợp đồng 5 tấn cà phê nhân) và trên 1000 lot phí giảm còn 2 USD/tấn.

Ngoài việc bảo hiểm rủi ro về giá như Techcombank vừa khởi động, tại nước ngoài, các hợp đồng tương lai còn được sử dụng vào các mục đích khác như làm công cụ đầu tư với chi phí thấp (mua bán các hợp đồng tương lai nhằm kiếm lợi từ chênh lệch giá); Sử dụng hợp đồng tương lai như là một công cụ xác định giá của thị trường hàng thật.

Hiện, các sản phẩm ngoài cà phê có giao dịch trên thị trường tương lai thông qua Exchange là: Gạo (thị trường Thái Lan), Cao su (Tokyo), Coca, đường trắng (London, NY), Palm Oil, Soyoil, soybean (Malaysia, CBOT), lúa mì, bông, nước cam, ngô;  đồng, nhôm, thiếc, niken …; Các sản phẩm tài chính: JBG, T-notes, T-bill, Eurodollar 3month; Các loại nhiên liệu: xăng dầu, khí đốt.

Khi giao dịch kỳ hạn được phổ biến và áp dụng được với nhiều mặt hàng, nhiều DN cho biết họ sẽ tự tin hơn khi bước ra thị trường thế giới và thành công hơn khi hội nhập, buôn bán với nước ngoài.

DN Việt không thiếu công cụ bảo hiểm…

Theo ông Trương Văn Phước – Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) – các công cụ tài chính hỗ trợ các DN XNK đã có tương đối đầy đủ trên thị trường Việt Nam. Trong những năm qua, SBV đã đưa vào thị trường hầu hết các công cụ phổ biến để hỗ trợ DN như lấy giá giao ngay (spot), kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap). Các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro tương đối phong phú như công cụ hoán đổi lãi suất, công cụ hoán đổi tiền tệ, các hợp đồng tương lai hàng hóa, hợp đồng quyền lựa chọn tiền tệ… Một số ngân hàng thương mại cũng áp dụng mua bán kỳ hạn, hoán đổi, giao ngay và quyền lựa chọn vàng trên thị trường quốc tế.

Ngoài spot, forward và swap đã khá quen thuộc với các DN, trong các công cụ tiền tệ có chức năng bảo hiểm cho các DN trong thanh toán, option được coi là công cụ hữu hiệu nhất. “Đi liền với rủi ro của tỷ giá là sẽ là lợi nhuận tăng thêm từ biến động tỷ giá, nếu chúng ta biết tận dụng một cách có khoa học” – Phó Tổng giám đốc của Eximbank, ông Đào Hồng Châu nói. Ví dụ, nếu có 1 DN thay vì dùng đồng USD thanh toán cho hợp đồng với Pháp của mình lại chuyển qua yêu cầu phía đối tác thanh toán bằng Euro, đồng thời bỏ ra 1 ít tiền mua 1 hợp đồng Put Option với Eximbank, thì hai tháng sau, khi họ nhận được Euro thì họ hưởng lợi rất nhiều từ việc USD mất giá mạnh so với Euro như vừa qua so với việc đơn thuần nhận thanh toán USD.

Sau khi đưa option vào áp dụng cách đây hơn 2 năm tại Eximbank, SBV lần lượt cho phép 6 ngân hàng khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Citibank, Vietcombank, Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB) và Ngân hàng Hongkong Bank chi nhánh TP.HCM được thực hiện thí điểm Option. Nhưng kết quả thu được không như mong muốn, không nhiều DN biết đến và sử dụng option. Vì thế, nghiệp vụ này không những ra đời muộn màng ở Việt Nam mà còn chưa hấp dẫn các DN.

Một dịch vụ khác đã có ở Việt Nam nhưng ít DN XNK biết tới, đó là tài khoản bảo chứng (margin account). Theo TBKTSG: “Nếu bạn ký hợp đồng tương lai mua thép trong 3 tháng nữa, trị giá hợp đồng 100 triệu đồng. Nếu giá thép thực tế trong 3 tháng nữa lên 10%, bạn sẽ lời khoảng 10 triệu đồng (chưa tính phí). Nhưng nếu giá giảm 10%, bạn sẽ lỗ chừng 10 triệu. Như vậy bạn đâu cần đến 100 triệu mới đủ khả năng thực hiện hợp đồng mà chỉ cần 10 triệu. Bạn có thể đến công ty môi giới chứng khoán mở tài khoản bảo chứng. Công ty sẽ cho bạn vay tiền mua hợp đồng tương lai trị giá 100 triệu”.

Bên cạnh sử dụng option, Ngân hàng Hongkong và Thượng Hải tại Việt Nam (HSBC) vừa thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất lần đầu tiên giữa USD và VND cho một công ty đa quốc gia với số vốn lên tới 15 triệu USD trên thị trường Việt Nam. Với giao dịch này, khách hàng sẽ đạt được mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường nội địa cho việc vay vốn VND mà không phải chịu bất cứ rủi ro nào về tỷ giá USD/VND.

