Tổng quan thị trường cà phê nội địa tuần 33 (hết ngày 20-8-2016 )

Bảng giá cà phê nội địa và các sàn kỳ hạn trong tuần

Ngày Giá nội địa R11 Ice Ldn* A12 Ice N.Y*
12-8 38.100> 1835 140.35
15-8 38.500> 1834 140.55
16-8 38.200> 1810 140.75
17-8 38.200> 1785 138.10
18-8 38.200> 1823 141.45
19-8 38.100> 1817 141.60
Cuối tuần 38.000> -18 +1.25

*Giá tháng 11 trên London và 12 trên New York

Giá cà phê trên thị trường nội địa sụp nhanh vào giữa tuần từ 38 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn 37,5 triệu đồng/kg rồi mất thêm để chỉ còn 37 triệu đồng/tấn nhưng…nhờ cú đảo chiều trên sàn kỳ hạn ngày thứ Năm 18-8 xuống, giá đã quay ngược lại 38 triệu đồng/tấn vào cuối tuần.

Giá kỳ hạn cà phê robusta London sau một tuần giảm 18 đô la/tấn còn 1817 đô la/tấn cơ sở tháng 11-2016. Giá kỳ hạn cà phê arabica New York tăng 1.25 cts/lb chốt mức 141.60 cts/lb phiên cuối tuần.

Giao dịch trên thị trường khá trầm lặng đầu tuần nhưng mạnh mẽ cuối tuần.

Giá chào mua bán xuất khẩu vẫn còn thấp, ở mức trừ 20-30 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu so với giá niêm yết trên sàn kỳ hạn London, trong khi đó giá cùng loại của Indonesia ở mức cộng 20-30 đô la/tấn so với giá niêm yết.

Nhận định của một chuyên gia ngành hàng cho rằng sở dĩ giá cà phê nội địa của Indonesia cao hơn là nhờ tiêu thụ nội địa của họ tăng mạnh. Nếu như sản lượng cà phê hàng năm của Indonesia từ 600.000-700.000 tấn, thì hơn một nửa sản lượng này được sử dụng cho thị trường nội địa. “Đấy là yếu tố giúp giá xuất khẩu cà phê cùng cấp loại của Indonesia bao giờ cũng được trả giá cao hơn so với cà phê của Việt Nam,” vị này cho biết.

Cà phê thường được giao dịch trên các sàn kỳ hạn hàng hóa thương phẩm, phụ thuộc tuyệt đối vào các đồng tiền thanh toán khác như đô la Mỹ hay đồng nội tệ Real của Brazil, lại gặp lúc giá trị các đồng tiền này tăng giảm thất thường, nên dù có lượng hàng cà phê robusta xuất khẩu lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể làm giá được mà bị chi phối bởi giá trị các đồng tiền khi thấp khi cao rất rủi ro cho giá cà phê, chuyên gia nói.

Trong khi đó, tại một cuộc họp ở Hà nội cuối tuần trước, ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao cho rằng trong sản lượng cà phê Việt Nam làm ra, hết 95% là để xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, 5% còn lại được xuất khẩu dưới dạng chế biến rang xay hay tiêu thụ nội địa.

Ông Tự giải thích rằng giá trị gia tăng của cà phê rang xay có thể cao gấp 5 lần so với bán dưới dạng thô, nên khuyến khích tiêu thụ nội địa sẽ đẩy mạnh công nghiệp chế biến cà phê. Nhưng hiện nay, tình hình cà phê bẩn, cà phê giả trên thị trường nội địa không thể kiểm soát. Như vậy hướng thoát này bị chặn và giá cà phê nguyên liệu tại thị trường nội địa không tăng được như tại một số nước sản xuất cà phê khác.

Dự kiến mở cửa sàn kỳ hạn robusta London thứ Hai 22-8  cơ sở giao dịch tháng 11-2016  quanh mức không đổi.

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78