Người Tây Nguyên khánh kiệt trong đại hạn lịch sử

Hàng loạt vườn tiêu, cà phê ở Tây Nguyên chết khô sau nhiều tháng không đủ nước tưới khiến người dân phải chặt bỏ “dù đứt từng khúc ruột”.

Những ngày đầu tháng 4, trên rẫy tiêu, cà phê ở các khu vực tâm hạn của Tây Nguyên – được đánh giá là nghiêm trọng nhất 20 năm qua – người dân đã buông xuôi mặc khối tài sản cả trăm triệu đồng chết khô vì không có nước tưới. Nhiều hộ quyết định nhổ cọc tiêu, chặt cà phê chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, chịu hạn như bắp, cỏ cho bò.

Những trụ tiêu được người dân Tây Nguyên nhổ bỏ vì không chịu nổi hạn hán. Ảnh: Duy Trần – Vnexpress

Thẫn thờ nhìn rẫy tiêu hơn 1,2 ha (từng thu hơn 250 triệu đồng hồi năm ngoái – đang héo dần), ông Võ Lâm Ba (huyện Chư Pưh, Gia Lai) – nơi hạn hán nghiêm trọng nhất Tây Nguyên – cho biết đang nhổ bỏ dần các cọc tiêu. Diện tích mới sẽ được ông chia ra trồng bắp và cỏ để nuôi đàn bò 4 con.

“Khô hạn quá rồi, người có lúc phải xin nước uống lấy chi để tưới cây. Đến đàn bò cũng phải dùng nước rửa rau, sinh hoạt cho nó uống nữa. Mình chặt tiếc lắm, đứt từng khúc ruột, nhưng không biết làm sao vì để đó cũng hỏng hết”, ông Ba thở dài.

Lão nông nói rằng việc trồng các loại cây ngắn ngày chỉ là giải pháp trước mắt bởi cây tiêu là sinh kế giúp gia đình ông và hàng chục nghìn người Tây Nguyên đổi đời nhiều năm nay. Chờ đến mùa mưa, nếu đủ nước ông sẽ trồng trở lại.

Tương tự, hàng loạt gia đình trồng tiêu ở khu vực “rốn” hạn Chư Pứh đều rơi vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước. Theo nông dân Lê Văn Phương, do tiêu có giá trị cao, cần ít nước hơn cà phê nên người dân vẫn ra sức cứu. Nhà nào giếng may mắn còn nước có thể tưới được một giờ mỗi ngày nhưng đa số vườn tiên đều trong tình trạng chuẩn bị nhổ trụ bán lấy tiền ăn chống đói.

“Không có nước tưới thì cây chết, chẳng lẽ mua nước bình về tưới. Tôi trông ngày, canh đêm chờ nước nhưng không có. Không những mất trắng mùa này, nếu nhổ trụ bỏ vườn rồi trồng lại phải 3 năm nữa mới thu”, anh Phương nói.

Để tìm nước tưới, nhiều nông dân ở Gia Lai sau khi đào giếng sâu 30-40 mét lại thuê thợ khoan tiếp từ đáy giếng xuống sâu hàng chục mét nữa. Người dân đang làm mọi cách để tránh vụ mùa mất trắng.

Hiện, giá tiêu dao động 130-140 triệu đồng một tấn, thấp hơn 70-80 triệu so với năm 2015. Với việc hạn hán nặng ở Tây Nguyên, tiêu thiếu nước tưới nên năng suất thấp. Người nông dân mất mùa lại mất giá một phần dẫn đến việc phá bỏ tiêu.

Những gốc cà phê bị chặt bỏ ở Gia Lai. Ảnh: Duy Trần

Cây tiêu cần ít nước còn hi vọng cứu, đối với những rẫy cà phê cháy lá ở Tây Nguyên thì người chủ đã bỏ cuộc. Một gốc cà phê cần 400-700 lít nước một lần tưới, nguyên mùa khô cần 4-6 lần tưới nhưng nhiều vườn từ đầu năm đến nay mới chỉ tưới 1-2 lần. Tại những vùng tâm hạn, có vườn còn chưa được tưới lần nào.

Vườn cà phê chết cháy nên bà Nguyễn Thị Nga chặt bỏ hết. Diện tích vừa chặt bà sử dụng để trồng bắp hoặc chờ mưa xuống trồng tiêu cần ít nước hơn. “Để cả vườn chết cháy nhìn não ruột nên tôi bảo con ra chặt đi. Không chỉ tôi mà cả vùng này đều thế, cà phê không nước coi như bỏ”, bà Nga rầu rĩ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hơn 3.000 ha cà phê, 2.200 ha tiêu ở Tây Nguyên đã mất trắng. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi đỉnh điểm khô hạn sẽ diễn ra trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 6.

Tổng diện tích cây trồng thiếu nước tưới toàn Tây Nguyên hiện ở mức 160.000 ha, đối diện với nguy cơ mất trắng nếu không có lượng nước bổ cập. Mỗi tỉnh ở khu vực này thiệt hại không dưới 100 tỷ đồng.

