Giá mủ cao su lao dốc, người trồng chặt cây bán gỗ

Giá mủ cao su liên tục giảm khiến người trồng “vàng trắng” rơi vào thua lỗ. Nhiều gia đình chặt cây bán gỗ hoặc chỉ khai thác cầm chừng.

Năm 2015, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 50.000 ha diện tích cao su với sản lượng mỗi năm đạt 40.000 tấn. Trong đó, diện tích cao su tiểu điền chiếm gần 9.000 ha. Tuy nhiên, giá mủ loại cây này liên tục giảm sút trong thời gian qua đã đẩy nông dân rơi vào thua lỗ.

gia cao su giam - chat lam go
Cao su rớt giá, nhiều người chặt cây bán gỗ. Ảnh: Ngọc An

Bà Nguyễn Thị Hạnh (50 tuổi, ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, gia đình bà có 2 ha cao su 10 năm tuổi. Cây khỏe và cho sản lượng mủ cao nhưng bà chấp nhận bỏ ngỏ, không thu hoạch vì mủ mất giá.

Bà nói: “Khoảng 4 năm nay, giá mủ cao su không ngừng giảm. Hồi đầu năm, giá đang ở mức 10.000 đồng/lít mủ tươi thì nay chỉ còn 4.000 đồng/lít. Với giá này thì thu nhập từ mủ chỉ đủ trả tiền thuê nhân công. Làm không có lãi nên gia đình tôi không mở miệng cây cạo mủ”.

Năm 2010, khi giá mủ đang ở mức cao, 3 ha cao su giúp gia đình ông Hoàng Thanh Hải, ngụ xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) thu về hàng trăm triệu đồng. Xác định cây “vàng trắng” tạo ra nguồn thu ngày càng lớn nên người nông dân 60 tuổi đầu tư tiền bạc mở rộng diện tích.

Vậy nhưng, những gì mà ông Hải thu được lại không như mong đợi. “Thu không bù chi nên tôi không giám đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc. Bây giờ vào vườn cao su như rừng hoang. Dưới vườn cỏ dại mọc um tùm, bên trên, cành mục và cây bị sâu ăn gãy đổ chồng lên nhau”, ông Hải buồn bã nói.

gia mu cao su giam
Giá mủ cao su tươi hiện chỉ đạt 4.000 đồng/lít, thấp kỷ lục trong 5 năm qua. Ảnh: Ngọc An

Theo ông Hải, 3 năm trước, giá mủ khô ở mức 50.000 đồng/kg còn bây giờ chỉ khoảng 18.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, người trồng cao su khó thoát khỏi thua lỗ. Trước thực trạng này, nhiều nông dân quyết định chặt cây để bán gỗ.

“Gỗ cao su được thị trường ưa chuộng, có giá cao và rất dễ bán. Tháng trước, tôi bán 1 ha được gần 300 triệu đồng. Số tiền này giúp tôi tự chủ về kinh phí đầu tư vào trồng mới các loại cây khác”, một nông dân tiết lộ.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai) cho biết, giá cao su thiên nhiên liên tục sụt giảm kể từ tháng 2/2011 và hiện giao dịch ở mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm.

Nguyên nhân là nguồn cung cao su vượt quá nhu cầu và phụ thuộc thị trường thế giới. Hơn nữa, giá mủ cao su năm 2010 ở mức cao nên thu hút nông dân và các doanh nghiệp tăng cường mở rộng diện tích. Hiện nay, những diện tích này bắt đầu vào nhịp thu hoạch thì nhu cầu không như trước.

Cũng theo ông Sinh, mủ cao su sút giá nên xảy ra tình trạng nông dân chặt bỏ. Tuy nhiên, việc chặt bỏ chỉ xảy ra với những vườn già cỗi, sâu bệnh và chưa xảy ra ồ ạt.

Sở NNPTNT Đồng Nai cũng khuyến cáo người dân tiếp tục chăm sóc, nếu không cần thiết thì không cạo mủ để bảo vệ cây và chờ giá tăng trở lại. Nông dân nên thực hiện các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập. Đối với diện tích hết hạn khai thác, sau chặt bỏ nông dân nên trồng loại cây khác có hiệu quả hơn.

>> Đắk Lắk khuyến cáo nông dân không chuyển đổi cao su sang cây trồng khác

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85