Brazil: Tương lai bất định

Khủng hoảng chính trị trầm trọng ở Brazil hiện nay không chỉ đang đốt cháy các thành quả kinh tế của quốc gia này mà còn đặt ra nguy cơ khai tử nhóm BRICS.

Hôm thứ Năm tuần trước (12-5), các thượng nghị sĩ Brazil đã đặt lá phiếu gần như chấm hết cho sinh mệnh chính trị của nữ Tổng thống Dilma Rousseff. Với 55 phiếu thuận và 22 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã thông qua thủ tục bãi nhiệm bà Dilma Rousseff khỏi chức vụ Tổng thống. Bà Rousseff tạm thời phải trao lại chức Tổng thống cho cấp phó là ông Michel Temer và sẽ có sáu tháng để chuẩn bị cho các lời biện hộ trước cáo buộc gian dối số liệu, cố tình làm đẹp các báo cáo tài chính công để thắng cử Tổng thống năm 2014.

Sau sáu tháng đó, nếu bà Dilma Rousseff không thuyết phục được Thượng viện Brazil rằng đó chỉ là “lỗi” chứ không phải “tội”, bà sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống chính trị và ông Temer sẽ nắm quyền Tổng thống Brazil đến năm 2018. Giờ thì không nhiều người tin rằng bà Dilma Rousseff và đảng Lao động (PT) của bà sẽ lật ngược được tình thế. “Việc ra đi của bà Dilma Rousseff là vĩnh viễn” – nhà chính trị học Marco Antonio Carvalho Teixeira của Quỹ nghiên cứu Getulio Vargas ở Sao Paulo nhận định.

Nhưng đó không chỉ là sự ra đi của một cá nhân, mà có thể là sự chấm dứt của cả một mô hình phát triển từng đưa Brazil đến một thập kỷ phát triển kinh tế ngoạn mục. “Cái gọi là cuộc đảo chính này không chỉ là việc loại bỏ bà Dilma Rousseff mà là việc thành lập một chính phủ với các chương trình hành động chắc chắn sẽ khó có thể được người dân Brazil chấp nhận thông qua lá phiếu. Chúng ta đang ở đêm trước của một sự thụt lùi nghiêm trọng về xã hội và văn minh, do thảm họa mà đảng PT mang lại” – chuyên gia chính trị Cesar Benjamin nhận định trên tạp chí Piaui.

Đó cũng là lo ngại chung của nhiều người khi Brazil giờ đây đứng trước tương lai bất định không chỉ về chính trị mà còn về đường lối phát triển. Tổng thống tạm quyền Michel Temer được biết đến là người đi theo chủ nghĩa tự do và được dự đoán sẽ thực thi các chính sách khắc khổ nhằm giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Sẽ có cắt giảm ngân sách, giảm bớt số bộ trong chính phủ, giảm đầu tư công và hàng ngàn, thậm chí trăm ngàn công chức sẽ mất việc. Nhưng quan trọng nhất, một trong những biểu tượng của thập kỷ vinh quang của nền kinh tế Brazil dưới thời các Tổng thống cánh tả của đảng PT (Lula Da Silva, Dilma Rousseff) là “Bolsa Familia” (trợ cấp gia đình) dành cho các hộ gia đình nghèo khổ nhất sẽ bị cắt giảm đáng kể.

Nhờ “Bolsa Familia” mà Brazil đã đưa được hàng triệu gia đình thoát cảnh nghèo khổ trong thập kỷ qua, nhưng chính sách an sinh hào phóng đó của cánh tả giờ đây đang bị xem như gánh nặng ngân sách. Tiếp đến, sẽ là cải cách lương hưu, tư nhân hóa và cải cách hệ thống thuế theo hướng giảm nhẹ cho các công ty.

Con đường kinh tế theo hướng tân tự do cứng rắn, “cơ bắp” mà ông Michel Temer theo đuổi đang hiện lên rất rõ với việc thành lập một chính phủ gồm toàn bộ là 23 nam bộ trưởng là người da trắng, theo đúng phong cách “business friendly” mà báo chí Brazil vẫn chỉ trích Michel Temer.

Vì lo ngại này mà bất chấp việc ông Temer tái bổ nhiệm một gương mặt nổi danh của thời Lula Da Silva là Henrique Meirelles làm Bộ trưởng Kinh tế nhằm ổn định thị trường, sự bất an vẫn hiện diện nơi các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Brazil đang phải chịu cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất trong vài chục năm qua. Tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức âm, -3,8%, tồi tệ nhất 25 năm qua và dự đoán sẽ tiếp tục âm trong 2016 và ì ạch trong 2017. Lạm phát đã ở mức trên 10% còn thất nghiệp tăng liên tục, ở mức gần 11%, trong khi tháng 1-2015 còn là 6,5%. Ngoài xã hội, dịch Zika và H1N1 gây hậu quả nghiêm trọng, càng làm tăng sự bất mãn nơi người dân đã quá ngán ngẩm bởi sự tham nhũng của quan chức và sự bất lực của cảnh sát trước tình trạng tội phạm tràn lan.

Những thách thức này không chỉ đang đẩy Brazil vào một con đường vô định mà trên bình diện quốc tế, còn đặt ra câu hỏi về sự vững chắc của nhóm BRICS. Hai chữ cái đầu tiên – đó là Brazil và Nga đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Nga, do lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, đã tăng trưởng âm từ hai năm qua và dự đoán phải đến 2017 mới dần phục hồi chậm chạp. Nhiều nhà phân tích kinh tế bắt đầu dự đoán BRICS, từ chỗ nổi lên thách thức quyền lực của G7 trong đầu thế kỷ 21 rất có thể sẽ bị thay thế bởi một nhóm mới là TICKS (Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Phi). Nếu điều này diễn ra, đó sẽ không chỉ là một sự thay đổi các chữ cái mà còn là sự thay đổi lớn về thể chế và cả tương quan sức mạnh địa chính trị giữa nhóm các nền kinh tế mới nổi này với G7 truyền thống, khi Nga và Brazil thời Rousseff, hai quốc gia vốn không “thân thiện” với phương Tây, bị gạt ra khỏi cuộc chơi.

Theo Quang Dũng – TBKTSG online

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84