Riêng tỉnh Gia Lai thiệt hại nặng nhất khi nhiều cây trồng đang “hóa củi”. Hàng loạt cây cà phê đã đậu trái trong đợt ra hoa trước Tết đang khô và rụng dần. Thiệt hại ước tính trên 150 tỷ đồng. Tỉnh này điều hàng chục xe chống hạn do lực lượng quân đội chỉ huy đến các vùng khô hạn để tiếp nước sinh hoạt và bơm tạm cứu cà phê, tiêu.

Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên điều xe chống hạn tiếp nước cứu dân. Ảnh: Duy Trần

Hiện, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên kiệt nước, nhiều hồ trơ đáy, các con suối, sông nhỏ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngoài việc tiếp nước, dân Tây Nguyên mong trận mưa lớn để giải “cơn khát” kéo dài hơn 3 tháng nay.

Sông Đạ đờn thuộc Huyện Lâm Hà trơ đáy - Dòng sông này chưa từng thấy bị cạn, ảnh Kinh Vu chụp ngày 19/3/2016
Sông Đạ đờn thuộc Huyện Lâm Hà trơ đáy – Dòng sông này chưa từng thấy bị cạn, ảnh Kinh Vu chụp ngày 19/3/2016

Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân

“Mùa khô năm nay sẽ hạn gay gắt, khốc liệt nhất trong lịch sử Tây Nguyên”, ông Trần Trung Thành – Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên nói.

Mới đây, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Tây Nguyên thị sát, ông đã chỉ đạo chi ngay 300 tỷ xây một con đập ở Gia Lai, đề nghị thủy điện xả nước gấp cứu các nhà vườn.

Theo Duy Trần & Nhật Hạ – Vnexpress

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đỗ Đình Ngọc Vũ

    Dùng quân đội trong việc tìm và tạo nước (Nước sông_công lính. Quân đội thời bình thì nên dùng vào nhiều việc cứu dân khi thiên tai tới, cứu nước khi giặc vào).
    Xây dựng thêm nhiều khu hồ chứa nước, quy hoạch và trồng xen các cây trồng không cần nước tưới để giảm bớt áp lực nguồn nước ngầm, ưu tiên các cây trồng cần nước ở gần nguồn nước nhiều. cử chuyên gia tài giỏi về từng vùng phân tích địa chất phân bố nguồn nước ngầm. Múc các hồ nhân tạo trên cao để chứa nước trong mùa mưa để dành mùa khô.
    Đối với giếng đào thì đào hầm chứa nước, đào sâu trên 70M để khai thác tầng mạch dưới

    1. trần tuấn

      Trên lý thuyết thì như zậy nhưng thực tế phũ phàng hơn nhiều. Mong chờ 1 cơn mưa đến cứu người dân.

  2. Nguyên nhi

    Bác vũ cứ như người ở trên trời. Nói lý thuyết, sách vở mà chả có tí thực tế nào. Nếu làm như bác mà có nước thì dân đã ko khổ như vậy? Bác tin là bỏ 127 triệu ra khoan mà chả có hạt nước nào ko? Còn khoan rộng phía dưới chỉ để trữ nước thôi bác. Nhưng ở đây là ko có nước thì lấy đâu mà trữ. Nghe bác bình loạn mà chán cả ra.

    1. Đỗ Đình Ngọc Vũ

      Bạn tran hòa à, Việt Nam cũng nên có lúc thay đổi.
      Nguyên nhi: mình thấy có nhiều chỗ đắp thành hồ chứa nướ rất tốt nhé, chỗ nào xa hồ đập và ít nước thì trồng cây công nghiệp không cần tưới trong thời kì kinh doanh, có thể múc hồ nhân tạo trên cao, dùng bạt nilong tốt trải lên và chứa nước trong mùa mưa rồi dùng sau,…
      127 triệu giếng khoan mà không có nước, tin này mình nhàn rùi, nhà mình bỏ ra 200 triệu cho việc đầu tư hệ thống, giếng để tưới mà giờ đang còn thiếu nước cũng đâu dám la, chỉ là cần chính phủ thực hiện một số chính sách cho hợp lí để dân ta được nhờ.
      chứ hiện tham nhũng và lãng phí lẽ hội, công trình_dự án nhiều quá

      1. Tuấn anh

        Chính sánh nhà nước đi sau người dân, chỗ mình đắp đập thì đập hết nước múc hồ thì nước k ra đào giếng thì đào 70m rôi khoan không được giọt nào thì còn làm được gì nữa đây

