Tin buồn

Luận về “giá trừ lùi” trong mua bán cà phê

Từ cuối tháng 6-2016 đến nay, giá cà phê có lúc lên khi xuống nhưng chủ yếu theo hướng tăng. Từ mức 1650 USD/tấn nay lên 1877 USD/tấn (5-9-2016), đã tăng trên 200 USD/tấn!

Nhiều người mua rục rịch giảm giá mua “trừ lùi”, kéo giãn giá mua xuống trừ nhiều hơn so với giá niêm yết, viện cớ giá trên sàn tăng mạnh nên giá nội địa tăng tốt, “giãn mươi vài mươi USD để mua” hàng xuất khẩu, thị trường cà phê nội địa vẫn chịu được (!).

Thật ra, nói “giá trừ lùi” trong mua bán cà phê là theo cách quen dùng của các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam vì trước đây, khi còn thông qua các người mua trung gian và môi giới hàng hóa, không có khi nào hàng cà phê Việt Nam bán được “giá cộng tới”.

Gọi đúng tên các thị trường và loại hợp đồng

Nếu nói cho đúng, đấy là giá bán cà phê xuất khẩu FOB tính trên cơ sở chênh lệch (differential) giữa giá giao hàng qua lan can tàu (FOB) với giá niêm yết trên sàn kỳ hạn cà phê.

Xem thêm: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo điều kiện FOB là gì?

Chúng được gọi chung là giao theo hợp đồng giao sau (forward contract), tức là một loại hợp đồng mua bán cà phê mà giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng không theo chuẩn bắt buộc của hợp đồng kỳ hạn (futures contract). Ở đây người viết xin được mở ngoặt nói rằng hiện tại có nhiều người, kể cả nhiều nhà khoa học và nghiên cứu gọi hợp đồng giao sau là hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng tương lai. Họ đã qui định với nhau rằng sau này ai muốn sử dụng hai nhóm từ này đều phải hiểu và sử dụng như thế.

Thật ra, trước đây những người này do không có thực tế kinh doanh nên đã áp đặt cách sử dụng các thuật ngữ ấy một cách sai lầm, không như nội dung vốn có của các hợp đồng giao sau và kỳ hạn. Cách nay vài chục năm khi từ “terminal market” (tiếng Anh) hay “marché à terme” (tiếng Pháp) được thay thế bằng “futures market”, thì thiết nghĩ thuật ngữ này không thể gọi cách gì khác hơn “thị trường kỳ hạn”. Nhiều người thấy có chữ “futures có ‘s’ cứ tưởng nghĩa là “tương lai” nên đặt vội cái tên “thị trường tương lai”, vậy là không thỏa đáng cho thuật ngữ này trong tiếng Việt.

Dựa trên giá chênh lệch (differential), nếu hai bên mua bán chấp nhận mua dưới giá niêm yết, ta có “giá trừ lùi” (discount), còn mua cao hơn giá niêm yết ta có “giá cộng tới” (premium), nếu bằng giá niêm yết ta có giá “ngang giá niêm yết” (level).

Trên thị trường cà phê, hai cách mua bán này thường đi song song: mua bán tiền tươi (outright), có nghĩa là hai bên mua bán cắt giá thị trường ngay khi đồng thuận hợp đồng; cách kia ta gọi là mua bán dựa trên chênh lệch (differential) thường được nhất trí với nhau giá cuối cùng sẽ được chốt sau nên giá này cũng thường được gọi là “price-to-be-fixed” (ptbf).

Bán trừ lùi, ít rủi ro hơn?

Hợp đồng có giá chốt sau “ptbf” được cho là ít rủi ro hơn vì mức độ tăng giảm giá hợp đồng không nhiều bằng giá “tiền tươi”. Thí dụ trong giai đoạn như đã nói, giá tiền tươi trên sàn tăng trên 200 USD thì giá “ptbf” chỉ dao động quanh cộng 20 USD đến trừ 65 USD, tức chỉ 85 USD/tấn, tuy nhiên dao động này cũng không liên tục như giá tiền tươi, thay đổi chậm chứ không hàng ngày hàng giờ như  “giá tiền tươi”.

Nếu nhìn trên bảng giá cà phê của Giacaphe.com này để luận bàn, nay ta có giá trừ lùi là 65 USD/tấn dưới giá London, so với gần đây có khi chỉ trừ 40-50 USD/tấn.

Người mua thường khi thấy giá trên sàn cà phê tăng mạnh, họ cố gắng kéo giãn và mua rẻ hơn có lợi cho mình nhằm kiếm lời thêm, giảm rủi ro thua lỗ, kéo giá thành mua hàng xuống, kể cả nhiều người mua đủ nay không có nhu cầu nhưng nếu giá trừ lùi rẻ, vẫn mua thêm một ít để đó…Nói chung phải thấy rằng động lực mua hàng là thiên hình vạn trạng để ảnh hưởng đến giá trừ lùi rẻ hay mắc.

