Tổng quan thị trường cà phê nội địa tuần 35 (hết ngày 02-9-2016 )

Bảng giá cà phê nội địa và các sàn kỳ hạn trong tuần

Ngày Giá nội địa R11 Ice Ldn* A12 Ice N.Y*
26-8 37.600> 1819 144.85
29-8 37.600> 1819 145.10
30-8 37.600> 1816 146.05
31-8 38.000> 1828 147.05
01-0 38.800> 1852 151.40
02-9 38.900> 1865 151.40
Cuối tuần 39.500< +46 +6.55

*Giá tháng 11 trên London và 12 trên New York

Chỉ còn một tháng nữa là niên vụ 2015/16 chấm dứt. Nếu như suốt cả tháng 8-2016 thị trường cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây nguyên vẫn âm ỉ chờ đợi, thì đến mấy ngày đầu tháng 9-2016 mua bán nhộn nhịp hơn nhờ đợt giá tăng mạnh trên 2 sàn kỳ hạn cà phê. Tuy nhiên, tâm lý chung là người còn hàng kiên trì đến mức có thể giữ giá vì thời gian giáp hạt này rất quan trọng đối với thị trường đầu mùa sau. “Nếu lúc này để giá cà phê nội địa giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cà phê đầu mùa, bắt đầu từ ngày 1-10-2016,” một nhà vườn có kinh nghiệm tại vùng Đạt Lý, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak nhận định.

Thị trường kỳ hạn cà phê vối robusta London đóng cửa ngày 2-9 leo lên đỉnh cao nhất trong niên vụ là 1865 đô la Mỹ/tấn, tăng 46 đô la  Mỹ/tấn so với cuối tuần trước đó giúp giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi trên thị trường nội địa vượt lên 39.500 đồng/kg, tăng gần 1.500 đồng/kg so với một tuần tuần trước đó.

“Rõ ràng đến giờ này, nhà vườn nào còn hàng cũng chẳng vì bất kỳ áp lực nào để phải bán. Người đến nay còn hàng là những người muốn thách thức với thị trường và giá, nếu không họ đã bán lúc giá trên 38,5 triệu đồng/tấn để chốt lời rồi,” một chuyên gia đưa ý kiến.

Đúng vậy, những người còn hàng không bán thường là những người khá giả tại các địa phương, cũng có thể là những nhà “đầu tư” dùng tiền nhàn rỗi mua trữ. Thực tế tại niên vụ này cho thấy họ thường là những người khi quyết định đầu tư và nhảy vào mua cà phê trữ ở mức thấp như 34-35 triệu đồng/tấn, đến nay với mức cao như thế này, họ hoàn toàn yên tâm và khuyến khích người còn hàng cùng chung sức giữ lại để giá thị trường nội địa khỏi rớt sâu.

Thật ra, “thông tin thị trường và thực tế giá cả hàng hóa đến nay cuối tháng 8-2016 đang ủng hộ người còn hàng,” vị chuyên gia nói thêm.

Nhiều dự báo vẫn tin rằng sản lượng robusta mùa tới không dồi dào từ ba nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam, Brazil và Indonesia do hậu quả của khô hạn và hiện tượng thời tiết thất thường El Nino trước đây.

Tuy nhiên, thị trường kỳ hạn hàng hóa thương phẩm có rủi ro riêng. Đôi khi không xuất phát từ yếu tố cung-cầu của bản thân hàng hóa, nhưng chỉ cần quyết định tăng hay giữ lãi suất đồng đô la Mỹ của ngân hàng trung ương Mỹ, giá hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng có thể giảm nhanh và xuống thấp trong thời gian dài.

“Khi chưa sử dụng các công cụ kinh doanh tài chính để bảo vể khỏi các rủi ro về tiền tệ như các nhà nhập khẩu, các nhà xuất khẩu và kinh doanh cà phê Việt Nam nên tính kỹ mặt này để chủ động tránh những thiệt hại đôi khi rất lớn có thể xảy ra,” vị chuyên gia góp ý.

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Sumo

    Đồng thuận với tác giả bài viết nhiều năm qua cũng cung cà phê hạn chế mà giá cà phê có tăng theo đậu. Vì nhiều lí do khác nữa mà mình bị thua lỗ hoài .đên nay mà còn trữ cà bán được giá lúc nầy hoặc cao hơn nữa mình xin chúc mừng. Mình thì không còn cà nữa

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78