  3. doãn đuồng

    Việt nam đã bắt đầu cuộc chiến vì nước ngọt. Nếu nhà nước không có kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn nước ngọt thì 10 đến 20 năm nữa tây nguyên sẽ bị sa mạc hóa. Con người ở đây sẽ không còn nước để sinh hoạt. Tôi vào Đak lak đã 30 năm (1986). Từ ngày mới vào đi đâu cũng gặp rừng nguyên sinh, đêm nằm ngủ (nhà cách sông Sêrêpốc khoảng 8km) nhưng vẫn nghe tiếng nước từ thác buôn ray đổ. Thời gian này giếng chỉ đào 7-8m là nước sinh hoạt đủ dùng. đến năm 1995 (10 năm sau) rừng Đak Lak gần như xóa sổ lúc này giếng nước sinh hoạt phải sâu 15m mới đủ. Đến năm 2005 (20 năm sau) Rừng đak lak không còn lúc này giếng nước nhà phải đào sâu 25m mới đủ sinh hoạt. Đến năm 2016 (30 năm sau) giếng nhà đã đào sâu đến 30m nhưng vẫn không đủ nước sinh hoạt. Hiện tại nhà nào cũng đua nhau khoan giếng nông nhất là 50m. có nhà khoan 120m vẫn không có nước sinh hoạt (120m nhưng chưa thủng tầng nước ngầm) chứng tỏ hiện tại nước ngầm đã cạn kiệt. Sông Sêrêpốc thơ mộng ngày nào cũng đã cạn kiệt nước. Thác Đray Sap, Đray Nưh, Gia long bây giờ có nước đâu nữa mà gọi là thác?
    Hỡi các cơ quan chức năng – những người có quyền lực hãy vì lợi ích lâu dài của quốc gia, của người dân, đừng nhìn cái lợi trước mắt (mì ăn liền)

  4. giang luong tuân

    Mặc dù ngày đêm người dân ngửa mặt lên trời mong mưa, nhưng chỗ tôi loa đài ngày đêm vẫn phát, nội dung phát chỉ là tuyên truyền bầu cử chuyện khác, chưa có nội dung nào cùng dân chống hạn, tôi thấy tỉnh gia lai qua truyền hình thì cán bộ tỉnh này lo cho dân thật đấy, tỉnh daklak nên học hỏi.

  5. hữu thành

    Các bác cứ nói như đúng rồi vậy … Nhà mình làm 1ha cafe chỉ đủ nuôi sống 4 người. . Tích cóp mãi mới trồng được 400 trụ tiêu bây giờ thiếu nước chỉ biết trông chờ vào ông trời thôi chứ làm sao được . Thử hỏi ai dám di vay bỏ ra 120tr khoan giếng lấy nước tưới 1ha vườn mà. Chưa biết chắc có nước hay không … Giếng thì đã đào 30m đất sập . Những người có hoàn cảnh như mình không thiếu

  6. phúc bộ

    Rừng là tài nguyên vô giá có tác dụng giữ nước cho đất và làm giảm bớt sự khắc nghiệt của nắng hạn. Trước cũng nhiều rừng cây và suối sông nhưng nạn phá rừng làm rẫy hoặc buôn lậu gỗ, dùng sông xây nhà máy điện ,..v.v… đều mang lại những lợi ích ngắn hạn còn cái hại dài hạn thì muốn khắc phục bay gio chỉ có trồng cây gây rừng , đầu tư chuyen giao công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió phổ biến trong nhân dân như xoá nạn mù chữ v để thay thế thủy điện hoàn toàn và dân có thể tự cung tự cấp điện 1 phần . Đầu tư hệ thống xả thải và lọc nước chất lượng hơn thay vì số lượng trên giấy khác biệt thực tiễn như bây giờ .. chắc chắn nó là số tiền khổng lồ nhưng còn hơn để tiền nuôi béo thây bọn tham nhũng . Pháp luật nên nghiêm khắc hơn trong vấn đề tham nhũng để bọn giặc này ăn xong ko phủi tay bằng” từ chức- đình chỉ công tác – tự kiểm điểm” mà ko phải “CHỊU TRÁCH NHIỆM THỰC SỰ” trc những hệ quả to lớn mà bọn giặc này gây cho nhân dân và đất nước ( thử xem nhiều hệ thống cug cấp nước bị bỏ dở ở những nơi hạn nặng của Tây Nguyên vì lý do thiếu kinh phí tiếp tục)

  7. Phan Minh Triet

    Xin chào bà con,

    Thật thấy xót cho đại hạn hán đã lấy đi thành quả của bà con mình sau nhiều năm gây dựng.

    Mong bà con hãy tỉnh táo xử lý.

    Với tình hình hạn kéo dài, giải pháp không thể chú trọng vào tưới nước (vì không thể có nước để tưới trong những trường hợp như vậy), bà con cần phải chọn giải pháp khác.

    Một số giải pháp hiến kế cho bà con có thể ứng dụng được:

    1. Tạm thời che phủ vườn cây qua mùa hạn bằng lưới đen, cây cỏ…

    2. Cắt tỉa cây tiêu ngắn lại hoặc làm rụng lá để giữ qua mùa mưa cây sẻ mọc lên.

    3. Xới xáo đất để cắt mạch nước từ dưới mạch nước ngầm lên thẳng: nước sau đó sẽ đọng lại phần đất mình đã xới ở bên trên, cây tiêu có thể hút được

    4. Những vườn cây còn xanh tốt: bón phân đầy đủ cho cây

    5. Chủ động phòng mưa lớn sẽ làm chết cây sau hạn hán cây khô kiệt

    …. còn nhiều giải pháp khác nữa, mong bà con vững tin

    Thân ái,

    Triết

Tin đã đăng

Tin mới nhất

92