Ký trừ lùi: Người mua được lợi về huy động vốn

Thường người bán hàng trách tại sao giá trừ lùi giãn ra (thấp hơn so với giá niêm yết) mà không nhìn đến yếu tố huy động tài chính của người mua. Giá niêm yết trên sàn tăng, vốn huy động mua hàng vẫn đúng kế hoạch tín dụng, nên người mua kéo giãn để giảm lượng tiền trả khi mua hàng là một phần, phần khác người mua thường giải thích làm sao để khi giao hàng chưa chốt giá, họ chỉ trả tiền hàng rất ít như chỉ 60-70%, phần tiền hàng còn treo lại, được cho là để làm cơ sở bảo đảm an toàn khi giá xuống mạnh, ngược lại với kỳ vọng của người bán. Số tiền hàng còn lại thường được người mua chiếm dụng trong tiền hàng, mà người bán vì máu đầu cơ giá lên, quên mất đấy là lượng tiền cực lớn phải chịu chi phí tài chính, lãi suất ngân hàng…

Đã có người mua đã từng tìm cách chiếm dụng vốn rồi, khi giá niêm yết sàn kỳ hạn đi ngược với kỳ vọng người bán và bên bán xin chuyển tháng, người mua sẵn sàng treo lưỡi hái “chặt” thêm cả chục USD để trả cho cái gọi là phí chuyển tháng, tức người bán không thể chốt giá được do thua lỗ, tìm cách chốt giá trễn hơn theo hạn hợp đồng. Khi nhìn từ góc độ này, ta thấy mua bán kiểu như thế sẽ rất bất công và đôi khi chuyển nhiều lần để rồi cuối cùng tiền hàng không còn là bao nhiêu một khi bên bán chốt giá cuối cùng, do bị ăn chặn lỗ, giá niêm yết xuống sâu…

Không nên cho người mua giữ lượng hàng “bán trừ lùi” lớn

Người bán thường than giá trừ lùi giãn nhưng ít khi tìm cách tránh bị ăn chặn bởi bên mua.

Nhưng cần nói rằng giá càng trừ sâu, khả năng chốt được giá càng khó đạt theo yêu cầu, đôi khi chốt giá mua cho hàng đã giao không bằng giá thời điểm thị trường.

Nên chăng, khi cảm thấy được dù huề vốn hay thua lỗ đôi chút, nhưng thị trường có chiều hướng bất lợi, nên chốt ngay với người mua nhập khẩu. Sau đó, hãy sử dụng công cụ mua hay bán trên sàn kỳ hạn hay quyền chọn (options) thông qua một số nhà môi giới hoạt động hợp pháp để bảo vệ mình, tránh đưa tiền thêm cho người vừa chiếm dụng vốn mình, vừa nộp tiền phí chuyển tháng cho họ xài, vừa nghe họ giảng đạo đức.

Bài này không có ý đưa lời khuyên cho bạn trong giai đoạn thị trường hiện nay, mà muốn luận bàn, tìm cách cho một hướng mua bán hữu hiệu và lâu dài.

Nguyễn Quang Bình    

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Văn Võ song toàn

    Bài này Bác Bình viết rất hay.
    Thường các bác xuất khẩu nhà ta thường tranh nhau bán dẫn đến trừ lùi nhiều, khi chốt giá thì lại căn ke từng USD hay từng 0,1 cent. Rồi khi giá lên có lời một chút là mừng, chốt sớm, khi giá xuống thì lại hy vọng giá lên lại nên không chốt, sẵn sàng chuyển tháng, nộp thêm tiền để giữ trạng thái mà không chốt lỗ rồi có thể mua lại hoặc bán theo chiều hướng thị trường để giảm lỗ và lật ngược tình thế.
    HaiZa, thua lỗ thì nhiều mà lãi chả thấy đâu.!!! bài ca muôn thuở cho cà văn phê.

  2. Phan Thảo

    Nhớ lại bl của tôi ngày 4/8 vừa qua , ở bl đó tôi viết : Mọi người cứ yên trí , khi nào trên giacaphecom báo giá 40 k thì bán ,còn không giữ lại và bắt đền PT tôi đồng thời tôi cũng sẵn sàng xin gác bút !

  3. Nguyen Duc Thuan

    Một số bạn kiên trì chờ giá 40k. Nay thời cơ đã đến. Thuan tôi chúc mừng các bạn. Chúc bà con nông dân tăng thêm niềm tin chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

  4. Trương Nhã

    Bài viết Bác Bình thoạt nghe có vẻ hay nhưng…không sâu sắc, Bác chỉ nhìn vào khía cạnh “huy động vốn” của giá trừ lùi là Bác không đúng rồi…
    Thật sự khi em hiểu nhiều về mua bán cà phê thì em thấy quá quá rủi ro…không nên kinh doanh lĩnh vực này là lời khuyên chân thành và sâu sắc nhất, vì nếu kinh doanh 99% sẽ thất bại.

    1. Nguyễn Quang Bình

      Cám ơn Trương Nhã. Không nên nhận định hay / dở, đúng/sai đối với bài này vì sẽ lạc điệu…mà nên đưa một hướng tránh cho kinh doanh cà phê hiện nay như câu kết luận của bài. Bạn có giải pháp nào không để cùng diễn đàn tìm hiểu, đó là cái diễn đàn cần hơn nhiều.

