(21-01-2016) Thấy gì khi giá cà phê rớt chóng mặt

Giá hàng hóa nguyên liệu giảm không phanh. Tội đồ trực tiếp của giá hàng hóa giảm không gì khác hơn chính là đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác như euro, Yen JPY, Real BRL, NDT CNY…

Đồng USD tăng làm giá hàng hóa giảm. Khi nào giá hàng hóa tăng lại? Tất nhiên câu trả lời như đã có sẵn: khi đồng USD yếu lại. Vần đề là khi nào đồng USD yếu để giá hàng hóa có cơ hội tăng?

Mấy hôm nay, giá hàng hóa giảm. Nói vậy chưa đúng đâu vì phải nói rằng cả thời gian dài, giá hàng hóa theo chiều giảm nhưng người kinh doanh dầu cứ kháng cự với nó, giá cà phê giảm thì nông dân và giới doanh nghiệp đòi kháng cự với giá cà phê…

Đâu chỉ một mình giá dầu thô giảm đâu. Giá nhiều thứ kim loại cũng rớt tan tành. Từ năm 2011, kim loại đồng rớt gấp hơn hai lần, giá nhôm giảm 90%, giá kẽm và vàng mất 70%. Đâu phải tài nguyên thiên nhiên giảm không đâu, nông sản cũng giảm mạnh như lúa mì mất cả một nửa!

Có một điều ít ai để ý rằng giá hàng hóa thường khi lên là lên cùng, khi giảm là giảm chung. Vì sao lại như thế? Đơn giản vì từ năm 2000, hàng hóa nguyên liệu biến thành hàng hóa “tài chính”. Danh xưng “hàng hóa nguyên liệu”  chẳng qua chỉ là một cách nói, đúng ra phải nói theo cách như cà phê chẳng hạn: hàng hóa cà phê dưới sản phẩm tài chính, hàng hóa cà phê kinh doanh tài chính “phái sinh”, tức bản thân khi lên sàn cà phê không còn là nó mà là một sản phẩm dưới dạng tài chính.

Cứ nhìn lên bảng giá cà phê của London, New York hay Sao Paolo (Brazil) chẳng hạn, bạn chẳng thể thấy đâu là cà phê mà chỉ những ký hiện giá phái sinh, toàn những đại gia ngân hàng, quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tài chính và đầu cơ to nhỏ chứ làm gì mà thấy cà phê hay nông dân vác tạ cà phê đến bán đâu! Các thông tin về sản lượng, thời tiết…chẳng qua được sử dụng để có cớ vờn nhau. Đó là xin nói thật.

Các sản phẩm tài chính này lại chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cặp tiền tệ USD-Euro với tư cách là các đồng tiền dự trữ quốc tế. Có đến từ 55-60% sản phẩm hàng hóa phái sinh là có dính líu đến đồng USD và 20-25% đến đồng Euro. Như dầu thô, cà phê, ca cao, bắp, lúa mì, kim loại sắt đồng chì kẽm…đều được định giá bằng đồng tiền USD. Nên trên thị trường tài chính, phải hiểu chúng như một bình thông nhau, anh muốn kinh doanh dầu thô, chỉ cần chuyển nó sang USD bằng các hợp đồng “giấy có giá trị bằng tiền”, rồi muốn chuyển nó sang mua bán kim loại đồng hay bất kỳ thứ gì…nhưng cuối cùng cũng phải thực hiện qua đồng USD và thanh toán bằng đồng USD.

Nói vậy để thấy kinh doanh hàng hóa nguyên liệu thời nay mà không lưu ý đến yếu tố tiền tệ, đặc biệt là đồng USD thì chỉ có “bán nhà”. Khi đồng USD yếu hơn đồng Euro giá nguyên liệu tăng. Trong thập niên 2000, giá trị đồng USD liên tục giảm so với đồng Euro. Bấy giờ, giá hàng hóa nói chung khá thuận lợi. Như nước Nga, nước sống nhờ xuất khẩu dầu thô, giá dầu thô tăng, thu nhập đất nước và người dân Nga bấy giờ đều tốt.

Nhưng khi giá trị đồng USD tăng, giá trên mọi sàn kỳ hạn hàng hóa đều giảm từ dầu thô, gaz thiên nhiên, kim loại, lúa mì, cà phê, bắp, đường ăn…Đấy cũng là khuynh hướng từ năm 2010 đến nay. Từ 2011, giá trị USD tăng 37% so với euro. Đấy cũng là lý do tại sao giá hàng hóa xuống!

