Tin buồn

USD mạnh lên đang khiến thị trường cà phê méo mó thế nào?

Nông dân trồng cà phê Y Kua Mlo tại Đắk Lắk đang trữ cà phê trong phòng ngủ của mình, không muốn bán ra khi USD mạnh lên làm giảm lợi nhuận của mặt hàng giao dịch bằng đồng bạc xanh này khi tính theo nội tệ, đồng Việt Nam (VND). Và vợ ông Mlo đang muốn chồng bà chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Trong khi đó, tại Brazil, João Elvidio Galimbertin lại đang mở rộng diện tích trồng cà phê vì đà lao dốc của real, nội tệ Brazil, so với USD đồng nghĩa rằng vụ mùa Brazil sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

USD mạnh lên đang tạo ra kẻ thắng người thua trên thị trường hàng hóa. Xu hướng này cũng giúp viết lại hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế, từ lúa mỳ đến cà phê, làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cung trên các thị trường như kim loại đồng và gia tăng áp lực lên các mặt hàng khác như dầu thô.

Về cà phê, sự mất cân bằng do USD gây ra giữa các nước sản xuất lớn nhất thế giới – Việt Nam và Brazil – đang tạo áp lực lên giá cà phê Robusta khi khuyến khích nguồn cung từ phía này trong khi hạn chế nguồn từ phía kia.

Hiện tượng này có tác động dài hạn đến sản lượng cà phê, khuyến khích nông dân cà phê Brazil mở rộng diện tích trong khi buộc nông dân cà phê Việt Nam phải chuyển sang cây trồng khác, như hồ tiêu.

“Giá cà phê hiện đang rất thấp và không ai trong chúng tôi giờ đây muốn bán cà phê nhân cả”, ông Mlo cho biết.

Suốt năm qua, giá cà phê Robusta  (tính bằng USD) đã giảm hơn 29%. Với việc đồng Việt Nam (VND) neo với USD, giá cà phê nội địa tại Việt Nam giảm 27% và khiến nông dân tăng tích trữ chờ giá lên.

Trong khi đó, giá hồ tiêu giờ đây hấp dẫn hơn giá cà phê. Ông Mlo hiện có thể bán cà phê với giá 34.000 đồng/kg (1,52 USD) nhưng vẫn đợi cho đến khi giá lên 40.000 đồng/kg. Ông cho biết sẽ găm hàng cho đến ít nhất là tháng 9.

Một dấu hiệu khác cho thấy tình trạng trữ hàng đang tăng là xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam năm 2015 giảm 20% so với năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, dù sản lượng niên vụ vừa qua rất tốt.

Một số thương nhân dự đoán lượng cà phê lưu kho rốt cuộc cũng sẽ được bán ra thị trường và việc này sẽ gây áp lực lên giá.

Trong khi giá cà phê tại Việt Nam giảm, thì giá cà phê Robusta tính bằng real Brazil lại tăng và hiện đang ổn định so với mức của năm 2015. Real Brazil đã giảm hơn 30% so với USD trong 12 tháng qua, chủ yếu do khủng hoảng kinh tế Brazil và đà tăng giá của đồng bạc xanh.

Ông Galimberti, nông dân trồng cà phê tại bang Espirito Santo, cho biết, năm nay ông sẽ tiếp tục tái canh cà phê đồng thời mở rộng diện tích.

Trong khi tồn trữ cà phê tại Việt Nam tăng lên, nông dân cà phê Brazil đang tận dụng cơ hội tỷ giá tích cực để xả bán lượng cà phê lưu kho, khiến xuất khẩu cà phê của Brazil năm 2015 tăng 21%, theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe).

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam và Brazil cung cấp 2/3 sản lượng cà phê Robusta toàn cầu.

Brazil cũng là nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới. Giá cà phê Arabica cũng bị chịu tác động do USD mạnh lên khi thu nhập tăng thêm khuyến khích Brazil và Colombia đẩy mạnh xuất khẩu.

Tỷ giá liên tục thay đổi cũng như thời tiết khô hạn và lượng cà phê tồn kho của Brazil giảm có thể nhanh chóng thay đổi “trạng thái đối kháng” giữa Việt Nam và Brazil, theo giới phân tích. Đợt hạn hán vừa qua tại khu vực trồng cà phê Robusta của Brazil cùng với lượng cà phê tồn kho giảm khi giới thương nhân xuất khẩu cà phê vụ cũ có thể khiến nguồn cung giảm và giá tăng lên trong thời gian tới.

USD mạnh lên đang khiến nhiều thị trường hàng hóa méo mó. Đây là chất xúc tác trong đợt lao dốc kéo dài 20 tháng của giá dầu thô khi mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn. Đà tăng hơn nữa của đồng bạc xanh có thể khiến giá dầu rơi xuống 20-25 USD/thùng, theo Morgan Stanley.

Các đồng tiền thị trường mới nổi bị ảnh hưởng mạnh nhất so với USD và nhiều nước trong số đó từ Nga đến Nam Phi là các nước xuất khẩu hàng hóa lớn. Nội tệ giảm giá so với USD cho phép các nước này tiếp tục khai thác và cung cấp nguồn lợi từ đồng đến quặng sắt vào thị trường vốn đang thừa cung, gia tăng áp lực lên giá hàng hóa.

Ảnh hưởng của USD lên giá cà phê nghĩa là ông Mlo giờ đây đang suy ngẫm về lời khuyên của vợ ông về việc chuyển đổi cây trồng. “Thật không thoải mái chút nào khi nhìn những bao cà phê nằm đầy trong nhà, nhưng chúng tôi không biết là gì với chúng nữa”, ông Mlo nói.

Nhật Trường (theo Nhịp Cầu Đầu Tư ngày 22-2-2015)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

74