Giá cà phê tuần này sẽ ra sao? (từ 21-26/3/2016)

Giá kỳ hạn và nội địa trong tuần

Sàn kỳ hạn Tuần/Tuần +/-
London 5 1427-1482 +55
New York 5 125.80-134.30 +8.50

Sau một tuần, giá kỳ hạn robusta tăng 55 USD/tấn và arabica New York tăng 8.50 cts/lb. Nếu so với ngày đầu tháng, giá đóng cửa London đã tăng 105 USD nhưng giá New York tăng 19.60 cts/lb. Nhìn chung, đợt tăng đến nay hình như đã có chuẩn bị từ đầu tháng với những tin tức hạn hán mất mùa từ các nước sản xuất, nhưng thực chất đó có thể là một xếp đặt của chiến tranh tiền tệ cho một mặt bằng giá hàng hóa mới, dù có thể chỉ là trung hạn.

Xem thêm: Cà phê: Một mặt bằng giá mới đang hình thành?

Giá nội địa được dịp tăng trên 1000 đồng/kg. Nhờ đợt tăng thứ Sáu 18-03 trên sàn kỳ hạn, giá cà phê thị trường nội địa cuối tuần có thể lên mức 32.500 đồng/kg.

Tin ảnh hưởng giá cà phê trước mắt và lâu dài

Quyết định của Fed khuấy tung thị trường…

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữa nguyên lãi suất cơ bản do nhận định nền kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với rủi ro do kinh tế toàn cầu bất ổn. Cuối năm 2015, thị trường dự kiến trong năm 2016 sẽ có 4 lần Fed tăng lãi suất, lần tăng đầu đã qua, lần tăng 2 chưa có. Người ta lại đoán cuối năm nay mới tăng lần tăng 2.

…nhưng có lợi cho giá cà phê

Vừa khi quyết định đưa ra sau 2 ngày nhóm họp 15 và 16-03-2016, chỉ số USD giảm 0,6% giúp cho giá vàng và dầu thô tăng mạnh. Giá cà phê arabica hôm ấy cũng tăng 3.35 cts/lb lên 129.05 cts/lb, tăng 2,7% so với ngày trước đó. Ngày 17-03, chỉ số đồng USD rớt mạnh, giúp giá hàng hóa trong đó có cà phê tăng một bữa phũ phê.

Brazil bất ổn

Nữ tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã cử cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva giữ chức Chánh văn phòng nội các của chính phủ bà. Cựu tổng thống “Lula”, tên thân mật của nhân dân gọi ông, đã nghỉ gần 2 nhiệm kỳ và ghế tổng thống do “đệ tử” tiếp nhận. Vừa qua, ông Lula bị cảnh sát mời thẩm vấn do vụ tham nhũng lớn tại tổng công ty xăng dầu Petrobras. Bà Rousseff giúp ông Lula tránh những phiền phức “đáo tụng đình”, nhưng một bộ phận dân chúng Brazil lại phản đối và xuống đường yêu cầu chính phủ bà từ chức. Giới kinh doanh cũng muốn có làn gió mới vì nền kinh tế Brazil, nặng về xuất khẩu nguyên liệu, xì xụp bấy lâu nay. Một thẩm phán tại Sao Paolo đã phán quyết ngăn không cho ông Lula nhậm chức nhưng ông Lula vẫn…vào ghế. Nghe đâu hết nhiệm kỳ này, ông Lula lại ứng cử chức vụ tổng thống.

Cung-cầu cà phê: thiếu hay thừa?

Quỹ đầu tư Pháp nói thiếu

Tập đoàn ngân hàng Societe Generale Pháp cho rằng nhu cầu cà phê niên vụ 2015/16 thế giới cao hơn cung ứng chừng 1 triệu bao. Trong đợt dự đoán trước của SG, họ cho rằng cung cao hơn cầu 0,97 triệu bao.

Người Colombia nói mất mùa

Sản lượng cà phê Colombia năm nay có thể giảm từ 0,7 đến 1,2 triệu 60kg bao so với niên vụ trước, đó là dự đoán trong tuần của chủ tịch Hiệp hội Cà phê Colombia. Năm ngoái, sản lượng Colombia ước đạt 14,2 triệu bao. Sở dĩ sản lượng giảm là do ảnh hưởng El Nino, hơn một nửa vùng trồng cà phê này bị khô hạn. Colombia là nước xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt (mild) lớn nhất thế giới và trước đây toàn xuất khẩu chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Colombia nay đã mở cửa cho cà phê phẩm cấp thấp do giá thị trường giảm. Lượng cà phê chất lượng xấu sẽ được đưa ra thị trường đấu với cà phê robusta.