Còn bao thanh toán là dịch vụ nhằm hỗ trợ các DN bán hàng trả chậm. Theo đó, tổ chức tín dụng (đơn vị bao thanh toán) sẽ ứng tiền trước cho bên bán hàng và sẽ thu lại tiền của bên mua hàng sau. Việc tham gia của các ngân hàng trong vai trò người thứ ba sẽ giúp bổ sung vốn lưu động cho khách hàng, thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế. Đây là hình thức hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu thông qua hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng bằng việc mua lại các khoản phải thu từ việc mua, bán hàng hóa đã được bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận (trong hợp đồng mua, bán hàng).

Ông Trương Văn Phước cho biết, đây cũng là các công cụ tài chính phục vụ XNK chủ yếu hiện có trên thị trường thế giới. Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các dịch vụ hỗ trợ DN XNK như FRA (Future Rate Agreement – Thoả thuận lãi suất trong tương lai) hay Swaption (Kết hợp hoán đổi giữa các quyền lựa chọn)… nhưng các dịch vụ này cũng không phổ biến và hơi phức tạp. Cái mà chúng ta cần làm mạnh hơn hiện nay chỉ là phổ biến để các DN sử dụng thành thạo hơn các công cụ này để tăng thêm những hiệu quả kinh doanh mà thôi.

DN phải chủ động hơn

Phó Tổng giám đốc của Eximbank, ông Đào Hồng Châu cho rằng, nhiều người khi đề cập đến option thường đề cập đến mặt rủi ro của tỷ giá và làm thế nào để tránh rủi ro bằng cách dùng option. Tuy nhiên, vấn đề lại là nhiều giám đốc DN XNK không muốn đối mặt với rủi ro đó và cũng vì sợ rắc rối, DN cứ dùng thẳng USD, không phải lúc nào cũng thiệt nhưng đến khi thiệt thì đã muộn.

Các DN cà phê thì đang băn khoăn là khi thực hiện tham gia thị trường giao dịch cà phê có phải xin phép cơ quan nào không? Chính vì vậy mà sự chủ động không cao.

Theo quan điểm của Hiệp hội Cà phê Ca cao, đây là vấn đề mà Nhà nước không cấm thì đương nhiên DN được phép làm. Tuy nhiên, Nhà nước cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế để các DN hội nhập thuận lợi hơn.

Ông Đoàn Triệu Nhạn – Phó Chủ tịch đối ngoại Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng cho rằng: “Nhà nước cần có một cơ chế mới, tức là cho phép DN đầu tư vốn ra nước ngoài. Bởi vì muốn tham gia thị trường kỳ hạn thì phải có tiền đặt cọc, tiền mua chỗ ở Luân Đôn. Muốn vào thị trường đó thì phải bỏ tiền ra trước, sau khi mua bán diễn tiến, tiền đó sẽ được chuyển hóa ở nước ngoài”.

Còn tại Việt Nam, Nhà nước hiện chưa có qui định nào về hoạt động ở thị trường giao dịch kỳ hạn quốc tế. Tạm thời Ngân hàng Nhà Nước cho phép Techcombank thực hiện thí điểm một năm, ngân hàng này sẽ đóng vai trò đại lý giao dịch làm cầu nối cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và thương nhân cà phê quốc tế tại sàn giao dịch Luân Đôn. Tuy nhiên trong số rất nhiều DN xuất khẩu cà phê Việt Nam, chỉ có vài công ty có đủ khả năng tham gia thị trường kỳ hạn.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, chẳng có chốt giá bảo vệ nào là hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao thì các DN cần nghiên cứu, học hỏi sâu thị trường và phân tích tốt các yếu tố kỹ thuật. Từ đó, có chiến lược kinh doanh phù hợp, sử dụng linh hoạt, hợp lý quyền lựa chọn mua và bán của mình trong thị trường kỳ hạn.

Spot: Hai bên thực hiện mua, bán một lượng ngoại tệ theo tỷ giá giao ngay tại thời điểm giao dịch và kết thúc thanh toán trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo. Giao dịch này phù hợp với các doanh nghiệp có nguồn thu chi ngoại tệ nhỏ, không có kế hoạch ổn định.

Forward: Hai bên cam kết sẽ mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ theo một tỷ giá xác định và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai. Khách hàng có thể xác định tỷ giá ngay tại thời điểm ký hợp đồng và hạn chế một phần rủi ro biến động tỷ giá. Loại hình này thích hợp với các doanh nghiệp có kế hoạch thu chi ngoại tệ ổn định, ít có kinh nghiệm về sự biến động tỷ giá hàng ngày.

Swap: Hai bên đồng thời mua và bán cùng một lượng ngoại tệ (chỉ có 2 ngoại tệ được sử dụng trong giao dịch), trong đó kỳ hạn thanh toán của hai giao dịch là khác nhau và tỷ giá của hai giao dịch được xác định tại thời điểm ký hợp đồng. Giao dịch này cho phép doanh nghiệp tận dụng lợi thế lãi suất của các đồng tiền và quản lý hiệu quả nguồn vốn ngoại tệ của mình.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83