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin vào các chu kỳ tăng giảm, nếu như tương tác giữa USD và euro, chu kỳ ấy chừng 17-18 năm, và qui ước bắt đầu từ 1970. Hiện nay, người ta tin đồng USD đang đi vào chu kỳ thứ ba.

Nền kinh tế Mỹ hoạt động tăng trưởng cũng theo chu kỳ, và FED có nhiệm vụ “kháng cự” lại các chu kỳ ấy bằng cách điều tiết tiền tệ. Khi nền kinh tế Mỹ cất cánh, FED nâng lãi suất đồng USD để tăng chi phí tín dụng, điều tiết hoạt động và ngăn trừ tăng trưởng nóng để khỏi hạ nhiệt bất ngờ, gây sốc cho nền kinh tế.

Biện pháp này đào thêm hố cách biệt giữa lãi suất cơ bản đồng USD và euro có lợi cho Mỹ. Luồng vốn sẽ đi đâu? Dĩ nhiên phải đi về chỗ nào có mức lãi suất và lôi nhuận cao hơn và cao nhất, thì Mỹ chứ còn ai vào đây. Do vậy nhu cầu thế giới về đồng USD tăng, đặc biệt so với euro.

Ngược lại khi tăng trưởng kinh tế Mỹ sa sút, FED lại hạ lãi suất để giảm chi phí tín dụng nhằm kích hoạt nền kinh tế. Luồng vốn bấy giờ lại quay sang châu Âu nơi sử dụng đồng euro. Bấy giờ như cầu đồng USD giảm kéo theo sự mất giá của đồng bạc xanh này.

Theo cái nhìn này, nhiều chuyên gia cho rằng chu kỳ đồng USD mạnh sẽ kéo dài đến năm 2018-2019. Như vậy giá hàng hóa nói chung sẽ khốn đốn đến thời điểm ấy. Giá dầu thô và các loại hàng hóa khác nhìn theo cách này sẽ hồi phục vào năm 2020.

Nhiều người tin giá dầu thô có thể sẽ xuống mức 20 USD/thùng. Khả năng các giá các sàn hàng hóa nông sàn sẽ trôi theo. Riêng cà phê, chỉ trừ khi Brazil và Việt Nam thực sự bị sương giá hay hạn hán ảnh hưởng rõ ràng đến sản lượng, hay vì giá quá thấp là nông dân chuyển sang trồng thứ khác có lợi hơn.

Đối với nhà đầu cơ tài chính, họ chẳng cần biết đâu là mức giá thành, chỉ biết “cắt” tới đâu tính tới đó, cắt tới đâu ăn tới đó. Rang xay và nông dân thì cần tính chuyện đó. Giá xuống quá mức, rang xay có ngày phải mua giá gấp 3 hay nhiều hơn so với mức đã từng mua rẻ…Nhưng tội lỗi chưa chắc do giới rang xay gây nên.

Riêng về người trồng cà phê Việt Nam, chắc phải thay đổi cách nhìn thị trường. Hơn thế nữa, cần có những liên minh hàng hóa như hợp tác xã cỡ lớn (như tại Brazil) để đối phó hay đối trọng với lực lượng kinh doanh tài chính và tiền tệ.

Người trồng và các nhà quản lý ngành không nhìn theo cách này, sợ cây cà phê Việt Nam không tồn tại lâu dài dù nó đã có một quá khứ cả trăm năm. Từ năm 2000 đến nay, một khoảng thời gian hơn 16 năm, nhưng cách nhìn thị trường khác xa trước đó.

Khó khăn của người trồng và kinh doanh cà phê không phải do giá thấp hay cao để chìu theo nó. Vấn đề hiện nay là làm sao quản trị được nó một cách chủ động.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyen King

    Điều quan trọng lúc này là có ai đủ kiên nhẫn để xem vở kịch gì đang diễn ra hay không thôi. Đôi khi những người giàu thường đi ngược tư tưởng người khác. Ai cũng sợ cà phê xuống bán tràn lan , vậy rốt cuộc người nào sẽ làm ngược lại ???

  2. Thanh Chiến

    Giá cà phê tụt giảm thật là 1 đau đớn cho nông dân trồng cà mùa tết năm nay….chắc có lẽ tết năm nay sẽ là 1 cái tết không lấy gì vui vẻ khi giá cà tụt từng ngày như vậy. Giả sử 1 nhà có 5 tấn cà, thì qua 3 ngày vừa rồi nó giảm 1700d/kg thì coi như nông dân chỉ trong 3 ngày đã mất đi gần 10tr đồng vô cớ..vậy thì khó có ai có thể mà vui vẻ để hưởng thụ cái tết nỗi..haiz..mong sao giá cà sớm ổn định để mọi người có thể yên tâm làm ăn và trồng trọt

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82