Indonesia bảo sản lượng giảm

Indonesia chuẩn bị vào mùa mới. Nhiều dự báo sản lượng cà phê nước này do chịu ảnh hưởng El Nino sẽ giảm chừng 20%. Tuy nhiên một quan chức thuộc ban Cà phê Đặc sản thuộc Hiệp hội cà phê Indonesia đã dự đoán năm 2016 Indonesia cung ứng cà phê sẽ tăng và sản lượng chừng 11,67 triệu bao. Song, một số người cho rằng con số này khá to vì giá nội địa cứ muốn ngóc lên, nên xuất khẩu sẽ không nhiều. Còn nông dân thì cho rằng năm nay sản lượng cũng chỉ ở mức khiêm tốn thôi.

Ấn độ: không chịu giá, nhưng chịu bán hàng gởi kho!

Tại Ấn độ, thị trường sau thu hoạch khá bình thường. Kho đầy hàng nhưng tiền mua hàng thiếu. Giá mua ngay bán ngay thấp vì giá kỳ hạn yếu, nông dân chưa hài lòng với mức này. Đồng INR giảm so với đồng USD nên giá cà phê nội địa rẻ. Cũng như Việt Nam, nông dân Ấn độ đang bán mạnh hàng giao kho để chốt giá sau. Lại có người cạnh tranh với cách bán đầy rủi ro này với các đại lý thu mua Việt Nam nữa rồi!

Tồn kho Mỹ tháng 2-2016 tăng!

Tồn kho cà phê hạt tháng 2-2016 tăng 33.982 bao lên 5.869.288 bao, Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (Green Coffee Association – GCA) cho biết. Bình quân từ năm 1989 đến 2015 trong tháng Hai hàng năm lượng cà phê GCA tăng 89.460 bao, riêng năm ngoái giảm 156.448 bao. Con số tháng Hai năm nay cao hơn năm ngoái 14% là 5.151.552 bao.

Giá robusta so với arabica bắt đầu rẻ!

Giá cách biệt giữa 2 sàn kỳ hạn arabica với robusta nay đã chuyển dần thế có lợi hơn cho robusta khi giãn ra 61,07 cts/lb tức tương đương với 1345 USD/tấn, là mức mà các nhà rang xay có thể thích mua robusta do độ vênh này khá tốt đối với họ. Trước đây, đã có lúc mức này chỉ chừng 600 USD/tấn, nên các nhà rang xay chỉ mua arabica do rẻ, hơn nữa loại cấp thấp arabica bấy giờ còn rẻ hơn nên gây khó khăn rất nhiều cho robusta. Điều quan trọng qua chỉ số này là nhu cầu mua của các nhà công nghiệp thực phẩm bắt đầu và cơ hội cho robusta chiếm lĩnh thị phần.

Cước vận tải biển còn “bèo”  

Chỉ số giá cước vận tải biển Baltic Dry Index (BDI) chỉ tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Vào ngày 11-03, BDI đạt 388 điểm so với 384 điểm cách đó 1 tuần.

Chỉ số này được thay cho chỉ số Baltic Freight Index (BFI) ra đời vào ngày 04-01-1985.

Ờ mức này, tính từ 12 tháng nay, BDI giảm 30,96%, nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay giảm 18,83%. Mức cao nhất từ 12 tháng qua là 1222 và mức thấp nhất là 290 điểm. Chỉ số này khi ra đời được lập ở mức 1000 điểm.

Chút tư duy kỹ thuật

So với giá kỳ hạn robusta London, giá arabica New York tuần qua tốt hơn nhiều. Vấn đề là tại sao London không để tăng mạnh như New York?

Quay lại ngày 17-03, người trên sàn London cho biết giá tăng cao bao nhiêu, có người bán bấy nhiêu, càng cao càng bán. Giá hôm ấy không gãy là nhờ các quỹ đầu cơ thống nhất “hè nhau” mua vào, lấn át sức bán của các nước sản xuất, nhờ vậy giá tăng mạnh.

Cũng người trên sàn London cho biết dù các quỹ đầu cơ mua mạnh, lượng bán hàng giấy khống còn không phải ít, bán ròng nay ước chừng 180.000-200.000 tấn. Thật vậy, khi vào thị trường, rất tùy thái độ con người. Một khi họ đã sẵn sàng chơi “cú liều, cú lì” thì chẳng ngại gì thử thách.

