(04-11-2015) Nên làm gì khi nghe tin nước bạn mất mùa robusta?

Một nhà kinh doanh kể lại chuyến đi thực địa của mình sang các vùng cà phê Brazil vào tuần trước như sau:

“Trong chuyến công tác tại Brazil vào tuần trước, đâu đâu thiên hạ đều cho rằng mưa đến thời điểm đấy là tốt vì cứu được đợt hoa đầu tiên và độ ẩm tại các vùng cà phê chè arabica đều ở các mức lý tưởng. Nếu như mưa trễ thêm chừng 2 tuần thì chắc tình hình sẽ khác, nhưng ngay tại thời điểm này (tuần trước) rất ít ai tin rằng khô hạn làm hại sản lượng cà phê chè arabica. Riêng vùng cà phê robusta hay người Brazil thường gọi là “conillon” như tại Việt Nam gọi là cà phê “vối” thì khác, chỉ mới có mưa và hình như sẽ gây tác hại trên sản lượng loại này. Nói giống như nông dân ở Indonesia nói hoa “rụng và cháy” cả, thì mấy bữa rày giá trên sàn kỳ hạn cà phê vối robusta London không rớt mạnh cũng muốn báo rằng sắp tới sản lượng robusta sẽ ít hơn.”

Xuất khẩu cà phê vối robusta từ Việt Nam mấy tháng rày cũng hạn chế nên thị trường cũng chẳng dám xuống sâu, dù cho tin đồn vẫn huyên thuyên rằng tồn kho gối vụ còn lớn. Nên, nếu như mới đây giá kỳ hạn London chịu sức ép tâm lý nặng nề thì nay thị trường có kiêng dè hơn do tin hạn hán trên các vùng cà phê vối robusta tại Brazil.

Tuy nhiên, bạn đọc cũng cần lưu ý rằng thông tin sản lượng đôi khi chỉ là bài lừa dư luận để đánh “mặt trận tài chính”, nên hết sức thận trọng vì đôi khi nước cạnh tranh muốn giành lại mạnh thị trường đã bị mất từ tay Việt Nam từ mươi năm nay.

Dữ liệu xuất khẩu cà phê Brazil vừa cho biết xuất khẩu cà phê Brazil trong tháng 10-2015 đạt 3,31 triệu bao, cao hơn so với tháng 9-2015 là 2,92 triệu bao và cũng cao vượt so với cùng kỳ năm 2014 bấy giờ là 3,09 triệu bao. Đây là dẫn chứng hùng hồn nhất mà ta dựa vào đó để đánh giá sản lượng của họ, cao hơn những con số trên các phương tiện thông tin đại chúng họ muốn loan truyền.

Reuters tuần trước cũng báo rằng Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vối sang châu Âu, kể cả Italia là thị trường truyền thống của hột cà phê vối Việt Nam.

Trong khi thông tin chưa được kiểm chứng, nhiều người trên thị trường nội địa đã từng thua đau trong năm vừa qua do quá tin vào các bản tin hạn hán, mất mùa, thiết nghĩ nên thấy được giá là bán một phần sản lượng mình sản xuất ra chứ không nên chờ giá đỉnh vì biết đâu là đỉnh. Bán trừ lùi hay cộng tới, nên tìm cách chốt giá không để chần chờ vì rất khó mà ăn dày đối với người đã cầm hàng của bạn trong tay. Thực ra, người mua không muốn bạn chốt lắm đâu do còn muốn chiếm dụng vốn vì chỉ thanh toán 70% khi giao hàng.

Tính đến hết ngày 27-10, vị thế kinh doanh tổng hợp gồm cả kỳ hạn và quyền chọn của các quỹ đầu cơ trên hai sàn kỳ hạn như sau đều tăng bán ròng:

Sàn Ice New York cho arabica tăng lượng bán ròng lên 13606 lô từ 4489 lô tuần trước, tăng 9117 lô.

Sàn Ice London cho robusta cũng tăng bán ròng thêm 904 lô từ 10906 lô tuần trước đó lên 11810 lô ngày khóa sổ 27-10.

Giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn là 7 trong 10 sàn kỳ hạn nông sản có giá tăng hôm qua. Giá sàn arabica đạt 123.60 cts/lb tăng 1.45 cts/lb trong khi robusta London chốt mức 1645 USD/tấn, tăng 16 USD/tấn. London đóng cửa nằm trên mức khá an toàn. London cần tích lũy ở các mức này để tìm cơ hội tăng.

Dự kiến sàn robusta Ice robusta London tháng 1-2016  mở cửa chiều 4-11 từ giảm khá đến giảm nhẹ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80