Cách sử dụng phân vi sinh cho cây cà phê?

Chào bà con cộng đồng Y5Cafe,

Tôi ở Cư M’gar, nhà có 4ha cà phê trồng được cũng hơn 15 năm năng suất ngày càng giảm sút.

Tôi đang định chuyển từ bón phân vô cơ sang tự làm phân vi sinh từ vỏ cà phê, phân bò để giảm chi phí phân bón và cũng góp phần cải tạo lại đất. Tôi có tham khảo khá nhiều bài viết hướng dẫn cách làm phân vi sinh ngay ở trên trang này, và nghĩ mình có  làm được phân vi sinh chất lượng đủ sử dụng cho vườn cà phê nhà mình

Tôi có một thắc mắc muốn nhờ cộng đồng giải đáp giúp cho:

  • Liều lượng phân vi sinh nên bón như thế nào cho hợp lý (trên mỗi ha)?
  • Thời điểm bón có như bón phân vô cơ hay không

Xin cám ơn cộng đồng rất nhiều.

Chúc cộng đồng ngày càng phát triển
Phạm Văn Mười
(Cư M’gar – Đắk Lắk)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Huỳnh Bảo Ngọc

    Chào bạn!
    Về lượng bón: đối với cà phê năm thứ 15 và sử dụng phân vô cơ nhiều năm thì bạn cần bón lượng lớn phân hữu cơ để cải tạo đất từ 7 đến 10 kg/ gốc. Với lượng bón như vậy bạn giảm 30% lượng phân vô cơ. Bên cạnh đó bạn nên bón thêm trung vi lượng.
    Bạn có thể tự sx phân từ vỏ cf, phân chuồng, than bùn sẽ giảm chi phí đáng kể( bằng 30% so với mua phân bón).
    Thời điểm bón: vào đầu mùa mưa.
    Cách bón: rạch rảnh sâu khoảng 15cm xung quanh theo tán lá. Bón xong nên lấp bằng đất hoặc cỏ, lá khô.
    Chúc bạn thành công.

  2. Đỗ Đình Ngọc Vũ

    Bạn thân mến! Bạn ủ phân vi sinh nên trộn thêm ít đất đỏ để phân mục tốt hơn, nếu đảo và ủ phân đạt tiêu chuẩn là phân phải thành dạng như bột gạo ấy. Bỏ toàn bộ phân vi sinh vào đầu mùa mưa là tốt nhất, khi bỏ thì rải đều theo mép bồn dưới cây cà phê sao cho tiếp xúc mặt đất càng nhiều càng tốt. Vì nếu làm rãnh bỏ như vậy thì tốn công lắm (thà tiền công mình mua thêm phân thì hiệu quả nhiều hơn), song hiệu quả thì chẳng khả quan, mắt một năm sau thì cây mới phát triển được (do tổn thương khi bị chặt rễ, nếu không thì rễ cũng chưa kịp ra để hấp thu phân).
    Nếu bạn bỏ phân vi sinh nhiều thì tốt, còn không thì bạn nên bỏ thêm phân hóa học miễn làm sau chi phí bạn bỏ ra để mua phân bón (không tính tiền công) là 30 triệu/ha là được (để đạt năng suất đều đều 6.5 tấn nhân khô/ha trong điều kiện làm cành và tưới hợp lí_hiệu quả).
    Mình đề nghị bạn nên bỏ thêm mỗi cậy 2 Kg phân lân Văn điển, bỏ đều quanh mép bồn làm hai đợt, đầu và cuối màu mưa, không bỏ vào gốc nhé (sẽ rất hại cây vì bị bệnh đó, như vậy vườn bạn sẽ phát triển rất tốt đó, mà phân lân lại rẻ.

  3. Hoà Bình

    Theo như mô tả trên đây thì bác Mười đang có ý định làm phân hữu cơ (compost) từ vỏ cà phê, có khác là bác hoà men vi sinh và tưới vào đống ủ để đẩy nhanh quá trình phân huỷ xen-lu-lô của vỏ cà phê. Sau khi ủ xong thì hầu như các vi sinh vật cũng không còn sau quá trình nhiệt độ tăng cao bên trong đống ủ. Tuy nhiên, khi đã nguội thì vi sinh vật tự nhiên sẽ xâm nhập và phát triển.