Giá London qua ngày hôm sau 18-03 đã bung chạm các nút quan trọng 1480 rồi 1485, thậm chí tốt hơn ở mức 1495! Khuynh hướng tích cực vẫn chưa dứt. Tiếc là khi đóng cửa giá không vượt khỏi mức chắn trên 1480 để chắc chân chạy. Sẽ sướng hơn là nếu đóng cửa vượt được đường 100 ngày bình quân di động ở mức 1485, thì mới hy vọng vỡ tiếp mức 200 ngày ở 1572 như các điều kiện kỹ thuật tốt giúp giá arabica tăng ngày 17-03 vừa qua!

Sao lại không hy vọng khi mà vị thế bán ròng của đầu cơ trên sàn London vẫn còn lớn như đã nói, còn vị thế bán chưa bù trừ với mua có thể đến 300.000 tấn!

Trên sàn arabica New York, càng tăng càng củng cố tốt cho các yếu tố kỹ thuật. Ở mức đóng cửa thế này, theo kỹ thuật, ta có quyền ngước lên mức 140 đến 142.60 cts/lb. Tuy nhiên, cũng cần phải “ngán” là từ đầu tháng đến nay, giá đã tăng lên 20 cts/lb, nên một đợt chỉnh xuống không nên loại trừ. Làm gì thì làm, giá sàn này cứ phải trên 128.95 cts/lb thì vẫn kích được đầu cơ mua vào.

Dự kiến mở cửa sàn kỳ hạn robusta London thứ Hai 21-03 cơ sở giao dịch tháng 5-2016 từ không đổi đến giảm nhẹ.

Nguyễn Quang Bình

Xem thêm: Cà phê: Giá nội địa tăng sau chấn động trên sàn kỳ hạn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyenthihien

    Nói tin khô hạn làm giá cà phê tăng như vậy cũng chưa chuẩn xác lắm mà phải nói tình hình khô hạn là chính xác và ngày càng khốc liệt hơn.

  2. Nguyenthihien

    Theo ý kiến chủ quan của tôi thi có khả năng đầu tuần sẽ điều chỉnh giảm vì nếu tăng nhiều phiên liên tiếp mà không có phiên điều chỉnh giảm thi người dân cũng không bán được cà mà DN cũng không thể mua được hàng

  3. Huỳnh Bảo Ngọc

    Tuần sau Robusta sẽ bùng nổ thực sự sau khi thị trường đón nhận tin thiếu nước và diện tích lớn cà phê bị chặt phá tại VN từ một công ty FDI kinh doanh cà phê. Các thông tin trước đây từ truyền thông tại VN ít được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý.

  4. k duông

    bác Ngọc nói rất chuẩn, chỗ tôi đã phần là phá cà trồng chanh dây và tiêu, vì cà phê rẻ quá không đủ sống, nhà nhà phá cà, người người cuốc cà, thuê máy múc rất khó vì ai cũng chặt phá cà phê. thợ bán máy cưa và sửa máy cưa làm không hết việc, đúng là một mùa bội thu cho các cửa hàng bán máy cưa, và cửa hàng xăng dầu.

  5. thanhluan

    theo mình thì giá ca phê tang la do sắp tới kỳ hạn giao tháng 4 mà cac nhà king doanh không có hàng để giao cho những hợp đồng đã ký,nên bát buộc tăng giá ,để gom đu hàng

  6. le son hai

    Quanh năm vất vả vì giá cà phê thấp Bây chừ hạn hán không có nước tưới chắc chỉ biết nhìn lên trời chờ mưa….trời ơi là trời……

  7. giang lương tuân

    bây giờ người ta nói đến cây tiêu, cây bơ, chứ cà phê còn giá trị kinh tế gì nữa, chỗ tôi người ta chặt cà phê cách đây vài năm rồi, vì cà phê rẻ quá mà lại nhiều công, đầu tư nhiều, lợi nhuận chẳng là mấy.

  8. Hung Nguyen

    Cà phê khô nước, tưới phải tăng bo 2 máy mới được, tưới 01 ngày nghỉ 01 ngày mới đủ nước, tốn kém quá, không tưới thì chết khô, khó quá đây, làm thế nào hã các bạn nông dân.

  9. Meo Beo

    Nhà tôi 1 ngày chỉ tưới được 20 phút là hết nước. Muốn tưới tăng bo cũng không biết tăng bo ở đâu, bởi vì xung quanh mấy con suối đều khô như nhau. Múc ao thì sâu đến mức nếu mình rớt xuống không bò lên được mà vẫn không có nước. Bây giờ chỉ chơ mưa thôi. bó tay rồi.

  10. Hoàng Thái

    Em muốn hỏi tại sao giá cafe Lâm Đồng luôn thấp hơn những tỉnh khác? Có ai biết trả lời giúp em nhé

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82