Tin buồn

Tổng quan thị trường cà phê nội địa tuần 28 (hết ngày 15-7-2016 )

Bảng giá cà phê nội địa và các sàn kỳ hạn trong tuần

Ngày Giá nội địa R9 Ice Ldn* A9 Ice N.Y*
08-7 37.700< 1797 144.10
11-7 37.800< 1829 149.30
12-7 38.800< 1809 147.40
13-7 38.700 1816 147.65
14-7 38.400 1842 152.15
15-7 38.700< 1819 147.55
Cuối tuần 38.300> +22 +3.45

 

Ghi chú:

*R9 và A9: cơ sở giao dịch tháng 9-2016 

>tối thiểu   /  <tối đa   / = bằng/quanh mức

USDVND 22600-22330

Thị trường cà phê nguyên liệu trong nước chộn rộn ngay từ những ngày  đầu tuần này khi giá tại nhiều nơi nhấp nhỗm chạm 39 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, lực bán chốt giá hàng giao cách đây mấy tháng vào các kho người mua quá mạnh vì giá được cho là hấp dẫn, các chủ kho chỉ chấp nhận giá chừng 38,7 triệu đồng/tấn.

“Dù sao đấy là đỉnh mới lập của niên vụ này và là mức giá cao xấp xỉ cách nay cả năm. Cà phê còn trong tay không mấy vì thị trường đang ở giai đoạn cuối mùa. Mức cao như thế là động lực lớn khuyến khích bà con nhà vườn như tôi chăm sóc tốt cà phê cho niên vụ sau, sẽ bắt đầu từ ngày 1-10-2016,” anh Trần Ái Tâm chủ hai héc-ta cà phê tại Đạt Lý, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc phấn khởi nói.

Trên thị trường kỳ hạn cà phê vối robusta London, nơi các nhà kinh doanh thường sử dụng để làm giá tham khảo cho cà phê Việt Nam, giá đầu tuần đã vượt mạnh khỏi “bức tường” 1800 đô la Mỹ/tấn để có lúc giao dịch lên mức 1866 đô la/tấn, đấy cũng là mức cao nhất tính từ hơn một năm nay.

Giá sàn kỳ hạn này từ đỉnh 1924 đô la/tấn ngày 21-6-2015 đổ đèo xuống 1850 đô la/tấn vào đầu tháng 7-2015 rồi chạm đáy 1326 đô la/tấn vào ngày 21-2-2016. Nay có vẻ đang dần dần lấy lại độ cao cũ.

Giá kỳ hạn tăng nhanh, từ đầu tháng 3-2016 đến nay đã lấy lại 500 đô la/tấn đã mất. Chính vì thế các nhà nhập khẩu đã không còn trả giá xuất khẩu theo mức cộng cao hơn trên giá kỳ hạn. Giá xuất khẩu đầu tuần cho loại 2, tối đa 5% đen bể được chào mua ở mức trừ 50-60 đô la/tấn FOB theo điều kiện giao hàng qua lan can tàu. Mức giá này rẻ hơn chừng 100 đô la/tấn so với giá xuất khẩu cùng loại chỉ vài tháng trước đây.

Giá xuất khẩu giảm theo mức trừ được thị trường hiểu rằng sức bán ra khá mạnh và lực mua không nhiều, nên tạo thành áp lực đẩy giá xuất khẩu giảm từ “cộng tới” phải sang “trừ lùi”.

Khái niệm giá xuất khẩu “cộng tới” và “trừ lùi” được sử dụng nhiều trên thị trường cà phê để so sánh giá thực bán xuất khẩu qua cảng với giá niêm yết trên sàn kỳ hạn. Khi giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể cao hơn giá kỳ hạn, được gọi là cộng tới, khi thấp hơn tức trừ lùi.

Giá xuất khẩu loại cà phê robusta chất lượng trung bình thời gian này chỉ chừng 1770/1780 đô la/tấn, là mức được xác định thấp hơn giá kỳ hạn chừng 50/60 đô la/tấn. Trước đây, khi nhu cầu mua mạnh, người mua phải cộng thêm nên bấy giờ có thể giá xuất khẩu gần mức 1880/1900 đô la/tấn so với giá niêm yết 1819 đô la/tấn.