    Cách làm thì bác có thể tìm trên mạng hoặc ra trạm khuyến nông xã Cư Mgar để hỏi.

    Cách bón thì bác có thể bón như bón phân hữu cơ, tức là đào rãnh ở một bên bồn để bón vào đầu mùa mưa. Lúc này trái còn nhỏ nên sẽ không bị ảnh hưởng. Bón phân hữu cơ thì cần phải chôn lấp thì mới có tác dụng. Khi chôn lấp, các vi sinh vật sẽ hoạt động làm cho đất tơi xốp (đất tơi xốp sẽ tạo điều kiện tốt cho hệ thống rễ phát triển để hút dinh dưỡng thuận lợi, nhất là trong các giai đoạn trái phát triển), trong khi các hạt mùn cũng góp phần lưu giữ lượng phân hoá học làm giảm quá trình rửa trôi hoặc bốc hơi. Bón chôn lấp sẽ tốn công nhưng có tác dụng lâu bền và hiệu quả.

    Đối với phân hữu cơ, bác không nên bón trên mặt bồn. Nếu bón trên mặt bồn mà gặp nắng và gió thì các vi sinh vật sẽ chết, gây ra hiện tượng đốt cháy hữu cơ (Nó có thể nhẹ và bay như bụi chỉ qua một mùa nắng gió) và không có tác dụng làm tơi xốp đất.

    1. Nguyễn Công

      tôi rất thích câu trả lời của bác. Đúng vậy phân vi sinh xử lý ( phân tự sx của bà con nông dân ) bón như bác Thái Bình là đúng rồi. Vậy còn phân vi sinh xử lý Vd như HQ8 thì ta nên bón ntn là tốt nhất ? thân!

  4. đỗ tiến hạnh

    Cách làm phân bác đã biết. Còn bón thế nào thì tùy vào năng lực, theo tôi đối với phân hữu cơ cho cây trồng thì càng nhiều càng tốt. Vì cây ăn của đất đã 15 năm nay còn gì, 7-10kg thấm tháp vào đâu. Điều lưu ý là phải chôn lấp kỹ và khi bón nó cần phải cho nó ăn thêm đạm ( u rê ) để con vi sinh có sức để đẻ. Còn muốn đạt sản lựong cao cần có nhiều yếu tố ( nước – giống – công – đặc biệt là kỹ thuật một cách khoa học).

  5. Hoà Bình

    Cảm ơn câu hỏi của Bác Công.

    HQ8 là phân vi sinh. Người ta gọi là phân hữu cơ vi sinh vì trong bao phân vi sinh có môi trường hữu cơ và ẩm độ phù hợp để các vi sinh vật có thể sống được.

    Mục đích bón phân vi sinh là cung cấp một lượng lớn vi sinh vật (khoảng 1 triệu CFU/gram) vào trong đất (chứ không phải là mục đích cung cấp dinh dưỡng cho cây). Do vậy, thông thường chỉ cần bón khoảng 2kg/gốc là đủ (2kg = 2000g; 2000g x 1triệu CFU = 2 tỷ CFU/gốc).

    Các vi sinh vật có trong phân vi sinh thường là các vi sinh vật cố định đạm (Azotobacter), vi sinh vật phân giải lân (bacillus), vi sinh vật phân huỷ chất hữu cơ và ức chế sự gây hại của nấm bệnh (Trichoderma).

    Nên bón vào đầu mùa mưa và chôn lấp để vi sinh vật có môi trường ẩm độ và điều kiện thuận lợi để phát triển. Bón riêng hoặc bón với phân hữu cơ hoai mục. Không được trộn chung với phân hoá học.

    Bón phân hữu cơ và vô cơ bình thường để các vi sinh vật phát huy tác dụng.

  6. pham thanh liem

    Chào bác! Bón phân vi sinh đi mua thừơng bón 2-3kg, phân mình tự ủ thừơng chất lượng kém hơn nên bón 10kg cho 1 cây, nhiều hơn càng tốt. Thời gian bón: đầu mùa mưa sau khi bón phân hoá học đợt 1 sau 20 ngày cho đến khi kết thúc mùa mưa 2 tháng. Cách bón: Bác đào 1 rãnh rộng 20cm, sâu 40cm, dài 1m cạnh hố. Sau đó bác cào hết lá cà phê, cỏ rác xuống rồi đổ phân xuống rồi lấp đất lại. Mỗi năm bác làm 1 đừơng như vây cà phê ra rễ mới nên bộ rễ luôn trẻ khoẻ. Bây giờ có máy làm bồn cà phê nên cũng đỡ tốn công hơn.