    2. Trương Nhã

      Sorry Bác Bình…hôm nay vui vui lên nói bậy bạ tí thôi Bác đừng để ý. Bữa nào có dịp sẽ diện kiến Bác…Chúc Bác vui.

    3. Kinh Vu

      Chào bạn Trương Nhã
      Mọi người đều có quyền đánh giá bài viết hay phản hồi theo mức độ kiến thức của mình có, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn về ý kiến cho rằng kinh doanh cà phê là ngành rất rủi ro, đó là một góc nhìn, từ một khía cạnh khác, bạn cũng cần biết ngành nào có rủi ro lớn, thì cũng đồng thời cũng mang lại lợi nhuận lớn tùy theo cách đối phó của từng người. Sẽ là giá trị hơn nếu bạn cho rằng tác giả nếu không sâu sắc, thì ở điểm nào?
      Xin nói thêm với bạn Bài “Luận về giá trừ lùi” của tác giả Nguyễn Quang Bình được BQT Giacaphe.com đưa vào lưu trữ thuộc diện những bài hàm chứa kiến thức và kinh nghiệm lớn mà người kinh doanh cần biết. Tác giả cũng là người lăn lộn trong ngành cả 30 năm đứng về phía người mua và người bán. Chúng ta nên đọc và chiêm nghiệm

  5. Phan Thảo

    Tôi không đồng ý với suy nghĩ của bạn Nhã ! Với tôi : Ngoại trừ 2 năm nay bđs là cho lời nhanh , an toàn , thanh khoản nhanh và thành công lớn ! Ngoài 2 năm đặc biệt này thì không làm gì lãi nhanh , an toàn , nhàn hạ như buôn bán Nông sản . Chỉ có người không hiểu biết , bảo thủ ,tự cao thì mới thất bại trong kd mắt hàng này ! Kinh doanh cà phê và nông sản nói chung đòi hỏi nhanh , nhạy giao lưu rộng , phải thật sự thảnh thơi về thời gian và vốn liếng .Hội tụ đủ những yếu tố đó chắc chắn sẽ thành công . Với ngành nghề này thì : Khôn thì trong trí định ra , dại thì cứ học người thành công mà làm !
    Trở lại câu hỏi nhiều người quan tâm tôi xin nói thế này : Cũng theo bl thời gian trước thì : Bất luận có khi nào trước tháng 9 cà phê hồi về khu vực 1740-1760 thì vài ngày sau giá 40 là không thể bán ! Phan Thảo tôi xin hỏi bl trên tôi viết vào ngày nào , xin cảm ơn các bạn .

    1. Trương Nhã

      Bạn đã bước ra biển lớn chưa bạn Thảo, khi nào bạn ra làm những “shipper” lớn như Intimex, Simexco…thì mới biết nhiều…còn kinh doanh nội địa trong nước như tầm nhìn của bạn thì…

    2. doan minh tuan

      Tôi thấy bạn Trương Nhã đọc bài viết của người ta chỉ trích, tất cả mọi người không ai hài lòng vì bạn đâu, ngay cả lời xin lỗi của chú Quang Bình, Tôi thấy cũng khó nghe quá

      1. Nguyễn Quang Bình

        Tôi có lỗi gì với bạn Nhã để phải xin? Diễn đàn cần mở rộng ý kiến chứ không cần ca tụng, khích bác. Đúng sai, hay dở có gì quan trọng cho bằng đưa 1 giải pháp, hay một thực tế cho bàn con bàn bạc, nói vậy không phải sao hở bạn?

  6. Phan Thảo

    Đã nói kinh doanh thì không cần quy mô , chẳng cần quan tâm là biến lớn hay ao làng mà điều cần xét đến phải là lợi nhuận !Hiện tại xh Việt nam đang xuất hiện một lớp doanh nhân giàu có và thành đạt họ khởi đầu từ kd cà phê và nông sản ! Hiện họ đang dấu mình 3-5 nữa họ sẻ thế hiện gây bất ngờ cho xh !

  7. Phong

    theo Phan Thảo thì bây h chúng ta đã bán chưa hay tiếp tục chờ giá lên tiếp vì bây h mới là biên khởi đầu của khung 1900 – 2080

  8. phan nhật tân

    ở vn chặt càphê để trồng chanh dây và tiêu, sản lượng và diện tích cà phê giảm 1/2, cà phê già, giá còn 1/2 so với năm 2012, năm nay giá sẽ lên 50k/kg và duy trì ít nhất 3 năm nữa khi dân bắt đầu trồng lại vì nhu cầu tăng phải gấp đôi 3 năm trước, khi kho dự trữ, đầu cơ đã hết

  9. phan nhật tân

    năm nay giá sẽ lên 50k/kg và duy trì ít nhất 3 năm nữa khi dân bắt đầu trồng lại vì nhu cầu tăng phải gấp đôi 3 năm trước, khi kho dự trữ, đầu cơ đã hết

Tin đã đăng

Tin mới nhất

93