Cuối tuần, đóng cửa sàn kỳ hạn arabica New York giảm 4.60 cts/lb đạt 147.55 cts/lb và sàn robusta London giảm 23 USD còn 1819 USD/tấn. Tuy nhiên so với cuối tuần trước giá London tăng 22 USD và New York tăng 3.45 cts/lb.

Dự kiến mở cửa sàn kỳ hạn robusta London thứ Hai 18-7  cơ sở giao dịch tháng 9-2016 giảm trên 10 USD/tấn.

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Xuân Quang

    các doanh nghiệp trong nước ép người nông dân quá, trừ lùi hơi nhiều, nếu như đã gia nhập WTO thì để doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh sòng phẳng.

  2. thuat

    đây đúng nghĩa là chiêu bài ép dân làm nông, cà phê cao ép giá mua rẻ, dân không bán, đợi giá thấp mua vào, doanh nghiệp lợi đôi đằng, không tiền kho bãi, không rủ ro vậy thì an dân làm sao? Khi có doanh nước ngoài vào mua họ rất sằng phẳng thấp cũng mua _ cao cũng mua, nông dân rất thỏa mái. Đến nay doanh nghiệp mình cứ tìm cớ này cớ nọ để đủn rủi ro thua thiệt về nông dân làm cà phê. chúng ta thấy ngay điều đó nhiều hộ không sống nổi phá đi trồng cây khác để kiếm đủ sống cho gia đình.

  3. đàm hưng

    Việc trừ lùi là do doanh nghiệp xuất khẩu trong nước định ra để tăng lợi nhuận cho họ. Nước ngoài họ không thay đổi mức trừ lùi hàng ngày. Cần phải cho nước ngoài vào cạnh tranh (trừ Trung Quốc) thì người trồng trọt mới có cơ hội bán đúng giá. Bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước thì chỉ bảo hộ cho một nhóm người (không làm ra sản phẩm) mà thiệt cho rất nhiều người trồng trọt (người làm ra sản phẩm).

    1. Nguyễn Vịnh

      Các bạn nhầm lẫn rồi, các đại gia cà phê thế giới đều đã có mặt tại tpHCM và ở cả Tây nguyên lâu rồi các bạn ạ ! Phần lớn các công ty kinh doanh nội địa của ta đều ký gửi cà phê vào kho họ để ứng tiền mấy năm nay rồi đó.

    2. Kinh Vu

      Có lẽ Bạn Đàm Hưng đã thu thập một nguồn thông tin sai, cho nên ý phản hồi cũng bị sai với thực tế. Mức trừ lùi hay cộng tới là do các công ty Nhập khẩu cà phê đưa ra để tính giá trên cơ sở sàn giao dịch. Việc các công ty xuất khẩu có chấp nhận bán hay không là do họ tự cân đối sự mua bán để quyết định, trong thời buổi kinh tế thị trường, việc mua bán hoàn toàn tự quyết. Đã có nhiều bài phân tích vì sao có giá trừ lùi cộng tới trên giacaphe.com, bạn nên tìm hiểu thêm.

  4. Thaonguyen

    Bây giờ còn có doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI nên còn có cạnh tranh đấy bạn Xuân Quang, khi doanh nghiệp FDI họ làm chủ sân chơi tại Việt Nam thì họ muốn đưa ra giá nào mình cũng phải bán, nếu không thì lúc đó biết bán cho ai khi các doanh nghiệp trong nước trở thành nhà thu mua cho doanh nghiệp FDI hoặc chuyển nghề thi bạn sẽ thấy người nông dân sẽ phụ thuộc thế nào ?

  5. to bao

    nhưng mình thì lại nghĩ để có thể giải quyết được vấn đề này thì các doanh nghiệp thu mua trong nước phải làm chủ được sân chơi trong nước và ngoài nước tức là họ phải có một phương thức xuất khẩu chắc chắn tại thị trường thế giới , đặc biệt là thị trường châu âu , thì khi đó giá họ thu mua sẽ chuẩn theo giá của các doanh nghiệp FDI . và điều này đại đa số doanh nghiệp trong nước chưa làm được .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80