    1. nguyenngoc_tran

      Tôi đồng ý với những chia sẻ của bác Hòa Bình nhưng không đồng ý với bác rằng chất lượng phân tự ủ của nông dân kém hơn, tôi đã đi nhiều nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh rồi, có chăng chỉ là họ bổ sung các yếu tố đa, trung, vi lượng, còn mình thì không nhưng mình sẽ bổ sung bằng cách bón gốc, phun qua lá (vì nếu trộn thủ công thì không đều được).
      Giá thành sản phẩm của mình rẻ thì mình bón nhiều, đơn giản vậy thôi.

  7. dilinh.caphe

    hiện nay trên thị trường có loai phân hữu cơ 4-3-3-(65 hc) mình cũng dùng thử 2 năm nay bón khoảng 1,5kg/cay thấy vườn cũng xanh, loại phân này tuy co đắt hơn là tự ủ phân cộng với vỏ caphe nhưng bù lại ít tốn công hơn.

    1. Nguyễn Vịnh

      Chào bà con. Do phần lớn phân hữu cơ có lượng dinh dưỡng không cao, nhất là chất đa lượng, tác động lên cây trồng chậm không rõ rệt như mong muốn của nhà vườn, nên nhà sản xuất bổ sung thêm một lượng phân hóa học nhất định. Dòng phân này trên thị trường có tên gọi chung là PHÂN HỮU CƠ KHOÁNG.
      Khi sử dụng, bà con cần chú ý vào hàm lượng được công bố để điều chỉnh, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cây.
      Thân

  8. Nguyễn Văn Đông

    Chào bạn Mười.
    Với vườn Cà phê của bạn, để đạt được hiệu quả mong muốn bạn nên bón phân Hữu cơ Vi sinh như sau:
    1- Yêu cầu về phân hữu cơ Vi sinh
    – Hàm lượng hữu cơ: 30%
    – Hàm lượng vi sinh (Azotobacter spp; Bacillussp; Trichoderma sp): 1 triệu Cfu/g
    – Acid Humic: Trên 3%
    – Các chất đa lượng (N, P2O5; K2O): 0,5- 3-0,5 %
    – Các chất trung lượng (Ca, Mg; Si; S): 10%
    – Các chất vi lượng (Cu, Zn, Fe, Mn, Mo; Bo): 2.000 mg/kg
    – pH trung tính
    2- Liều lượng và thời gian bón
    – Đầu mùa mưa bón 5-7kg/gốc
    – Cuối mùa mưa bón từ 3-5kg/gốc
    Trước khi bón nhớ rạch rãnh, hoặc cào lớp lá cỏ quanh gốc sau khi bón xong cào lấp lại. Bón khi đất có đủ độ ẩm, và nhớ tưới nước nếu trời không mưa.
    Với lượng bón như trên thì bạn chỉ cần bổ sung mỗi gốc 0,5 kg Urea và 0,5kg Kali, chia làm 2 – 3 lần, lần 1 sau khi bón phân hữu cơ 10 đến 15 ngày.
    Với cách bón như trên chắc chắn bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền, điều quan trọng là vườn Cà Phê của bạn sẽ phát triển rất tốt: Cây khoẻ nhiều nhánh, lá dày xanh mượt, hạn chế sâu bệnh đậu trái nhiều chất lượng hạt tốt.

  9. phuhongvan

    Em rất phân vân, có bác thì bảo phân này bón trên mặt thì tốt,lại có bác bảo phải đào rãnh bón mói tốt. Vậy cho em hỏi cách nào mới thật sự là tốt?

    1. nguyenngoc_tran

      Đào rãnh bác ạ, nhưng chỉ đào một phía, lần sâu đào tiếp sang phía khác, cứ xoay dần quanh tán cà phê qua nhiều năm, chứ làm 1 lần như bác Bảo Ngọc thì tốn kém, đồng thời bộ rễ bị tổn thương nhiều.
      Tôi thì không có đk áp dụng đồng loạt, chỉ làm từng diện tích, số còn lại thì bón vào đợt tưới cuối cùng, tưới dí cho phân tan và ngấm vào đất.

