Cà phê Tây Nguyên: 3 giảm, 3 tăng

Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch cà phê rộ. Cữ này năm trước cả Tây Nguyên rộn rã thì năm nay người ta thu hái cà phê một cách “uể oải” bởi cái gì cũng tăng, duy chỉ có giá cà phê là giảm.

3 giảm: năng suất, sản lượng, giá

Cả nước hiện có trên 500.000 ha cà phê thì các tỉnh Tây Nguyên đã có đến khoảng 470.000 ha, chiếm 92,79% diện tích. Điều đáng nói là hầu hết những vườn cà phê này đều được trồng từ những thập kỷ 80- 90 của thế kỷ trước, đã có tuổi thọ trên 20 năm (cả nước có khoảng 124.000 ha trồng từ năm 1989 trở về trước). Với trên 500.000 ha cà phê cả nước thì có đến 85% diện tích cà phê trồng trần (không có cây che bóng mát, chắn gió). Với phương thức canh tác độc canh cà phê và thâm canh cao độ, trồng không có cây che bóng đã làm vườn cà phê nhanh chóng xuống cấp, kiệt sức và chu kỳ khai thác bị rút ngắn lại.

Bên cạnh đó, diện tích cà phê có tuổi kinh doanh trên 20 năm ngày càng tăng (khoảng 124.000 ha, chiếm 24,33% diện tích cả nước), ước tính trong vòng 5- 10 năm đến, diện tích cà phê già cỗi có tuổi kinh doanh trên 20 năm sẽ chiếm khoảng gần 50% diện tích toàn quốc. Chưa hết, liên tiếp nhiều năm trở lại đây thời tiết không thuận, bão lũ liên miên khiến các vườn cà phê bị vùi trong bùn đất lâu ngày ảnh hưởng lớn đến năng suất. Mưa nhiều còn làm rụng quả, gió bão làm lá và quả cọ xát vào nhau nên quả cà phê không thể phát triển bình thường.

Tình hình trên đã có tác động tiêu cực đến quy mô SX cà phê. Theo đó năng suất, sản lượng cà phê trong nhiều năm tới sẽ giảm đáng kể, có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ổn định 450-500 ngàn ha cà phê, sản lượng khoảng 1 triệu tấn của nước ta. Trước mắt, vụ thu hoạch cà phê 2009-2010 này sản lượng sẽ giảm khoảng 40% so với niên vụ trước. Nhưng đáng nói nhất là giá cà phê năm nay giảm mạnh. Hiện tại, giá XK chỉ đạt 1.350- 1.360 USD/tấn. Giá cà phê trong nước, tại Gia Lai ngày 24/11 chỉ còn 24.300 đồng/kg. Tất cả đã tác động không nhỏ đến tâm lý người trồng cà phê ở Tây Nguyên- nhất là vào thời điểm cận Tết.

3 tăng: nhân công, phân bón, bơm nước

Tuy nhiên ở Tây Nguyên vẫn có một số ít vườn cà phê cho năng suất cao mà Cty Cà phê Ia Grai là một điển hình. Từ nhiều năm qua, Cty đã chú trọng đến việc “nuôi” cây cà phê một cách bài bản, khoa học thông qua chế độ chăm sóc như bón phân, tỉa cành, tưới nước, trồng cây che bóng mát, chắn gió nên ít bị hư hại trong những trận mưa bão vừa qua.
Vườn cà phê 2 ha của gia đình ông Minh ở thị trấn Đăk Hà (Đăk Hà, kon Tum) là nguồn thu chính của gia đình ông. Những năm trước, vào thời điểm này thì cả nhà ông tập trung thu hoạch hết sức vui vẻ. Tuy nhiên năm nay cái không khí ấy đã biến mất. Ông nói: “Cà phê chín thì phải thu thôi chứ biết chắc rằng, năm nay tiền bán cà phê sẽ không đủ bỏ vào chăm sóc lại vườn cây”.

Ông Bùi Ngọc Mỵ ở tổ 13, phường Thống Nhất (TP Pleiku, Gia Lai) cũng ngao ngán trước vườn cà phê. Vụ cà phê 2007-2008, vườn cà phê 2 ha của ông được xem là điển hình bởi năng suất đạt 25-30 kg quả/cây (25- 30 tấn/ha). Giá cà phê ở thời điểm ấy có khi lên đến 42- 45 nghìn đồng/kg. Niên vụ 2008- 2009, tuy giá có xuống nhưng vẫn ở mức 35- 36 nghìn đồng/kg. Ông bán một ít để trang trải, còn để lại 2 tấn cà phê nhân chờ giá lên mới bán. Bây giờ, cà phê chỉ xê dịch ở mức 24 nghìn đồng/kg, xem như lỗ to. Ông cho biết, năm nay vườn cà phê nhà ông chỉ đạt mức 10- 12 kg quả/cây (10- 12 tấn/ha): “Méo mặt anh ơi. Cà phê chín thì phải thu hoạch vớt vát còn để cho mùa sau ra trái nữa, chứ thực tình tôi muốn bỏ mặc”.

Với ông Minh, ông Mỵ diện tích ít, tự huy động công sức gia đình thu hoạch nên còn lỗ ít. Nhưng với nhiều hộ trồng cà phê lớn, phải thuê nhân công thu hoạch thì quả là dở khóc dở mếu. Vườn cà phê gần 5 ha của gia đình ông Đinh Tiến Trung ở Ea H’leo (Đăklăk) năm trước thuê hàng chục nhân công thu hái, vợ con ông chỉ lo phục vụ cơm nước cũng đã đủ mệt. Năm nay, ông chỉ thuê 3 người từ Bình Định lên, tiền công 70 nghìn đồng/ngày cho mỗi người và 3 bữa cơm ăn. Năng suất giảm, giá cả giảm trong khi chi phí nhân công, phân bón, điện bơm nước tưới lại tăng vùn vụt, chịu không nổi.

Nguồn: Nông nghiệp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89