“Biến” rác thành phân bón

phan-vi-sinh
Ủ phân vi sinh (Hình minh họa)

Loay hoay với đống rơm mới được chở từ ruộng về, anh Y Tức Mlô ở buôn Ea Pal, xã Cư Ni (huyện Ea Ca, tỉnh Ðắc Lắc) vui vẻ cho biết: Mình đang chuẩn bị nguyên liệu để làm phân vi sinh.

Trước đây, bà con mình toàn ra cửa hàng mua phân về bón cho lúa, cà-phê, còn những thứ này nhà mình đốt bỏ. Bây giờ được cán bộ cho đi tập huấn, chỉ cho cách làm, bà con trong buôn đã biết dùng vỏ cà-phê, rơm, cùi ngô… để làm phân vi sinh bón cho lúa, cà-phê tốt lại ít sâu bệnh nữa. Hiện nhà anh Y Tức có ba sào lúa nước, 10 con bò, với lượng nguyên liệu sẵn có đã cho anh làm ra số lượng phân bón đủ đầu tư cho diện tích cây trồng của gia đình.

Cùng niềm vui đó, chị Trần Thị Hải (thôn 23, xã Cư Ni) tâm sự: Vừa rồi làm thử nghiệm thành công một tấn phân vi sinh tôi mừng lắm, đem bón lót cho cây điều, ca-cao thấy cây phát triển tốt. Việc tự làm phân bón vi sinh tại nhà không những giúp tôi tận dụng, xử lý những phụ, phế phẩm nông nghiệp một cách khoa học mà còn giúp tôi tiết kiệm được hàng chục triệu đồng. Gia đình chị có 1,5 ha điều và ca-cao, phải tốn đến ba tấn phân vi sinh mới bón đủ. Mỗi năm gia đình phải bỏ ra hơn sáu triệu đồng để mua phân vi sinh, trước đây chị cũng như nhiều người dân khác chỉ ủ phân theo cách truyền thống, hoặc bón trực tiếp cho cây trồng nên hiệu quả mang lại không cao.

Ðể nhân rộng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật này trong sản xuất phân vi sinh cho nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ea Ca tổ chức tập huấn và hướng dẫn thực hành quy trình làm phân bón vi sinh từ các nguyên liệu bỏ đi như: rơm rạ, vỏ cà-phê, thân ngô, bẹ ngô, cùi ngô… Nhiều hộ còn tự tìm hiểu và tận thu tất cả các phụ, phế phẩm nông nghiệp đem về nhà để ủ phân, từ đó họ thay đổi cách ủ phân truyền thống chuyển sang ủ phân theo quy trình công nghệ đã được hướng dẫn.

Theo tính toán của các hộ nông dân làm phân vi sinh, chỉ cần bỏ một khoản chi phí gần 700 nghìn đồng thì sẽ làm ra được một tấn phân vi sinh với hàm lượng dinh dưỡng cao, trong khi đó nếu mua một tấn phân với giá hiện nay phải mất từ hai  đến gần ba triệu đồng mà hàm lượng dinh dưỡng chưa hẳn đã bằng. Như vậy, nếu các hộ nông dân ứng dụng quy trình làm phân vi sinh để bón cho cây trồng trên đồng ruộng thì chi phí đầu tư sẽ giảm đáng kể mà năng suất lại tăng. Ngoài ra, việc dùng các loại phân hữu cơ lại rất tốt cho cả cây và đất, không chỉ tăng lượng muối khoáng, chất vi lượng mà còn làm đất tơi xốp, góp phần cải tạo đất. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu dùng phân hữu cơ liên tục trong ba năm sẽ giảm được 30% lượng phân hóa học đối với cây trồng.

Bên cạnh đó, cây trồng được bón bằng phân vi sinh tỷ lệ sâu bệnh ít hơn, nhất là các loại bệnh như bọ trĩ, tuyến trùng… Vì vậy, các phụ, phế phẩm nông nghiệp, nếu được xử lý đúng cách thì nó sẽ là một nguồn phân hữu cơ-vi sinh rất tốt cho cây trồng. Ngoài những hiệu quả về kinh tế, việc tận thu các phụ, phế phẩm nông nghiệp cũng giúp cải thiện môi trường ở nông thôn. Chị Trần Thị Hải cho biết, từ khi người dân trong thôn biết làm phân vi sinh thì sau vụ thu hoạch tất cả các phụ, phế phẩm nông nghiệp được gom đống gọn gàng, không còn tình trạng vỏ ngô, cùi ngô… bị vứt bỏ lung tung ngoài đường. Nguồn phân từ gia súc, gia cầm cũng được người dân tận thu, không để vương vãi ra môi trường sống. Tuy nhiên, cái “lợi” quan trọng nhất vẫn là nâng cao trình độ cho người nông dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc nguồn nguyên liệu để ủ phân vi sinh khá dồi dào, tuy nhiên số hộ tận dụng để làm phân vi sinh vẫn chưa nhiều. Thiết nghĩ, nhằm giúp người nông dân ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học sản xuất phân vi sinh phục vụ sản xuất thì cần nhân rộng mô hình này để đông đảo người dân được tiếp cận.


Theo Nhân Dân

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hoangquoc

    Hiện tai chúng tôi đang cung cấp men vi sinh ủ vỏ cà phê với chi phí hợp lý. Sản phẩm đã được cấp phép sản xuất của Bộ NN. Chúng tôi sẳn sàng cử cán bộ kỹ thuật đến tận nơi để hướng dẩn và tập huấn theo yêu cầu của các đơn vị.

    Chúng ta để gì cho con cháu đời sau?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84