Thị trường cà phê tuần 39 (21/09 – 26/09/2015)

Trong tuần 39, giá cà phê Robusta tăng 40 USD/tấn, tương đương tăng 2,57 %, giá cà phê nhân xô tăng 800 đồng/kg, tương đương tăng 2,29 %, trong khi giá cà phê Arabica tăng 4,35 cent/lb, tức tăng 3,68 %, mức tăng nhiều nhất.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11/2015 tuần 39 (21/9 – 26/9/2015)
Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11/2015 tuần 39 (21/9 – 26/9/2015)

Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới tiếp nối đà tăng trên cả hai sàn giao dịch kỳ hạn.

Trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 30 USD, tương đương tăng 1,92 %, lên 1.596 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2016 tăng thêm 36 USD, tương đương tăng 2,3 %, lên 1.603 USD/tấn, và kỳ hạn giao tháng 3/2016 tăng thêm 39 USD, tương đương tăng 2,47 %, lên 1.618 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tương tự, trên sàn kỳ hạn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 4,4 cent, tức tăng 3,72 %, lên 122,7 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 3/2016 cũng tăng thêm 4,4 cent, tức tăng 3,62 %, lên 125,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2016 tăng thêm 4,3 cent, tức tăng 3,48 %, lên 127,95 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 600 đồng, lên ở mức 35.400 – 36.100 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, lên ở mức 1.656 USD/tấn, FOB – HCM, duy trì mức chênh lệch cộng 50 – 60 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 40 USD/tấn, tương đương tăng 2,57 %, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 800 đồng/kg, tương đương tăng 2,29 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 4,35 cent/lb, tức tăng 3,68 %, mức tăng nhiều nhất.

Động thái tích cực của chính phủ Brasil nhằm giải cứu đồng Reais thoát khỏi mức thấp kỷ lục đã giúp giá cà phê bật tăng trở lại một cách ngoạn mục. Bên cạnh là sự chững lại của USD trong rổ tiền tệ, trước phản ứng của cộng đồng quốc tế về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa tăng lãi suất USD đã khiến thị trường toàn cầu phải luôn trong trạng thái phập phồng, bất ổn, hứa hẹn FED sẽ có quyết tâm rõ rệt hơn trong phiên họp chính sách kỳ tới.

Nông dân Brasil đã bán hàng chậm lại vì đồng nội tệ mất giá quá nhanh hay lượng hàng vụ mới nay không còn dồi dào vì mất mùa (?). Colombia cũng rơi vào hoàn cảnh đồng Peso mất giá trương tự trong khi thu hoạch vụ mới theo Liên đoàn Cà phê Quốc gia (Fedecafe) dự báo sẽ tăng thêm 10% lên 13,7 triệu bao.

Theo thống kê thương mại của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê thế giới trong 10 tháng đầu niên vụ cà phê 2014/2015 đã giảm tới 2,8% so với cùng kỳ nên vụ trước, trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do sự kháng giá tại thị trường nội địa và xuất khẩu của Brasil tăng kỷ lục.

Theo báo cáo của Cơ quan Cung ứng và dự báo thuộc bộ Nông nghiệp Brasil (CONAB), nhờ vào lượng hàng tồn của hai mùa trước nên xuất khẩu trong vòng 12 tháng (tháng 4/2014 –  3/2015) , đã lên tới 36,9 triệu bao và từ đó đến nay vẫn duy trì mức xuất khẩu cao do đồng Reais mất giá, mặc dù CONAB cũng đã dự báo sản lượng niên vụ 2014/2015 chỉ khoảng 45,3 triệu bao, dành cho nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 21 triệu bao.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp&PTNT Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 9/2015 ước đạt 81 nghìn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 lên ước đạt 961 nghìn tấn với tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2.054 USD/tấn, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường vẫn tiếp tục suy đoán áp lực bán hàng tồn vụ cũ lẫn vụ mới ở Việt Nam sẽ không hề nhỏ. Trong khi Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo thu hoạch vụ tới sẽ giảm hơn 20% so với kế hoạch và đây là vụ thứ ba liên tiếp mất mùa cà phê, trái với dự đoán của giới thương nhân quốc tế cho rằng vụ tới Việt Nam sẽ đạt mức kỳ vọng và là năm thứ ba liên tiếp được mùa… Vậy thì chưa tính con số sắp thu hoạch, lượng hàng tồn của Việt Nam sẽ là bao nhiêu ?! Chắc chắn sẽ không có câu trả lời chính thức, nhưng đầu cơ trên các thị trường cà phê sẽ đưa ra những toan tính gì vào lúc này?

Anh Văn (giacaphe.com

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tân BL

    Theo tôi thấy trong vài năm gần đây sản lượng cà phê VN giảm là một thực tế. Do thời tiết khô hạn, vườn cây già cỗi và số diện tích tái canh ngày càng nhiều…
    Nhưng không hiểu sao các Cty FDI đi khảo sát rồi công bố liên tục được mùa, thậm chí năm sau cao hơn năm trước mà không thấy giảm xuống.
    Có thể đây là chiêu trò để ép giảm giá mua cà phê tại thị trường nội địa chăng? vì bây giờ DN FDI đã được quyền mua rồi kể từ khi dự thảo TT 08/13 không được áp dụng. Trong khi DN VN làm ăn ngày càng bết bát, nhất là sau vụ hoàn thuế, bỏ thuế VAT nên không còn “mánh” nữa !

    1. Hoàng vina

      Về tiềm và lực doanh nghiệp nội làm sao cạnh tranh nổi trong cuộc chiến không cân sức với doanh nghiệp ngoại. Thua là phải !
      Nhưng nông dân mới là người phải gánh chịu hậu quả lớn nhất nếu giá giảm.

  2. ĐUC KON TUM

    Không những mất mùa mà năm tới khả năng thiếu nước trầm trọng, cà phê có thể chết cháy nếu như tình hình mưa ít như hiện nay.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88