  10. lý hiếu

    Các bác cho em hỏi em mua phân gà xử lý, phân này bỏ gốc 2-3kg phải công nhân là tốt thật, cà xanh cành mập, đất tơi xốp nhưng ko thấy nó ghi có nấm tritro, basilus, với nấm cố định đạm mà chỉ có vi khuẩn salmonella, vk e.coli 11×10^3 ko biết 2 loại vk này có tác dụng ntn mong các bác chỉ dùm với.

    1. nguyenngoc_tran

      Đây là 2 loại vi khuẩn gây bệnh trên gia cầm, gia súc (nhiều hơn ở gà, heo, cút,…) chắc bác đọc nhầm hoặc chỉ số đó ở ngưỡng cho phép.

  11. NGUYỄN ĐĂC NHÀN

    Xin chào các Bác !
    Tôi xin chia sẻ một phần về bón phân vi sinh từ vỏ cà phê. Cách 5 năm trở lại đây tôi luôn dùng để bón cho cà phê và cách bón và cách chăm sóc của tôi cũng khá đơn giản. Đầu mùa mưa tôi phun một đợt thuốc trừ sâu, nếu mật độ rầy rệp nhiều thì tôi xịt lần 2. Sau thời gian cách ly thuốc xong tôi xịt một đợt sun phát đồng còn gọi là bốc đô. Vào cuối tháng tư đầu tháng 5 tôi bón phân hóa học một cây 500g một cây để cho cây phục hồi và phát triển rễ mạnh rồi tôi mới bón phân vi sinh được ủ từ vỏ cà phê. Cách bón của tôi không cần làm hố để lấp phân tôi bón vào bồn cây cách gốc khõang 40cm vì lúc này cây đang thời kỳ ra rễ mới sau môt mùa khô khăc nghiệt và là lúc quan trọng để nuôi trái non nên tôi không phạm bộ rễ của cây nhất là tư 13 năm trở lên. Lúc này cây nuôi trái nhiều nên tôi tuyệt đối không phạm rễ, về luợng bón thì tôi bón một cây 15/20 kg. Còn phân hóa học thì một năm tôi vẫn bón 3 lần phân hóa học có bổ sung trung vi lượng. Tôi đã dùng phân vi sinh ủ từ vỏ cà phê rất hiệu quả giảm chi phí về phân bón và thuốc BVTV mà tăng năng suất cây trồng rất ổn định đạt bình quân 5.3 kg nhân 1 cây năm, trên là vài chia sẻ của tôi.

    1. nguyễn mạnh hà

      Xin chào bác Nhàn! bác cho em hỏi, theo như cách bác làm thì đó là chăm sóc mùa khô. Còn khi tưới nước lần đầu, vào thời điểm ép bông, và những lần tưới sau đó, trong mùa khô có cần bón phân hay không. Hay cứ để như thế rồi đến mùa mưa bón phân một thể? thân bác.

  12. NGUYỄN ĐĂC NHÀN

    Chào @nguyễn mạnh hà. Cây cà phê lần tưới nước đầu rất quan trọng để cây phục hồi sau thu hoạch, lại tiếp tục vụ mới để đạt năng suất. Bạn nên bón phân NPK có đa trung vi lượng để ra hoa đậu trái tốt hơn. Cây cà phê mùa khô chỉ bón 3/5 lượng NPK là được không nên bón quá nhiều thì hiệu quả cũng không cao, khi bạn tưới lần 3 nên bón lân Văn Điển cho cây. Chúc bạn thành công và hôm nay tôi mới đọc câu hỏi của bạn tôi rất vui .

    1. Le hà

      Tôi mới làm càfe, vườn cà gần 20 năm nên có nhiều bối rối. Nhờ bác chỉ giúp kinh nghiêm. Đát bồn cà chai cứng quá, đất vàng gan gà, muốn đất tơi xốp thì nên làm sao và ở thời điểm nào thích hợp. Tôi muốn xăm quanh mép bồn nhung sợ đụng rễ trái rụng nhiều. Rồi cắt cành cà phê, nhũng cành dài vẫn còn cho quả bấm đuôi én vào lúc nào là tốt hả bác. Ngay lúc mình cắt cành sau thu hoạch hay đọi đến mùa mưa. Nhờ bác tư vấn cảm ơn bác nhiều ạ.

