Kiểm tra các sai phạm tại Văn phòng Cty Thuận Phong ở Đăk Lăk

Ngày 9/10, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk đến làm việc với Giám đốc Văn phòng đại diện Cty CP Sản xuất & Thương mại Thuận Phong, ở địa chỉ số 66 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột.

Cán bộ Chi cục QLTT Đắk Lắk kiểm tra mặt hàng được giới thiệu là phân bón lá Made in USA.
Cán bộ Chi cục QLTT Đắk Lắk kiểm tra mặt hàng được giới thiệu là phân bón lá Made in USA.

Dù được Sở KH&ĐT Đăk Lăk cấp phép mở văn phòng đại diện từ tháng 8/2013, nhưng tới nay đơn vị này vẫn không đặt bảng hiệu trước cổng. Trong nhà lại để bảng là chi nhánh.

Kết quả làm việc bước đầu cho thấy hoạt động của văn phòng đại diện này lộ rõ nhiều sai phạm về thủ tục hành chính và hàng hóa, nên lãnh đạo Chi cục cho công bố luôn quyết định số 0205707 về kiểm tra hoạt động thương mại của đơn vị này. Quyết định do ông Nguyễn Quốc Tuấn – Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 1 của Chi cục QLTT tỉnh Đăk Lăk ký.

Lập tức,  hàng chục cán bộ nhân viên QLTT được huy động đến tiến hành kiểm kê kho hàng, thu giữ các mặt hàng có dấu hiệu là hàng giả theo Công văn 3645 ngày 30/9/2015 của Bộ KH&CN gửi Văn phòng Chính Phủ.

Ông Lê Quang Thịnh – Giám đốc văn phòng đại diện thừa nhận có biết giấy phép được cấp chỉ là văn phòng đại diện, nhưng đơn vị này vẫn gắn bảng chi nhánh để tiến hành các giao dịch thương mại, là sai. Từ khi địa điểm sản xuất phân bón của Cty Thuận Phong tại Đồng Nai bị đoàn kiểm tra liên ngành công bố các sai phạm vào tháng 4/2015, hoạt động mua bán ở đây đã tạm ngưng, nhưng văn phòng vẫn không gỡ các bảng hiệu chi nhánh, là do “sơ suất của đơn vị”.

Nơi thuê địa điểm mở văn phòng của Cty Thuận Phong tại Đắk Lắk.
Nơi thuê địa điểm mở văn phòng của Cty Thuận Phong tại Đắk Lắk.
Công bố quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của văn phòng đại diện Thuận Phong.
Công bố quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của văn phòng đại diện Thuận Phong.

Chấp hành lệnh khám xét kho hàng của Thanh tra Chi cục, ông Nguyễn Văn Thao-  thủ kho của văn phòng đại diện này đã mở khóa kho hàng rộng mênh mông với nhiều chủng loại hàng hóa.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Trần Nguyễn Đức – Chi cục phó kiêm phụ trách công tác Thanh tra của Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết: Về hàng hóa, Chi cục đã nhận được Công văn 3645 của Bộ KH&CN về việc đề nghị xử lý theo pháp luật các vi phạm của Cty CP Thuận Phong, do Thứ trưởng Trần Việt Thanh ký ngày 30/9/2015 gửi Văn phòng Chính phủ, trong đó xác nhận một số mặt hàng do Cty Thuận Phong sản xuất là hàng giả, sai nhãn mác.

Trước mắt, Chi cục QLTT đã đề nghị ông Lê Quang Thịnh cung cấp toàn bộ hồ sơ thống kê, kiểm đếm hàng hóa cũng như tình hình thực hiện các nghĩa vụ của văn phòng này đối với địa phương.

Ông Đức (áo trắng) cùng thủ kho của Thuận Phong kiểm tra kho hàng.
Ông Đức (áo trắng) cùng thủ kho của Thuận Phong kiểm tra kho hàng.
Thủ kho Thao xác nhận đây là hàng phân bón lá của Cty
Thủ kho Thao xác nhận đây là hàng phân bón lá của Cty

Đối với hàng nhập khẩu, Chi cục yêu cầu cung cấp hồ sơ thủ tục hải quan về nhập hàng vào Việt Nam. Chi cục sẽ đối chiếu với kết luận của Bộ KH&CN xem mặt hàng nào trong kho này của Cty Thuận Phong bị coi là hàng giả để tiến hành thu giữ. Nếu giá trị hàng giả dưới 30 triệu đồng, Chi cục sẽ xử phạt hành chính. Còn hơn 30 triệu, thì Chi cục chuyển vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, đề nghị khởi tố để xử lý đúng theo các quy định của pháp luật.

Cùng ngày hôm qua, ông Lê Công Minh – Chủ tịch HĐQT Cty Thuận Phong đã tới trụ sở báo Tiền Phong khẳng định Cty không sản xuất phân bón giả và trưng ra các giấy tờ để chứng minh. Ông Minh cho biết sẽ xin gặp lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ để khiếu nại về Công văn 3645 của bộ này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nongdan@

    Đến cái tên thương mại của phân giả củng không thấy nêu ra để mọi người còn biết mà tránh.
    Viết báo như vậy tốt hơn là đừng viết.

  2. Nông Cà

    Thời buổi này “đạo đức kinh doanh” là hàng xa xỉ sao?! Làm ăn gian dối, gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì làm sao mà tồn tại được! Pháp luật phải nghiêm minh để buộc họ phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật này.
    Các nhãn sản phẩm hàng giả của công ty cần được cơ quan chức năng thông tin rõ ràng công khai để nông dân biết mà tự bảo vệ mình, tránh các thiệt hại không đáng có, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội!

  3. ngocbmt

    Có một vấn đề còn nổi cộm và sâu rộng cũng như mang tính hệ thống và kéo dài”chương trình cà phê bền vững” mà các dn FDI đang sử dụng như một “công cụ” tại tây nguyên????không thấy ai quan tâm?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90