(27-12-2015) Các yếu tố nào ảnh hưởng giá kỳ hạn hàng hóa năm 2016?

Bốn yếu tố chính

Giới đầu tư đã bắt đầu bàn tán và nhận định các khuynh hướng cho hoạt động kinh doanh của mình năm 2016.

Hoạt động kinh doanh và đầu tư năm 2016 trên thế giới, theo một số chuyên gia, sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng của:

-một là quyết định của các ngân hàng trung ương các nước lớn như FED (Mỹ), ECB (châu Âu), PboC (Trung quốc), BoJ (Nhật) và BoE (Anh quốc)

-hai là cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh ở hay đi khỏi Eurozone

-ba là đồng Nhân dân tệ  (Yuan) TQ vẫn tiếp tục yếu so với đồng USD nhưng không có nghĩa là phá giá trên cơ sở cân đối cán cân thương mại

-bốn là giá kỳ hạn hàng hóa thương phẩm và các nước mới nổi hình như vẫn còn những thử thách lớn trước mặt.

Bài viết sau đây sẽ nói sâu về lãnh vực quan tâm, tức giá hàng hóa và thị trường mới nổi trong năm 2016.

Giá sẽ dầu thô chi phối thị trường hàng hóa?

Chỉ vài ngày nữa là đến năm mới 2016.

Cho đến ngay những ngày này, giá dầu thô giảm, ảnh hưởng dây chuyền đến giá nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa nông sản được giao dịch bằng đồng USD, có nghĩa là giá dầu trên thị trường thế giới xuống kéo giá hàng hóa xuống, nạn nhân đầu tiên và trực tiếp là nông sản, cần lưu ý nữa là các sàn kỳ hạn nông sản lấy đồng USD làm đồng tiền thanh toán.

Biết cung ứng dầu thô còn đầy rủi ro, do thời tiết và khủng hoảng địa chính trị, nhưng chưa thấy dấu hiệu sản lượng dầu thô giảm cho đến ít nhất hết nửa đầu năm 2016: Vì sao? Do cung cao hơn cầu.

Mặt bằng giá hàng hóa do giá dầu thô an bài?

Nhiều nước có nền kinh tế mới nổi đã hứng chịu nhiều thứ ảnh hưởng tiêu cực do giá sản phẩm xuất khẩu giảm nhanh hơn giá hàng hóa nhập khẩu và đặc biệt tiền mặt bằng USD thấy sao cứ vơi dần: giới đầu tư đang rút vốn về.

Qua đầu năm mới, áp lực giá hàng hóa nông sản nói chung vẫn còn làm khó người sản xuất và nhiều nước có nền kinh tế mới nổi. Các nước xuất khẩu phải giành giật từng cơ hội để xuất khẩu với giá nguyên liệu nông sản thấp do các giá trên sàn kỳ hạn vẫn còn ì ạch, mặt khác nền kinh tế TQ đang trong giai đoạn chuyển đổi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh.

Nhiều loại nông sản trước đây nhờ giá tăng mạnh đã khuyến khích người sản xuất đầu tư mạnh, nay có thể gặp thua lỗ do chi phí sản xuất và đầu tư cao. Trước đây, khi giá hàng hóa thương phẩm trên các sàn kỳ hạn tăng mạnh, nhiều nước tập trung mở rộng thêm diện tích, đầu tư năng suất…Đáng tiếc! Lẽ ra phải đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp ngay khi giá thế giới cao, cảnh báo việc tăng giá là do áp lực bơm tiền mạnh vào các sàn kỳ hạn chứ không phải do nhu cầu thực tế của tiêu thụ…Điều này đã được minh chứng bằng số lượng tồn kho của nhiều loại hàng hóa kể cả dầu thô, gas thiên nhiên, ngũ cốc, đường ăn…Do không chuẩn bị tư thế ấy, khi giá xuống, nhiều nước và người sản xuất lao đao.

Liệu có hiệu ứng ngược

Thế nhưng, nếu như chu kỳ giá hàng hóa tăng (giai đoạn 2005-2008) khuyến khích nhiều người tăng gia sản xuất, thì nay đụng chu kỳ giá giảm, biết đâu nông dân nhiều nước sẽ chuyển đổi cây trồng, hợp lý hóa sản xuất, chặt hủy ruộng vườn không có hiệu quả kinh tế, ứng dụng các hình thức sản xuất tiết kiệm…Như tại Việt Nam, nhiều tỉnh đã tìm cách đa dạng hóa sản phẩm nông sản bằng cách chuyển sang trồng hồ tiêu, mắc ca, hay các loại nông sản khác.

Xăng dầu, gas thiên nhiên,phân bón, thuốc trừ sâu…là những chi phí chính của sản xuất và kinh doanh nông sản. Cước tàu xe, đặc biệt cước vận tải đường biển giảm mạnh trong thời gian gần đây nhờ giá dầu giảm và nhu cầu chuyên chở đi xuống, lại sẽ làm bốc lên sức mua của các nước như Mỹ, châu Âu và Nhật. Vẫn theo luật cân bằng, giá dầu thô xuống, người này mất nhưng ngành kia được, nhưng rõ ràng các hãng kinh doanh xăng dầu sẽ gặp khó, cắt bớt đầu tư.

Giá dầu thô xuống sâu, tuy các nước trong OPEC (Tổ chức Các nước Sản xuất Dầu thô Thế giới) quyết định không giảm sản lượng khai thác, thì các nước không phải là thành viên OPEC phải giảm vì càng khai thác càng lỗ, sản lượng dầu thô của Iran và Lybia ra thị trường nhưng bù cho Mỹ giảm khai thác do ngành công nghiệp nay thua lỗ.

Tuy nhiên, với tư cách là hàng hóa, các nước sản xuất dầu thô vẫn phải khai thác và bán ra, kinh tế càng khó khăn, giá dầu thô càng thấp, họ càng khai thác và bán dầu thô ra thị trường để lấp khoảng trống ngân sách. Các nhà phân tích cho rằng dù thế nào đi nữa, như thời tiết thất thường (El Nino và La Nina) hay khủng hoảng địa chính trị, dầu thô vẫn còn tình trạng cung cao hơn cầu trong nửa đầu năm 2016. Do vậy, nhìn theo cái nhìn này, giá dầu thô tiếp tục giảm trên các sàn kỳ hạn, và có người nhận định có thể xuống trong vùng 20-30 USD/thùng.

Đối với các nước sản xuất hàng hóa nguyên liệu chỉ theo hướng xuất khẩu, một mặt giá hàng hóa thấp theo giá dầu thô, mặt khác phải tranh thủ phá giá đồng nội tệ của mình để cạnh tranh xuất khẩu, mặt khác nữa vay nợ cũng sẽ rất khó khăn vì giá trị dồng USD tăng cao chứ không vay được dễ dàng như trong quá khứ.

Với các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và các nước đang phát triển cũng như mới nổi, con thuyền ra khơi chưa hết sóng gió.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87