Tin buồn

(06-07-2015) Giá cà phê: tìm điểm tích cực giữa cái tiêu cực

Thị trường tài chính loạng choạng ngay sau khi nghe tin dân chúng Hy Lạp nói không trong cuộc trưng cầu dây ý (TCDY) ngày 05-07-2015. Tỉ lệ nói “không” của người Hy Lạp lên đến 61,3% số phiếu, là một tiếng hét lớn với các chủ nợ. Nếu như tiếng hét ấy không khiến chủ nợ giật mình, thì cũng làm cho đồng euro ngay ngày giao dịch 06-07-2015 xuống trầm trọng, dù biết rằng đó chẳng có gì bất ngờ.

Đồng euro trên thị trường tiền tệ khu vực châu Á-Thái bình dương giảm chừng 1,4% và có lúc giao dịch chỉ còn 1 euro ăn 1,0992 USD.

Đồng euro vẫn bị mất giá khi thị trường tiền tệ ở châu Âu và châu Mỹ mở cửa giao dịch. Phiên ngày 06-07, có lúc 1 euro chỉ còn ăn 1,1044 USD, giảm 0,62% khi đang viết bài này.

Đồng euro mất giá và sẽ còn mất giá so với đồng USD do khủng hoảng Hy Lạp sẽ tạo thêm khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, đặc biệt vùng eurozone là vùng nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới từ trước đến nay, là thị trường lớn nhất của hạt cà phê Việt Nam. Một mặt, do giá xuất khẩu cà phê của nước ta gắn chặt với đồng USD, khi đồng euro mất giá so với USD, chắc chắn giá bán cà phê của ta vào thị trường này giảm cạnh tranh. Thêm vào đó, do khó khăn về tài chính, nhu cầu nhập khẩu cà phê của khu vực này sẽ giảm, nhất là khi tồn kho cà phê trong các kho chứa ở châu Âu vẫn còn nhiều. Đó cũng là lý do tại sao một vài công ty nước ngoài phải thuê kho, mua bán cà phê lòng vòng trong nội địa nước ta mà không chở hàng qua thị trường nhập khẩu.

Nhìn từ hướng tiền tệ, tiêu cực là như thế nhưng không phải không có những yếu tố tích cực có thể giúp giá cà phê vực dậy.

Thường thường, khi khủng hoảng tiền tệ, thị trường chứng khoán hay mất giá và các nhà đầu tư phải bám víu vào thị trường hàng hóa nói chung để kiếm chỗ trú ẩn an toàn. Các sàn vàng, bạc, cà phê thường là những sàn có tính thanh khoản cao và được các nhà đầu tư vin vào để “tránh bão”.

Ngày 06-07-2015 tức sau ngày TCDY, thị trường cổ phiếu khắp nơi mở cửa đều đua nhau giảm. Tại London giảm 1,1%, tại Đức gần 2%, còn tại châu Á, đóng cửa chứng khoán Nhật giảm 2,1% và Hàn quốc giảm 2,5%.

Lần này, tuy chưa mượn sàn cà phê, hình như các quỹ đầu cơ đang chọn đồng Yen Nhật làm chỗ trú ẩn như trước đây đã chọn đồng Franc Thụy sỹ hay có lúc mượn đồng đô la Úc làm các đồng bản tệ này tăng chóng mặt, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của chính nước có đồng tiền được đầu tư “tin tưởng”.

Thời tiết thất thường, El Nino tại vành đai Thái bình dương phía châu Á, mưa to ở phía bên kia, lại thêm Brazil chuẩn bị vào mùa rét…đó là các yếu tố phải tính tới vì biết đâu một ngày nào đó dựa trên các dự báo thời tiết, dựng thêm tin đồn để các quỹ đầu cơ chọn hai sàn cà phê làm “đất dung thân” dù biết đó chỉ là tạm thời.

Hôm nay 06-07, có tin vùng Sapa trở lạnh, nhiệt độ xuống mức 12,7 độ C, là một hiện tượng bất thường hiếm thấy.

Khi thị trường tài chính nhiễu động thì các quỹ đầu cơ cũng đang chờ một tin thời tiết bất thường nào đó để mượn cớ chuyển vốn về. Biết đâu được…đó sẽ là sàn cà phê.

Nhưng ngay khi đang viết bài này, chỉ số đồng USD đang tăng 0,32 điểm lên 96,61 điểm, giá cà phê sàn arabica New York đang âm 2.00 cts/lb ở mức 125,40 cts/lb và sàn robusta London giảm 23 USD/tấn còn 1725 USD/tấn.

Thị trường cà phê chưa cưỡng được sự thường tình.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

74