Nông dân “cắn răng” vay vốn tái canh cà phê

Theo cách tính của nông dân tái canh cà phê, 2 năm cải tạo đất, cộng 3 năm kiến thiết cơ bản, bà con phải chờ đến 5 năm sau mới có thu hoạch. Trong 5 năm đó biết lấy gì để sống?

“Nên đành vay vốn thương mại để tái canh sớm dù có chính sách vay ưu đãi” – một nông dân ở Gia Lai giải thích.

Liên quan: Cho vay tái canh cà phê ở Tây Nguyên: Rắc rối nhiều, ưu đãi ít

vuon ca phe nong dan tu tai canh
Một vườn cà phê được nông dân tự tái canh. Ảnh: Lê Kiến

Gói 17.000 tỷ, giải ngân… vài trăm tỷ

Ngân hàng NNPTNT (Agribank) được Ngân hàng Nhà nước giao giữ vai trò chủ lực trong việc giải ngân vốn vay ưu đãi chương trình tái canh cà phê. Theo quy hoạch, đến năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên sẽ tái canh trên 120.000ha cà phê.

Mặc dù được “hỗ trợ tận răng” về kỹ thuật với vốn vay lãi suất thấp nhưng chương trình vẫn bị người dân “ngó lơ”. Cụ thể, trong 2 năm (2013-2014), gói tín dụng hơn 12.000 tỷ đồng được ngân hàng ký với các tỉnh Tây Nguyên, song chỉ giải ngân được vài trăm tỷ đồng, trong khi đã thực hiện tái canh hơn 33.000ha.

Ông Phan Tiến Thu – Giám đốc Agribank Gia Lai cho biết: Hiện vốn vay tái canh cà phê không hạn chế, lãi suất chỉ 6,5%/năm. Mỗi ha cà phê được vay 150 triệu đồng, sau năm thứ 4 mới bắt đầu trả lãi và thời hạn cho vay là 8 năm. Tuy nhiên tại Gia Lai, vốn vay này mới giải ngân được 17 tỷ đồng và năm 2016 mới giải ngân được 1 tỷ đồng, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước vay. Toàn tỉnh chỉ vỏn vẹn… 2 hộ vay theo diện này.

Lý giải cho nghịch lý “vốn ưu đãi vắng bóng nông dân”, ông Thu nói: “Vấn đề nằm ở chỗ quy trình tái canh mà Bộ NNPTNT ban hành. Theo đó, người dân phải cải tạo đất 2 năm sau phá bỏ cà phê thì mới được vay vốn. Theo bà con, 2 năm cải tạo đất, cộng với 3 năm kiến thiết cơ bản thì 5 năm sau mới có thu hoạch. Trong 5 năm đó họ biết lấy gì để sống? Bên cạnh đó, điều kiện để tái canh cần phải có xét nghiệm về tuyến trùng, nấm trong đất, nguồn giống phải được cơ quan trực thuộc Bộ NNPTNT hoặc các Sở NNPTNT công nhận thì mới được tiếp cận vốn vay…

Nông dân Trần Đức Lưu, thôn Hợp Nhất (xã Ia Yok, huyện Ia Grai, Gia Lai) nói: “Do quy trình yêu cầu rối rắm nên người dân không mấy mặn mà. Như tôi, nhà có hơn 1ha cà phê mà chờ luân canh đất 2 năm thì biết lấy gì ăn nên đành vay vốn thương mại để tái canh sớm”.

Sớm khắc phục việc vay vốn thương mại

Về việc vay vốn ưu đãi, ông Lê Trung Nguyên – Giám đốc Công ty Cà phê 706 (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) cho biết: “Lâu nay công ty không được hưởng vốn vay này để tái canh cà phê, khoảng 300ha cà phê (trong tổng số 700ha của đơn vị) đã tái canh đều vay vốn thương mại.

Vì trước đây công ty đã thế chấp sổ đỏ cho Ngân hàng BIDV và số tiền “bị kẹt” khoảng 30 – 40 tỷ đồng nên không rút giấy tờ được để chuyển sang vay vốn của Agribank nhằm hưởng lãi suất thấp. Mong muốn của công ty là Ngân hàng Nhà nước mở rộng việc chỉ định ngân hàng cho vay chứ không nên chỉ định 1 ngân hàng là Agribank.

Tại Gia Lai, Sở NNPTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp với ngân hàng bàn biện pháp giải quyết theo hướng: Giảm thời hạn luân canh từ 24 tháng xuống còn 18 tháng và vẫn giữ nguyên quy trình Bộ NNPTNT ban hành. Tuy nhiên, theo ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai, đối với các nông hộ, việc tái canh là quyền của họ nên rất khó can thiệp. Giải pháp tốt nhất là vận động, tuyên truyền để họ thấy được vấn đề.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Chín Thà

    Mua giống cà phê để tái canh mà phải mua tại vườn ươm là sân sau của các vị mới có chứng nhận để được vay, mà lên tận đó mua thì tiền vận chuyển về tới rẫy cũng quá ba tiền thóc, chi bằng mua những vườn ươm gần mà được bà con tin cậy cho nhanh thấy.

  2. k duông

    Thôi tự bơi là chính, cà phê xuống dốc bèo dạt mây trôi, chả thấy ông nào tới giúp, Còn bán cà phê mà đi mua bất cứ mặt hàng nào đều phải chịu thuế VAT 10%, Thôi đành làm kiếp trâu bò vậy thôi, Kêu làm chi chả ai nghe đâu.

  3. manh tuan

    Vườn già cỗi chưa kịp tái canh thì đã có hàng loạt vườn trồng mới theo giống cao sản cho năng xuất khủng thay thế rồi .

  4. Hương Thà

    Các bạn trồng cà phê ơi! Người dân tự mình cứu lấy nhau vậy.
    Giá xuống ta tỉa bớt cành để giảm đầu tư thu ít v.v……

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85