  13. nhàn đắc

    Chào bạn @le ha. Đối với vườn cà phê 20 năm của bạn cần quan sát vươn cây ,vì ở thơi điểm này cây cũng đã già nếu không chăm sóc tốt cây sẻ giảm năng suất.Những cây già chết nhiều cành cần thay cây mới, bạn cần nhổ và đào hố sâu 65 rỗng 80 rồi phơi nắng một thời gian mới xử lý vôi bột cho phân chuồng có ủ trichodecrma ủ hoai và 500g lân văn điển trộn đều để hai tuần mới trồng. Bồn cứng thời điểm này đang mưa ít, chưa cuốc bồn được sẻ ảnh hưởng cây .Vườn cây xanh tốt bạn không cần xăm và cũng không cần đào hố ,cây nào không có bồn thì cần ve bồn để bón phân không bị rửa trôi. Nếu vườn cây kém phát triển mới dùng biện pháp xăm bồn ,và xăm cách gốc 50 cm vào thời điểm đã vào mùa mưa rồi bạn nhé .Bấm đuôi én thời điểm này bạn có thể bấm được khi bấm bạn bấm chỉ chừa một cặp cành thôi không nên chừa nhiều, nên bấm cành này định kỳ. Chúc bạn thành công và bạn có thể nêu tình trạng vườn cây để mọi người chia sẻ thêm thân.

    1. Le ha

      Bác Nhàn kính mến. Thật vui khi nhận được phản hồi thiết thực của Bác. Cảm ơn Bác nhiều lắm. Những kinh nghiệm về bón phân của Bác cũng thật hữu ích.Thời gian qua tôi cũng có áp dụng vào vườn cây của gia đình bác ạ. Nhưng chưa có kinh nghiêm nên nhiều khi bối rối trước sự phát sinh các hiện tượng vườn cây mới. Vừa rồi mưa nhiều nên nhiều cây cà bị vàng lá, bón phân kích rễ nhưng cành không phát được. Một số cây đương xanh tốt bỗng dưng héo chết rũ. Vùng của bác có hiện tượng đó không . Những luồng có nước chảy bị đã đành những cây ở chỗ cao ráo bình thường cũng bị bác ạ. Thời gian qua những cây cà chết trồng lại không làm được như chỉ dẫn của bác lên tốt khoảng tầm 1,5 năm cũng chết bác ạ. Nếu bỏ phân hữu cơ trồng mới thì nên chọn phân gà hay heo hở bác. Ngày mới làm phiền bác chú nhé. Chúc bác và gia đình luôn vui, khỏe thành công. Rất mong được bác chỉ truyền thêm về kinh nghiệm ạ. Chào bác.

      1. Nguyễn Vịnh

        @Le ha
        1. Vườn cây lâu năm, tích lũy nhiều nấm bệnh, tuyến trùng, cần xử lý phù hợp. Nếu không, trồng lại bao nhiêu cũng chết !
        2. Cải tạo phần nền hữu cơ. Chú ý tăng cường các loại phân hữu cơ tự ủ hoai hoặc phân vi sinh có chất lượng.
        Thân

  14. Lê Hà

    Chào Bác Vịnh ạ. Thật vui khi được Bác góp ý . Năm rồi nhờ có chỉ dẫn trị bệnh cây caphe của bác mà dịch bệnh trong vườn tạm thời ổn định lại bác ạ. Bác ơi bác có thể tư vấn hiện giờ phân vi sinh nào là tốt nhất hả bác. Chúc Bác và gia đình khỏe vui ạ.

  15. Le hà

    Hay quá bác ơi. Vườn nhà tôi cũng đi theo hướng này. Nếu dùng thuốc này phun cả đất và cây chắc tốt bác nhỉ. Bác ơi loại phân và thuốc này có loại nào phun xịt cỏ hiệu quả mà không độc hại không bác. Vườn nhà toàn đánh cỏ bằng máy mất công và tốn kém quá bác a. Nếu bác có giải pháp nào bác chỉ giúp với ạ. Những chỉ dẫn của bác thật tuyệt vời. Cảm ơn bác nhiều lắm ạ. Chúc bác và gia đình luôn vui khỏe ạ.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90