Tin buồn

Kiến nghị giao đất về địa phương

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm trưởng đoàn thanh tra

Người nhận khoán vườn cà phê của các công ty cà phê phải nộp hơn chục khoản thu, trong đó có nhiều khoản thu vô lý Ảnh: Cao Nguyên
Người nhận khoán vườn cà phê của các công ty cà phê phải nộp hơn chục khoản thu, trong đó có nhiều khoản thu vô lý Ảnh: Cao Nguyên

Phóng viên: Thưa ông, sau khi công bố quyết định thanh tra, đoàn thanh tra tiếp tục nhận được đơn khiếu nại, tố cáo bổ sung của người dân về việc lạm thu của các công ty cà phê, vậy hướng xử lý thế nào?

– Ông Nguyễn Ngọc Anh: Thanh tra bộ đã tiếp nhận thêm một số nội dung người dân khiếu nại, tố cáo. Hiện chúng tôi đang làm báo cáo với bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để trả lời đơn của người dân vì theo quy định, chúng tôi không thể thực hiện việc thanh tra lại mà thẩm quyền thuộc về Thanh tra Chính phủ.

Người dân gửi đơn tố cáo đoàn thanh tra của Bộ NN-PTNT đã bỏ sót một số nội dung mà họ khiếu nại và cố tình bao che sai phạm cho các công ty cà phê, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

– Mặc dù đoàn thanh tra chỉ thanh tra các công ty cà phê ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk nhưng nó mang tính phổ quát, vì thế chúng tôi hết sức cẩn thận khi đưa ra kết luận. Chúng tôi làm vô tư, khách quan, không thiên về bên nào như người dân phản ánh.

Thực ra, nguyện vọng chính của người dân là đề nghị trả đất về địa phương để cấp quyền sử dụng đất cho họ, trong khi chúng tôi chỉ thanh tra những khoản thu không hợp lý của các công ty cà phê nên người dân nói bỏ sót. Người dân phản ánh họ đầu tư 100% vốn để trồng, chăm sóc vườn cây thì chúng tôi cũng kết luận như vậy nhưng trong cơ cấu giá thành của một sản phẩm thì có đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Đối với diện tích cà phê người dân tự đầu tư quy định thu 8,3% thì các công ty cũng chỉ thu trong khoảng đó.

Kết quả thanh tra cũng chỉ ra nhiều khoản thu bất hợp lý như người dân phản ánh, thưa ông?

– Đúng vậy. Chúng tôi đã chỉ ra một số khoản thu bất hợp lý như hộ liên kết, không phải là công nhân của công ty, không đóng bảo hiểm nhưng vẫn phải nộp khoản tiền tàu xe nghỉ phép cho cán bộ công ty. Hay một số tài sản không phục vụ mục đích sản xuất nhưng vẫn buộc người dân đóng khấu hao tài sản là bất hợp lý. Do đó, chúng tôi kiến nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và các công ty rà soát lại tất cả khoản thu, khoản nào không hợp lý thì loại bỏ để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Theo ông nói thì kết luận thanh tra là hoàn toàn chính xác, vậy vì sao lúc công bố, người dân lại phản ứng đến vậy?

– Trước khi có kết luận thanh tra, người dân đã ra Hà Nội và chúng tôi sắp xếp cho họ làm việc trực tiếp với bộ trưởng Bộ NN-PTNT, khi đó đại diện các hộ dân đã thống nhất nội dung của kết luận thanh tra. Tại buổi thông báo kết luận thanh tra, mặc dù chúng tôi mời 16 người đại diện nhưng có hơn 600 người tới nghe, chúng tôi cũng bất ngờ vì sao trước đó họ đồng ý nhưng khi thông báo lại phản đối đến vậy.

Thanh tra Bộ NN-PTNT đã có những kiến nghị gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thưa ông?

– Chúng tôi đã kiến nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các công ty trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có thiếu sót, khuyết điểm. Kiểm tra, rà soát lại phương án khoán và các hợp đồng giao nhận khoán vườn cây bảo đảm thực hiện việc giao khoán đúng pháp luật. Kiến nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm.

Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ, Thông tư số 02/2015/TT-BNNPTNT ngày 27-1-2015 của bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phải chỉ đạo xây dựng đề án và phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty cà phê. Cụ thể, đối với các công ty có diện tích đất khoán trắng theo quy định tại khoản 1 điều 2 Nghị định 118/2014/NĐ-CP (vườn cây các hộ nhận khoán tự đầu tư trực tiếp 100%) thì không tiếp tục giữ lại mà bàn giao về địa phương theo quy định tại điều 15 Nghị định 118. Sắp tới, thứ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với tỉnh Đắk Lắk, trong đó có nội dung thực hiện nghị quyết, nghị định nói trên.

