Việt Nam mới chỉ có khoảng 15.000 ha cà phê đạt chuẩn 4C

tieu-chuan-ca-phe-4cNguyên nhân làm cho cà phê Việt Nam mất giá trên thị trường thế giới là do từ khâu sản xuất, chế biến và cả phương thức kinh doanh đều không đạt chuẩn. Làm thế nào để phát triển cà phê bền vững là chủ đề bàn thảo tại hội nghị do Hiệp hội Cà phê toàn cầu 4C phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Theo bà Melanie Rutten-Suelz, Giám đốc điều hành Hiệp hội Cà phê toàn cầu 4C- cho biết, mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới với diện tích 525.000 ha, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm nhưng cho đến nay Việt Nam mới chỉ có 12 đơn vị được đánh giá là sản xuất, chế biến cà phê đạt bộ quy tắc chung của Hiệp hội Cà phê toàn cầu 4C với diện tích canh tác khỏang 15.000 ha.

Trước hết là cây giống không đảm bảo. Theo Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, trong 3 tỉnh có diện cà phê lớn nhất nước ta là Đắk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng thì Đăk Lăk và Đắk Nông mới có từ 25 – 35% diện tích cà phê được trồng bằng giống chọn lọc, còn Lâm Đồng mới chỉ khoảng 4 – 5%. Tính chung cho cả vùng Tây Nguyên với khoảng 490.000 ha cà phê thì mới chỉ có khỏang 1,7% diện tích cà phê kinh doanh là được trồng từ giống ghép năng suất và chất lượng cao.

Việc canh tác cà phê ở Việt Nam còn thiếu tính bền vững do chạy theo số lượng nên người dân đã tập trung đầu tư ở mức cao nhất, bón phân và tưới nước nhiều để tăng nhanh năng suất, chi phí đầu tư phân bón cao hơn qui trình khuyến cáo từ 10 – 23%, bón phân hóa học cho cà phê chưa cân đối và còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời không chú trọng việc trồng cây che bóng cho cà phê nên khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi thì cà phê nhanh chóng suy kiệt.

Quy trình kỹ thuật hái cà phê thì hầu như không được tuân thủ, trong quá trình thu hoạch, vì nhiều lý do nên nông dân đã thu hái cả quả xanh lẫn quả chín; kỹ năng chế biến còn kém; khi xuất khẩu không cần thủ tục chứng nhận chất lượng; doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thường không quan tâm tiêu chuẩn chất lượng trong thu mua cà phê….

Ông Đoàn Triệu Nhạn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê của Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất cà phê theo chuẩn và quy tắc quốc tế… để lấy lại uy tín của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hiệp hội Cà phê toàn cầu 4C là chương trình hợp tác hành động giữa các nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến và các tổ chức dân sự có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm mở rộng nhận thức chung về sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê bền vững.

Hiện nay, Hiệp hội Cà phê toàn cầu 4C có 127 thành viên tại hàng chục quốc gia trên thế giới và các thành viên này phải cam kết loại bỏ mười hoạt động như sử dụng thuốc trừ sâu đã bị cấm, phá rừng nguyên sinh hoặc phá hoại những tài nguyên thiên nhiên khác, giao dịch trái đạo đức trong quan hệ kinh doanh theo các công ước quốc tế, luật pháp… Hiệp hội Cà phê toàn cầu 4C thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ đối với bộ qui tắc và cấp phép cho các thành viên đạt tiêu chuẩn.

Theo báo Công Thương

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83