Tỷ giá, hạn hán gây bất lợi cho xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực suy giảm mạnh trong thời gian qua chủ yếu do đồng tiền của các nước đối thủ cạnh tranh phá giá mạnh, khiến hàng nông sản của Việt Nam kém sức cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung xuất khẩu.

Tại hội nghị “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2016” do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) tổ chức hôm nay, 27-5, tại Hà Nội, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng của Ipsard, cho hay năm 2015 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản thấp nhất trong 5 năm chủ yếu do mức tăng trưởng sản lượng lương thực, cây công nghiệp hàng năm và thủy sản chậm lại.

Bước sang quý 1-2016, tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản âm do sản xuất nông nghiệp giảm mạnh, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đến cuối tháng 5-2016, hạn hán và xâm mặn khiến sản lượng lúa đông xuân tại ĐBSCL giảm 1,13 triệu tấn; sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%; một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém; năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh.

Về xuất khẩu, báo cáo của Ipsard cho thấy năm 2015 giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm. Cụ thể, xuất khẩu cà phê giảm trên các thị trường lớn và truyền thống như Đức, Ý, Nhật, Nga… Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và Philippines cũng giảm. Một số mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, hạt điều, rau quả, hồ tiêu… có mức tăng trưởng kim ngạch tốt, ví dụ gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 10,7%; hồ tiêu (tăng 5%); hạt điều (tăng 21%); rau quả (23%) và những mặt hàng này tiếp tục cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong quí 1-2016, nhưng, theo đánh giá của Ipsard, các mức tăng này không đủ bù đắp được sự suy giảm tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản.

“Chính sách tỷ giá của nhiều nước gây bất lợi cho nông sản xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, năm 2014-2015,  so với đô la Mỹ, đồng real của Brazil giảm 42%, đồng peso của Colombia giảm 37%, đồng rupee của Ấn Độ giảm 5%, đồng rupiah của Indonesia giảm 13%, đồng ringgit của Malaysia giảm 19%, và đồng baht Thái Lan giảm 5%, trong khi tiền đồng của Việt Nam chỉ giảm 3%”, ông Kiên nói.

Không chỉ đồng tiền của các nước cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt Nam giảm giá, trong năm 2015, đồng tiền của các nước phát triển cũng giảm giá mạnh so với đô la Mỹ như đồng euro, đồng yên Nhật…khiến nông sản xuất khẩu bằng đô la Mỹ bất lợi trên các thị trường này. Do đó, tỷ giá đã gây tác động kép tới kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp được dự đoán phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2016 do hiện tương La Nina làm tăng lượng mưa tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam. Do vậy, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo, trong thời gian tới, giá nông sản sẽ tương đối ổn định, không có cú sốc nào về giá. Do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng.

Dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2016 cho thấy, giá gạo sẽ phục hồi từ quí 2-2016 nhưng vẫn giảm 7,4% so với 2015. Năm 2016, nguồn cung gạo giảm do hạn hán, xâm nhập mặn; tồn kho tại Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất được dự đoán phục hồi trong nửa cuối năm.

Đối với cao su, giá cả có khả năng phục hồi dần nhưng chịu ảnh hưởng mạnh của biến động giá dầu. IMF dự báo năm 2016 giá cao su phục hồi 4,7% so với cuối năm 2015.

Ngược lại, giá hồ tiêu dự báo có thể giảm trong năm 2016 do lượng tồn kho hồ tiêu còn lớn, sản xuất trong nước ồ ạt, có thể gây dư cung, giảm giá, trong khi khối lượng tồn kho hồ tiêu thế giới tăng mạnh trong năm 2015. Bên cạnh đó, đã có nhiều cảnh báo của các nhà nhập khẩu châu Âu về tồn dư chất bảo vệ thực vật trong hồ tiêu Việt Nam và chuyển sang mua hồ tiêu Brazil.

Điểm sáng lớn trong xuất khẩu nông sản năm 2016 nằm ở xuất khẩu rau quả. Theo Ipsard, nhiều khả năng rau quả Việt Nam hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Phillipines. Hơn nữa, các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, NewZealand, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Chilê…. còn rất  nhiều dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Theo TBKTSG online 27-5-2016

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82