Ảnh hưởng đến trật tự địa phương

Đại tá Phan Văn Được, Vụ trưởng Vụ An ninh – Quốc phòng – Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết tình hình khiếu nại, khiếu kiện của các hộ dân nhận khoán cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra 5-6 năm nay. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã làm việc với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đề nghị xử lý dứt điểm việc khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Sau khi Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố kết luận thanh tra thì người dân không đồng tình, chắc chắn sẽ tiếp diễn việc khiếu kiện, khiếu nại.

Diễn biến vụ việc

Vào những năm 2000, phần lớn diện tích cà phê của 6 công ty cà phê (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) trên địa bàn huyện Cư Kuin bị chết do không được chăm sóc, đất đai bỏ hoang nên người dân tự đầu tư 100% vốn để trồng, chăm sóc. Khi vườn cà phê bắt đầu cho thu hoạch thì các công ty buộc người dân ký hợp đồng giao khoán. Nhận thấy các công ty không đầu tư tiền, công sức trong khi trong hợp đồng lại ghi vườn cây của công ty trồng và đặt ra nhiều khoản thu vô lý nên hàng trăm hộ khiếu nại, khiếu kiện.

Tháng 3-2012, tỉnh Đắk Lắk thành lập đoàn thanh tra nhưng sau khi công bố kết luận, người dân không đồng tình. Tháng 12-2013, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vào tiếp xúc cử tri tại xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin và tiếp thu ý kiến của người dân. Sau đó, Bộ NN-PTNT thành lập đoàn thanh tra đối với 6 công ty cà phê nói trên. Ngày 11-8-2015, Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố quyết định thanh tra, nêu ra một số sai phạm của các công ty cà phê nhưng người dân vẫn chưa đồng tình.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ho nam

    Các khoản công ty thu tính theo diện tích chứ không phân biệt công nhân hay là liên kết!
    Việc các cơ quan chức năng về thanh tra là đã đáp ứng phần nào nguyện vọng của người dân từ lâu nay!
    Giao đất về cho địa phương quản lý là biện pháp hợp tình và hợp lý. Người dân đang mong các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh gọn, ổn thỏa để yên tâm sản xuất!

  2. ĐỒNG CẢNH NGỘ

    HÃY giải thể các công ty cà phê làm khổ dân và cả công ty cf Buôn Ma Thuuột nữa. Các CTy CF này để cũng không có lợi gì cho dân.
    Giao đất về cho địa phương quản lý là hợp thời, hợp lý, hợp lòng dân !

  3. Nguyễn Thanh Vinh

    Đất của ai?
    Nếu bạn đóng vai Công ty cà phê. Bạn lên Tây Nguyên theo chương trình khai hoang làm kinh tế mới của Đảng và Nhà nước (giờ thì gọi là phá rừng). Bạn bỏ bao nhiêu tiền ra đầu tư mới biến đất rừng hoang thành nông trường cà phê. Bạn tuyển bao nhiêu công nhân tay không, nghề ngỗng không có từ miền Bắc vào. Dạy họ cách làm cà phê, trả lương cho họ. Họ làm không ra gì, bỏ bê cà phê chết dần chết mòn. Bạn không quản lý nổi kết quả công việc của họ thế là bạn chuyển qua khoán diện tích thu sản phẩm. Giờ họ lại muốn bạn trả đất lại cho địa phương để sở hữu luôn diện tích đất đã nhận khoán. Bạn thấy công bằng không?

    1. thinvd4

      bạn nói đúng nhưng mà thời lượng khai hoang củng đả hết các ct thu phí củng đả qóa lâu cung nên giải thể là được rồi cho dân hưởng lợi chút đỉnh để người trồng cà phê theo kịp thời thế chú bạn

  4. Meo Beo

    Đâu phải chỉ có các công ty của tỉnh Đăklăk mà các tỉnh có các nông trường (cũ ) thuộc bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ấy, bây giờ các nông trường ấy đã đổi tên thành công ty cà phê tren địa bàn tây nguyên thì coi nhưu đang là con nợ của các Ngân hàng , càng để càng nợ, có thanh lý hết các lô cà già cỗi ấy đi cũng không đủ tiền lãi mẹ đẻ lãi con. Nhưng sao các đời giám đốc của các công ty này tôi thấy rất giàu, nhưng nợ công thì nhiều thế không biết.

    1. ĐUC KT

      @ Meo Beo nói rất chính, vì cái kiểu khoán theo “phát canh thu tô” như hiện nay thì cán bộ không giàu mới lạ. Chỉ có người nhận khoán là chịu thiệt vì phải gồng mình gánh nợ trên vườn cây già cỗi của mình .Ở tôi mấy ông còn xin Tổng CTy giao khoán thêm 2 năm kiểu này mà không chịu Cổ Phần hóa, chắc người dân còn “dài răng” mới được như ý muốn. Cà phê bây giờ đã bước sang năm thứ 33.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84